Bước đầu tìm hiểu việc định cư của người việt ở vùng đất Mô Xoài

(24/08/2014)

Khi nghiên cứu về vùng đất Mô Xoài thì có nhiều vấn đề các nhà sử học quan tâm. Đây có phải là vùng đất lưu dân việt đến định cư đầu tiên ở Nam Bộ hay không ? Và từ đây, người việt mở rộng định cư sang các vùng đất lân cận ở Nam Bộ ?

Nhà nghiên cứu VÕ THÀNH PHƯƠNG

Hội KHLS tỉnh An Giang

Gần 400 năm, thời gian không xa đối với tiến trình lịch sử dân tộc. Nhưng vùng đất Mô Xoài về tư liệu lịch sử lại rất hiếm, nhất là việc lưu dân Việt đến đây thiếu rất nhiều tư liệu minh chứng.

Người Việt định cư ở Mô Xoài từ lúc nào ? Đến nay hầu như chưa có tài liệu nào đề cập đến vấn đề này, chỉ có nguồn tư liệu của Trịnh Hoài Đức trong Gia Định Thành thông chí thì dân Việt Nam đã vào Mô Xoài từ đời các tiên hoàng đế. Tức từ thời chúa Nguyễn Hoàng (1558-1613), Nguyễn Phúc Nguyên (1613-1635), Nguyễn Phúc Lan (1635-1648). Chứ không phải người Việt đến Mô Xoài từ đạo quân của Tôn Thất Yến (Nguyễn Phước Yến) từ năm 1658, rồi ở lại khai mở ruộng đất mà một số người phỏng đoán. Vào năm 1665, A.Launay ghi nhận có hàng ngàn người Việt đến định cư ở Nam Vang. Họ còn định cư rải rác ở trung lưu và hạ lưu sông Mê Kông và đồng bằng sông Mê Nam (Xiêm).

Lưu dân Việt đến Mô Xoài từ bao giờ ?

Chúng tôi lưu ý một sự kiện hầu như sử Việt Nam không nhắc đến là việc chúa Nguyễn Phúc Nguyên (chúa Sãi) gả công nữ cho vua Chân Lạp lúc bấy giờ là Chey Chettha II (1620). Chính cuộc hôn nhân này đã tạo điều kiện cho người Việt đến định cư trên đất Chân Lạp. Bà là người đã đem nhiều người Việt giữ chức hệ trọng trong triều, lập một xưởng thợ và và buôn bán quanh kinh đô. Điều đó trùng lặp với ghi nhận của A. Launay. Cũng từ đó chúa Nguyễn xin lập Sở thu thuế tại Sài Gòn (Prei Nokor) năm 1623. Đương nhiên không phải vô cớ mà triều Nguyễn đặt sở thuế tại Sài Gòn. Vấn đề ở chỗ Chân Lạp muốn dựa thế của chúa Nguyễn chống lại Xiêm La. Như vậy chúng ta có thể đoán định cư dân Việt đã có mặt ở Nam Bộ vào khoảng đầu thế kỷ XVII. Đặc biệt là vào thời gian khi vua Chân Lạp cưới công nữ Việt Nam thì cư dân Việt đến định cư đông hơn. Tính từ khi lập sở thuế tại Sài Gòn (1623) đến khi Nguyễn Hữu Kính vào Nam kinh lược và thiết lập hành chánh hai huyện Tân Bình và Phước Long (1698) khoảng 75 năm. Thì lúc đó tại vùng Sài Gòn đã có khoảng 20.000 dân Việt, theo phỏng đoán khoảng bằng một phần ba cư dân Việt ở vùng Đồng Nai. Trong đó phải kể đến vùng đất Mô Xoài. Tính thời điểm đó cư dân Đồng Nai vẫn đông hơn vùng Sài Gòn.

Riêng ở Nam Bộ chúng ta lưu ý cư dân Việt đã có mặt ở đâu trước hết? Theo nghiên cứu, chúng ta thừa nhận lưu dân Việt có mặt vùng đất Mô Xoài, Đồng Nai và Sài Gòn. Có thể chúng ta phỏng đoán con đường vào Nam của cư dân Việt là chủ yếu dùng thuyền, nên xét vị trí thì Mô Xoài là nơi cư dân tiếp cận đầu tiên. Sau đó họ đến định cư ở vùng Biên Hòa và Sài Gòn sau này. Khi xưa Trịnh Hoài Đức ghi lại “Bà Rịa ở đầu biên giới trấn Biên Hòa, là đất có danh tiếng, cho nên các phủ phía Bắc có câu ngạn ngữ ”Cơm Nai Rịa, cá Rí Rang ấy là xứ Đồng Nai và Bà Rịa đứng đầu”.

