KHÔNG ĐƯỢC QUÊN QUÁ KHỨ
Bà Rịa Vũng Tàu có nhiều Di tích lịch sử, Văn hóa và Danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng. Đầu tư bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh là bảo tồn chính những tiềm năng quyết định sự phát triển kinh tế – văn hóa – xã hội của địa phương. Điều đó đòi hỏi việc bảo tồn, tôn tạo phải tuân theo những nguyên tắc nghiệp vụ.
Dường như cùng với những yếu kém trong quản lý kinh tế, chúng ta chưa thoát khỏi yếu kém trong công tác tư tưởng và văn hóa, bảo tồn và bảo tàng. Dường như, cùng với những thành tựu kinh tế – xã hội đạt được, đội ngũ cán bộ cũng hư hỏng nhiều hơn. Chủ nghĩa cá nhân, cục bộ, bè phái, lối sống thực dụng, tệ quan liêu tham nhũng đang len lỏi vào ngay trong những cơ quan quản lý văn hóa, vào các quy trình nghiên cứu, đề án khoa học như những nguy cơ, thách thức.
Các nguy cơ tụt hậu, chệch hướng, tệ quan liêu, tham nhũng chính là mảnh đất thuận lợi cho kẻ thù diễn biến hòa bình, làm suy giảm hiệu lực của Nhà nước và Luật pháp, làm cho dân không tin Đảng, Đảng mất chỗ dựa trong dân. Nguy cơ ấy là tự đánh mất bản sắc, tự tước bỏ vũ khí tư tưởng và văn hóa. Đó là nguy cơ mất gốc, nguy cơ mất nước. Bước vào thời kỳ mở cửa, hợp tác, phát triển kinh tế thị trường, càng phải nâng cao tầm vóc công tác tư tưởng và văn hóa, bảo tồn và phát huy tác dụng các di tính lịch sử, di sản văn hóa dân tộc, cảnh giác với âm mưu phá hoạt của kẻ thù, với sự tha hóa của chính mình.
Côn Đảo là một di tích lịch sử cách mạng lớn, được Đảng và Nhà nước ta quan tâm chỉ đạo, được các ngành các cấp và địa phương quan tâm đầu tư, tôn tạo, nhưng vẫn còn nhiều bất cập đến khó tin. Sau gần 30 năm giải phóng, một di tích lịch sử tầm vóc quốc gia này vẫn chưa có hồ sơ khoa học. Sự xuống cấp đang hàng ngày diễn ra với nhiều nguy cơ, thách thức. Có những di tích đã được khoanh vùng bảo vệ ở khu vực trọng điểm vẫn đang có nguy cơ bị phá bỏ đi.
Có một nguy cơ xuống cấp nằm ngay trong quá trình trùng tu, tôn tạo. Một cán bộ có trách nhiệm của Bảo tàng tỉnh cho biết, nhiều loại gỗ đưa ra thay thế không đúng qui cách, thậm chí còn thua chất lượng của những dầm xà Trại II, Trại III phải thay ra. Những năm cuối của thế kỷ thứ XX, Phòng 7 Trại II, một trong những trọng điểm đầu tư tôn tạo đã bị sập mái vì chất lượng của các loại vật liệu vừa thay thế.
Có một nguy cơ khác tiềm ẩn trong công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội ở Côn Đảo. Có một sựï xuống cấp vì vi phạm Pháp lệnh bảo tồn các di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh. Trong những năm 1990 của thế kỷ XX, một cầu tàu mới đã được xây dựng cách Cầu Tàu lịch sử không xa. Xưa kia, nơi ấy là một bãi đá ngổn ngang, hàng vạn tảng đá, những tảng đá đã làm nên linh hồn của Cầu Tàu lịch sử. Mới đây, công trình kè đá ven biển và mở con đường mới bao quanh thị trấn đã vùi lấp nốt những khối đá còn lại trên đoạn kè từ Cầu Tàu lịch sử về phía nghĩa trang Hàng Keo.
