Địa danh Mô Xoài
Về nguồn gốc địa danh Mô Xoài trước nay có nhiều ý kiến khác nhau. Nghiên cứu, tìm hiểu địa danh này sẽ góp phần vào việc làm rõ lịch sử-văn hóa của vùng đất, một trong những điểm khai phá đầu tiên ở vùng đất phương Nam và cả về phương diện địa danh học.
Hiện nay, khu vực xung quanh thành phố Bà Rịa (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) có một số địa danh liên quan đến thành tố “xoài” với địa danh Mô Xoài như: núi Xoài, núi Mô Xoài, đồng Xoài, gò Xoài, sông Xoài, xã Sông Xoài (huyện Tân Thành).
Trong Gia Định thành thông chí (1820), Trịnh Hoài Đức đã 12 lần nhắc đến một địa danh chỉ 6 đối tượng ở liên quan đến địa danh Mô Xoài (núi, sông, thành, luỹ, đạo, đồn) viết bằng hai chữ Mỗi (Hán) và Xoài (Nôm).
Khi phiên từ tổ Hán – Nôm này sang chữ quốc ngữ, Nguyễn Tạo đưa ra 7 cách đọc: Mỏ Xoài, Mô Xoài, Mỗi Xuy, Mũi Xoài, Mũi Xôi, Mũi Xuy, Mũi Xuý.[1]
Các dịch giả Đỗ Mộng Khương, Nguyễn Ngọc Tỉnh theo mặt chữ phiên âm địa danh này là Mỗi Xoài.[2] Lý Việt Dũng khi dịch Gia Định thành thông chí ghi địa danh này là Mô Xoài.[3] Trong Tiểu giáo trình địa lý Nam Kỳ (1875), Trương Vĩnh Ký vẫn ghi địa danh này là núi Mô Xoài (Trấn Biên Sơn), sông Mô Xoài (Hương Phước Giang).[4] Và Vương Hồng Sển cho biết trong di cảo của Trương Vĩnh Ký, âm của địa danh Mô Xoài trong tiếng Khmer là phnom svày kompra.
Năm 1944, trong Nam Kỳ lục tỉnh dư địa chí Thượng Tân Thị dịch địa danh này là Mo Xay. Vương Hồng Sển cho rằng Nguyễn Tạo khi phiên âm địa danh Mô Xoài thành Mỗi Xui, Mũ Xuy, Mỏ Xoài, Mũi Xuy, Mũi Xoài đều không đúng.[5]
Trong một bài nghiên cứu của mình, Lê Hương (1969) gọi núi Mô Xoài là Phnom Svay Kompra, sông Mõ Xoài là Tonlé Svây Komprà.[6]
Việt Nam từ điển của Lê Văn Đức ghi địa danh này là Mô Xoài, cũng gọi Môi Xui hay Mỗi Xúy.[7]
Bùi Đức Tịnh (1999) giải thích về địa danh Mọi Xoài như sau:“mọi” chỉ dân tộc ít người theo cách nói thời phong kiến và “xoài” loại trái cây ăn được có chỗ mọc nhiều trong rừng. Những sử sách chữ Hán từ Minh Mạng về sau vì chủ trương bỏ chữ Nôm nên viết thành xuy. Do các sự kiện phức tạp này, vùng đất đáng lý là Mọi Xoài, đã được các sách viết bằng chữ Quốc ngữ ghi là Mô Xoài, Mũi Xuy, Mỗi Xuy…”.[8]
Đinh Xuân Vịnh (2002) thì ghi Mô Xoài, Mõi Xui, Mỗi Xui.[9] Lê Trung Hoa đã đưa ra cách lý giải về những tên gọi liên quan đến địa danh Mô Xoài với 3 dạng địa danh có nghĩa (Mô Xoài, Mũi Xoài, Mọi Xoài) sau khi đã loại trừ 8 dạng vô nghĩa hoặc không rõ nghĩa (Mỏ Xoài, Mộ Xoài, Môi Xuy, Môi Xui, Mỗi Xoài, Mũi Xôi, Mũi Xuy, Mũi Xúy).
