Làng Long Điền thời Mô Xoài qua văn bia chùa Long Bàn
Thôn Long Điền trước đây, thị trấn Long Điền ngày nay (thuộc huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) với vị trí, phía đông giáp xã An Ngãi và An Nhất, phía tây giáp phường Long Toàn và Phước Trung thành phố Bà Rịa, phía nam giáp phường 12 thành phố Vũng Tàu và xã An Ngãi, phía bắc giáp xã Long Phước thành phố Bà Rịa và xã Long Tân huyện Đất Đỏ.
Thị trấn Long Điền gồm 8 khu phố: Long Phượng, Long Tân, Long Sơn, Long Hiệp, Long An, Long Nguyên, Long Liên và Long Tâm. Có diện tích là 14,21km2, dân số 16.566 người (1999). Cách đây khoảng hơn 300 năm vùng đất xứ Mô Xoài là nơi dừng chân đầu tiên trong của đoàn người Việt, Nam tiến từ vùng Ngũ Quảng vào để khai hoang mở đất. Những nhóm cư dân tiên phong đã sớm biết lựa chọn những vùng đất cao, gần trục đường thiên lý, xung quanh có nhiều khu vực đất hoang nhưng phì nhiêu, bằng phẳng và đặc biệt có Bàu Thành (Bàu Tượng) là nguồn nước ngọt cung cấp dồi dào phục vụ canh tác trồng lúa nước truyền thống…để lập làng. Ban đầu chỉ là một vài ba gia đình đến định cư, rồi thành những xóm nhỏ nằm rải rác, sau đó dần dần phát triển quây tụ thành làng mạc. Quá trình xây dựng các bậc tiền nhân đã để lại cho hậu thế nhiều di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng là công trình kiến trúc nghệ thuật nổi tiếng và độc đáo: Chùa Long Bàn, đình Long Điền (tại đây còn lưu giữ được dấu tích bức tường thành cổ thời xứ Mô Xoài)…Trong số các làng Việt ra đời sớm và trở thành thịnh vượng nhất của xứ Mô Xoài là thôn Long Điền. Trong bài viết này chúng tôi xin giới thiệu về một số vấn đề cơ cấu làng xã, thiết chế tôn giáo, tín ngưỡng của thôn Long Điền, xứ Mô Xoài.
Sau khi Chưởng cơ Nguyễn Hữu Cảnh (1650-1700) vào Nam kinh lược (1698) và thiết lập bộ công quyền, đặt nền pháp trị và xác định cương thổ quốc gia thì vùng Long Điền đã ổn định và phát triển dân cư.
Vào năm 1808 thôn Long Điền thuộc tổng An Phú, huyện Phước An, trấn Biên Hòa. Trong sách địa bạ triều Nguyễn 1836 huyện Phước An có 4 tổng, 42 làng (31 thôn, 6 xã, 2 phường và 3 thuyền) với diện tích khai phá là 1.729,4 mẫu, trong đó diện tích sử dụng 1698,2 mẫu, riêng ruộng muối có 26,3 mẫu. Trong 42 thôn, làng đã được ghi chép trong địa bạ thì nhiều thôn, làng còn cách bức nhau, bị ngăn cách bởi những cánh rừng. Thôn Long Điền được khai phá sớm nhưng lúc này ba mặt vẫn còn là rừng: ”Tây giáp rừng chằm, nam giáp rừng, bắc giáp rừng hoang, chỉ có phía đông giáp thôn Long Thạnh, có suối nhỏ làm giới”.
