Góp phần bổ sung tư liệu một số ngôi mộ hợp chất đã khai quật ở Bà Rịa
Năm 2005, Bảo tàng Bà Rịa – Vũng Tàu phối phợp với Trung tâm Nghiên cứu khảo cổ học (Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ) tiến hành điều tra, khảo sát và khai quật một số ngôi mộ hợp chất ở Hương Điền – Long Hương, nay thuộc thành phố Bà Rịa (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu), cung cấp cho khảo cổ học Bà Rịa – Vũng Tàu thêm một loại hình di tích khảo cổ học mới – mộ hợp chất.
Kết quả nghiên cứu đã được công bố trong Một số vấn đề khảo cổ học ở miền Nam Việt Nam tập 3 (năm 2008). Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu mới chỉ dừng lại ở dạng báo cáo khai quật, chưa làm rõ được nguồn gốc, tính chất, diễn biến của loại hình mộ hợp chất này trên bình diện Nam Trung Bộ và cả Nam Bộ Việt Nam. Làm rõ được điều đó, sẽ có thêm nhiều cứ liệu khoa học để nhận định về nguồn gốc và chứng minh đây là những dấu tích vật chất của người Việt đầu tiên trong hành trình khai khẩn vùng đất Nam Bộ. Trong những năm gần đây, từ chương trình nghiên cứu về lăng mộ thời Nguyễn ở Nam Bộ, chúng tôi đã thu thập được khá nhiều tư liệu, có thể xây dựng được một hệ thống về các giai đoạn phát triển, diễn biến loại hình lăng mộ ở Việt Nam nói chung và vùng đất Nam Bộ nói riêng. Trong tham luận này, xin được bổ sung thêm một số tư liệu để nhận diện và khẳng định về những di tồn vật chất đầu tiên của người Việt ở xứ Mô Xoài – Bà Rịa qua loại hình di tích mộ hợp chất.
- Kết quả nghiên cứu các ngôi mộ hợp chất ở Bà Rịa – Vũng Tàu
Hiện nay, chưa có con số thống kê – kiểm kê các loại hình lăng – lăng mộ hợp chất ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, do đó chưa thể thấy được sự phân bố và về mặt loại hình mộ cổ nơi đây.
Theo kết quả nghiên cứu khai quật khảo cổ học, tại khu vực giải toả để thi công đường Điện Biên Phủ, ấp Hương Điền, phường Long Hương, thành phố Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có 3 ngôi mộ hợp chất, trong đó 2 ngôi mộ hợp chất mang ký hiệu 05HĐ.M1 và 05HĐ.M2 đã được khai quật.
Ngôi mộ mang ký hiệu 05HĐ.M1 nằm theo hướng đông tây, đã bị san ủi mất toàn bộ cấu trúc xây cất phía trên, hiện trạng còn lại gồm quách và nấm mộ hình voi phục, có dạng một khối hợp chất đúc liền nhau, kích thước dài 3,26m; rộng 1,88m; dày 1,56m tính từ đáy lên đỉnh, được bao bọc bởi một hệ thống tường bao xung quanh các mặt đông, nam, bắc; có hai trụ đuốc thiêng (trụ biểu) xây ở hai lối vào phía tây. Sau khi khai quật phần nấm mộ voi phục phía trên (dày 0,5m-0,71m) xuất hiện một huyệt hình chữ nhật dài 1,65m; rộng 0,5m. Có một lướp chất nhờn màu đen dày 0,1m phủ phía trên mặt huyệt. Áo quan đã bị huỷ, chỉ còn lại tấm ván thành, di cốt người chỉ còn lại một ít xương sọ, chi. Hiện vật tuỳ táng được ghi nhận có một gương đồng hình tròn, cán dẹt đã bị gãy. Kỹ thuật xây cất: huyệt mộ được đào rộng trong đất cát, sau khi hạ quan xuống, người xưa mới xây để hợp chất tạo thành quách ở xung quanh. Hợp chất xây mộ là cát, vôi (từ san hô) và sỏi màu trắng, màu nâu đen có chất kết dính. Hợp chất được đổ bằng 6 lớp, sau đó đổ nấm mộ theo lối giật cấp ba lần tựa hình voi phục. Chủ nhân được nhận định sơ bộ là một phụ nữ, có lẽ có vai trò nhất định nào đó trong gia tộc hoặc là người giàu có trong xã hội lúc bấy giờ[1].
