Đấu tranh của tù nhân Côn Đảo đòi thi hành Hiệp định Paris năm 1973

(08/09/2014)

Sau thất bại trong cuộc chiến suốt 12 ngày đêm bắn phá miền Bắc, cùng với những thất bại trong các chiến dịch xuân hè năm 1972, ngày 27/1/1973 Hiệp định Paris được ký kết chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam trên cơ sở tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam và quyền tự quyết của nhân dân miền Nam Việt Nam, góp phần củng cố hòa bình ở châu Á và thế giới.

Hiệp định là bước ngoặt lịch sử vĩ đại, làm thay đổi cục diện cuộc chiến bảo vệ tổ quốc của nhân dân Việt Nam. Nhân dân ta chủ động trong cuộc chiến, thực hiện từng bước đẩy lùi kẻ thù ra khỏi lãnh thổ. Trong lúc Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra thực hiện nghiêm chỉnh những điều khoản được ký kết trong hiệp định thì Chính phủ Việt Nam Cộng hòa tìm cách phá hoại hiệp định với những hoạt động phá hoại như: vi phạm ngưng bắn, đẩy mạnh hoạt động lấn chiếm, bình định, giành dân…phong trào đấu tranh đòi thi hành hiệp định phát triển sôi nổi, mạnh mẽ ở cả nước. tạo thành làn song rộng khắp khiến quân địch phải khiếp sợ, chùn bước. Ở Côn Đảo, mặc dù kẻ thù ra sức bưng bít, khống chế chặt chẽ, kiểm soát gắt gao không để lộ tin tức chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã ký thành công hiệp định Paris, buộc Mỹ ngồi vào bàn đàm phán ký kết hiệp định kết thúc chiến tranh tại Việt Nam, tuy nhiên với nhiều hình thức, thông qua nhiều phương tiện tình hình ký kết hiệp định Pari vẫn được thông tin đến các trại giam ở Côn Đảo. Tinh thần đấu tranh được nung nấu bấy lâu của các chiến sĩ nay được thổi bùng lên, không khí náo nức tràn ngập khắp các trại giam. Chỉ vài ngày sau khi hiệp định được ký kết các chiến sĩ bị giam ở các trại đồng loạt đưa ra yêu cầu đối với Ban Quản đốc trại: toàn bộ tù binh ở Côn Đảo phải được trao trả toàn bộ cho Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam; phải tổ chức cho anh em tiếp xúc với đại diện của Chính phủ Cách mạng lâm thời trong Ban liên hiệp bốn bên; trong thời gian chờ đợt thi hành hiệp định Ban Quản đốc trại phải thực hiện theo quy chế tù chính trị: tôn trọng tự do tư tưởng của tù nhân, phải cấp phát đủ quần áo, thuốc men, lương thực, thực phẩm… Thông qua đài phát thanh (Đảng ủy Trại đã cử những người có giọng đọc khỏe, rõ ràng, mỗi ngày đọc 4 lần vào các buổi sáng, trưa, chiều, tối) Đảng ủy trại không chỉ thông tin thắng lợi của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đến anh em chiến sĩ, tù nhân trong các trại giam mà còn nêu ra yêu cầu đối với nhà cầm quyền Sài Gòn, đồng thời kêu gọi anh em tù nhân binh lính, đồng bào, những người hiện còn phục vụ trong hàng ngũ chính quyền Việt Nam Cộng hòa hãy vì sự nghiệp xây dựng Tổ quốc Việt Nam hòa bình, độc lập, trung lập, hòa giải, hòa hợp dân tộc mà có thái độ buộc chính phủ Việt Nam Cộng hòa nghiêm chỉnh thực hiện những điều khoản trong hiệp định Paris.