Thành phần cư dân Việt đến định cư ở Nam Bộ gồm những thành phần nào?

Trừ số người hầu cận công nữ An Nam và số người buôn bán ở Nam Vang, thì phần lớn cư dân Việt đến vùng Mô Xoài và Đồng Nai là cư dân nghèo khổ. Chúng ta biết thời kỳ đau thương nhất trong lịch sử dân tộc là cuộc chiến tranh Trịnh – Nguyễn. Vì lợi ích dòng họ, họ đã lôi kéo nhân dân vào vòng xoáy bạo lực. Cuộc chiến ấy không chỉ diễn ra một hai năm mà kéo dài bốn mươi lăm năm (1627-1672). Người Việt không thể chịu đựng cuộc chiến tàn khốc và đẩm máu như thế mà sử cũ ghi nhận. Người Việt bỏ làng ra đi, đó không phải là tập quán của người Việt mà chính thế sự đã đẩy họ vào bước đường cùng. Họ ra đi không phải một người mà cả gia đình, nhóm người thẳng tiến vào Nam. Họ tự động đi làm ăn, tự tập hợp, tự bảo vệ. Lúc này, chúng ta cũng cần lưu ý đến chính sách khai hoang của chúa Nguyễn, thực tế chính sách này chỉ thực hiện ở vùng đất Thuận – Quảng mà thôi. Vì trong Nam vẫn còn lãnh thổ Chiêm Thành, Chân Lạp.

Nhìn chung chúa Nguyễn thời kỳ trước 1698, vẫn còn lo chiến tranh xâu xé. Sự kiện Mô Xoài (tháng 9 năm 1658), Trịnh Hoài Đức ghi chép là do vua Cao Miên (Nặc Ông Chân)“ phạm biên cảnh”, Quốc sử Nguyễn chép: “Đến năm Mậu Tuất (1658) mùa thu, tháng 9, vua nước Cao Mên là Nặc Ông Chăn xâm phạm biên giới, vua sai phó tướng Dinh Trấn Biên (tức Dinh Phú Yên) là Yến Vũ hầu (Tôn Thất Yến, sách địa chí Thành phố Hồ Chí Minh ghi: Nguyễn Phúc Yến), Tham mưu là Minh Lộc hầu, Cai đội xuất tiên phong là Xuân Thắng hầu đem 2000 quân đi hai tuần đến thành Mỗi Xuy (tức Mô Xoài) nước Cao Mên ,đánh phá tan được, bắt vua nước này là Nặc Ông Chăn”.

Từ biên cảnh theo cách hiểu của chúa Nguyễn là vùng đất nào thì không rõ? Thời xưa khái niệm quốc gia không rõ ràng, các đường biên giới chỉ phỏng định, chỉ có giá trị tương đối. Nhưng chắc chắn là vấn đề chính trị, mãi đến khi các công thần nhà Minh xin khẩn hoang vùng Mỹ Tho và Đồng Nai (1679) thì đây là lớp người Hoa tiếp tục đến Nam Bộ khai khẩn. Thực chất, việc khẩn hoang của người Hoa trên vùng đất Mỹ Tho và Biên Hòa chẳng qua là ngoài biên cảnh, “cái phép” chúa Nguyễn cho Trần Thượng Xuyên và Dương Ngạn Địch chỉ là khẳng định thế lực đang lên ở vùng đất mới.

Khi người Việt đến vùng Mô Xoài hay vùng Sài Gòn ngày nay, hầu như đất đai nơi đây toàn là rừng rậm bạt ngàn. Phủ Biên tạp lục ghi nhận “Từ cửa biển Cần Giờ, Soài Rạp, cửa Tiểu, cửa Đại trở lên, toàn là rừng rậm hàng ngàn dặm”. Vùng Sài Gòn có người Khơ me cư ngụ nhưng số ít mà thôi. Riêng vùng đất Mô Xoài theo một số nhà nghiên cứu khẳng định vùng đất này xưa kia có người Mạ, người Xtiêng cư ngụ, nhưng có thể vì sự có mặt của người Chân Lạp đến, nên sau đó họ di chuyển dần lên phía bắc, định cư trên thượng nguồn sông Đồng Nai. Khi ấy địa đầu Gia Định là Mỗi Xuy (hay Mô Xoài) và Đồng Nai (tức nay là Biên Hòa trấn) ấy đã có lưu dân của nước ta đến ở chung lộn với dân Cao Miên khai khẩn ruộng đất. Người Cao Miên rất khâm phục oai đức của triều đình, đem nhượng hết cả đất ấy rồi tránh ở chỗ khác, không dám tranh trở chuyện gì ”. Như vậy lịch sử có sự lập lại ở vùng Mô Xoài là khi cư dân Việt Nam đến thì lại người Chân Lạp ra đi! Đó không phải là sự tranh chấp hay xua đuổi hoặc sử dụng vũ lực như các dân tộc khác trên thế giới, mà sử cũ gọi là “khâm phục oai đức của triều đình”, cũng có thể theo ta hiểu là họ sợ đến sức mạnh quân sự đương thời. Chúng ta cần lưu ý đến yếu tố phong tục tập quán, lối sống,…của cư dân Việt và dân Chân Lạp có những điểm dị biệt.