Ngôi mộ thứ 2 mang ký hiệu 05HĐ.M2 còn khá nguyên, cách mộ 05HĐ.M1 khoảng 200m, nằm theo hướng đông tây, kích thước 3,57mx3,23m. Cấu tạo gồm hệ thống tường bao quanh ba mặt đông, nam, bắc, có hai cột đuốc thiêng cao 1m dựng liền với hai đầu bờ tường phía tây. Trong đó, bờ tường bao ở phía đông có dạng nửa hình bát giác với cạnh chính đông tây cao hơn 0,88m so với các cạnh ở hai bên. Ở hai góc cạnh nhô lên, gá thêm hai vòng xoắn hình ốc nổi. Trên mặt là tường tạo khuôn bia bình chữ nhật, kích thước 0,68mx 0,43m x 0,43m. Giữa bờ tường cách hương án 0,29m là nấm mộ hình khối chữ nhật, kích thước 1,76m x 0,72m; cao 0,43m. Sau khi khai quật phần nấm mộ, đào sâu xuống dưới 0,2m làm xuất lộ một huyệt mộ hình chữ nhật, kích thước 1,56mx0,5m; sâu 0,64m. Huyệt mộ được phủ một lớp sỏi dày 0,15m – 0,2m. Ván áo quan đã bị huỷ, chỉ còn để lại một vệt đen treen huyệt mộ và một số cục rỉ sắt (đinh đóng quan tài). Di cốt còn hộp sọ, răng, xương tay, xương sườn, xương chi. Người chết được đặt nằm ngửa, hai tay để xuôi, được đặt trên lớp than đen tơi mịn dày 0,02 – 0,03m, kế đến là lớp tro mỏng màu xám sáng. Dưới cùng là nền đất sét mịn được nện. Không tìm thấy di vật tuỳ táng ngoài một vài vảnh sành, sứ vỡ được tìm thấy ở hai đầu huyệt mộ. Kỹ thuật xây cất: huyệt mộ được đào khá rộng và sâu trong vùng đất cát khô ráo – đáy huyệt được đắp bằng đất sét, sau khi hạ quan, người xưa đã đổ lên xung quanh và trên bề mặt một lớp hợp chất gồm cát, sỏi, vôi (làm từ san hô) với chất kết dính tạo cấu trúc mộ thành một khối. Các lớp hợp chất được đổ thành nhiều lớp mỏng xung quanh và trên huyệt mộ tạo thành khối hình chữ nhật với 17 lớp, sau đó đổ tiếp lên phía trên tạo bờ tường 7 lớp, hương án, cột đuốc thiêng và nấm mộ hình chữ nhật lên trên bề mặt huyệt[2].
Nhận định sơ bộ của các nhà nghiên cứu cho thấy: Dựa vào cấu trúc, quy mô cho thấy đây là những ngôi mộ có quy mô nhỏ, đơn giản, kỹ thuật xây dựng không cao, hợp chất đổ thành khối nhưng không vững chắc…đã có thể đoán định chủ nhân của các ngôi mộ này là những người có địa vị trong gia tộc hoặc làng – tổng lúc bấy giờ. Các ngôi mộ này đều thuộc loại hình phổ biến vào thời bấy giờ như: tường bao xung quanh, nấm hình voi phục hay hình khối chữ nhật, cột đuốc thiêng hay búp sen cách điệu…đã từng gặp ở vùng Đồng Nai, thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương…Dựa vào cấu trúc của loại hình mộ hợp chất và tấm gương đồng tìm thấy trong mộ, có thể đoán định niên đại của hai ngội mộ ở vào khoảng đầu thế kỷ XIX. Vào thời kỳ nay đã có cư dân người Việt đến làm ăn lâu dài và đã có cuộc sống ổn định[3].
- Bổ sung thêm tư liệu nghiên cứu về các ngôi mộ hợp chất ở Bà Rịa – Vũng Tàu
Căn cứ vào kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học, chúng tôi nhận thấy cần phải bổ sung thêm tư liệu cho việc nghiên cứu về nguồn gốc, loại hình và các đặc điểm của một số ngôi mộ hợp chất ở khu vực Bà Rịa – Vũng Tàu như sau:
Vùng đất Nam Bộ cho đến nay, chúng ta chưa tìm được những công trình kiến trúc lăng mộ trước thế kỷ XVII. Có nhiều cách diễn giải khác khác nhau về sự thiếu vắng này, nhưng ý kiến cho rằng phong tục tập quán của những nhóm cư dân bản địa trước khi người Việt tới khai khẩn vùng đất Nam Bộ vốn gắn nhiều với tục hoả táng, thuỷ táng, hoặc chỉ là các dạng mộ đất mà không có hình thức xây dựng lăng mộ. Như vậy, tục lệ xây cất lăng mộ, đặc biệt là loại hình mộ hợp chất chỉ có thể bắt đầu từ thời chúa Nguyễn đến thời Nguyễn ở Nam Bộ và chúng có nguồn gốc từ Đại Việt – Đàng Ngoài, rồi đến Đàng Trong thời chúa Nguyễn và sau đó lan toả khắp vùng Trung Bộ, Nam Bộ, đánh dấu bước chân mở cõi ở phương Nam của người Việt. Do đó, nghiên cứu hệ thống lăng mộ thời chúa Nguyễn và thời Nguyễn ở Nam Bộ có thể cung cấp cho chúng ta nhiều tư liệu về lịch sử – văn hoá vùng đất Nam Bộ gắn với quá trình khai khẩn vùng đất, giao lưu văn hoá và đặc biệt là những vấn đề lịch sử gắn với các bậc tiền hiền, công thần thời Nguyễn có công lao lớn đối với lịch sử dân tộc trong công cuộc khai phá, mở rộng, thúc đẩy sự phát triển về kinh tế, chính trị, xã hôi, bảo vệ và xác lập chủ quyền vùng đất phía Nam của Tổ quốc.
Thứ nhất, về nguồn gốc loại hình mộ hợp chất, chúng ta có thể ngược trở lại với lịch sử hình thành và phát triển lăng mộ ở Việt Nam như sau: Lịch sử hình thành và phát triển loại hình lăng mộ ở Việt Nam có thể nhận thấy chưa thực sự lâu đời. Từ nhiều nguồn tư liệu nghiên cứu, chúng ta đã có thể khẳng định, trước thế kỷ thứ X, Việt Nam chưa xuất hiện lăng mộ. Một số lăng còn tồn tại hiện nay gắn với các vị vua, anh hùng dân tộc: Lăng vua Hùng (Đền Hùng – Phú Thọ), lăng Bà Triệu (Thanh Hoá), Lăng Phùng Hưng, Ngô Quyền (Hà Nội) đều là những công trình có tính chất tưởng niệm của thời kỳ rất xa sau đó (thế kỷ XIX-XX) mà không có sử sách nào ghi chép cũng như những dấu tích hiện tồn.