Nhân kỷ niệm 43 năm ngày Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (3-2) trùng với ngày mùng 1 Tết, các chiến sĩ, anh em trong trại đã nhân dịp này công khai đón giao thừa với không khí phấn khởi. Vào sáng mùng 1 Tết, một cuộc biểu dương lực lượng đã được tiến hành ở các trại tù Côn Đảo, các hoạt động biểu diễn văn nghệ mừng Đảng, mừng xuân đã được thực hiện ở khắp các trại, không khí đón xuân, chào mừng Hiệp định Paris ký kết thành công đã diễn ra suốt 3 ngày Tết tạo nên sự phấn chấn cho các anh em, chiến sĩ  trong từng trại giam. Sau Tết, các trại tổ chức những đợt học tập chính trị nhằm quán triệt tinh thần của Hiệp định Paris đồng thời nâng cao tình thần học tập, đấu tranh ở các anh em, chiến sĩ với quyết tâm buộc Ban Quản đốc trại phải cam kết thực hiện trao trả toàn bộ tù binh cho Chính phủ Cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam. Bên cạnh phong trào văn nghệ, hoạt động báo chí cũng không ngừng được mở rộng nhằm đáp ứng nhu cầu tìm hiểu của anh em, chiến sĩ. Đảng ủy các trại giam cũng đã cho ra mắt Tập san Xây dựng (ngày 10-3-1973), mỗi tháng một tờ với nhiều nội dung phong phú: phản ánh đời sống của các tù nhân, trang bị kiến thức, đáp ứng nhu cầu học tập nâng cao nhận thức hiểu biết của anh em tù binh các trại… Tờ báo Xây dựng ra đời phản ánh chân thực cuộc sống sinh hoạt của anh em tù nhân (bên cạnh các tờ báo ra đời trước đó như báo Sinh hoạt, Đoàn kết, Tiến lên, Quyết tâm, Rèn luyện, Niềm tin), tuy nhiên với những ảnh hưởng tác động của tờ báo đến các tù nhân ở các phân trại, địch đã tìm mọi cách ngăn chặn, cấm đoán không cho tờ báo được ấn hành ở những số kế tiếp. Vì vậy, báo Xây dựng ra đời phát hành chỉ được 10 số thì ngưng. Tuy nhiên, ở các trại anh em tù nhân đã cất giữ những số báo đã được phát hành và xem đó là tài liệu hướng dẫn học tập, rèn luyện tinh thần ý chí của anh em.