Mô Xoài có nghĩa là “mô đất có (nhiều) cây xoài”. Nhưng tên Mô Xoài có mấy điều bất hợp lý. Hai vần o và ôi có quan hệ chuyển đổi với nhau nhưng vần ỗi (mỗi) không thể chuyển đổi với vần ô (mo). Do đó, mỗi không thể đọc là mo được. Nếu cần ghi Mô (Xoài) thì đã có từ mô (mô phạm, qui mô), không cần mượn âm từ mỗi. Mô là “khối đất đá không lớn lắm, nổi cao hơn chung quanh”.[10] Đối tượng đang khảo sát ở đây lại là tên núi, tên sông nên không thể gọi là Mô Xoài được. Mũi Xoài có nghĩa là “mũi đất có nhiều cây xoài”. Từ Hán – Việt mỗi có thể đọc mũi. Nhưng đây là tên núi, tên sông ở sâu trong đất liền nên gọi là Mũi Xoài không hợp lý. Cho nên chỉ có Mọi Xoài có thể đúng là tên gọi của các đối tượng trên. Launay đã dùng chữ cái La tinh để ghi địa danh này là Moi Xoai do phải bỏ dấu.
Ở Nam Bộ có hai địa danh mang từ Mọi là rạch Mọi (Tiền Giang) và xóm Mọi Lèo ở Sài Gòn. Từ Mọi ở đây chỉ đồng bào dân tộc thiểu số theo cách gọi với ý xem thường của những người trong chế độ phong kiến. Và hiện nay, tại đây vẫn còn nhiều đồng bào dân tộc Châu Ro sinh sống. Cho đến hiện nay khu vực này có rất nhiều cây xoài rừng. Xoài ở đây nhỏ trái, có nhiều xơ, khi ăn phải mút chứ không thể gọt nên gọi là xoài mút.
Và tác giả kết luận, gọi là địa danh Mọi Xoài mới hợp lý trong 3 cách gọi Mô Xoài, Mũi Xoài, Mọi Xoài vì nơi đây có nhiều đồng bào dân tộc Châu Ro sinh sống và có nhiều cây xoài rừng.[11]
Nhưng theo chúng tôi, luận giải này chưa thuyết phục lắm. Mọi Bà Rịa là tên chỉ nơi trung tâm sinh sống của dân tộc Mạ ở phía bắc Bà Rịa vào cuối thế kỷ XIX, nó được thể hiện rõ trong An Nam đại quốc họa đồ của Taberd. Mọi Bà Rịa có thể dịch nôm từ “Bà Rịa man” hay “Bà Rịa man quốc”. Ngoài ra, trên bản đồ còn ghi “Mọi Vị”, “Mọi Bồ Vun”, “Mọi Bồ Nông”, “Mọi Đá Hàn”, “Mọi Đá Vách”, “Mọi Đá Rách”. Mọi Bồ Nông chỉ dân tộc Mnông vì còn có tên Pnông hay Nông. Mọi Đá Vách chỉ dân tộc Hrê.[12]
Hơn nữa, trước nay để đặt tên một tộc danh người ta thường căn cứ vào tên riêng của nhóm địa phương hoặc đặc điểm địa hình nơi dân tộc đó cư trú và cũng chưa thấy có trường hợp dùng tên một loài cây ghép với tên chỉ dân tộc ít người (mọi) để đặt địa danh như ý kiến của Lê Trung Hoa. Trường hợp địa danh Mọi Lèo[13] mà tác giả đã dẫn ở trên cũng nằm trong quy luật cấu tạo địa danh mà chúng tôi vừa nêu.