Lịch sử hình thành lăng mộ ở Việt Nam được sử sách ghi chép sớm nhất là vào thời Đinh Tiên Hoàng (thế kỷ X sau Công Nguyên[4]…Tiếp đó là thời Tiền Lê (Lê Hoàn – Lê Đại Hành)[5]. Cho đến nay, chúng ta không tìm thấy dấu vết gì về hai “sơn lăng” khởi đầu này.
Dấu tích kiến trúc mộ táng thời Lý còn lại rất ít, nhưng đã được sử sách ghi chép danh xưng lăng mộ như một “điển lệ” khởi đầu từ Lý Thái Tổ: Vua họ Lý, huý Công Uẩn…Đến khi Ngoạ triều băng, tự lập làm vua, đóng đô ở Thăng Long, ở ngôi 18 năm, thọ 55 tuổi, băng ở điện Long An, chôn ở Thọ Lăng[6]. Từ đây, khu vực Thọ Lăng được chọn làm “Sơn lăng cấm địa” của 8 vị vua thời Lý. Tuy nhiên, cũng như thời Đinh -Tiền Lê, các kiến trúc lăng tẩm của các vua Lý ở khu “Sơn lăng cấm địa” chưa tìm thấy được chút nào. Hiện nay đã phát hiện được hai ngôi mộ của các quan lại thời Lý: Mộ Lê Văn Thịnh ở phía nam núi Thiên Thai (còn gọi là núi Đông Cứu hay núi Tháp, huyện Gia Lương, tỉnh Bắc Ninh); Mộ Lê Lan Xuân ở phía nam gò Lăng Cấm, xã Hương Nộn, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ.
Thời Trần, đối với lăng tẩm của các nhà vua thời Trần được coi trọng, được xây cất ở hai nơi chính: Tam Đường (Thái Bình), An Sinh (Quảng Ninh). Ở Thái Bình có nhiều khu mai táng, nhưng tập trung nhất là ở vùng Tam Đường, xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà. Ghi chép của sử cũ cho biết ở đây có Chiêu lăng của Trần Thái Tông, Dụ lăng của Trần Thánh Tông, Thọ (Huy) lăng của Trần Thái Tổ, Đức lăng của Trần Nhân Tông. Vùng Quảng Ninh, các lăng vua tập trung ở khu Trại Lốc, xã An Sinh, huyện Đông Triều gồm các lăng: Thái lăng của Trần Anh Tông, Mục lăng của Trần Minh Tông, Phụ lăng của Trần Dụ Tông, Hy lăng của Trần Duệ Tông, Nguyên lăng của Trần Nghệ Tông…
Ở một số địa điểm khác cũng có lăng vua như An Lăng (Thái Bình) của Trần Hiến Tông, lăng ở Quắc Hương (Nam Định), các lăng tẩm của tiên tổ Hồ Quý Ly ở hương Bào Đột (Nghệ An)....Tại các di tích nói trên, việc nghiên cứu vị trí, kiến trúc các lăng tẩm rất khó khăn bởi, các dấu tích bề nổi gần như không còn. Đặc biệt các lăng tẩm ở Tam Đường không những bị tàn phá trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông, mà đến năm 1381, còn bị di chuyển cùng các lăng khác đến vùng An Sinh để tránh nạn tàn phá của người Chiêm Thành. Khu vực được chọn làm lăng thường có địa hình rộng rãi,thoáng đãng. Mỗi lăng là một tổ hợp các kiến trúc gồm mộ phần (nơi đặt thi thể) và các miếu điện để phục vụ việc thờ cúng, tế lễ. Chủ yếu được xây dựng bằng gạch, đá…chưa có sử dụng vật liệu hợp chất.
Lăng các quan đại thần thời Trần mới chỉ ghi nhận được một trường hợp đó là lăng Trần Thủ Độ ở Hưng Hà – Thái Bình. Đây là một quần thể lăng có nhiều giá trị nghệ thuật với những điêu khắc đá: sư tử, hổ đá, sóc…mang những giá trị đặc trưng của nghệ thuật thời Trần.
Sang thời Lê sơ (thế kỷ XV-XVI), triều đình đã cho xây dựng cả một quần thể lăng Hoàng gia ở Lam Kinh (Thọ Xuân – Thanh Hoá): Lăng Lê Thái Tổ (Vĩnh Lăng) với tấm bia đá nổi tiếng Bia Vĩnh Lăng; Lăng Lê Thái Tông (Hựu Lăng); Lăng Hoàng hậu Lê Thị Ngọc Giao; Lăng Lê Thánh Tông (Chiêu Lăng); Lăng Lê Hiển Tông (Dụ Lăng); Lăng Hoàng hậu Nguyễn Thị Ngọc Huyên; Lăng Lê Túc Tông (Kính Lăng) và cuối cùng là Lăng hoàng đế Lê Dụ Tông đã được khai quật vào năm 1960 và hoàn táng vào năm 2010. Giai đoạn này, chưa thấy ghi chép hay dấu tích về lăng mộ của các quan đại thần.