Cụ Võ An Ninh, nhà nhiếp ảnh lão thành đã ba lần ra đảo, mê mẩn nâng ống kính trước những tảng đá. Bây giờ, bãi đá chỉ còn trong bộ ảnh đen trắng của cụ. Giờ đây, cụ Võ An Ninh đang trăn trở trên giường bệnh, mỗi lần giở lại tập album, cụ lại thẫn thờ thốt lên: “Ôi ! Những tảng đá…”
Những tảng đá lớn hàng thước khối, nặng hàng tấn kia đã đè nát biết bao thân tù khi họ xeo từ Núi Chúa về đây. Không xeo được thì chết vì đòn roi, xeo được thì chết vì kiệt sức. Còn âm vang đâu đây trong từng phiến đá câu ca trường hận của tù nhân: “Côn Lôn ơi, viên đá-mạng người”. Những tảng đá ấy ít nhất đã một lần được ghi vào trong văn bản mang tính pháp lệnh bảo tồn. Quyết định số 66/VH/CP ngày 11-6-1984 của Bộ Văn hoá (nay là Bộ Văn hóa – Thông tin) quy định việc khoanh vùng bảo vệ di tích lịch sử Côn Đảo, “cấm không được lấy đá kè ở bờ biển dùng vào việc khác”.
Đã bao năm qua, những phiến đá mang đầy kỷ niệm đau thương ấy bình yên soi mình trước tấm gương xanh trải rộng trong vịnh Côn Lôn, trầm lặng và kiên nhẫn chờ đợi du khách tới đây, đắm chìm suy tư vào quá khứ trước biển cả gợn sóng biếc xanh, đổi muôn sắc màu huyền ảo.
Nước Mỹ có một khu bảo tàng lớn, được xem như nếu chưa đến đó, chưa biết nước Mỹ. Hiện vật duy nhất còn lại là một viên đá mà người da trắng đầu tiên đã đặt chân lên lục địa này từ vài thế kỷ trước. Cầu Tàu lịch sử có hàng triệu tảng đá có thể làm nên những bảo tàng như vậy.
Giờ đây, cầu tàu mới, con đường mới, kè bê tông mới khang trang đã thay thế vào nơi ấy, cờ, hoa và người chen nhau cùng những đoàn khách ra thăm, hân hoan và lưu luyến. Chỉ thiếu vắng những tảng đá lịch sử, từng chứng kiến bao thăng trầm, lặng lẽ và kiên nhẫn nằm lại đây trong hơn một thế kỷ qua, chờ đón những ai tìm về quá khứ.
Có một hạng mục cũng được ghi trong quyết định 66/VH/CP ngày 11-6-1984 của Bộ Văn hoá nay vẫn còn trôi nổi, chưa biết số phận được định đoạt ra sao, đó là Công Quán. Đây là ngôi Nhà khách (Maisson de passager) được xây dựng từ cuối thế kỷ XIX, nơi dừng chân cho lữ khách đến thi hành công vụ tại đảo. Nhạc sĩ kì tài của nước Pháp Camille Saint Saens đã lưu lại đây tròn một tháng, từ 20-3 đến 19-4-1895. Tại đây, ông đã hoàn tất vở nhạc kịch nổi tiếng Brunehilda. Đấy là dấu ấn đẹp đẽ duy nhất của nước Pháp văn minh trên hòn đảo tù. Những dấu ấn còn lại là của nước Pháp thực dân. Từ nhiều năm trước, Công Quán đã được bảo tồn như một di tích lịch sử. Trên bức tường hướng ra đại dương đã được gắn một tấm biển đồng, vuông chừng 4 tấc, khắc hàng chữ lưu niệm: ” Dans cette maisson vécut le grand compositeur Camille Saint Saens du 20 Mars au 19 Avril 1895, il y acheva l’Opera Brunehilda”.
Đã có những dự án tôn tạo lại ngôi nhà này, sưu tầm bản nhạc nổi tiếng “L’Opera Brunehilda” cùng hình ảnh của ông về trưng bày tại đấy. Thế rồi đến một ngày, tấm biển đồng đã theo lô ve chai vì miếng cơm manh áo. Rồi đến một ngày, ngôi nhà di tích biến thành hạng mục kinh tế, và tiếc thay, đã trở thành hiện vật một vụ án kinh tế, trôi nổi đến bây giờ, khiến chủ nhân đích thực của nó là những người quản lý di tích không có điều kiện tôn tạo, để sự xuống cấp ngày càng thê thảm. Cách đây vài tháng, đã có ý kiến xin dỡ di tích này mà công luận đã lên tiếng phê phán.