Thành tố “mô” đã được sử dụng để đặt địa danh cũng khá phổ biến như Mô Súng là mô đất đắp cao, nơi tập bắn súng của binh sĩ dưới thời nhà Nguyễn, nay ở vị trí công trường Dân Chủ, quận 3 (TP. Hồ Chí Minh).
Đồng Mô (thị xã Sơn Tây và một phần huyện Ba Vì, Hà Nội), nay là khu du lịch. Vùng đất này ngày xưa gắn với truyền thuyết Sơn Tinh-Thủy Tinh đánh nhau.
Hòn Mô (Bình Sơn, Bằng Sơn, núi Bằng), được vua Gia Long đổi thành Ngự Bình, dân gian gọi là núi Ngự. Ngọn núi nằm bên bờ sông Hương, cách thành phố Huế 4km về phía nam, cao 105m, hình thang cân.
Do vậy, không nên chỉ hiểu mô là “khối đất đá không lớn lắm, nổi cao hơn chung quanh” theo như cách giải nghĩa của Từ điển tiếng Việt, mà phải căn cứ trên địa hình thực tế. Các ngọn núi ở khu vực xung quanh Bà Rịa gồm có núi Dinh (tên cũ là núi Mô Xoài, núi Trấn Biên), núi Thị Vải, núi Bao Quan…Do đó, khả năng ban đầu từ địa danh chỉ địa hình thiên nhiên là mô Xoài để chỉ mô đất [không phải nhỏ về diện tích], dần dần chuyển thành địa danh vùng là Mô Xoài, bao gồm địa bàn các phường, xã của thành phố Bà Rịa hiện nay (Phước Hưng, Phước Hiệp, Phước Nguyên, Long Toàn, Phước Trung, Long Hương, Hòa Long và Long Phước), và đã mất đi cái ý nghĩa ban đầu vốn chỉ là “mô đất”.
Khái niệm xứ, xứ đất ở Nam Bộ rất “co giãn”. Đó có thể là một ấp, thôn, xã, huyện, tỉnh hay rộng hơn chỉ cả một miền như Nam Bộ, như ta có miếu Bà Chúa Xứ của ấp và miếu Bà Chúa Xứ của cả Nam Bộ (Châu Đốc). Các thôn thuộc tổng An Phú Hạ trong địa bạ Minh Mạng (1836) như Long Hương, Phước Lễ, Long Kiên, Long Xuyên đều thấy ghi thuộc xứ Mô Xoài là vì vậy.
Tương tự, trong số các địa danh chỉ địa hình thiên nhiên ở khu vực này là gò Xoài, núi Xoài, đồng Xoài, sông Xoài, có 3 địa danh được chuyển hóa:
– Núi Xoài à núi Mô Xoài, sông Xoài à sông Mô Xoài: chuyển hóa trong nội bộ một loại địa danh (bàu Giang à rạch Bàu Giang, gò Nổi à rạch Gò Nổi…).
– Sông Xoài à xã Sông Xoài: chuyển sang địa danh hành chính (sông Bến Lức à huyện Bến Lức, sông Vàm Cỏ à huyện Vàm Cỏ…).
Người Châu Ro gọi núi Thị Vải là Gung Xoai, núi Chứa Chan là Gung Char.[14] Gung Xoai ở đây có thể hiểu là núi Xoài. Rõ ràng địa danh Mô Xoài đang bàn ở đây có mối liên quan đến “xoài” và người Châu Ro ở khu vực này. Địa bàn cư trú quen thuộc của đồng bào Châu Ro trải dài từ Định Quán qua Long Khánh, Xuân Lộc đến Bà Rịa. Trên địa bàn tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu nay trước đây có 3 tổng đồng bào dân tộc là Long Xương (7 buôn), An Trạch (7 buôn), Long Cơ (6 buôn làng), nay thuộc địa bàn các huyện Châu Đức, Xuyên Mộc, Tân Thành. Các văn bản thời Pháp thuộc vẫn gọi các buôn làng này với cái tên tổng Mọi, Mọi Bà Rịa.[15]
Ở vùng thượng nguồn sông Dinh hiện nay vẫn còn rất nhiều loại xoài rừng: xoài mút (xoài mít), xoài quéo, xoài trám…
“Xoài” là thành tố cấu tạo trong địa danh khá phổ biến ở Nam Bộ như: ấp Đồng Xoài (xã Túc Trưng, huyện Định Quán, Đồng Nai), thị xã Đồng Xoài (tỉnh lỵ tỉnh Bình Phước).