Bước sang thế kỷ XVII – XVIII, ngoài các lăng vua và hoàng hậu được đem về táng ở Lam Kinh, một số lăng mộ gắn với sự nghiệp của các chúa Trịnh tuy không còn dấu tích, nhưng cũng đã được ghi chép qua một số sử liệu. Đặc biệt thời kỳ này đã mở ra một trào lưu mới, đó là các quan lại (chủ yếu là Thái giám – thường mang tước Quận công), cung tần, mỹ nữ… khi chết đua nhau xây dựng lăng tẩm cho mình tại quê hương. Đặc trưng của lăng mộ thời kỳ này là hệ thống Lăng đá với nhiều giá trị về nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc tiếu tượng (tượng hầu – chầu, tượng linh thú…) với quy mô to lớn, mỗi lăng tạo thành một quần thể kiến trúc: cổng – thần đạo – bia – nhang án – mộ – đền thờ. Tập trung ở một số tỉnh thành: Hà Bắc (cũ); Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định, Thanh Hoá, Hà Tây – Hà Nội…Đây cũng là những địa phương vốn chiếm số lượng nhiều người đỗ đạt khoa cử, nhiều người tham gia vào việc triều chính với các hình thức khác nhau: Quận công, Thái giám…Chỉ tính riêng ở Hà Bắc (nay là Bắc Giang và Bắc Ninh) theo nghiên cứu đã có 55 lăng đá của các Quận công[7]. Song song với dạng kiến trúc lăng đá của Hoàng gia và các quan đại thần, thời kỳ này còn xuất hiện các loại hình lăng mộ hợp chất với trên 30 lăng mộ[8]. Trong đó nhiều lăng mộ đã được khai quật: như lăng mộ vua Trần Dụ Tông (Thanh Hoá), mộ Phạm Thị Nguyên Chân (Vân Cát -Hà Nam); mộ Bùi Thị Khang (Thượng Lâm – Hà Tây – Hà Nội)…kết quả nghiên cứu cho thấy, đa phần các lăng mộ này chỉ có kiến trúc phần chìm, kết cấu, vật liêu, kỹ thuật, nghệ thuật kiến trúc và hệ thống di vật tuỳ táng đều chứng tỏ chủ nhân đều là những người có địa vị cao trong xã hội đương thời[9].
Theo các tài liệu đã công bố, ngôi lăng mộ hợp chất hiện biết sớm nhất ở Việt Nam được khai quật là mộ của bà Dương Thị Bí – thân mẫu của vua Lê Nghi Dân an táng ở Nhân Giả (Vĩnh Bảo – Hải Phòng) có niên đại vào thế kỷ XV, được các nhà khảo cổ học khai quật và công bố vào năm 1977[10].
Năm 1558, Nguyễn Hoàng tiếp tục thực hiện công cuộc Nam tiến đã được Đại Việt khai mở trước đó, nhưng với một diện mạo, một ý đồ mới – “Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân”, theo lời chỉ dẫn của Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Từ đây, trong lịch sử Việt Nam xuất hiện một tập đoàn phong kiến tồn tại và phát triển như một vương triều độc lập ở phía Nam, đối sánh với các thế lực phong kiến ở miền Bắc (Lê – Trịnh). Khi ra đi, Nguyễn Hoàng cùng với thân tộc, một số quan lại và đông đảo quần chúng nhân dân, chủ yếu là khu vực Bắc Trung Bộ ngày nay mang theo mình những hành trang văn hoá truyền thống trên hành trình Nam tiến của mình. Một trong những “hành trang văn hoá truyền thống” đó là tục lệ xây cất lăng mộ, vốn rất được thịnh hành trong tầng lớp quan lại, giới thượng lưu từ nhiều thế kỷ trước và phổ biến ở đương thời.
Lăng mộ thời chúa Nguyễn – Đàng Trong là một trong những đối tượng bị triệt phá của các thế lực Trịnh – Tây Sơn, theo quan điểm “xóa sạch lẫn nhau”. Theo công bố của Phan Thanh Hải, lăng Hoàng gia thời chúa Nguyễn có 19 lăng. Nhìn chung, về mặt quy mô và kiểu thức xây dựng, hệ thống lăng mộ các chúa Nguyễn đều tương tự như nhau. Mỗi lăng mộ đều có hai vòng thành hình chữ nhật bao bọc…phần mộ xây bằng gạch vồ kết hợp hợp chất, thấp, với hai tầng, xây theo lối giật cấp, trước mộ có hương án, bình phong tiền, hậu trang trí long mã, rồng bằng nghệ thuật khảm sành sứ. Sự giống nhau này cũng dễ hiểu vì tất cả các lăng trên đều được tái xây dựng và tu bổ trong các thời điểm gần tương tự nhau (trùng kiến đầu thời Gia Long (các năm 1808-1809), tu sửa năm Minh Mệnh thứ 21 (1840) và đầu thời Thiệu Trị (1841). Tuy quy mô nhỏ hơn, cách thức xây dựng cũng đơn giản hơn nhiều so với lăng các vua Nguyễn về sau, nhưng lăng mộ các Chúa đều có vị trí rất lý tưởng và hoàn toàn tuân thủ các quy tắc về phong thuỷ địa lý: Đều toạ lạc trên đồi cao, có núi tựa lưng, trước mặt đều có hồ nước, khe suối hoặc đồng ruộng làm “tụ thuỷ”. Minh đường cảu lăng thoáng rộng và có bình phong là núi tự nhiên che chắn. Hai bên đều có núi chầu về làm thế “tay ngai” (Tả Long, Hữu Hổ)…Các lăng Chúa ở vị trí tương đối xa nhau và đều cách trung tâm Huế khá xa. Điều đó chứng tỏ người xưa đã bỏ rất nhiều công sức cho việc tìm kiếm mảnh đất làm “sinh phần” cho các Chúa. Hướng của các lăng rất phong phú chứ không chỉ tuân theo nguyên tắc “Nam diện” (xoay mặt về hướng Nam) của đại đa số các công trình kến trúc[11].