Mới đây, ngày 26-6-2002, ANDRÉ MENRAS, một người bạn Pháp từng đấu tranh chống chế độ Mỹ – ngụy , ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của dân tộc ta, bị chính quyền Sài Gòn kết án 4 năm tù tại khám Chí Hòa trong chuyến tìm đường ra thăm lại Côn Đảo đã dừng chân tại Vũng Tàu. Nghe câu chuyện về Camille Saint Saens viết bản L’Opera Brulhilda tại Côn Đảo, ANDRÉ MENRAS phải đau lòng và vui sướng nói rằng: “Tại Béziers thành phố của tôi ở miền Nam nước Pháp có con đường mang tên Camille Saint Saens. Nhưng người Pháp hôm nay – kể cả tôi – để hiểu để biết ý tưởng tuyệt vời của nhà soạn nhạc tài danh đó phải đặt chân đến Côn Đảo. Phải đến Côn Đảo mới có thể hiểu và thấm thía về tác phẩm tài danh đó. Vượt thời gian (từ 1895), Camille Saint Saens đã cảm nhận và tiên đoán trong bản L’Opera Brulhilda thảm họa của sự quên lãng của bất cứ ai đối với cái đẹp của một dân tộc”. ANDRÉ MENRAS đã hứa sẽ làm mọi việc để góp phần tôn tạo di tích này.
Trước khi chia tay, MENRAS vẫn còn sôi nổi nhắc lại điều tâm đắc của anh: “Sẽ là thảm họa cho những ai lãng quên cái đẹp của một dân tộc, lãng quên quá khứ hào hùng của một dân tộc“.
Có một sự xuống cấp nằm trong những bản luận chứng bảo tồn. Khi đào móng xây tường rào bao quanh nghĩa trang Hàng Dương, nhiều ngôi mộ tù đã bị xới lên. Ông Chủ tịch huyện Côn Đảo và nhiều cán bộ lãnh đạo tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã làm lễ cải táng, đưa số hài cốt ấy vào nơi qui hoạch. Người ta dự đoán rằng sẽ còn những ngôi mộ nằm ngoài tường rào của nghĩa trang, song vấn đề đặt ra là tiếp tục tìm kiếm, quy tập hay khảo sát, nghiên cứu, phát hiện và định lại đường ranh để bảo tồn đúng hiện trạng di tích? Câu hỏi này đến nay chưa có lời giải đáp.
Điều đáng tiếc là chính luận chứng bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử đặc biệt Nghĩa trang Hàng Dương lại xâm phạm, phá vỡ hiện trạng của di tích. Trước khi hoàn thành luận chứng, các kiến trúc sư đã đi khảo sát và được nghe những nguy cơ sai lầm do việc thiếu hiểu biết về hiện trạng của nghĩa trang, về đặc điểm lịch sử các ngôi mộ và ghi nhận tất cả, nhưng sự xâm phạm các phần mộ, huỷ hoại một phần di tích lịch sử đặc biệt này vẫn diễn ra. Đó là sự xuống cấp của một qui trình nghiên cứu khoa học.
Sự xuống cấp thuộc loại nguyên nhân này còn nằm ngay trong Đề án bảo tồn khu di tích lịch sử Côn Đảo. Đã gần 30 năm sau ngày giải phóng, đã có gần trăm tỷ đồng đổ vào khu di tích để trùng tu tôn tạo nhiều hạng mục công trình nhưng đến nay Đề án bảo tồn tổng thể khu di tích mới khởi thảo trong khi từng di tích và tổng thể di tích vẫn chưa hoàn thành Hồ sơ khoa học. Những kết luận mơ hồ, sai lệch đọng lại ngay trong Đề án khi đề cập đến mỗi di tích.
