Côn Đảo trong nỗ lực của Công ty Đông Ấn Pháp nhằm thiết lập một thương điếm ở Đàng Trong (1686 – 1769)

(08/09/2014)

Côn Đảo hay Côn Lôn nằm ở vị trí thuận lợi trên tuyến đường hàng hải nối liền Châu Âu với Châu Á, vì vậy quần đảo này sớm được người phương Tây biết. Cuối thế kỷ XVII- đầu thế kỷ XVIII, cùng với những nỗ lực nhằm mở rộng các quan hệ thương mại với các nước phương Đông, các nhà tư bản Anh, Pháp đã chú ý đến Côn Đảo (với các tên gọi như Poulo Condere, Poulo Condor…) như là một vị trí có nhiều ý nghĩa về thương mại.

Nhiều lần các công ty Đông Ấn Anh (English East India Company, EIC), Đông Ấn Pháp (La Companie Française de Indes Orientalets, CIO) đã cử người tới Côn Đảo điều tra, dò xét tình hình mọi mặt với dụng ý chiếm Côn Đảo để thiết lập ở đây một thương điếm có ý nghĩa quan trọng trên con đường thương mại hàng hải với các nước trong khu vực. Trong đó, các thương nhân người Pháp tỏ ra dành nhiều sự chú ý hơn đến Côn Đảo và chỉ dừng có các kế hoạch tiếp cận quần đảo này khi chấm dứt các mối quan hệ giao thương với cả Đàng Trong lẫn Đàng Ngoài vào năm 1769. Bên cạnh đó, cùng với những hoạt động của hoạt động truyền giáo của các giáo sĩ Hội Thừa sai Paris (Société des Missions Étrangères de Paris, MEP), hoạt động của các thương nhân trong giai đoạn này có thể xem là những cuộc tiếp xúc đầu tiên mang tính chất khởi đầu cho quá trình xây nhập của chủ nghĩa tư bản thực dân Pháp vào nước ta vào giữa thế kỷ XIX. Bài viết làm rõ một vài sự kiện về những nỗ lực thiết lập một thương điếm ở Côn Đảo của các thương nhân người Pháp trong non một thế kỷ, từ cuối thế kỷ XVII đến nửa cuối thế kỷ XVIII (1686 – 1769).

  1. Công ty Đông Ấn Pháp: từ những quan hệ đầu tiên ở Đàng Ngoài đến những kế hoạch chuyển hướng vào Đàng Trong.

Sự hiện diện rất sớm của các thuyền buôn Nhật Bản, và sau đó là Bồ Đào Nha, Hà Lan, Anh ở các vương quốc phía Nam Trung Hoa từ thế kỉ XVI đã buộc người Pháp chú ý hơn trong việc thiết lập một thương điếm ở Đại Việt, ở Đàng Trong lẫn Đàng Ngoài.

Vào giữa thế kỉ XVII, ở nước ta, trong khi hoạt động buôn bán của người Pháp hầu như chưa có gì thì hoạt động của các thuyền buôn Bồ Đào Nha, Hà Lan đã diện ra khá mạnh mẽ. Công ty Đông Ấn Hà Lan (Vereenigde Oost- Indische Compagnie, VOC, trong tiếng Hà Lan, có nghĩa là Công ty liên hiệp Đông Ấn Hà Lan), thành lập từ 1602, đã tỏ ra lấn lướt và chiếm thế thượng phong tại các thị trường châu Á. Đứng trước yêu cầu phát triển kinh tế, nhất là hoạt động hàng hải, trong khi vị thế của Hà Lan trong lĩnh vực này gần như tuyệt đối, Pháp cũng như các nước khác đã nỗ lực hơn trong việc đặt các mối quan hệ buôn bán tại các thị trường phương Đông, trong đó có Đàng Trong và Đàng Ngoài.

Năm 1660, một thương gia ở Rouen (Pháp) tên là Fermanel, vận động thành lập một công ty thương mại ở phương Đông, để nhân đó đưa giáo sĩ đến truyền giáo. Công ty đó thuê Hà Lan đóng một chiếc tàu, người Hà Lan biết được mục đích, sợ người Pháp cạnh tranh với họ ở khu vực này, nên cố tình cản trở không cho tàu rời bến. Sứ thần Pháp ở Hà Lan phản đối, nhưng sau đó tàu cũng bị một cơn bão đánh vỡ trước khi có thể rời bến nên kế hoạch đã bi gác lại.