Ngoài kết quả nghiên cứu hệ thống lăng mộ thuộc loại hình “Hoàng gia” thời chúa Nguyễn, chúng ta bước đầu đã có được những nguồn tư liệu về một hệ thống lăng mộ của các quan lại và tầng lớp trên trong xã hội của giai đoạn này. Đó là hàng loạt các lăng mộ thời chúa Nguyễn được khảo sát, giám định ở khu vực Trị – Thiên[12] và Đà Nẵng[13], Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà, Bình Thuận…đánh dấu hành trình khai phá, xác lập và mở rộng lãnh thổ ở khu vực Nam Trung Bộ đến Nam Bộ.
Từ các kết quả nghiên cứu khảo sát của các nhà nghiên cứu về hệ thống lăng mộ ở khu vực Trị – Thiên, các nhà nghiên cứu cho biết lăng mộ trong giai đoạn chúa Nguyễn, là sự tiếp nối của truyền thống Đàng Ngoài, theo một mạch ngầm xuyên suốt, không đứt đoạn. Tuy nhiên, những yếu tố mới đã nảy sinh và từng bước định hình, để đến thời Nguyễn, có thể tạo nên một phong cách nghệ thuật mới đan xen những yếu tố truyền thống.
Qua khảo sát, các nhà nghiên cứu cho rằng: bên cạnh yếu tố kế thừa về phong cách nghệ thuật, cũng đã có một số khác biệt giữa các nhóm lăng mộ qua các thời kỳ, xét về chất liệu, vật liệu, kỹ thuật xây dựng, cấu trúc, kiểu thức trang trí…Trên cơ sở đó, việc phân thành các nhóm (chúa sớm, chúa muộn) dựa trên thực tế khảo sát, các nhà nghiên cứu đã bước đầu sơ bộ giám định về mặt niên đại:
– Nhóm lăng mộ giai đoạn thế kỷ XVI-XVII, phổ biến hiện thấy ở khu vực Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Dựa trên thông tin bia mộ, và quan sát thực địa trên chất liệu, vật liệu, kỹ thuật xây dựng, cấu trúc, kiểu thức trang trí… Xét về mặt chất liệu, chủ yếu vôi, hàu giã thô, chưa nhuyển, trộn mật mía…Về cấu trúc, 5 ngôi mộ đều có hai vòng thành theo hình bầu dục, hoặc có thể hình chữ nhật. Dường như có sự nối kết giữa chất liệu xây dựng với qui mô, hình dáng vòng thành, trụ cổng. Nấm mộ phổ biến hình tròn thể hiện qua hình tượng linh vật (con rùa) trái đào tiên, hình trứng. Cổng mở hẹp (từ 1m đến 1,9m). Trụ cổng không xây cao quá (0,50m đến 0,80m), theo dạng hình khối tròn. Không thấy xuất hiện bình phong tiền, và có lẽ bình phong hậu chính là phần xây cao của bức vòng thành. Không thấy xuất hiện bệ thờ. Kiểu thức trang trí, thể hiện qua trang trí thành bọc, hệ cổng, bia lăng, hay nấm mộ đều xoay quanh các nhóm chủ đề hoa dây, hồi văn lá, tứ linh. Các nét chạm trổ sâu, tuy đơn giản nhưng dứt khoát, mạnh mẽ, rất gần gũi những mảng chạm trong điêu khắc Đàng Ngoài. Hình ảnh rồng không xuất hiện nguyên dạng, mà mang hình tượng rồng hóa một cách thô sơ, hay đó là hình ảnh của con lân.
– Nhóm lăng mộ thuộc giai đoạn thế kỷ XVII-XVIII:
Phổ biến ở khu vực Quảng Trị – Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và rải rác ở Quảng Ngãi, Bình Định…Xét về mặt chất liệu, các lăng mộ sau này được xây bằng vôi mịn, gạch, đá trái, đá ong, phổ biến trên nhiều lăng mộ như lăng Chiêu Nghi, lăng Vĩnh Diên, tháp Liễu Quán, Nguyên Thiều, lăng mộ Nguyễn Khoa Hiệp, Trần Thị Xuân, Trần Thị Lựu…Về mặt cấu trúc, vẫn là sự kế thừa của phong cách trước đó, một số mộ có hai vòng thành xuất hiện (lăng Chiêu Nghi, lăng Vĩnh Diên, lăng bà Trần Thị Xuân…). Tuy nhiên, hình dáng, qui cách, kỹ thuật xây dựng vòng thành đã khác trước. Sự xuất hiện của vật liệu gạch, đá cho phép xây dựng những vòng thành cao (từ 1m đến trên 2m), theo hình chữ nhật nguyên khối, mặt trên của thành có góc cạnh sắc nét vát nhọn hai bên. Những trụ cổng cao, đầu trên trụ dạng hình chữ T hoặc cổng dạng vòm. Một vòng thành xuất hiện ở một số lăng (lăng Nguyễn Khoa Hiệp, Trần Thị Lựu, Nguyễn Khoa Thuyên), nhưng thay vào đó là sự xuất hiện của hai lớp trụ cổng, tạo cảm giác như có hai vòng thành bao quanh mộ. Cổng mở rộng từ 1m đến 2,5m và xuất hiện bình phong tiền giữa hai lớp cổng (tháp Nguyễn Thiều, lăng Nguyễn Khoa Danh)…Nấm mộ theo dạng nấm liếp (hình chữ nhật – lăng Chiêu Nghi), phổ biến hai tầng (lăng Trần Thị Xuân, Nguyễn Khoa Hiệp), có khi ba tầng (Lăng Chiêu Nghi), tầng trên theo dạng hình trứng (lăng Trần Thị Xuân). Nấm hình linh qui xuất hiện nhưng đã cách điệu hóa không đầu, không mai (lăng Trần Thị Lựu). Hệ thống bệ thờ ít thấy vào giai đoạn đầu, mà xuất hiện nhiều vào giai đoạn sau và phổ biến vào thời Nguyễn, với dạng hình chân ghế (lăng Trần Thị Xuân, Nguyễn Khoa Hiệp, lăng Chiêu Nghi). Kiểu thức trang trí, trên các bức tường thành, trụ cổng, nấm mộ, diềm bia, thiên về đường nét, chi tiết, với các đường gấp khúc kỷ hà. Góc cạnh sắc nét đầu các trụ cổng, các đường gờ trên vòng thành lăng, hình cuốn thư của các bức bình phong. Chủ đề thể hiện vẫn là thiên nhiên hoa lá, trang trí trên các tấm bia, bức bình phong như hoa cúc, hoa sen, chim phụng, hình mây…các nét chạm nông…[14]