Trước tinh thần hăng hái, nhiệt huyết sục sôi của anh em tù binh ở Côn Đảo đấu tranh ủng đòi thi hành hiệp định. Ban Quản đốc trại tìm mọi cách trì hoãn, không thi hành hiệp định, không đáp ứng những yêu cầu, đòi hỏi của anh em. Chúng còn điều động một tiểu đoàn cảnh sát dã chiến từ Sài Gòn tăng cường ra Côn Đảo có cả bộ phận chuyên môn, nghiệp vụ đi kèm theo để thực hiện chiến dịch thanh lọc tù nhân. Chúng tiến hành chuyển tù chính trị sang thường án (với thủ đoạn tinh vi: lập hồ sơ mới cho lực lượng tù binh này và gán cho tội danh gian nhân hiệp đảng, dự trữ vũ khí bất hợp pháp, giết người…) để tránh việc trao trả Nhân viên dân sự cho Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, chúng đơn phương ép trả tự do cho những người già cả, bệnh tật, ốm yếu; đồng thời tiến hành phân tán, xé lẻ, thủ tiêu tù chính trị…Tính đến ngày 29-4-1973, tổng số tù nhân ở Côn Đảo là 9.579 người, trong khi đó theo Nghị định thư thời hạn Ban Quản đốc trại phải trao trả tù binh là 90 ngày kể từ ngày ký Nghị định. Tuy vậy, lực lượng Việt Nam Cộng hòa ở Côn Đảo chưa có một đợt trao trả tù binh nào, vì vậy chúng tìm mọi cách trì hoãn, trước hết chúng mở chiến dịch thanh lọc tù nhân ở các trại. Đối với các trại có tù nhân nam, chúng tiến hành mở các đợt tấn công vào các phòng giam khi các phòng không chấp nhận để địch chụp hình, lấy dấu vân tay vào các hồ sơ lập sẵn để trao lực lượng tù chính trị sang thường án. Lực lượng cảnh sát dã chiến, quân đội,.. đã dùng lựu đạn cay, phi tiễn ném vào các phòng giam, sau đó chúng cưỡng chế tất cả tù nhân. Anh em tù nhân ở các trại đã đối phó bằng cách dùng nước tiểu tẩm vào khăn, áo, bịt mũi tránh hít phải đạn hơi cay, chống trả quyết liệt khi lực lượng cảnh sát, quân đội xông vào ép từng người chụp hình, lấy dấu vân tay. Đối với các trại giam nữ, chúng cũng tiến hành những biện pháp tương tự, chúng tấn công từng phòng bằng lựu đạn cay cho tù nhân ngất xỉu rồi khiêng từng người khống chế để chụp hình, lấy dấu vân tay nhằm chuyển lực lượng tù chính trị ở Côn Đảo sang thường án. Chúng thực hiện cưỡng chế lực lượng tù nhân với nhiều biện pháp mạnh như cho lực lượng bộ đội, cảnh sát túm tóc các tù nhân sau đó bẻ ngoặt tay họ ra phía sau cho những tên khác thấm mực rồi in dấu vân tay vào giấy… Ở các trại giam, các tù nhân nam cũng như nữ đã có những hành động chống trả quyết liệt những hành động trấn áp dã man của kẻ địch để chúng không thực hiện được âm mưu của mình: các cửa buộc thêm dây kẽm gai, khi lực lượng cảnh sát, quân đội ùa vào các trại giam thì giằng co, chiến đấu quyết liệt (có những người đã cắn nát hoặc mài 10 đầu ngón tay xuống nền xi măng cho mòn hết dấu vân tay để địch không thể nhận dạng) đồng thời kêu gọi anh em cảnh sát, trật tự không nên đàn áp tù nhân, hô vang các khẩu hiệu đả đảo đàn áp, phản đối đàn áp…Trong những đợt phản kháng, chống trả lại sự cưỡng chế, bắt ép chụp hình, lấy dấu vân tay có rất nhiều anh em tù binh bị thương, một số hy sinh trước sự đàn áp dã man của lực lượng cảnh sát, bộ đội. Tinh thần đấu tranh dũng cảm của tù nhân ở các trại giam đã ảnh hưởng, lan rộng tạo thành làn song đấu tranh mạnh mẽ chống lực lượng, quân đội, trật tự ở Côn Đảo. Hầu hết những tấm hình, dấu vân tay chúng lấy được khi lực lượng tù nhân đã ngất xỉu không còn khả năng chống cự. Không khí đấu tranh sôi sục của anh em tù nhân khiến cho quân địch phải khiếp sợ. Chúng dùng những biện pháp mạnh, trấn áp tù nhân không được thì thực hiện những biện pháp khác liên quan trực tiếp đến đời sống của anh em tù nhân: không cho nước sinh hoạt… Bên cạnh việc trực tiếp đấu tranh với lực lượng cảnh sát, trật tự, quân đội ở Côn Đảo anh em tù nhân cũng tìm mọi cách duy trì liên lạc giữa Đảng ủy với Đảng viên các trại giam. Theo nhận xét của Đảng ủy, khả năng phái đoàn của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ra Côn Đảo để thực hiện trao trả tù binh theo Nghị định thư là khó thực hiện. Việc kéo dài những yêu cầu đối với Ban Quản đốc trại như thời gian đầu sau Hiệp định sẽ có nhiều bất lợi, ảnh hưởng trực tiếp đến sinh mạng của anh em trong khi lực lượng địch lớn mạnh, hung hăng. Vì vậy, Đảng ủy đi đến quyết định chấp nhận để địch di chuyển lực lượng tù binh nhưng với điều kiện đi tập thể không được chia nhỏ, phân tán lực lượng. Yêu cầu địch phải công bố Nghị định thư về việc trao trả tù binh, phải công khai danh sách tù binh di chuyển từng đợt đến các trại giam để anh em tù binh chuẩn bị, nếu yêu cầu của ta không được thực hiện thì kiên quyết đấu tranh đến cùng. Ngày 16-2-1973, địch chuyển về đất liền 219 tù nhân thuộc diện già cả, bệnh tật, sau đó ban Quản đốc trại đã tiến hành 2 đợt trao trả tù binh lớn: đợt 1 (từ ngày 28-4-1973 đến ngày 24-5-1973: trao trả 750 người); đợt 2 (từ ngày 23-6-1973 đến ngày 24-7-1973: trao trả 825 người). Địch phân ra từng đợt để đưa về đất liền sau đó lại chia nhỏ, phân tán về các địa phương  Tính đến đầu năm 1974, số tù nhân ở Côn Đảo chỉ còn 5.591 người, trong đó thường phạm là 3.049 người