Hầm phân bò được Đề án xếp vào loại di tích đặc biệt, đặc trưng cho lối tra tấn man rợ, ngâm người xuống hố phân cho đến khi chết hoặc chịu khuất phục. Song không ai giải đáp được rằng chuyện ấy xảy ra khi nào? Có bao nhiêu người bị hành hạ theo kiểu ấy? Tên tuổi và địa chỉ vài người? Chứng cứ để xác nhận cho di tích này?
Câu trả lời cho các câu hỏi trên là nghe nói thế, có thể như thế. Với cảm nhận riêng của từng người thì có thể kẻ địch tàn ác hơn như vậy, nhưng một di tích lịch sử lại không tồn tại bằng những luận điểm có thể, điều đó có thể không có sức thuyết phục, ấn tượng mơ hồ có thể gieo vào nhiều người khi đứng trước di tích lịch sử đặc biệt này.
Nghĩa trang Hàng Dương cũng được xếp vào loại di tích đặc biệt, nơi chôn cất 2 vạn nấm mộ tù nhân. Điều này có thể là một trong những sai lầm vào loại lớn của Đề án. Nghĩa trang Hàng Dương chỉ được hình thành từ năm 1941 với số liệu ước tính gần sát thực tế là khoảng 5.000 ngôi mộ. Trước đó là Nghĩa trang Hàng Keo nằm ở một vị trí khác, đã hoàn toàn bị bỏ rơi ngoài Đề án.
Một tập thể 75 chiến sĩ bị xử bắn tại Cỏ Ống cũng có thể là một sai lầm tương tự. Điều lạ lùng là không ai biết ngày bắn, không ai biết lấy một tên người bị bắn, không ai dám chắc có một mẩu xương nào dưới ngôi mộ ấy, không có một hồ sơ chứng cứ nào mà di tích vẫn tồn tại với luận điểm nghe nói thế, có thể có chuyện này. Đấy là sự xuống cấp của tư duy khoa học trong lĩnh vực bảo tồn.
Việc tôn tạo Nghĩa trang trong một thời gian dài đã bỏ qua các nguyên tắc bảo tồn di tích, vi phạm Pháp lệnh bảo tồn các di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh nhưng Ngành Văn hóa Thông tin từ Trung ương đến cơ sở đều im lặng, cho đến khi dư luận lên tiếng. Hàng loạt hoạt động qui tập và di dời hài cốt, khai quật và kiểm tra di tích, xây và đập phá tượng đài trong khu vực di tích, phá hủy hiện trạng các di tích đã xếp hạng và di tích đang lập hồ sơ… đều do Chủ đầu tư cùng Ban quản lý công trình thực hiện, không hề xin phép hoặc trao đổi với cơ quan quản lý Nhà nước về Văn hóa. Có thể nói không quá đáng, trong một chừng mực, ở di tích này, Ngành Văn hoá Thông tin đã đánh mất vai trò quản lý.
Trong những năm gần đây, Ngành Văn hóa Thông tin đã có những chuyển biến tích cực. Bộ Văn hóa Thông tin đã cấp kinh phí và chỉ đạo Sở Văn hóa thông tin tỉnh lập Hồ sơ di tích, lập Đề án khoanh vùng bảo vệ Di tích lịch sử Nhà tù Côn Đảo. Bản Đề án Quy định khu vực bảo vệ Di tích lịch sử Côn Đảo của Sở Văn hóa Thông tin tỉnh, lập ngày 12-5-1997 (theo phương án II) đã đánh giá được những nội dung cơ bản của các di tích và đưa ra được Quy định các khu vực cần bảo vệ.