Soài Rạp là tên cửa biển, tên sông. Địa danh này bắt nguồn từ tiếng Khmer, Păm Prêk Crôy Phkăm “vàm, rạch, mũi đất”. Cũng gọi là Lôi Rạp, Soi Rạp.
Gò Xoài là địa danh ở ấp 7, xã Bình Lợi, huyện Bình Chánh (TP. Hồ Chí Minh).
Soài So là suối ở các huyện Tri Tôn, Tịnh Biên (An Giang), biến âm của Xoài So, nghĩa là “xoài trắng”, một loại xoài quý.
Sóc Xoài chợ ở thị trấn Sóc Sơn, huyện Hòn Đất (Kiên Giang), gốc Khmer Srôk So-vai, nghĩa là “xóm xoài”.
Tri Tôn tên thị trấn, huyện, kinh của An Giang, cũng gọi Xà Tón, địa danh gốc Khmer, được Hán Việt hóa năm 1956. Có 2 cách lý giải về địa danh này:
– Nguyên dạng Sva Téanh hay Sva Tong, Xà Tón, nghĩa là “khỉ níu kéo” vì ngày xưa đây là vùng hoang dã, khỉ thường quấy rối khách qua đường.
– Nguyên dạng Svay Tôn, nghĩa là “xoài dây”, vì tại đây có 1 cây xoài ra trái rất nhiều, được coi là xoài thiêng nên người Khmer xây chùa ở chỗ có cây xoài và đặt tên chùa nơi ấy. Từ tên chùa trở thành tên vùng. Xà Tón bị nói chệch thành Tri Tôn vì trong tiếng Việt đã có sẵn từ tổ Tri Tôn, giống như các địa danh Kế Sách, Phó Bảng, Rù Rì.
Khi có dịp đến thị trấn Ba Chúc (huyện Tri Tôn) vào tháng 9/2012, chúng tôi thấy ở trước chùa Phi Lai có bày bán xoài thanh ca, trái nhỏ, màu vàng rực và cả những con khỉ may bằng vải để làm quà lưu niệm cho khách đến tham quan. Dân địa phương cũng cho biết ngày xưa những ngọn núi như núi Dài ở xung quanh thị trấn có rất nhiều khỉ, chúng kéo cả xuống mặt đường đùa giỡn. Phải chăng điều này đã phản ánh dấu vết của địa danh.
Xoài Cà Lâm tên kênh ở phường Núi Sam, thị xã Châu Đốc (An Giang), âm gốc là xoài cà lăm, “thứ xoài cây to, sai trái; trái nhỏ hơi giẹp, hột to, chỉ ăn sống”.
Xoài Cả Nã tên làng gần tỉnh lỵ Sóc Trăng, nằm trên quốc lộ 1A, đường đi Bạc Liêu, còn gọi là làng Tài Sum. Vào khoảng năm 1900, làng này còn nhiều gốc xoài cổ thụ, trái rất nhiều. Nã là cái giỏ xách tay tròn, đan bằng tre già, trên có nắp đậy, được sơn dầu cho khỏi ướt. Người trong tỉnh vào làng mua đựng đầy nã (cả nã) đem về nên có địa danh này.[16]
Xoài Hột là rạch, tên chợ ở xã Trung An, thành phố Mỹ Tho (Tiền Giang).