Vùng đất Mô Xoài có người Khơ me rải rác cùng người việt mà đây chỉ là vùng đất tranh chấp giữa chính quyền Chân Lạp và Chiêm Thành. Những di tích ngày nay bắt đầu từ năm 1674, quân Khơ me đắp một lũy đất ở địa đầu Mỗi Xuy (tức Mô Xoài, Bà Rịa), bàu Voi, thành Phước Tuy chỉ là dấu vết đồn lũy quân sự của Chân Lạp mà thôi. Chứ chưa hẳn là dấu vết của sự định cư từ lâu của người Khơ me. Chúng ta có thể nói thêm hai di tích còn sót lại: lũy Phước Tứ và Bàu Thành (Bàu Tượng, Bàu Voi). Chúng ta ghi nhận lũy đất này là do người Chân Lạp xây dựng nhằm bảo vệ Biên Hòa, Sài Gòn. Lúc đầu nó chỉ là gò đất quân Chân Lạp thành lập lũy đất. Đến sự kiện Mô Xoài (năm 1658) thì đã bị quân chúa Nguyễn phá một phần nào. Đến năm 1674, lần nữa quân Chân Lạp do Bô Tâm thiết lập kiên cố hơn và có cả ao tắm voi, nhằm chống quân chúa Nguyễn. Quân của Nguyễn Dương Lâm đã phá tan. Vì vậy, lũy Phước Tứ (còn gọi là lũy Bô Tâm được nâng lên thành Đạo Mô Xoài, tiền đồn của Dinh Thái Khang. Như vậy, lúc đầu lũy Phước Tứ thuộc Chân Lạp, dù quân Nguyễn có vào đánh phá nhưng không đồn trú. Chắc có lẽ sau sự kiện 1674, thì quân chúa Nguyễn đã cử lính đến đồn trú.

Trở lại lịch sử khai phá đất Nam Bộ, có hoàn cảnh khác so với các quốc gia khác là việc mở mang bờ cõi không bằng các cuộc chiến tranh xâm lược mà chính là việc di dân tự do. Tất nhiên lúc đầu chính quyền phong kiến chúa Nguyễn chưa thể can thiệp sâu, nhưng ít nhiều đã có tác động đến việc di dân sau này như sự kiện hai viên tổng binh nhà Minh không chịu đầu phục nhà Thanh, kéo hai đạo quân và gia đình của họ xuống phía Nam xin khẩn hoang Đàng Trong (năm 1679). Nhưng tác dụng tích cực nhất khiến chính quyền phong kiến Đàng Trong đẩy mạnh mở rộng cương vực lãnh thổ chính là do sự suy yếu của các vương triều Chân Lạp. Một chính quyền không còn đủ sức quản lý vùng đất mình đang có. Tất nhiên trong lịch sử Chân Lạp, dân tộc Khơ me họ đã chịu đựng quá nhiều sự áp bức và xâm lược của quân Xiêm, họ không chỉ mất đất mà mất luôn cả kinh đô huy hoàng và quyền lực. Con đường rút lui về Nam Bộ là việc chẳng đừng. Thế dựa vào chúa Nguyễn là quy luật tất yếu để giữ những gì còn lại.

Hầu như trong quá trình đưa quân vào Nam Bộ chúa Nguyễn chưa bao giờ dùng quân đội để chiếm đất Chân Lạp và khẳng định cương vực mà chủ yếu xây dựng chính quyền thân mình. Các cuộc hành quân bắt các vị vua Chân Lạp chống đối, nhưng chưa bao giờ chúa Nguyễn giết bất kỳ một thân vương nào của Chân Lạp, mà nhiều khi hộ tống họ về nắm quyền.