Tháng 8 năm 1664, một năm sau khi Hội thừa sai Paris được chính thức thành lập, Thượng thư Clobert thành lập công ty Đông Ấn Pháp(La Companie Française de Indes Orientalets, CIO), theo mô hình của công ty Đông Ấn Hà Lan (VOC) và công ty Đông Ấn Anh (EIC). Để thu hút tài chính, công ty “khuyến khích tất cả mọi người với những điều kiện và năng lực vốn có” và giới quý tộc tham gia hùn vốn.

Năm 1669, một chiếc thương thuyền do thuyền trưởng Junet chỉ huy “mang xứ mệnh tăng cường hơn nữa trong quan hệ thương mại ở Ấn Độ và có khả năng trang bị một thương thuyền và khả năng buôn bán không chính thức với những chi phí của họ ở Ấn Độ, Philippine, Trung Quốc và những nước khác”, “phải thiết lập được trạm dừng chân ở đó và xây dựng một cơ sở tại một địa điểm tốt sẽ cho phép hi vọng về công ty Pháp trở thành một cơ sở thương mại”[1], khởi hành từ Siam đến Đàng Ngoài, cùng đi có Lambert de la Motte và các giáo sĩ Bourges và Bouchard[2]. Để thuận lợi, người Pháp thông báo với các quan chức địa phương rằng chỉ có Lambert là giáo sĩ, ngoài ra đều là thương nhân của CIO. Đoàn được chúa Trịnh đón tiếp trọng thị và những hứa hẹn thương mại và tự do truyền giáo. Kết quả tốt đẹp ban đầu này đã được nhắc tới trong một bức thư của Pallu gửi cho Colbert: “Từ đó cũng phụ thuộc lợi ích, và vì vinh dự và vinh quang của quốc vương , xin ngài khuyên các Tổng giám đốc quyết định ngay tất cả những gì cần thiết để thành lập một hãng buôn ở vương quốc này (tức Đàng Ngoài – TG)…Việc này rất có lợi cho công ty”[3]. Tàu lưu lại ở Đàng Ngoài tới tháng 2-1670.

Một thời gian sau, người Pháp ở Đàng Ngoài nhận được thông báo “cuối tháng 7 này sẽ có một chiếc tàu của công ty Hoàng gia đến thiết lập ở đây cơ sở buôn bán”[4]. Theo đó, năm 1680, CIO ở Pondichéry cử một chiếc tàu chở hàng “Tonquin” trọng tải 250 tấn, do Boitu chỉ huy, cùng đi có thương nhân Chappelain mang theo 3000 réaux hàng hoá, 2 bức thư để trình nhà vua và thái tử (?) (vieux Roi et jeune Roi) cùng quà tặng: gương, đèm chùm bằng pha lê, gấm, vàng và bạc. Sau khi qua Bantam, Chappelain huy động thêm được 20.000 écus “vì một chiếc thuyền quá nhỏ bé sang để mở một cơ sở thương mại sẽ làm tổn hại danh tiếng của công ty”[5]. Kết quả là CIO được quyền tự do thông thương và lập một thương điếm ở Phố Hiến. Trên đường trở về vào tháng 9-1681, hàng hoá của tàu Tonquin được chuyển lên tàu Soleil d’Orient để mang về Pháp.Nhưng sau đó, tàu bị đắm cùng với hàng hoá và công văn ngoại giáo ở gần Madagascar.

Đến cuối năm 1682, các thương điếm của Pháp và một số nước khác bị trục xuất khỏi Bantam do người Hà Lan. Những năm 1683, 1684, Baron, Pallu rồi Colbert lần lượt qua đời.Từ đó về sau không, không có thương thuyền nào của Pháp đến buôn bán ở Đàng Ngoài nữa.CIO quyết định chuyển hướng buôn bán vào Đàng Trong.Côn Đào – mà người Pháp gọi là Poulo Condore – là địa điểm đầu tiên mà người Pháp chú ý tới trong kế hoạch tìm kiếm một vị trí đứng chân của CIO ở Đàng Trong.

  1.    Côn Đảo và những kế hoạch tiếp cận của Công ty Đông Ấn Pháp

Trong những năm cuối thế kỉ XVII, lần lượt Anh, Hà Lan rồi Pháp rời bỏ Đàng Ngoài. Họ bắt đầu chú ý đến Poulo Condore (Côn Đảo) ở Đàng Trong[6].