Xoài Mút là rạch nhánh của sông Tiền, gần thành phố Mỹ Tho (Tiền Giang). Con rạch này trong tiếng Khmer gọi là prêk svây la huot. Xoài Mút là một loại xoài nhỏ trái, thơm ngon nhưng xơ nhiều, khi ăn phải mút chứ không gọt được. Ở Nam Bộ hiện nay vẫn còn trồng ở một số nơi.
Xoài Xiêm là ngã ba ở huyện Trà Cú (Trà Vinh).
Tóm lại, trong 3 cách gọi Mô Xoài, Mũi Xoài, Mọi Xoài, chúng tôi cho rằng Mô Xoài là cách gọi hợp lý, được nhiều người chấp nhận.
Mô Xoài là tên ngọn núi, tên chữ là Trấn Biên, nay gọi là núi Dinh.
Mô Xoài là tên con sông chảy qua thành phố Bà Rịa, tên chữ là Hương Phước, nay gọi là sông Dinh.
Mô Xoài là tên lũy Hưng Phước (lũy Phước Tứ), nằm cạnh Bàu Thành (thị trấn Long Điền, huyện Long Điền).
Mô Xoài là tên của một xứ, bao gồm nhiều làng thuộc tổng An Phú Hạ.
Mô Xoài là tên một đạo chỉ đơn vị hành chính được lập dưới thời chúa Nguyễn.
Những địa danh này phản ảnh mối giao lưu lịch sử-văn hóa giữa các tộc người trên vùng đất này. Ban đầu từ những địa danh chỉ địa hình thiên nhiên, dần dần nó chuyển hóa sang địa danh chỉ vùng, địa danh hành chính. Đặc biệt, địa danh này có ý nghĩa quan trọng trong việc nghiên cứu lịch sử hình thành và phát triển của xứ Mô Xoài xưa và Bà Rịa nay.
NGUYỄN THANH LỢI
Trường Cao đẳng Sư phạm TW TP.HCM
________________
Tài liệu tham khảo:
– Bùi Đức Tịnh, Lược khảo nguồn gốc địa danh Nam Bộ, Nxb Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh, 1999.
– Đinh Xuân Vịnh, Sổ tay địa danh Việt Nam, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2002.
– Huỳnh Tịnh Của, Đại Nam quốc âm tự vị, Nxb Trẻ, TP. Hồ Chí Minh, 1998.
– Launay A Histoire de la mission de Cochinchine 1658 – 1823, Documen TS historiques, Maisonneuve Frères, Paris, tome II, pp 190 – 191.
– Lê Trung Hoa, Nguyên tắc và phương pháp nghiên cứu địa danh (Địa danh thành phố Hồ Chí Minh), Tái bản có sửa chữa và bổ sung, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2003.
– Lê Trung Hoa, Tìm hiểu nguồn gốc địa danh Nam Bộ và tiếng Việt văn học, Tái bản lần thứ nhất có bổ sung sữa chữa, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2005.
– Lê Trung Hoa, Từ điển từ nguyên địa danh Việt Nam, Bản thảo.
– Lê Văn Đức, Việt Nam từ điển, Khai Trí xb, Sài Gòn, 1970.
– Nguyễn Đình Đầu, Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn-tỉnh Biên Hòa, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 1994.
– Nguyễn Đình Thống, Xứ Mô Xoài-địa điểm định cư lập làng đầu tiên của người Việt trên đất Nam Bộ. Trong Nhiều tác giả, Mấy vấn đề tiến trình lịch sử xã hội, Kỷ yếu hội thảo khoa học lần thứ hai, Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 30/5/2009, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2011.
– Thạch Phương – Nguyễn Trọng Minh (chủ biên), Địa chí Bà Rịa – Vũng Tàu, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2005.
– Trịnh Hoài Đức, Gia Định thành thông chí, Nguyễn Tạo dịch, Phủ Quốc vụ khanh đặc trách văn hóa xuất bản, Sài Gòn, 1972.
– Trịnh Hoài Đức, Gia Định thành thông chí, Đỗ Mộng Khương, Nguyễn Ngọc Tỉnh dịch, Đào Duy Anh hiệu đính, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1998.