Qua những yếu tố trên chúng ta có thể phỏng đoán người Việt đến Mô Xoài thì nơi đây chỉ là vùng đệm trong tranh chấp Chân Lạp và Chiêm Thành nhiều sự kiện kế tiếp : sự kiện Mô Xoài (1658) đến năm 1674, khoảng 16 năm nhưng Mô Xoài trở thành những điểm nóng biến cố, vì vậy số người cư ngụ nơi đây rất ít. Chúng ta không thể võ đoán cho rằng lúc này người Việt ở Mô Xoài rất đông, trong khi chiến tranh xung đột diễn ra! Dân số có đông đi nữa chỉ khi nào chúa Nguyễn thành lập Đạo Mô Xoài. Thành lập Đạo Mô Xoài không chỉ để bảo vệ cương vực lãnh thổ mà còn bảo vệ cư dân Việt làm ăn sinh sống trên vùng đất mới. Đó còn là bài học mà sau này Nguyễn Cư Trinh vận dụng thành lập Đạo Châu Đốc, Đạo Tân Châu và Đông Khẩu Đạo (tức Sa Đéc) khi tiếp nhận đất Tầm Phong Long của Chân Lạp.

Nhưng vì sao vùng đất Mô Xoài dân Việt cư ngụ ít hơn vùng Đồng Nai và Sài Gòn? Có thể nghiên cứu thêm, nhưng về vị thế thì vùng Đồng Nai thuận lợi cho việc phát triển nghề nông và thủ công truyền thống, đặc biệt là từ lúc Trần Thượng xuyên đến đây thì lập phố chợ và buôn bán thuận lợi. Biên Hòa sớm trở thành trung tâm thương mại phồn thịnh. Sự phát triển ấy một phần nhờ vào nghề nông của người Việt và dân bản địa. Đương nhiên chúng ta không được ngộ nhận chính người Hoa là người mở đất Nông Nai đầu tiên, mà chính người Việt là chủ nhân đầu tiên đến đây và sau đó người Hoa góp phần phát triển vùng đất này. Chứ không phải một số người cho rằng người Hoa đến khai khẩn trước và chính quyền chuá Nguyễn mới đến thành lập quận, huyện. Tất nhiên cư dân Mô Xoài cũng là thành phần quan trọng cho việc phát triển trong vùng. Nhưng càng về sau vị thế Sài Gòn đóng vai trò cửa ngỏ quan trọng ở Nam Bộ. Mô Xoài mất dần vị thế đầu mối Nam Bộ.

Cư dân Việt Nam đầu tiên ở Mô Xoài có thể từ những thành phần nghèo khổ. Càng về sau cư dân đến đây chủ yếu từ chính sách khẩn hoang của chúa Nguyễn là thành phần giàu có, có vật lực và tài lực. Thành phần có thể kể đến là một số binh lính xin ở lại lập nghiệp vùng đất mới. Mãi về sau đến thế kỷ XIX, nhà Nguyễn lại dùng cả tù phạm đế khẩn hoang đất Nam Bộ. Điển hình nhất là vùng đất An Giang. Điều đó lý giải tại sao những năm chống lại phong trào Tây Sơn nhà Nguyễn lại có chỗ dựa từ giai cấp địa chủ Nam Bộ.

Chúng ta có thể mở rộng đất đai Nam Bộ là cả quá trình lâu dài mà vai trò của quần chúng nhân dân là chủ yếu. Là những người đầu tiên mở đất bằng nhình thức khác nhau từ tự phát đến khi có sự can thiệt của chính quyền thì được tổ chức lại. Thực chất chính quyền chúa Nguyễn chỉ làm nhiệm vụ xác lập hành chánh và mở rộng cương vực. Càng về sau chính quyền phong kiến Nguyễn là động lực thúc đẩy khai hoang vùng đất mới và bảo vệ an ninh.

Khi nghiên cứu về vùng đất Mô Xoài là việc làm thiết thực, nhằm để cho thế hệ trẻ có điều kiện hiểu biết về vùng đất mình đang sống. Nhưng rất tiếc tư liệu không nhiều mà những dấu vết lịch sử lại càng mất theo thời gian. Nói như vậy chúng ta không được chủ quan phỏng đoán thiếu căn cứ khoa học. Nếu trong cuộc hội thảo này có nhiều vấn đề chưa lý giải được thì cũng là vấn đề lý thú cho lớp người nghiên cứu tiếp theo thực hiện, đó mới chính là sự thành công.

 _______________

Tài liệu tham khảo:

– Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam thực lục

-Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam nhất thống chí,

-Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam thực lục, tập Một (phiên dịch: Nguyễn Ngọc Tỉnh, hiệu đính: Đào Duy Anh). Nxb Giáo Dục, 2007,

-Trịnh Hoài Ðức: Gia Định thành thông chí NXB Giáo dục.

-Địa chí Văn hóa thành phố Hồ Chí Minh,Nxb,TP.HCM.1987

-Lịch sử Việt Nam Tập I,Nxb .KHXH, Hà Nội .1976


Translate »
san xuat moc khoa may ao thun Kem sữa chua Kem sữa chua trân châu