Từ năm 1686, Véret, một nhân viên của CIO đã được giao nhiệm vụ tìm địa điểm thuận lợi để để đặt một thương điếm để thâm nhập vào Đàng Trong. Trong báo cáo gửi về đề ngày 5/11/1686, Véret đặt vấn đề nên chiếm Côn Đảo. Ông nói: “Các tàu bè Trung Quốc, Đàng Ngoài, Macao, Manille, Đàng Trong v.v… muốn buôn bán ở các xứ vùng Ấn Độ, cần đến xem xét tận nơi hòn đảo này, cũng như những tàu bè các xứ vùng Ấn Độ muốn qua đây để tới các vùng biển Trung Hoa, các tàu Anh và Hà Lan qua lại nơi này, và lối đi này cũng thuận lợi y như hai eo biển Sonde và Malacca. Thêm vào đấy, phải đánh giá việc buôn bán với Cao Miên và Lào như một điều đáng kể, vì ngoài việc các nước này có hàng hóa giống như Xiêm, lại còn có thêm vàng, cánh kiến, xạ hương, hồng ngọc, ngà voi, gỗ trầm hương, sau cùng còn nhiều thứ hàng quý”[7]Véret cũng cho biết thêm rằng: “ở đây có một số hòn đảo không có người ở hay bất kỳ một hoạt động thương mại nào”, và “Poulo Condoro là hòn đảo đó sẽ là thích hợp nhất cho việc lập một thương điếm. Cửa hàng tạp hóa sẽ là tuyệt vời. Hòn đảo này là khoảng cùng vĩ độ phía Nam Bantam, là hòn đảo mà người Hà Lan có thương điếm của họ. Poulo Condoro rộng chừng sáu dặm chu vi. Nó được đặt tại cửa sông của Chân Lạp.Có ba bến cảng tốt, một số dòng suối nhỏ và sông, cây xanh dễ chịu nhất thế giới”…[8].

Nhưng người Anh mới là những người phương Tây đầu tiên thiết lập những dấu ấn thương mại – quân sự của mình lên Côn Đảo[9]. Sau nhiều lần đắn đo,cuối cùng vào năm 1702, người Anh cũng đã đổ bộ lên Côn Đảo và xây dựng ở đây một pháo đài. Chủ tịch Công ty, Allen Catchpole, Trưởng thương điếm ở Chusan đã đến đảo và thảo ra một kế quy hoạch thiết kế cho Côn Đảo, giao cho thương gia Daniel Doughty điều hành mọi việc cho đến khi trung úy Rashell đến đảo quản lý chính thức. Nhưng vì thương điếm ở Chusan đã bị đóng cửa ngay từ năm 1702 nên Allen Catchpole đã đích thân đứng ra xây dựng thương điếm mới[10].Để xây dựng được pháo đài và thiết lập ở đây một thương điếm, EIC đã phải tuyển mộ một đội vệ binh của pháo đài gồm những người thổ dân Macassar[11]. Do bị lưu giữ lại quá hạn định trong giao kèo (3 năm) nên nhóm  thổ dân này đã bí mật nổi dậy vào ban đêm, hạ sát tất cả những người Châu Âu có mặt trong khu vực pháo đài. Những người khác, trong đó có Đức Cha – bác sỹ Pound và ông Solomon Loyld đã kịp thời chạy thoát trên một chiếc thuyền.Sau cuộc nổi dậy này, ECI cũng từ bỏ hẳn ý đồ với Côn Đảo và không có động thái gì để xây dựng lại nó.

