Di tích chùa Sắc Tứ Vạn An – dấu tích khai phá vùng đất Mô Xoài

(07/08/2014)

Trải qua bao nhiêu đời nay, đình – chùa là một dấu ấn xác định sự hình thành của một cộng đồng, xã tộc. Dù cho địa lý hành chánh có thay đổi, công cuộc mở mang và cả chiến tranh có làm xô lệch thì đình, chùa vẫn mãi tồn tại.

Theo lệ thông thường, mỗi thôn ấp đều có một ngôi đình, chùa tọa lạc ở khu vực trung tâm, đầu làng theo quan niệm phong thuỷ xưa đó là nơi có long mạch quí, phong cảnh minh quang tỏa xuất ra các hướng. Vùng Bà Rịa – Vũng Tàu ngày nay, xưa là địa bàn Phật giáo đã được truyền từ xa xưa trong lịch sử và đã từng là một trong những cái nôi của Phật giáo Đàng Trong thời các vua nhà Nguyễn.

Trước thế kỷ XVII, xứ Mô Xoài – Đồng Nai còn là vùng rừng núi hoang vu, dân cư thưa thớt chỉ có vài người dân tộc Khmer cùng với dân tộc thiểu số như: Mạ, S’tiêng, Châu Ro sống canh tác rải rác. Vùng này được lịch sử nhắc đến với vai trò là nơi dừng chân đầu tiên của cộng đồng người Việt trong hành trình chinh phục mở mang bờ cõi về phương Nam. Dần dần các lớp người di dân vào nên dân số người Việt tăng lên và chiếm số đông.

Những người dân di cư khi rời bỏ ruộng vườn quê hương đi tìm nơi đất mới thì hành trang mang theo tất cả những thứ gì được cho là quí giá nhất, trong tất cả đó còn có cả những phong tục, tập quán, sự tín ngưỡng theo truyền thống của ông cha từ bao đời nay ở quê hương đất tổ. Họ vẫn kế tục và tin tưởng tôn thờ nề nếp ấy: thờ cúng ông bà tổ tiên, thờ những vị thần luôn phù hộ cho cuộc sống…chính nhờ vậy mà đình, chùa, miếu xuất hiện với tất cả tâm tư, nguyện vọng có được một cuộc sống ấm no, thành đạt lâu dài. Thành phần di cư khác nhau nên kéo theo đó nhiều hình thức tín ngưỡng khác nhau, phong phú và đa dạng nhiều tín ngưỡng của đạo Phật, Lão, Nho và tín ngưỡng dân gian xen lẫn nhau tạo nên một nền tảng nhiều sắc thái vùng, miền.

Từ khoảng thế kỷ XVI đến đầu thế kỷ XVII số người Việt vào sinh sống ở Bà Rịa đã nhiều, người Việt vào khai hoang lập ấp đến đâu thì tín ngưỡng Phật giáo được loan truyền đến đó, cho nên buổi khai nguyên của các chúa Nguyễn thì tinh thần Phật giáo đã theo cuộc di dân nhiều đợt định cư trước đó lan rộng rồi. Trong thời các chúa Nguyễn, Biên Hòa- Đồng Nai bấy giờ có 2 ngôi chùa được Sắc tứ là chùa Vạn An ở thôn Phước An (nay thuộc Bà Rịa – Vũng Tàu) và chùa Hộ Quốc ở thôn Đắc Phước, huyện Phước Chánh (nay là Tân Vạn – Biên Hòa). Sách Đại Nam nhất thống chí tập V (Quốc sử Quán triều Nguyễn – NXB Thuận Hóa- 1982) có ghi: Chùa Vạn An ở thôn Phước An, huyện Phước An. Hiển Tông hoàng đế bản triều cho biển ngạch khắc chữ : “Sắc Tứ Vạn An Tự và Vĩnh Thịnh lục niên thất nguyệt, cát nhật, Quốc chúa Thiên Túng Đạo Nhân ngự đề.” Năm Minh Mạng thứ 10. chùa bị cháy, sư trụ trì đem biển ngạch cất ở chùa Long Hưng.