Tại Quảng Nam – Đà Nẵng là sự phổ biến của nấm mộ có hình dáng nấm hình kèo ngựa/yên ngựa/mã lạp hay còn gọi là dạng mộ hình voi phục. Ở những khu mộ chí này phản ánh quá trình giao lưu, giao thoa và tiếp biến văn hóa với bộ phận thương nhân người Hoa, và cộng cồng Hoa kiều “phản Thanh-phục Minh”.[15] Đây là điểm khác biệt trong đối sánh với những khu mộ chí ở khu vực bắc Hải Vân, khi hình dạng nấm mộ xuất hiện rất đa dạng: quả đào, mai rùa, con rùa, lá sen, con nhện, quả trứng v.v., nhưng lại rất hiếm hoi ở dạng hình yên ngựa – voi phục.
Từ Quảng Nam – Đà Nẵng, các loại hình lăng mộ thời chúa Nguyễn và thời Nguyễn tiếp tục dàn trải trên hầu khắp các tỉnh Nam Trung Bộ. Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng, ngoại trừ một số lăng mộ ở các trung tâm của Dinh – Trấn gắn với các quan lại sở tại, hay quê hương của các phi tần như trường hợp lăng mộ hợp chất ở Phù Cát (Bình Định) ra thì dường như lăng mộ ở khu vực này có phần thưa thớt. Điều đó có thể lý giải: do xa các trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá nên sự hiện diện của lăng mộ ở các địa phương này giảm hẳn. Thay vào đó, mộ táng bằng hợp chất vẫn được ghi nhận trong tầng lớp cư dân giàu có như đã từng được thấy ở Nha Trang như lăng Bà Vú (xây năm 1804); 9 ngôi mộ ở Bình Định; 5 ngôi mộ đã khai quật ở khu vực Mũi Né – Bình Thuận…
Ở Nam Bộ Việt Nam, mộ hợp chất dần được ghi nhận ngày càng dày đặc trong nội thành và vùng ngoại ô Sài Gòn: ở Biên Hoà, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An, Bến Tre, Tiền Giang, An Giang, Kiên Giang…phân bố chủ yếu ở khu vực tập trung đông dân cư sầm uất nhất xưa cũng như nay và bảo tồn khá đầy đủ đặc trưng truyền thống về cấu trúc loại hình từ nghĩa địa chung đến kết cấu mộ phần, chế tạo quan tài và các thủ pháp bảo tồn thi thể chính, phản ánh rất rõ sự thống nhất chung trong tục lệ chôn cất, trong kỹ thuật kết cấu xây dựng, hay nói rộng ra trong văn hoá vật chất ở cả hai miền Nam – Bắc mặc dầu trải qua 2 thế kỷ đất nước bị chia cắt bới các thế lực phong kiến cát cứ[16].
Trở lại với kết quả nghiên cứu khai quật một số ngôi mộ ở Hương Điền – Bà Rịa. Các nhà nghiên cứu không cho biết một số đặc điểm trang trí trên các bộ phận kiến trúc của mộ, do đó thiếu tư liệu để đối sánh. Vấn đề bia mộ – một thông tin quan trọng trong nghiên cứu mộ táng có thể cung cấp cho chúng ta được những thông tin về chủ nhân: tên họ, quê quán, chức tước phẩm hàm (nếu là người có địa vị xã hội) và đặc biệt là niên đại, ngày tháng lập bia mộ…hưng ở đây không có một đề cập nào về vấn đề này. Do đó chúng ta không có căn cứ để xác định niên đại tuyệt đối cho các ngôi mộ này. Riêng về phần bia mộ mô tả ở ngôi mộ 05HĐ.M2, các nhà nghiên cứu mô tả: “Trong đó, bờ tường bao ở phía đông có dạng nửa hình bát giác với cạnh chính đông tây cao hơn 0,88m so với các cạnh ở hai bên. Ở hai góc cạnh nhô lên, gá thêm hai vòng xoắn hình ốc nổi. Trên mặt là tường tạo khuôn bia bình chữ nhật, kích thước 0,68mx0,43mx0,43m”[17]. Căn cứ trên bản vẽ và so sánh với nhiều ngôi mộ khác ở miền Trung và Nam Bộ Việt Nam, thì đây là bức bình phong hậu thường thấy trong kiến trúc lăng mộ hợp chất.
Một số loại hình di vật tuỳ táng được tìm thấy trong mộ 05HĐ.M1, tiêu biểu là chiếc gương đồng đã trình bày ở trên, qua nghiên cứu so sánh, thì loại hình này được coi là một trong những di vật khá điển hình trong thời chúa Nguyễn, tìm thấy nhiều nơi trên đất Thừa Thiên Huế, Quảng Nam – Đà Nẵng[18].