Trong hai thập niên đầu thế kỉ XVIII, hầu như triều đình Pháp cũng như người Pháp ở khu vực châu Á không đưa ra được một kế hoạch gì cho CIO ở Đàng Trong.Năm 1721, CIO mới chính thức có kế hoạch nghiên cứu lại Côn Đảo.Họ cho nghiên cứu lại vấn đề lập một cơ sở ở Côn Đảo.Một đội lính cùng với một phái viên được cử đến “Isle d’Orléans en Chine”– theo cách gọi Côn Đảo của người Pháp lúc bấy giờ– để khảo sát lại quần đảoNgười phái viên được CIO cử đi, Reneaux Renault[12], một quản trị quyết toán tại Port – Louis,đã có quan điểm trái ngược với những lạc quan của Véret trong giai đoạn trước. Trong báo cáo đề ngày 25-7-1723, Renault cho biết “phía Đông Bắc cái vịnh lớn có một dải cát vòng tròn, phía sau là một đồng bằng cát và bùn lầy, tại đây có bốn đến năm mươi nóc nhà của thổ dân”.Từ đó ông kết luận Côn Đảo chỉ là một hòn đảo nghèo, không có nguồn lợi gì, ít người ở khí hậu không thuận lợi sẽ làm cho người Châu Âu không thể làm việc được. Ông đưa ra luận cứ là người Anh đã tỏ ý không muốn quay trở lại vùng đất này: “Cũng tại đây, người ta tìm thấy những vết tích pháo đài của người Anh, một nhà kho tồi tàn, một cái lò và những mảnh sứ vỡ. Họ (tức người Anh – TG) chỉ chiếm đóng hòn đảo này trong 5, 6 năm; và tính đã 18 đến 20 năm kể từ ngày đám người Mã Lai làm công cho họ nổi loạn, họ chẳng hề tỏ ra là định quay trở lại đóng ở đây, có vẻ vì chi điếm này tốn kém hơn là mang lợi đến cho họ”[13]. Renault kết luận đây là một vị trí“đáng bỏ hơn là đáng chiếm”, và rằng “công ty nên xem xét liệu lợi ích rút ra được nhờ vào một chi điếm như thế có tương xứng với những chi phí cần phải bỏ ra để thành lập nó, duy trì nó và gìn giữ nó hoặc trong thời bình, hoặc trong thời chiến”[14].

Gác lại những ý định với Côn Đảo sau những ý kiến đánh giá của Renault, nhưng CIO vẫn phải xúc tiến các kế hoạch khác vào thị trường Đàng Trong do những khó khăn do từ tình hình buôn bán ở Quảng Châu với những tệ hà lạm của thương nhân Hoa kiều, sự ra đời của các thương đoàn người Hán và chính sách kềm kẹp hoạt động thương mại của chính quyền Quảng Đông. “Những lý do này thúc đẩy các thương nhân nước ngoài đến đặt cơ sở tại những cảng mến khách hơn là thủ phủ tỉnh Quảng Đông lúc ấy. Kẻ thì nghĩ đến việc đi tới Hạ Môn, người sang Ninh Phố; còn người Pháp có vẻ chủ yếu nhắm vào Đàng Trong”[15].Thời gian sau đó, người ta nhận thấy nhiều nỗ lực của CIO đối với Đàng Trong.Năm 1744, De Rothe, một thương nhân đại diện cho CIO ở Pondichéry đã uỷ quyền cho Jacques O’Friell đến Đàng Trong xem xét tình hình buôn bán. Friell được chúa Thế Tông Nguyễn Phúc Khoát cấp cho giấy phép buôn bán và xây dựng kho hàng. Trên cơ sở thành công ban đầu đó, Friell và De Rothe đề xuất lên Toàn quyền Pondichéry là J.F. Dupleix (1697 – 1763) nhanh chóng tổ chức quan hệ buôn bán với Đàng Trong. Song do bị chi phối bởi cuộc chiến tranh ở Áo (1740-1748) rồi cuộc chiến tranh 7 năm với Anh (1756-1763) nên kế hoạch trên đã bị hoãn lại.

Trong lúc đó, tại Pháp, các kế hoạch thâm nhập vào Đàng Trong cũng được đưa ra bàn luận.Lãnh nhiệm vụ đi xem xét tình hình ở vùng này được giao cho Pierre Poivre (23/8/1719 23 – 6/6/1786), một nhà truyền giáo, một thương nhân có nhiều kinh nghiệm hoạt động vùng Viễn Đông.Kết quả của cuộc đi này là một bản báo cáo lạc quan với những lời ca ngợi đã được trình lên vua Louis XV vào tháng 6-1748.Poivre nhấn mạnh đến lợi ích và tiềm năng to lớn của Đàng Trong và cảng Tourane (Đà Nẵng) và kết luận rằng “nước Pháp nên mở ở đây một cơ sở thương mại”[16].Ngay lúc đó, J. O’Friell cũng gửi về Pháp một kiến nghị tương tự. Nhưng Poivre đã tranh thủ được sự ủng hộ của triều đình để kế hoạch gồm hai điểm của mình được thực hiện: lập một thương điếm và làm cho Hà Lan mất đi độc quyền trong buôn bán các loại hương liệu tinh. Tháng 10-1748, Poivre rời Pháp để thực hiện kế hoạch của mình.Tháng 6-1749, ông đi bằng tàu Sumatra đến Pondichéry rồi đến Đà Nẵng ngày 29-8-1749.Sau đó, Poivre được yết kiến Võ Vương ở Phú Xuân. Theo thời thỉnh cầu của Poivre thì CIO muốn xây dựng một thương điếm ở Hội An (Faifo) và điểm neo tàu ở Đà Nẵng. Tuy nhiên, khi nhu cầu hàng hoá của Đàng Trong hầu như đã bảo hoà, Poivre rời Đàng Trong vào tháng 2-1750.Năm 1752, Dupleix thu thập thông tin từ các nhà truyền giáo và tiếp quản kế hoạch chiếm đóng Côn Lôn. Nhưng ông bị triệu hồi về Pháp và cuộc chiến Anh – Pháp kéo dài 7 năm[17] đã khiến kế hoạch chiếm đóng Côn Đảo không được quan tâm.