1. Tiến trình phát triển qua các thời kỳ

Phật giáo truyền vào phương Nam mà trước hết ở Mô Xoài theo nhiều hướng khác nhau. Buổi đầu là từ Ấn Độ đã có ảnh hưởng truyền giáo theo thuyền buôn bằng đường biển. Thời nhà Trần việc di dân vào phía Nam thì tín ngưỡng Phật giáo cũng được mang theo vào cùng. Khi nhà Minh xâm chiếm, Lê Lợi khởi nghĩa đánh đuổi và dựng lên triều đại nhà Lê, phái Thiền Trúc Lâm được các vua Trần lập nên nhưng cũng không được ủng hộ. Các thiền sư và một số hoàng tộc đã phải lẫn trốn qua Chiêm Thành, Chân Lạp và vào tận vùng Đồng Nai – Gia Định mà ẩn tu, che giấu tên tuổi, tông tích. Năm 1630 nhà Thanh đánh bại nhà Minh chiếm Trung Hoa, nhiều người Trung Hoa không thuần phục nên đã bỏ nước mà đi, trong số đó có một số người di cư tị nạn xin vào lập nghiệp ở Đàng Trong và có cả các nhà sư Phật giáo. Vào Biên Hòa – Đồng Nai các nhà sư đựoc mời làm trụ trì các chùa, am được tạo dựng từ trước để tu hành. Ngoài các giáo phái: Thiền Tông, Khất Sĩ, Tịnh Độ Tông, Nam Tông Theravada…thì phái Thiền Lâm Tế được truyền thừa của phái Tào Động do hòa thượng Thạch Liêm đời thứ 29 truyền từ Trung Hoa vào Việt Nam và được chúa Nguyễn Phúc Chu thỉnh truyền bá đạo. Năm 1695, chúa Nguyễn Phúc Chu thọ giới Bồ Tát với hoà thượng Thạch Liêm lấy pháp danh Hưng Long, đạo hiệu Thiên Túng Đạo Nhân. Tiếp tục sau đó thì các đời chúa Nguyễn đều qui y Bồ Tát giới như: chúa Nguyễn Phước Trú, Nguyễn Phước Khoát, Nguyễn Phước Thuần. Do đó các hậu duệ của phái Thiền Tào Động vẫn mãi kế tục và các chùa chiền ngày càng nhiều. Sự phát triển của Phật giáo là nhân tố thúc đẩy sự hình thành các cơ sở tôn giáo là chùa chiền. Lúc bấy giờ chùa Vạn An là một trong số các ngôi chùa minh chứng cho sự phát triển và đánh dấu một giai đoạn mở đầu trong công cuộc chinh phục, mở mang đất đai về phương Nam.

2. Đôi nét về Sắc Tứ Vạn An Tự

Trong thời kỳ Nho giáo độc tôn dưới triều Nguyễn thì chính sách được nhà Nguyễn cai trị là hạn chế sự phát triển của Phật giáo. Triều đình tăng cường quản lý số sư tăng, bắt họ tham gia công tác xã hội, chủ trương thu hẹp ảnh hưởng của nhà chùa đối với người dân, quy định ngặt nghèo nhằm giảm bớt việc xây chùa, tô tượng, đúc chuông và người theo đạo Phật. Bởi Phật giáo phát triển sẽ làm hại cho lễ giáo phong kiến, ảnh hưởng đến việc thực hiện các giáo điều Nho giáo. Thế mà trong lịch sử phát triển của Phật giáo ở vùng Mô Xoài – Bà Rịa không những không bị hạn chế mà còn phát triển. Ngôi chùa Vạn An được xây dựng vào đời chúa Nguyễn Phúc Chu (1691- 1725) cho đến nay đã qua 3 thế kỷ. Trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo nên chùa không còn giữ được nguyên hiện trạng của kiến trúc cổ xưa. Theo một số bô lão sống tại địa phương từ lâu đời kể lại rằng: chùa Sắc Tứ Vạn An ngày nay thuộc phần đất Phước Hưng Hạ xưa kia nằm trên phần đất thuộc địa phận Phước Hưng Thượng. Theo lịch sử phân chia địa giới thì năm 1808 huyện Phước Long được đổi thành Trấn Biên Hòa, huyện Phước An có 2 tổng: An Phú và Phước Hưng. Lúc này làng Long Hưng và Phước Lễ thuộc tổng An Phú huyện lỵ đặt tại Long Điền. Năm 1838, hai tổng An Phú và Phước Hưng lại tách thành 4 tổng: An Phú Thượng, An Phú Hạ và Phước Hưng Thượng, Phước Hưng Hạ. Bấy giờ làng Long Hưng và Phước Lễ lại thuộc tổng An Phú Hạ. Chùa do một vị tăng, từ miền Trung vào tu hành, khi chùa được ban Sắc tứ Vạn An tự thì được vua cấp cho hàng chục mẫu ruộng với mục đích tự canh tác để tạo hoa lợi mà thờ tự. Nhưng do sống trong chế độ phong kiến nên bọn Hương quản, điền chủ tại địa phương làm khó dễ với đủ loại thuế khóa và các khoản lệ phí phải nộp cho xã, cho tổng. Cuộc sống xã hội bấy giờ đâu đâu cũng gặp cảnh đói khổ, cơ hàn nên nhà chùa không thể nào đáp ứng được hết những yêu cầu mang tính bóc lột, chiếm đoạt của chúng. Hai làng Phước Hưng Thượng và Phước Hưng Hạ bàn nhau mời vị Tăng sang tu hành tại chùa Long Hưng làng Phước Hưng Hạ (chùa Long Hưng được xây dựng cùng thời gian với chùa Vạn An). Năm 1785, quân Tây Sơn truy đánh quân nhà Nguyễn và cũng trùng thời gian này chùa Vạn An bị cháy. Nhân dân mới di chuyển các pho tượng và bảng khắc Sắc tứ Vạn An Tự nội dung viết bằng chữ Nho, treo trên bức xà chính của chùa sang chùa Long Hưng. Nền ngôi chùa bị cháy hiện thuộc ấp Phước Trinh, xã Tam Phước, huyện Long Điền.