Tuy nhiên, theo phương án này, còn nhiều di tích bị lãng quên cần bổ sung vào Khu vực I như: Sở Lưới, Kè Đá ven biển, Sở Recherche (Truy tầm tù trốn), Nghĩa địa Tây, toàn bộ Nghĩa trang Hàng Keo, định lại ranh giới Nghĩa trang Hàng Dương cho đúng với hiện trạng. Hiện nay, vẫn có nhiều ý kiến khác nhau về việc bảo tồn khu di tích này, bảo tồn toàn bộ hay chỉ bảo tồn những giá trị tiêu biểu. Lý do chủ yếu để bảo vệ cho quan điểm bảo tồn những giá trị tiêu biểu là… lớn quá, tiền đâu để bảo tồn… rộng quá, đất đâu để phát triển… ra Côn Đảo chỉ thấy có nhà tù. V.v và v.v…
Trong cuộc Hội thảo ngày 20-5-1997 tại Vũng Tàu, một số cán bộ Ngành Bảo tồn Bảo tàng đã đưa ra quan điểm “bảo tồn có trọng điểm” để thay thế việc đầu tư tôn tạo một số di tích đã được xếp hạng bằng các loại sơ đồ, sa bàn, phim ảnh… Song nếu ý tưởng trên được thực hiện, chắc chắn sẽ gây ra sự đảo lộn về đội ngũ cán bộ trong ngành, trước hết, phải thay thế các cán bộ có nghiệp vụ Bảo tàng bằng những nghệ sỹ quay phim, chụp hình.
Khu di tích Lịch sử Nhà tù Côn Đảo với ý nghĩa tố cáo sâu sắc những tội ác tột cùng của chủ nghĩa thực dân đế quốc và nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng của Đảng ta, của dân tộc ta cần phải được bảo tồn trọng điểm. Đó là những giá trị văn hóa vô giá không gì thay thế được. Nhân dân Pháp, nhân dân Mỹ và nhân loại tiến bộ cũng sẽ đến đây để tìm hiểu hệ thống nhà tù của chủ nghĩa thực dân cũ và mới mà không nơi nào có được, để tự tìm những câu giải đáp từ di tích này, đâu là chính nghĩa, nhân quyền, vì sao Việt Nam chiến thắng, Pháp Mỹ thua.
Các thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay và mai sau cũng sẽ đến đây để tìm hiểu về cội nguồn, để hiểu về cái giá của độc lập tự do mà các thế hệ tiền bối đã đổi bằng xương máu, để biết nâng niu trân trọng hạnh phúc được sống trong độc lập tự do. Họ đến Côn Đảo, và Di tích nói với họ điều đó, không gì thay thế được.
Kinh tế càng phát triển thì dân trí và nhu cầu văn hóa ngày càng cao, đất nước càng mở cửa thì càng phải giữ vững định hướng XHCN, trong đó phải đặc biệt chú trọng giáo dục truyền thống cách mạng, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Đó cũng là một trong sáu định hướng lớn về công tác tư tưởng mà Bộ chính trị Trung ương Đảng đề ra trong thời kỳ đẩy mạnh công cuộc Đổi mới, Công nghiệp hóa, Hiện đại hóa. Côn Đảo không chỉ là một khu di tích đơn thuần mà còn là một trung tâm văn hóa, khoa học, một trung tâm dịch vụ trong chương trình khai thác những di sản tinh thần và vật chất, đem lại hiệu quả không chỉ về tinh thần mà cả vật chất, ngày càng nhiều hơn trong tương lai.
Bộ Văn hóa thông tin cần đầu tư hơn nữa cho Côn Đảo. Khu di tích lịch sử Côn Đảo là công trình tầm vóc quồc gia, song sự đầu tư về cán bộ, kinh phí, nghiệp vụ của Bộ là chưa thỏa đáng. Việc phân cấp quản lý cũng cần phân định sớm, để thấy rõ trách nhiệm của Bộ, của tỉnh và của huyện. Công tác Bảo tồn, tôn tạo và phát huy tác các di tích lịch sử là một vũ khí sắc bén trên mặt trận tư tưởng và văn hóa. Có nhiều vấn đề, những người làm công tác tư tưởng và văn hóa còn phải chờ đợi. Đội ngũ cán bộ, phương tiện làm việc, kinh phí nghiệp vụ, chế độ đãi ngộ… còn nhiều điều bất cập. Trong khi đó, những ảnh hưởng tiêu cực của kinh tế thị trường đang từng ngày tác động làm xói mòn cả con người lẫn di tích. Hơn ai hết, những cán bộ Ngành Bảo tồn Bảo tàng phải là những chiến sỹ tiên phong trên mặt trận này./.
Nguyễn Đình Thống