Sau những thất bại của những kế hoạch xin lập một thương điếm ở Hội An, CIO còn nhận được hai bản kế hoạch khác, một kế hoạch quay trở lại Đàng Ngoài (của Charles Thomas de Saint Phalle – một giáo sĩ có thời gian định cư ở Đàng Ngoài chừng 8 năm – vào năm 1753) và một kế hoạch quay trở lại Côn Đảo (của Protais Leroux- một thương nhân, mại biện trên  tàu – vào ngày 15/5/1755). Protais Leroux đã có 8 hay 9 năm định cư và làm việc ở “các xứ Ấn Độ”, trình lên De Machault – tổng Thanh tra của Bộ Tài Chính Pháp một bản tường trình trình bày những lợi ích của nước Pháp có thể đạt được nếu đặt một cơ sở tại Côn Đảo mà theo ông là “nằm ở cửa ngõ eo biển Malacca”. Theo Protais Leroux, Côn Đảo có khoảng 1500 dân, ngày xưa hầu như hoang vắng, nhưng có nhiều người Đàng Trong bị chính quyền chuyên chế xua đuổi khỏi xứ sở đã tới định cư tại đây và khiến nó trở thành phì nhiêu và hấp dẫn. Leroux nhận xét những cư dân này có bản chất “hiền hậu, ôn hòa, dễ giao dịch, chăm chỉ, khéo léo” và khi đối xử nhẹ nhàng với họ “thì người ta sẽ được họ giúp đỡ mọi việc và bằng cách này có thể tiến hành buôn bán lớn trong khắp mọi vùng biển Trung Hoa, điều sẽ có lợi cho công ty của Pháp và gây thiệt hại cho các công ty Anh và Hà Lan”[18]. Leroux chứng minh ý kiến của mình bằng việc trình bày vị trí chiến lược của quần đảo: Là nơi trú ẩn cho các tàu của Châu Âu đi sang Trung Quốc, “người ta có thể trú chân vào mùa đông, sửa sang đáy tàu, chữa lại cho chắc chắn đủ mọi loại tàu trong cảng phía Bắc bằng các loại gỗ dùng cho xây dựng sẳn có khi cần thiết. Cảng ở phía Nam cũng có thể rất hữu ích”[19]. Đó là kết quả tìm hiểu và khảo sát trong suốt bốn năm liền của Protais Leroux về những lợi ích của Côn Đảo. Ông khẩn khoản xin Machault cho sớm thành lập ở đây một chi điếm, để nếu không dùng nơi đây vào mục đích thương mại thì ít ra cũng là một kho chứa hàng và một nơi tàu ghé đâu có hiện diện của người Pháp. Thậm chí Protais Leroux còn cho rằng: “Nếu người Pháp đã có trụ sở này từ cuộc chiến tranh trước (ý nói cuộc chiến tranh 7 năm với Anh) thì công ty (ý nói CIO) đã có thể không bị mất tàu của mình ở Trung Quốc và Manille; và nền thương mại của người Anh và Hà Lan đã bị dồn vào giai đoạn cuối cùng; còn công việc kinh doanh của công ty đã vào loại thịnh vượng nhất ở châu Âu. Nếu chiến tranh lại nổ ra, chi điếm này sẽ rất có lợi cho nhà nước. Để thành lập nó, chỉ cần một chiếc tàu với 100 lính Âu và một số tiền từ 50 đến 60 ngàn rubi”[20]. Ông cũng viện dẫn những ý định của hầu tước Dupleix về việc chiếm đóng Côn Đảo năm 1752 để chứng minh cho trình bày của mình.