Đến đời Minh Mạng nhất là sau 1836 nhà Nguyễn từng bước thể chế hoá bộ máy hành chính địa phương bằng văn bản pháp lý. Theo Minh điều hương ước ban hành vào năm 1852 (đời Tự Đức) được ban hành chung cho toàn Nam bộnhư sau: ”Khi đến 200 dân đinh, khai hoang trên 100 mẫu thì được phép lập một thôn lớn gọi là “xã”. Khi có từ 50-200 dân đinh khai khẩn từ 50-100 mẫu thì được phép thành lập một thôn nữa gọi là “thôn”. Khi có khoảng 10 mẫu thì được phép thành lập một thôn nhỏ, gọi là “ấp”. Trước đó tiêu chuẩn xin lập làng còn dễ dàng. Vào năm Canh tý 1790 chúa Nguyễn qui định chỉ cần có 40 dân đinh cũng có thể xin lập một thôn. Tư liệu dân gian cho biết cũng có khi vài ba gia đình hoặc 10-15 dân đinh cũng có thể thành một thôn. Mỗi thôn, xã Nam bộ trong Hội đồng kỳ mục có 5 loại chức dịch. Một loại có thể xuất thân từ tầng lớp nghèo nàn chỉ biết lấy công lao làm thành tích, thì được cử vào các chức vụ thừa hành. Giám sát, tuần tra…mang tính chất năng động. Một loại xuất thân từ tầng lớp phú hào có thể cử vào các chức vụ quản lý, tài sản. Một loại có căn cơ lý lịch (con cháu các bậc có công khai hoang lập làng) có thể cư vào các chức vụ giữ gìn truyền thống địa phương. Một loại xuất thân từ tầng lớp có học hành có thể được cử vào các chức giấy tờ, bút mực, giáo dục, văn hoá…Các quan văn võ khi hưu trí về làng được cử chức “hương quan”, cố vấn các mặt. Hội đồng kỳ mục một thôn (xã) có khoảng 30 chức vụ khác nhau: trưởng mục, hương chủ, hương sư, hương chánh, hương quản, hương thôn, hương hào, thôn trưởng, phó thôn, lý trưởng, biện đình, biện lại, cai lân, cai tuần, trưởng ấp, cai binh, tham trưởng, cai đình, tri sư, hương điền, chánh bái, hương lễ, hương ẩm, thủ chi, thủ bổn, kế hiền. Để tránh sự rườm rà, thời đó cho phép mỗi người kiêm 5, 3 chức vụ hoặc các đơn vị thôn hay xã được phép tùy nghi lược giản. Vào cuối thế kỷ XIX thôn Long Điền đứng đầu sổ của tỉnh Bà Rịa về dân đông với 5.726 người. Trong văn bản tư liệu “Hán-Nôm các di tích lịch sử văn hóa Bà Rịa – Vũng Tàu”, do Bảo tàng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Trung tâm nghiên cứu Hán- Nôm (Viện Khoa học Xã hội TP.Hồ Chí Minh), (Phạm Chí Thân và Nguyễn Cẩm Thúy chủ nhiệm), sưu tầm, nghiên cứu và dịch thuật năm 2000, tại chùa Long Bàn. Căn cứ bài văn bia đuợc khắc vào ngày mồng một tháng 7 năm Kỷ Sửu (1888) có ghi chức danh và tên tuổi những người đóng góp sửa chữa làm mới chùa Long Bàn vào chúng tôi nhận thấy cơ cấu tổ chức của Hội đồng kỳ mục thôn Long Điền khá chặt chẽ được thể hiện với các chức danh sau: Hương cổ, hương cả, cai tổng, hương sư, hương bái, hương quản, hương mục, hương tự, hương bảo, hương lễ, hương thừa, tham trưởng, hương đình, hương giảng, hương giáo, hương chánh, hương hào, hương văn, hương bộ, hương vụ, hương hộ, hương sự, hương bổn, hương cần, hương câu, hương khoán, thủ bộ, trưởng thôn, thủ chỉ, lý trưởng…Tổ chức hành chánh cấp cơ sở là thôn (tương đương với làng) dưới thời Nguyễn gồm hai loại hương chức. Hương chức thành phần chỉ huy gồm 22 loại viên chức và hương mục 15 loại viên chức. Tiêu chuẩn được chọn vào Hội đồng kỳ mục còn gọi là bàn Hội tề. Người được vào Hội đồng kỳ mục do dân làng bầu, phải hội tụ các yếu tố: lý lịch, đạo đức, học lực, sự siêng năng…để đảm nhiệm chức năng giữ gìn truyền thống văn hóa của làng, thu xuất, sổ sách các loại thuế (đinh, ruộng…), xử lý các loại công văn hành chánh từ phủ, huyện gửi xuống…
Hội đồng kỳ mục của làng Long Điền mỗi tháng họp 2 lần vào ngày một một và ngày rằm sau khi lễ Thành Hoàng ở đình Long Điền. Hội đồng còn có quyền xét xử các vụ hình luật nhỏ trong thôn. Trong một thôn Long Điền bấy giờ có đến 30 viên chức được ghi danh trong văn bia của chùa, chưa kể các chức được phân chia theo (nhất, nhì, tam) dựa vào thâm niên tuổi tác, uy tín với bà con họ hàng, làng xóm và hằng sản để xếp bậc. Trong văn bia có ghi người đầu tiên là hương cổ nhất Trần Văn Tài (không ghi số tiền đóng góp).