– Trịnh Hoài Đức, Gia Định thành thông chí, Lý Việt Dũng dịch, Nxb Tổng hợp Đồng Nai, 2006.
– Trương Vĩnh Ký, Tiểu giáo trình địa lý Nam kỳ, Nguyễn Đình Đầu lược dịch và chú thích, Nxb Trẻ, TP. Hồ Chí Minh, 1997.
– Vương Hồng Sển, Tự vị tiếng Việt miền Nam, Nxb Văn hóa, Hà Nội, 1993.
[1] Trịnh Hoài Đức, Gia Định thành thông chí, Nguyễn Tạo dịch, Phủ Quốc vụ khanh đặc trách văn hóa xuất bản, Sài Gòn, 1972.
[2] Trịnh Hoài Đức, Gia Định thành thông chí, Đỗ Mộng Khương, Nguyễn Ngọc Tỉnh dịch, Đào Duy Anh hiệu đính, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1998.
[3] Trịnh Hoài Đức, Gia Định thành thông chí, Lý Việt Dũng dịch, Nxb Tổng hợp Đồng Nai, 2006.
[4] Trương Vĩnh Ký, Tiểu giáo trình địa lý Nam kỳ, Nguyễn Đình Đầu lược dịch và chú thích, Nxb Trẻ, TP. Hồ Chí Minh, 1997, tr.23, 31, 37.
[5] Vương Hồng Sển, Tự vị tiếng Việt miền Nam, Nxb Văn hóa, Hà Nội, 1993, tr.506.
[6] Lê Hương, Địa danh, di tích lịch sử, thắng cảnh trong vùng người Việt gốc Miên, Tập san Sử Địa, số 14-15, 1969, tr.64, 68. Địa danh Mõ Xoài ở đây có lẽ do in nhầm từ Mô Xoài (Nguyễn Thanh Lợi).
[7] Lê Văn Đức, Việt Nam từ điển, Tập 2, Khai Trí xb, Sài Gòn, 1970, tr.142 (phần phụ lục Nhân danh, địa danh).
[8] Bùi Đức Tịnh, Lược khảo nguồn gốc địa danh Nam Bộ, Nxb Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh, 1999, tr.84.
[9] Đinh Xuân Vịnh, Sổ tay địa danh Việt Nam, Tái bản có chỉnh lý, bổ sung, Nxb Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2002, tr.322,419.
[10] Hoàng Phê (chủ biên), Từ điển tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng-Trung tâm Từ điển học, Hà Nội-Đà Nẵng, 2004, tr.638.
[11] Lê Trung Hoa, Tìm hiểu nguồn gốc địa danh Nam Bộ và tiếng Việt văn học, Tái bản lần thứ nhất có bổ sung sữa chữa, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2005, tr.134-137.
[12] Trần Văn Giàu, Trần Bạch Đằng (chủ biên), Địa chí Văn hóa thành phố Hồ Chí Minh, Tập 1, Lịch sử, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 1998, tr.208.
[13] Xóm Mọi Lèo: nơi tập trung nhiều người Lào, Khmer, Chăm…bị bán làm nô lệ, được giải phóng khi người Pháp đến. Nay thuộc đường Yersin, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, TP. Hồ Chí Minh (Lê Trung Hoa chủ biên-Nguyễn Đình Tư, Từ điển địa danh Sài Gòn-thành phố Hồ Chí Minh, Nxb Thời đại, Hà Nội, 2011, tr.402).
[14] Huỳnh Tới (chủ biên), Người Châu Ro ở Đồng Nai, Nxb Đồng Nai, 1998, tr.19.
[15] Nhiều tác giả, Lịch sử đấu tranh của Đảng bộ và nhân dân huyện Châu Đức (1930-2000), Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Châu Đức, 2000, tr.16-17.
[16] Lê Hương, Bđd, tr.61.