Tuy nhiên, những đệ trình trên của Protais Leroux đã không được ban lãnh đạo CIO thực hiện do nhiều lý do. Một trong những lý do cơ bản nhất là “tình hình công ty đã không cho phép các vị giám đốc nghĩ tới những công cuộc như vậy[21]. Ảnh hưởng của cuộc chiến tranh với Anh ở châu Á đã khiến tình hình buôn bán của Pháp trong khu vực này hầu như bị ngừng trệ và thiệt hại nghiêm trọng.Trong những thời gian sau, những kế hoạch thông thương với Đàng Trong nói chung và thiết lập cơ sở ở Côn Đảo nói riêng của CIO hầu như đã chấm dứt khi CIO gián đoạn giao thương với cả Đàng Trong lẫn Đàng Ngoài vào năm 1769, khi CIO chính thức phá sản. Và, “từ chiến thắng của Clive ở Plassey (1757), công ty Anh đã chiếm vị trí ưu thế trên bán đảo, và cựu hội đoàn của các thương gia ở London đã biến thành một lực lượng quân sự đi xây lược, mà đứng trước nó thì công ty Pháp ngày một tàn lụi đi để cuối cùng đã biến mất[22].

  1. Lời kết :

Ở vào một vị trí mang ý nghĩa chiến lược về nhiều mặt, Côn Đảo từ rất sớm đã được nhiều thế lực phương Tây trên con đường mở rộng hoạt động thương mại với các nước phương Đông nhòm ngó. Từ cuối thế kỷ XVII, trong quá trình tiếp xúc thương mại với hai xứ Đàng Trong và Đàng Ngoài của nước ta, các công ty Đông Ấn của Anh và Pháp đã nhiều lần tiến hành thăm dò và khảo sát vùng đảo mà họ xem là “vô chủ” này, nhằm xây dựng tại đây một chi điếm phục vụ cho việc tiếp cận với các thị trường Đàng Trong và các vùng lân cận. Các nhà buôn Pháp đã sớm cử người đến khảo sát (1686), nhưng Công ty Anh mới là những người tỏ ra “nhanh tay” hơn khi từ năm 1702 họ đã xâm nhập và xây dựng trên đảo một pháo đài. Nhưng người Anh trụ lại không được lâu (khoảng hơn 3 năm) trước khi bị đánh bật khỏi Côn Đảo bởi một biến cố bất ngờ. Trong suốt khoảng thời gian sau đó, Công ty Đông Ấn Pháp đã rất tích cực trong việc tiếp cận, tìm hiểu, thăm dò Côn Đảo với hy vọng thiết lập ở đây một chi điếm để có thể tiếp cận Đàng Trong khi mà công việc kinh doanh của công ty ở Quảng Châu và Đàng Ngoài đang dần đi vào bế tắc. Nhiều kế hoạch, dự án đã được đệ trình bởi các nhà thương nhân Pháp có kinh nghiệm hoạt động ở khu vực này, nhưng do nhiều lý do khác nhau, tất cả đều không được thực thi cụ thể và bị gác lại. Trong các kế hoạch, dự án ấy phần lớn đều có một điểm chung là xem Côn Đảo như là một vị trí mang ý nghĩa chiến lược, nằm án ngữ con đường thương mại quan trọng bậc nhất lúc bấy giờ đi qua eo biển Malacca. Thậm chí có ý kiến cho rằng nếu chiếm Côn Đảo và xây dựng được một cơ sở ở đây từ trước, người Pháp có thể đã không để thua và mất những quyền lợi về thương mại về tay người Anh trong cuộc chiến tranh Bảy năm giữa họ với người Anh trên mặt trận châu Á! Nhìn lại những “ý định” của người châu Âu nói chung, người Pháp nói tiêng đối với Côn Đảo, một cách tỉ mỉ, chính xác và cận trọng – trong giai đoạn hiện tại, thiết nghĩ cũng là điều cần thiết. Bởi, trong ý thức “vươn ra biển” của một quốc gia, vai trò của đảo và quần đảo là tối quan trọng. Nhìn lại quá khứ để đánh giá đúng đắn hơn, toàn diện hơn về vị trí, vai trò của Côn Đảo dưới góc nhìn tham chiếu từ quan điểm người phương Tây đối với Côn Đảo trong những thế kỷ trước; điểm xuyết thêm những nội dung ấy chính là để bảo vệ và gìn giữ những giá trị lịch sử – văn hóa của Côn Đảo xưa bi hùng, cũng là để xây dựng và phát huy một Côn Đảo nay tươi đẹp và thịnh vượng./.

DƯƠNG THÀNH THÔNG

Trường ĐH KHXH-NV ĐHQG TP.HCM

_______________

Tài liệu tham khảo.

