Cảm nghỉ về thăm lại Côn Đảo
Giữa biển khơi mênh mông nổi lên những đỉnh núi cao sừng sững, những vạt rừng xanh thẳm lan ra tới tận chân sóng trắng phau và những con đường trải nhựa uốn mình lượn quanh chân núi… Côn Đảo – báu vật của Tổ quốc Việt Nam.
Côn Đảo, với quá khứ đau thương và oai hùng đã để lại trong lòng bao du khách những ấn tượng khó quên!
Những ai đã từng một lần đặt chân đến đều không sao quên được vẻ đẹp say mê lòng người, những cảnh sắc kỳ thú của biển trời, đồi núi, rừng cây, bờ biển mà thiên nhiên đã hào phóng ban tặng cho Côn Đảo. Được xem là hòn đảo du lịch với những bãi tắm hoang sơ và tuyệt đẹp, làn nước trong xanh mát lạnh, bãi cát dài phẳng mịn. Không khí trên đảo thật trong lành, thị trấn mơ màng dưới bóng những cây bàng cổ thụ và những bờ tường rêu phong, Côn Đảo được ví như thiên đường nghỉ dưỡng.
Ôi ! Côn Đảo với cảnh quan hấp dẫn người ta là vậy, nhưng chiến tranh xâm lược, sự đô hộ và áp bức của thực dân Pháp và các thế lực đế quốc xâm lược đã biến Côn Đảo thành địa ngục trần gian. Với thời gian dài đô hộ của các thế lực thực dân, đế quốc : mười sáu hòn đảo giữa biển khơi xanh biếc cây cối đã phải đè nặng trên mình Nhà tù, tháp canh, trại lính…
Cách nay hơn một thế kỷ thực dân Pháp đã biến Côn Đảo thành một nhà tù lớn nhất xứ Đông Dương. Hàng chục vạn lớp người yêu nước Việt Nam từ khắp mọi miền đất nước đã bị lưu đày ở đây vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Không cam chịu cảnh đọa đày, không chịu khuất phục và chết dần chết mòn trong ngục tối, những người con ưu tú của dân tộc đã đoàn kết và đấu tranh, cải biến chế độ lao tù, biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng, thành mặt trận đấu tranh, tiến công địch ngay cả lúc sa cơ thất thế. Cuộc đấu tranh trong nhà tù Côn Đảo nhằm bảo vệ quyền sống, bảo vệ khí tiết của người chiến sĩ cách mạng đã rực sáng phẩm chất kiên cường, là những trang đẹp nhất trong bản anh hùng ca giữ nước của dân tộc.
Ngày nay, Côn Đảo trở thành hòn ngọc của Tổ quốc, di tích nhà tù Côn Đảo là địa chỉ đỏ cho các thế hệ người Việt Nam tham quan học tập truyền thống đấu tranh kiên cường, bất khuất của các thế hệ ông cha…
Đối với nhiều du khách đến đây, dấu ấn sâu lắng nhất đọng lại trong họ là di tích: Cầu tàu 914, những trại giam, chuồng cọp, chuồng bò, ma thiên lãnh, nghĩa trang hàng dương…là minh chứng cho tội ác của thực dân – đế quốc. Hàng chục, hàng trăm ngàn lượt tù nhân đã từng bị giam cầm, đày ải, chết dần, chết mòn trong ngục tối. Hơn hai vạn người đã vĩnh viễn nằm lại nơi mảnh đất thiêng liêng này.
Nhiều du khách đã đứng lặng hồi lâu trước những trại giam, nghĩa địa tù…đắm chìm suy tư vào quá khứ, hình dung lại kiếp sống đọa đày trong ngục tối của tù nhân, cùng những mất mát hy sinh tranh đấu để giành chiến thắng trước mũi súng quân thù.
Ở Côn Đảo mỗi tảng đá, mỗi gốc cây, mỗi thảm cỏ, lối đi trong trại giam đều thấm đẫm máu người tù của hơn một thế kỷ đấu tranh.
Tham quan di tích lịch sử nhà tù Côn Đảo cảm nhận chung của mọi người đều bồi hồi xúc động trước những mất mát, hy sinh lớn lao vượt sức tưởng tượng và chịu đựng của con người. Mỗi hiện vật, mỗi ngôi mộ, xà lim, hầm tối…không chỉ là một số phận, một chứng tích tội ác của thực dân – đế quốc mà còn âm vang những trang sử hào hùng của cuộc đấu tranh trong tù, tỏa sáng chủ nghĩa nhân văn và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam.
Côn Đảo ngày nay đã là một mảnh đất thanh bình và ấp áp tình người. Tham quan du lịch Côn Đảo xem như một trải nghiệm về tâm linh để tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với các anh hùng dân tộc đã chiến đấu, hy sinh vì cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân.
Từ tháng 4/1975 Côn Đảo trở về với Tổ quốc Việt Nam thống nhất, đảng bộ và nhân dân huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu quyết tâm biến hòn đảo tù ngục trở thành hòn đảo ngọc, trù phú giàu đẹp. Sau hơn 35 năm phấn đấu, xây dựng và thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng cộng sản Việt Nam khởi xướng, lãnh đạo ; Côn Đảo đã lập được những mốc quan trọng trên bước đường phấn đấu: Là trung tâm dịch vụ hàng hải, đánh cá trong nước và quốc tế, bộ mặt cảnh quan Côn Đảo đã khang trang đẹp đẽ hơn nhờ vào sự nỗ lực phấn đấu xây dựng cơ sở hạ tầng, đường sá, cầu cống, nhà ở…..thông tin liên lạc giữa Côn Đảo với đất liền được thông suốt. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện và ngày một nâng cao, điều đó làm cho Côn Đảo xích lại gần hơn với đất liền.
Côn Đảo với thế núi, dáng đảo và màu xanh bất tận của biển trời, với cảnh sắc và con người trong quá khứ và hiện tại đã dâng hiến cho du khách một lần đến thăm đảo có một niềm tin vào sự thánh thiện, vĩnh hằng, du khách rời xa Côn Đảo nhưng vẫn luôn nhớ, luôn mong ngày thăm trở lại.
Phùng Thị Hương
(Bảo tàng Bà Rịa Vũng Tàu)