Ngôi chùa Long Hưng do được cất giữ tấm biển “Sắc tứ Vạn An Tự của Quốc chúa Thiên Túng Đạo Nhân ngự đề vào năm Vĩnh Thanh lục niên”, nên chùa Long Hưng được mang tên là “Sắc Tứ Vạn An Tự” từ đó cho đến ngày hôm nay thuộc địa phận thị trấn Đất Đỏ. Trong gian chính điện thờ một số tượng Phật cổ và những pháp khí xưa, chính giữa là tượng Phật Di Đà tọa thiền trên bệ hình hoa sen. Gian bên thờ tượng Quan Thánh và Châu Xương, Quan Bình, trên bàn thờ tổ có bài vị của Thiền sư Liễu Huệ – Tâm Thông, Lâm Tế Chánh Tông đời thứ 37, Thiền sư Hải Chánh – Bảo Thanh và Hải Bình – Bảo Tạng, Lâm Tế đời thứ 40. Qua nhiều lần thay đổi trụ trì nhưng chùa vẫn luôn có nhiều cố gắng trong các Phật sự và nhận được rất nhiều sự đóng góp của chính quyền địa phương cũng như quý bà con Phật tử để chùa ngày càng được xây dựng khang trang hơn. Trong thời đại nào cũng vậy, Phật giáo với tính chất từ bi, bình đẳng, nêu cao cứu khổ, cứu nạn cho con người nên đã được xã hội tiếp thu một cách sâu rộng, Phật giáo trở thành một mảng văn hóa đậm nét trong văn hoá truyền thống ở địa phương.

Chùa Vạn An được xem là một trong những ngôi chùa cổ của người Việt, cũng như là một chứng tích văn hóa đánh dấu sự phát triển của Phật giáo trong thời kỳ bấy giờ đã đi vào lịch sử dân tộc trong quá trình khai phá, mở mang bờ cõi phía Nam. Từ thuở xa xưa người dân đã nhận thức sâu sắc về đạo Phật “Một tôn giáo cao đẹp nhất toàn cầu” cho nên người ta xây chùa là để truyền bá nền văn hoá tâm linh của đạo Phật đến cộng đồng dân cư, giáo dục con người hoàn thiện cả về chân, thiện, mỹ. Trải qua nhiều thời gian, đất nước có nhiều biến cố lịch sử, với tên bay đạn lạc, chiến tranh nhưng chùa vẫn ít bị ảnh hưởng, phải chăng nhờ ngôi chùa có tiếng tụng kinh, niệm phật nên đã mang đến sự yên lành.

TĂNG THÀNH NHƠN

Sở Thông Tin Truyền thông tỉnh An Giang

_______________

Tài liệu tham khảo.

– Địa chí Bà Rịa – Vũng Tàu

– Đại Nam Nhất thống chí – NXB Thuận Hoá

– Gia Định thành thông chí – Trịnh Hoài Đức

– Sắc Tứ Vạn An Tự – Tuệ Thông và Thiện Sanh

– Quốc sử Quán triều Nguyễn

– Địa chí Đồng Nai


Translate »
san xuat moc khoa may ao thun Kem sữa chua Kem sữa chua trân châu