Như vậy, căn cứ trên loại hình, cấu trúc, đặc điểm, kỹ thuật xây dựng và một số di vật tìm thấy của các ngôi mộ hợp chất ở Bà Rịa – Vũng Tàu, kết hợp với nghiên cứu đối sánh, qua việc trình bày về nguồn gốc, diễn biến các loại hình lăng – lăng mộ hợp chất ở Việt Nam, chúng ta có thể nhận định một số ngôi mộ hợp chất ở Bà Rịa – Vũng Tàu đã khai quật là những ngôi mộ có niên đại vào khoảng thế kỷ XVII -XVIII, truyền thống xây cất lăng mộ, kỹ thuật xây cất, các đặc điểm kiến trúc, vật liệu kiến trúc và trang trí kiên trúc cũng như hình thức táng tục được bắt nguồn từ miền Trung Việt Nam. Chính vì thế, niên đại của các ngôi mộ này có lẽ sớm hơn so với nhận định sơ bộ của các nhà khảo cổ học khi khai quật và giám định niên đại cho rằng chúng có niên đại vào khoảng đầu thế kỷ XIX[19].
Và, chúng ta có thể cho rằng đây là những ngôi mộ của người Việt thuộc vào loại hình sớm nhất ở Nam Bộ Việt Nam. Điều này góp phần vào việc cung cấp tư liệu khoa học để nhận định và chứng minh được về những cư dân người Việt đầu tiên đến khai khẩn vùng đất Mô Xoài – Bà Rịa đã được nhiều sử sách và các nhà nghiên cứu ghi chép đề cập tới.
Từ đây, chúng ta có thể phác thảo về một phong tục truyền thống trong xây dựng lăng mộ của những con người đầu tiên khai mở vùng đất Nam Bộ ở xứ sở Mô Xoài – Bà Rịa như sau:
Từ miền Trung, dưới thời chúa Nguyễn, trải qua bao gian nan khổ cực, những người dân Việt đã đến và dừng chân tại vùng đất Mô Xoài – Bà Rịa, lựa chọn nơi đây làm nơi đầu tiên trong hành trình khai khẩn vùng đất Nam Bộ Việt Nam. Trong quá trình sinh sống và lao động, với môi trường cảnh quan, điều kiện tự nhiên thuận lợi, cộng với tính cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, những nhóm cư dân đầu tiên đó đã bước đầu tạo dựng được một cuộc sống tương đối đầy đủ vật chất. Và trong sự tuần hoàn của đời người, có sinh ắt có tử, những giá trị văn hoá tinh thần truyền thống về tang ma, táng tục lại được hồi sinh trên vùng đất mới. Với quan niệm “dương sao, âm vậy” những người dân Việt đã xây dựng mộ phần cho người thân quá cố những ngôi mộ hợp chất có tính tiếp nối kỹ thuật, quan niệm truyền thống từ nơi chôn rau cắt rốn. Đó cũng là những căn cứ khoa học để nhiều ngành khoa học khôi phục được phần nào diện mạo của quá khứ qua mỗi thời kỳ lịch sử. Và ở đây, những ngôi mộ hợp chất ở Bà Rịa – Vũng Tàu với kiểu thức truyền thống như một căn cứ khoa học phản ánh, xác lập bước chân đầu tiên của người Việt ở đất trời phương Nam.
LƯƠNG CHÁNH TÒNG
Bảo tàng Lịch sử Việt Nam – Tp.Hồ Chí Minh
________________
Tài liệu tham khảo:
– Ngô Sĩ Liên 2009: Đại Việt sử ký toàn thư. Trọn bộ. NXB Văn hoá thông tin. Hà Nội
– Lê Xuân Diệm, Đỗ Văn Ninh 1971. Bảng thống kê (sơ bộ) những ngôi mộ hợp chất đã phát hiện ở Việt Nam. Trong Tạp chí Khảo cổ học. Số 11-12. Viện Khảo cổ học. Hà Nội. Tr.162-165.
– Lê Xuân Diệm, Đỗ Đình Truật 1977. Khai quật mộ Vườn Chuối (Thành phố Hồ Chí Minh). Trong Tạp chí khảo cổ học. Số 4. Viện khảo cổ học. Tr.88.
– Trịnh Cao Tưởng, Tống Trung Tín 1977. Khai quật mộ Nhân Giả – Hải Phòng. Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 1977. Viện khảo cổ học. Hà Nội. Tr.218-219
– Nguyễn Huy Hạnh 2004. Lăng đá Hà Bắc: kiến trúc và điêu khắc. Luận án Tiến sĩ Lịch sử. Viện khảo cổ học, Hà Nội.
– Phan Thanh Hải 2004: Hệ thống di tích, di vật thời chúa Nguyễn trên đất Thừa Thiên Huế. Trong Thông tin khoa học tháng 9/2004. Phân viện Nghiên cứu văn hoá nghệ thuật tại thành phố Huế. Tr.70.
– Trần Đức Sáng, Hoàng Thị Ái Hoa, Hoàng Minh Tuấn 2004. Khảo sát một số lăng mộ thời chúa Nguyễn ở khu vực Trị – Thiên. Trong Thông tin khoa học 9/2004. Phân viện Văn hoá Nghệ thuật tại Thành phố Huế. Tr.79-114.
– Đào Linh Côn 2008: Khai quật hai ngôi mộ hợp chất ở Hương Điền (Thành phố Bà Rịa – Vũng Tàu). Trong Một số vấn đề khảo cổ học ở miền Nam Việt Nam. Tập 3. NXB Khoa học xã hội. Tr.473-478.