– Charles B. Maybon, 2006, Những người Châu Âu ở nước An Nam (Nguyễn Thừa Hỷ dịch), Nxb Thế giới, Hà Nội.

– Nguyễn Mạnh Dũng, “Về hoạt động thương mại của công ty Đông Ấn Pháp với Đại Việt (nửa cuối thế kỉ XVII – giữa thế kỉ XVIII)”, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 9 – 2006.

– Jean Paul Morel, 2010, Relation abrégée des voyages faits par le sieur Poivre de 1748 à 1757: Voyages de Pierre Poivre (1748 -1757).

– Lê Hữu Phước, 2006, Nhà tù Côn Đảo 1862-1930), Nxb Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh.

– Nguyễn Đình Thống – Nguyễn Linh – Hồ Sĩ Hành, 2010, Lịch sử nhà tù Côn Đảo (1862-1975), Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh.

[1] Nguyễn Mạnh Dũng, “Về hoạt động thương mại của công ty Đông Ấn Pháp với Đại Việt (nửa cuối thế kỉ XVII – giữa thế kỉ XVIII)”, NCLS, số 9 – 2006, tr 54.

[2] Ngày 17-8, Giáo hoàng bổ nhiệm giáo sĩ Fançois Pallu làm giám mục Héliopolis (phụ trách Đàng Ngoài, Lào và một số tỉnh Trung Quốc) và Pierre de la Motte Lambert làm giám mục Béryte (phụ trách Đàng Trong cùng một số tỉnh và Đảo Hải Nam – Trung Quốc), cả hai đều là giám mục đại diện trực tiếp của Giáo hoàng (thừa sai). Tất cả giáo sĩ quốc tịch khác, ở tất cả các dòng đều phải phục tùng các giám mục người Pháp. Từ đó, ngày 17-8-1658 đã được coi là ngày thành lập Thừa Sai Paris (MEP: Mission Etrangère de Paris).

[3] Dẫn theo  Nguyễn Mạnh Dũng, tlđd, tr 54.

[4]Dẫn theoNguyễn Mạnh Dũng, tlđd, tr 55.

[5] Dẫn theo Nguyễn Mạnh Dũng, tlđd, tr 55.

[6]Côn đảo là một quần đảo gồm 16 hòn đảo lớn nhỏ nằm giữa đại dương cách thành phố Vũng Tàu ngày nay 185km, cách thành phố Hồ Chí Minh 230km, cách cửa sông Hậu (Cần Thơ) khoảng 83km. Diện tích tự nhiên toàn huyện khoảng 76km2, trong đó hòn đảo lớn nhất có diện tích 51,52km2 gọi là Hòn Côn Lôn Lớn (La Grande Condore). Theo nhiều tác giả, tên gọi Côn Đảo có nguồn gốc Mã Lai từ chữ “Pulau Kundur” nghĩa là “Hòn Bầu” hay “Hòn Bí”. Người châu Âu phiên âm là “Poulo Condor”. Sách sử Việt thì gọi là “Đảo Côn Lôn” có thể từ phiên âm theo cách gọi của người Trung Hoa “K’Ouen Louen” mà ra. Tiếng Khmer của đảo là “Koh Tralach”. Tiếng Ả Rập của đảo là Cũndur – fũlăt hay Cũndul – fũlăt Cũdur – bũlắt (Xem thêm Lê Hữu Phước, 2006, Nhà tù Côn Đảo 1862-1930), Nxb Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh, tr. 13-16).

[7]Charles B. Maybon, 2006, Những người Châu Âu ở nước An Nam (Nguyễn Thừa Hỷ dịch), Nxb Thế giới, Hà Nội, tr. 91. Những dòng này được trích ra từ một văn kiện trong sổ lưu trữ từ năm 1686 đến 1748 của Thư từ giao thiệp chung của Đàng Trong, được Charles B. Maybon trích dẫn trong tác phẩm Histoire moderme du pays d’Annam 1592 -1820 (Lịch sử cận đại xứ An Nam) – Plon et Nourrit, Paris, 1920; A. Septans trích dẫn trong tác phẩm Le commencements de l’Indochine française (Sự khởi đầu của Đông Dương thuộc Pháp) – Challamel Ainé, Paris, 1887…

[8] Nguyên văn: “Il y a icy plusieurs isles inhabitées ou toutes les épiceries viendront très-bien, et en très-grande abondance. Poulo Condoro est l’isle qui serait la plus propre pour cet établissement. Les épiceries y viendraient à merveille. Cette isle est à peu près par la même latitude nord que Banda est sud, qui est l’isle où les Hollandais ont leurs épiceries. Poulo Condoro a environ six lieues de tour. Elle est située à l’embouchure de la rivière de Cambodge. Elle a trois bons ports, plusieurs petits ruisseaux et une rivière, une verdure la plus agréable du monde”. Theo Jean Paul Morel, 2010, Relation abrégée des voyages faits par le sieur Poivre de 1748 à 1757: Voyages de Pierre Poivre (1748 -1757), p.8.