Có thể nói, sau Hiệp định Paris lực lượng tù binh ở Côn Đảo đã đấu tranh quyết liệt đòi Ban Quản đốc trại ở Côn Đảo phải đáp ứng nguyện vọng của anh em. Sự dũng cảm, kiên trì phản kháng của anh em tù binh ở các trại đã khiến địch phải lùi bước, nhân nhượng. Chúng phải thực hiện Nghị định thư về việc trao trả Nhân viên quân sự và dân sự: đồng ý di chuyển lực lượng tù nhân nhưng với điều kiện anh em tù binh đưa ra là không được xé nhỏ, phải di chuyển tập thể; phải công bố Nghị định thư về vấn đề trao trả Nhân viên dân sự, phải công khai công bố danh sách tù binh trao trả từng đợt cho đại diện của trại để anh em sắp xếp, đại diện Ban Quản đốc trại sẽ bàn giao cho nhà cầm quyền ở bên ngoài cổng trại giam… Còn đối với số tù binh còn lại trong trại chính quyền Sài Gòn buộc phải giải quyết nâng tiêu chuẩn nuôi tù từ 45đ, 18 lên 100đ cho mỗi tù nhân tính từ tháng 11/1973, tăng khẩu phần ăn hàng ngày, để tù nhân được thực hiện quy chế của tù chính trị… Chính sự đoàn kết, quyết tâm đấu tranh kiên quyết đòi địch phải thực hiện nghiêm chỉnh những điều khoản trong hiệp định Paris của anh em tù binh các trại ở Côn Đảo trong năm 1973 là buộc địch phải nhân nhượng, chùn bước, đồng thời cũng chính là tiền đề để từ năm 1974 đến năm 1975, anh em chiến sĩ, các tù binh ở Côn đảo vùng dậy giành chính quyền, buộc địch phải xóa bỏ hoàn toàn chế độ lao tù ở Côn Đảo, nơi được xem là địa ngục trần gian.

ThS. ĐỖ THỊ HÀ
Trường ĐH KHXH-NV ĐHQG TP.HCM

——————————————————————

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Vũ Dư, Cuộc đàm phán lịch sử: Kỷ niệm 35 năm Hiệp định Paris 1973-2008, Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia, 2009.
  2. Nguyễn Văn Bình, Hiệp định Paris về Việt Nam, Cuộc đấu tranh xâm lược, Nhà Xuất bản Lao động, 2005.
  3. Nguyễn Đình Thống, Lịch sử nhà tù Côn Đảo (1862-1975), Nhà Xuất bản Tổng hợp Tp.HCM, 2010.
  4. Nguyễn Đình Thống, Đấu tranh chính trị của các chiến sĩ yêu nước và cách mạng nhà tù Côn Đảo (1955-1975), Luận án Tiến sĩ, Viện Nghiên cứu Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, 1994.
  5. Bùi Văn Toản, Tù nhân Côn Đảo 1940-1945.
  6. Bùi Văn Toản, Côn Đảo bản anh hùng ca bất khuất về ba cuộc đấu tranh tuyệt thực lớn nhất trong lịch sử 113 năm nhà tù Côn Đảo của lực lượng tù chính trị câu lưu, Nhà Xuất bản Thanh niên, 2006.
  7. Bùi Văn Toản, Côn Đảo 6.694 ngày đêm và đấu tranh của tù chính trị, Nhà Xuất bản Trẻ Tp.HCM, 2002.
  8. Bùi Văn Toản, Ác liệt Côn Đảo (1969-1975), Nhà Xuất bản Trẻ, 2002.
  9. Lê Hữu Phước, lịch sử nhà tù Côn Đảo (1862-1930), Luận án Tiến sĩ, Viện Khoa học Xã hội Tp.HCM, 1992.
  10. Nguyễn Trọng Phúc, Lịch sử đấu tranh của các chiến sĩ yêu nước và cách mạng nhà tù Côn Đảo, Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia, 2010.
  11. Trịnh Công Lý, Đấu tranh của những người cộng sản ở nhà tù Côn Đảo 1930-1945, Nhà Xuất bản TP.HCM, 2005.

[1]Bùi Văn Toản,  Côn Đảo 6.694 ngày đêm và đấu tranh của tù chính trị, Nhà Xuất bản Trẻ Tp. HCM, 2002.


Translate »
san xuat moc khoa may ao thun Kem sữa chua Kem sữa chua trân châu