– Nguyễn Phước Bảo Đàn 2010. Dấu ấn nghệ thuật tạo hình thời chúa Nguyễn: Những kết quả khảo sát trên loại hình bia mộ ở Đà Nẵng. Tư liệu Phân viện Văn hoá nghệ thuật tại thành phố Huế.
[1] Đào Linh Côn 2008: Khai quật hai ngôi mộ hợp chất ở Hương Điền (Thành phố Bà Rịa – Vũng Tàu). Trong Một số vấn đề khảo cổ học ở miền Nam Việt Nam. Tập 3. NXB Khoa học xã hội. Tr.473-476.
[2] Đào Linh Côn 2008: Khai quật hai ngôi mộ hợp chất ở Hương Điền (Thành phố Bà Rịa – Vũng Tàu). Trong Một số vấn đề khảo cổ học ở miền Nam Việt Nam. Tập 3. NXB Khoa học xã hội. Tr.476-478.
[3] Đào Linh Côn 2008: Khai quật hai ngôi mộ hợp chất ở Hương Điền (Thành phố Bà Rịa – Vũng Tàu). Trong Một số vấn đề khảo cổ học ở miền Nam Việt Nam. Tập 3. NXB Khoa học xã hội. Tr.478-479.
[4] Ngô Sĩ Liên 2009: Đại Việt sử ký toàn thư. Trọn bộ. NXB Văn hoá thông tin. Hà Nội. Tr.126.
[5] Ngô Sĩ Liên 2009: Sđd. Tr.126.
[6] Ngô Sĩ Liên 2009: Sđd. Tr.159.
[7] Nguyễn Huy Hạnh 2004. Lăng đá Hà Bắc: kiến trúc và điêu khắc. Luận án Tiến sĩ Lịch sử. Viện khảo cổ học, Hà Nội.
[8] Lê Xuân Diệm, Đỗ Văn Ninh 1971. Bảng thống kê (sơ bộ) những ngôi mộ hợp chất đã phát hiện ở Việt Nam. Trong Tạp chí Khảo cổ học. Số 11-12. Viện Khảo cổ học. Hà Nội. Tr.162-165.
[9] Xin tham khảo thêm Tạp chí khảo cổ học 11-12 năm 1971 – số chuyên đề về Mộ hợp chất thời vua Lê – chúa Trịnh.
[10] Trịnh Cao Tưởng, Tống Trung Tín 1977. Khai quật mộ Nhân Giả – Hải Phòng. Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 1977. Viện khảo cổ học. Hà Nội. Tr.218-219.
[11] Phan Thanh Hải 2011: Sđd. Tr.58-62.
[12] Trần Đức Sáng, Hoàng Thị Ái Hoa, Hoàng Minh Tuấn 2004. Khảo sát một số lăng mộ thời chúa Nguyễn ở khu vực Trị – Thiên. Trong Thông tin khoa học 9/2004. Phân viện Văn hoá Nghệ thuật tại Thành phố Huế. Tr.79-114.
[13] Nguyễn Phước Bảo Đàn 2010. Dấu ấn nghệ thuật tạo hình thời chúa Nguyễn: Những kết quả khảo sát trên loại hình bia mộ ở Đà Nẵng. Tư liệu Phân viện Văn hoá nghệ thuật tại Thành phố Huế.
[14] Trần Đức Sáng, Hoàng Thị Ái Hoa, Hoàng Minh Tuấn 2004. Khảo sát một số lăng mộ thời chúa Nguyễn ở khu vực Trị – Thiên. Trong Thông tin khoa học 9/2004. Phân viện Văn hoá Nghệ thuật tại Thành phố Huế. Tr.79-114.
[15] Nhận định này là kết quả của sự đối sánh với kết quả khảo sát hệ thống lăng mộ cổ ở khu vực Ngãi-Bình-Phú (Quảng Ngãi-Bình Định-Phú Yên) với sự hiện diện của nhiều khu nghĩa địa người Hoa có cách thức tạo hình nấm mộ lẫn vòng tường thành tương tự.
Đặc biệt là dựa trên một số kết quả nghiên cứu của Nguyễn Thị Hà và cộng sự từ kết quả nghiên cứu đề tài khoa học cấp trường: “Mộ cổ ở thành phố Hồ Chí Minh”. Đại học KHXH&NV – Đại học Quốc gia Tp.HCM. Nghiệm thu năm 2009.
[16] Lê Xuân Diệm, Đỗ Đình Truật 1977. Khai quật mộ Vườn Chuối (Thành phố Hồ Chí Minh). Trong Tạp chí khảo cổ học. Số 4. Viện khảo cổ học. Tr.88.
[17] Đào Linh Côn 2008: Khai quật hai ngôi mộ hợp chất ở Hương Điền (Thành phố Bà Rịa – Vũng Tàu). Trong Một số vấn đề khảo cổ học ở miền Nam Việt Nam. Tập 3. NXB Khoa học xã hội. Tr.478
[18] Phan Thanh Hải 2004: Hệ thống di tích, di vật thời chúa Nguyễn trên đất Thừa Thiên Huế. Trong Thông tin khoa học tháng 9/2004. Phân viện Nghiên cứu văn hoá nghệ thuật tại thành phố Huế. Tr.70.
[19] Đào Linh Côn 2008: Khai quật hai ngôi mộ hợp chất ở Hương Điền (Thành phố Bà Rịa – Vũng Tàu). Trong Một số vấn đề khảo cổ học ở miền Nam Việt Nam. Tập 3. NXB Khoa học xã hội. Tr.475.