LÊ DUẨN – Người học viên xuất sắc trong nhà tù Côn Đảo
Cuối năm 1933, thực dân Pháp đày 200 tù chính trị ở Sơn La và Hòa Lò (Hà Nội) ra Côn Đảo, trong số đó có đồng chí Lê Duẩn và một số cán bộ lãnh đạo Xứ ủy, Tỉnh ủy, ở Bắc Kỳ. Đồng chí Lê Duẩn bị cấm cố ở Banh II.
Banh II lúc đó đã có Ban lãnh đạo ở mỗi khám và Ban lãnh đạo chung trong banh do các đồng chí Phạm Hữu Lầu, Nguyễn Văn Cừ, Hoàng Quốc Việt, Phạm Văn Đồng, Lương Khánh Thiện… phụ trách, dưới hình thức các Ban trật tự để che mắt địch. Trong lúc Chi bộ đặc biệt ở Banh I lãnh đạo tù nhân án khổ sai đấu tranh đòi giảm nhẹ mức khổ sai thì Ban lãnh đạo Banh II chủ trương tổ chức học tập văn hóa, lý luận và lãnh đạo tù chính trị Banh II đấu tranh đòi cải thiện chế độ nhà tù, đòi được đọc sách báo, được nhận thư từ, bưu phẩm và đòi quy chế tù chính trị. Trên cơ sở những thắng lợi giành được qua các cuộc đấu tranh trong những năm 1933-1934, Ban lãnh đạo Banh II chủ trương đẩy mạnh việc học tập nhằm nâng cao trình độ cho cán bộ, đảng viên.
Nhờ giữ vững liên lạc với Đảng ta và Đảng Cộng sản Pháp, các đồng chí ở Côn Đảo có được nhiều tác phẩm kinh điển của chủ nghĩa Mác như: Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, Tư bản, Chống Đurinh, Chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán, Làm gì? Bệnh ấu trĩ “tả” khuynh trong phong trào cộng sản, Hai sách lược của Đảng xã hội – dân chủ trong cách mạng dân chủ, Nguyên lý của chủ nghĩa Lênin, Những vấn đề của chủ nghĩa Lênin v.v… Một số đồng chí có trình độ đã tóm tắt, lược dịch làm tài liệu học tập cho anh em.
Hai lớp triết học và kinh tế chính trị học chương trình B (trung cấp) thu hút hàng trăm tù chính trị Banh II. Các đồng chí có trình độ lý luận, đã tốt nghiệp Đại học phương Đông ở Liên Xô hoặc đã qua các lớp huấn luyện ở Quảng Châu do đồng chí Nguyễn Ái Quốc mở được chỉ định làm giảng viên. Sau khi nghiên cứu kỹ bài giảng, các đồng chí trình bày trước lớp học. Những đề mục và nội dung cơ bản được viết lên nền khám bằng những mẩu san hô đã nung thành vôi. Sau mỗi bài giảng, mọi người lại thảo luận sôi nổi trong từng nhóm hay thảo luận chung trong lớp.
Lớp A (chương trình cao cấp) dành cho một số đồng chí có trình độ như Nguyễn Văn Cừ, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Bùi Công Trừng… chuyên nghiên cứu các tác phẩm kinh điển của Mác, Ăngghen, Lênin, từ nguyên bản tiếng Pháp. Đồng chí Lê Duẩn thích nghiên cứu sách kinh điển bằng cách mỗi người đọc và nghiên cứu kỹ một tác phẩm rồi trình bày nội dung cơ bản cho mọi người nghe, giải nghĩa từng chương, từng phần, trên cơ sở đó mà mọi người thảo luận rồi giải nghĩa từng đoạn, từng câu. Nhiều vấn đề được nêu lên và thảo luận sôi nổi. Các đồng chí Lê Duẩn, Nguyễn Văn Cừ, Bùi Công Trừng, thường tranh luận với nhau hàng ngày, vấn đề gì cũng phải giải quyết triệt để mới thôi, chỗ nào chưa hiểu lại đem sách kinh điển ra đọc lại từng câu, từng ý.
Học vấn đề gì đồng chí Lê Duẩn cũng thường liên hệ với thực tiễn cách mạng Việt Nam, với lịch sử dân tộc để rút ra những bài học bổ ích. Đồng chí thường nói với anh em: “Học lý luận cách mạng là cốt để vận dụng một cách sáng tạo vào cuộc vận động cách mạng mà mình đang tiến hành; do đó mà cần phải có tình thương vô hạn với nhân dân, với dân tộc và loài người đau khổ thì mới biến lý luận thành hành động cách mạng được.” |
Khi nghiên cứu tác phẩm Chống Đurinh (của Ăngghen), đến câu: “La violece lest? L’accouchement de toute sociétte grosse d’une nouvelle” (Bạo lực là bà đỡ của mọi xã hội cũ đang thai nghén ra một xã hội mới) thì mọi người tranh luận rất nhiều. Có đồng chí hiểu như vậy là chưa đúng chủ nghĩa Mác, xã hội mới đã thai nghén sẵn trong lòng xã hội cũ, cũng như người phụ nữ thai nghén đứa con trong bụng, cần người đỡ cho đứa con ra đời.