Hương cổ – là người lớn tuổi nhất làng và đã từng nhiều năm làm hương cả được dân làng kính trọng đưa lên hàng đầu và miễn khoản đóng góp.
Hương cả (còn gọi là trưởng mục, hương trưởng) – là người đứng đầu Hội đồng Kỳ mục và có quyền đề cử nhân sự vào Hội đồng, được bầu vì lý do đạo đức, uy tín, hằng sản, có thâm niên sống ở tại làng.
Hương sư – làm nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra, giải thích luật lệ, lo việc giáo dục trong làng…tiêu chí phải là người mẫu mực, ngay thẳng.
Hương thân – Làm nhiệm vụ giáo hóa thuần phong mỹ tục, giải thích những chiếu chỉ, sắc chỉ, hay công văn từ tỉnh xuống cho thôn, hội.
Hương hào – có trách nhiệm làm nhiệm tuần phòng, kiểm tra an ninh trật tự, giúp xã trưởng và hương thân thu thuế. Tiêu chí phải là người hào hiệp, hay giúp đỡ người khi gặp hoạn nạn.
Hương quản – chuyên lo giữ gìn an ninh, trật tự, kiểm tra nhân khẩu.
Hương văn, hương lễ – phụ trách việc tang, hôn, tế của địa phương. Hương lễ chủ tọa các buổi cúng tế tại đình làng. Hương văn soạn thảo các bài văn tế, câu đối để tế thần Thành Hoàng.
Hương mục – lãnh trách nhiệm trông coi tài sản công, tư của thôn.
Hương chánh: Có trách nhiệm cố vấn cho các hương chức là người công bình ngay thẳng.
Thôn Trưởng hay xã trưởng có phó thôn hoặc lý trưởng giúp việc là hương chức trung gian giữa địa phương và chính quyền cấp trên, là người thừa hành công vụ của hội đồng kỳ mục thu các loại thuế, giữ con dấu (mộc triện).
Lý trưởng (còn gọi là phó lý, phó thôn, phó xã) – có chức trách phụ tá cho thôn trưởng, chỉ huy đội dân canh, thúc giục dân đóng thuế, mộ lính, bắt dân làm tạp dịch.
Hương giáo – Người trông coi việc giáo dục, học hành cho con em trong làng.
Thủ bộ – lo việc giữ các sổ đinh (danh sách nhân lực của thôn là các trai đinh tuổi từ 18 đến 59), sổ điền danh sách các hộ đứng tên làm chủ các mảnh ruộng khai phá đã được kê khai, đo đạc.
Nghiên cứu trong bản văn bia, thấy rằng vào cuối thế kỷ XIX làng Long Điền có đến 19 dòng họ khác nhau, gồm các họ Trần, Đỗ, Võ, Phan, Nguyễn, Phạm, Lê, Bùi, Trịnh, Thái, Hồ, Đoàn, Ngô, Văn, Trương, Hoàng, Đinh, Hứa, Mã…
Với nguồn tư liệu văn bản Hán – Nôm quý hiếm của tấm bia hậu duy nhất hiện còn lưu giữ được của chùa Long Bàn và được phát hiện ở vùng đất Mô Xoài ngày xưa đã cung cấp chúng ta những thông tin khách quan, chính xác về một số chức danh cơ bản trong Hội đồng kỳ mục bấy giờ, chiếm vị trí quan trọng của thôn Long Điền vào khoảng giữa thế kỷ XIX (năm 1888) và những dòng tộc… góp phần tìm hiểu thêm về cơ cấu tổ chức làng xã trong quá trình xây dựng và phát triển làng xã thôn xóm của xứ Mô Xoài.
NGUYỄN THANH
Hội KHLS Bà Rịa – Vũng Tàu
_______________
Tài liệu tham khảo:
– Phạm Chí Thân- Nguyễn Cẩm Thúy (Chủ nhiệm) – Di sản Hàn -Nôm trong các di tích lịch sử Bà Rịa Vũng Tàu
– Lý lịch chùa Long Bàn, Đình Long Điền, Bảo tàng tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu
– Làng xã cổ truyền ở Nam bộ qua Minh điều hương ước- Trương Ngọc Tường, Tạp chí Xưa nay số 58b, 1999.