Những năm 1935-1936, cùng với những thắng lợi giành được trong cuộc đấu tranh đòi giảm nhẹ khổ sai, cải thiện chế độ nhà tù và đòi quy chế tù chính trị, phong trào học lý luận và văn hóa phát triển sôi nổi khắp Banh I và Banh II. Các khám tù chính trị ban đêm đèn sáng như sao, mọi người chụm đầu vào đọc và viết. Những đồng chí án nhẹ 5 năm, 10 năm tin có ngày về ráng học để phục vụ cách mạng. Các đồng chí mang án chung thân lưu đày cũng tin tưởng sự thành công của cách mạng mà học. Ngay cả những người không nghĩ đến ngày về cũng lao vào học để hiểu thêm lẽ sống, để sống lạc quan, tăng thêm sức mạnh đấu tranh với quân thù. Đồng chí Lê Duẩn và đồng chí Nguyễn Văn Cừ được anh em tù công nhận là hai học viên lý luận xuất sắc nhất, còn đồng chí Bùi Công Trừng thì được mệnh danh là “giáo sư đỏ”, “lý luận gia mác xít”.
Năm 1936, do thắng lợi trong phong trào đấu tranh của nhân dân ta và phong trào Mặt trận bình dân Pháp, đồng chí Lê Duẩn cùng hàng trăm tù chính trị ở nhà tù Côn Đảo được trả lại tự do, cung cấp một nguồn cán bộ lãnh đạo cho Đảng ta.
Tháng giêng năm 1940, đồng chí Lê Duẩn lại bị thực dân Pháp bắt ở Sài Gòn và sau đó bị đày ra Côn Đảo. Lần này đồng chí bị giam ở khám 8 Banh III, khu vực dành riêng cho những người tù “nguy hiểm”. Đồng chí vẫn tiếp tục giúp anh em học tập bằng cách trao đổi, giải thích các vấn đề lý luận và giảng giải các nghị quyết của Đảng.
Sau cuộc khởi nghĩa Nam kỳ, thực dân Pháp khủng bố rất khốc liệt. Hàng ngàn tù chính trị đã chết trong thời kỳ này vì đòn roi và chế độ đày ải khắc nghiệt, vì các bệnh kiết lỵ, ghẻ hờm. Đồng chí Lê Duẩn thường khuyên anh em không nên ăn cá khô mục của nhà tù, một trong những nguyên nhân gây ra bệnh kiết lỵ. Thỉnh thoảng, Bác Tôn phụ trách công tác cứu tế khi đó lái ca nô ở Sở Lưới chuyển vào cho một ít mắm tép, cá kho anh em chia nhau bồi dưỡng để giữ gìn sức khỏe.
Những người bạn tù trong Khám 8 Banh III cò nhớ hình ảnh đồng chí Lê Duẩn không một mảnh vải trên người, trầm ngâm hàng ngày, hàng giờ, đi lại chậm rãi quanh khám giam, suy nghĩ về đường lối cách mạng giải phóng dân tộc. Khi nảy ra một ý kiến gì hay, đồng chí trao đổi ngay với anh em, và tranh luận rất sôi nổi. Cũng tại nơi này, đồng chí đã nhận tấm áo của người bạn tù Vũ Văn Hiếu, người Bí thư đầu tiên của khu mỏ Hồng Quảng trước khi nhắm mắt với lời trăng trối: “Ráng sống mà hoạt động cho cách mạng”.
Từ cuối năm 1943, Bác Tôn và đồng chí Phạm Hùng bố trí cho đồng chí Lê Duẩn ra làm y tá ở nhà thương Côn Đảo, nhằm giải tỏa chế độ cấm cố, bảo vệ cán bộ. Với trí tuệ sắc sảo, đồng chí Lê Duẩn đã đóng góp với Đảo ủy nhiều ý kiến quan trọng trong các chủ trương hoạt động và đấu tranh với địch.
Tháng 8-1945, được tin phát xít Nhật bại trận và nhiều nơi trong nước đã khởi nghĩa giành chính quyền, anh em tù chính trị thảo luận sôi nổi. Nhiều người đề nghị nên cướp chính quyền ở Côn Đảo rồi tổ chức vượt biển về đất liền. Đồng chí Lê Duẩn đã đề xuất chủ trương giành chính quyền bằng phương pháp hòa bình để tránh đổ máu không cần thiết. Chủ trương ấy được Đảo ủy chấp nhận và giao cho đồng chí cùng các đồng chí trong Đảo ủy đi giải thích, thuyết phục anh em tù. Đồng chí cũng là một thành viên của đoàn đại biểu tù chính trị đến đấu tranh với Lê Văn Trà, quyền chúa đảo lúc ấy, đòi giao chính quyền ở Côn Đảo cho tù chính trị.
Trung tuần tháng 9 năm 1945, Ủy ban hành chính Nam Bộ đã đưa tàu “Phú Quốc” và một đoàn ghe ra đón chính trị phạm ở Côn Đảo. Gần 2000 tù chính trị ở Côn Đảo về đã lao vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược và trở thành cán bộ lãnh đạo chủ chốt của các tỉnh Nam Bộ trong những ngày đầu của cuộc kháng chiến. Đồng chí Lê Duẩn được cử làm Bí thư Xứ ủy và sau đó là Bí thư Trung ương Cục miền Nam.
Nguyễn Đình Thống