[9]Từ năm 1867, một thương nhân của công ty Đông Ấn Anh là William Dampier đã đến Côn Đảo để khảo sát và vẽ bản đồ một số vùng đất trên Đảo.Ông này có để lại một tập du ký viết năm 1866 nhân một chuyến du hành đến Đàng Ngoài (Xem thêm, W.Dampier, 2011, Một chuyến du hành đến Đàng Ngoài năm 1688, Nxb Thế giới, Hà Nội).

[10] A. Hamilton trong hồi ký “A New Account of the East Indies”, xuất bản ở Edinburgh, Anh năm 1727 cho rằng chính Allen Catchpole là người phải chịu trách nhiệm về sự sai lầm của người Anh trong việc lựa chọn Côn Đảo cho một cơ sở thương mại ở Đàng Trong!

[11]Về người Macassar, A. Hamilton trong hồi ký của mình cho rằng “những kẻ liều lĩnh phương Đông (eastern desperadoes) này rất mực trung thành khi những giao kèo ký kết với họ được tôn trọng đúng đắn, nhưng trở thành thù hằn và độc ác trong trường hợp ngược lại. Nhưng Catchpole đã giữ họ lại quá thời hạn ba năm theo giao kèo ký với họ” (Một trong những người sống sót sau cuộc nổi dậy – ông Solomon Loyld – là “chỗ quen thuộc cũ” của thuyền trưởng Hamilton).

[12]Về tên của Reneaux Renault, các tác giả Castonnet des Fosses (trong L’Inde française avant Dupleix (1887), A. Septans (trong Les commencements de l’Indochine française) và J. Silvestre (trong Politique française en Indochine) đều gọi ông này là Renauly.

[13] Tạp chí Viễn Đông (Extrême-Orient Journal), tập III, tr.310 (Theo Charles B. Maybon, sđd, tr. 182)

[14] Tạp chí Viễn Đông (Extrême-Orient Journal), tập III, tr.306-324 (Theo Charles B. Maybon, sđd, tr. 92)

[15] Charles B. Maybon, sđd, tr. 93.

[16] Dẫn theo Nguyễn Mạnh Dũng, tlđd, tr. 58.

[17]Chiến tranh Bảy năm (1756–1763) là cuộc chiến xảy ra giữa hai liên quân gồm có Vương quốc Anh, Vương quốc Phổ và Vương quốc Hanover ở một phía và Pháp, Áo, Nga, Thụy Điển và Vương quốc Saxony ở phía kia. Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha sau này cũng bị cuốn vào chiến tranh, trong khi một lực lượng của nước trung lập Hà Lan bị tấn công tại Ấn Độ. Chiến tranh thực sự bắt đầu ở châu Âu năm 1756 với việc quân Pháp vây hãm Minorca thuộc Anh ở Địa Trung Hải và vua Friedrich II Đại Đế chinh phạt xứ Sachsen ở châu Âu lục địa. Tuy nhiên trên thực tế, nhiều cuộc đụng độ giữa Anh và Pháp đã diễn ra ở châu Á từ năm 2750. Từ năm 1754 giữa Anh và Pháp đã xảy ra ở Bắc Mỹ, dù ở châu Âu tình trạng hòa bình mong manh vẫn được duy trì. Người ta lấy mốc năm 1756 để bắt đầu cuộc chiến tranh Bảy năm vì vào năm này chiến tranh mới thật sự bùng nổ ở châu Âu.Dù kết quả cuộc chiến ở châu Âu không làm thay đổi nhiều thế lực các bên tham chiến, nhưng ở châu Á và châu Mỹ làm thay đổi sâu sắc những khu vực này trong giai đoạn sau đó. Những thỏa thuận trong Hiệp ước Paris 1763 kết thúc vị trí cường quốc thuộc địa của Pháp ở châu Mỹ. Pháp mất các vùng đất ở Bắc Mỹ về phía đông sông Mississippi và nhiều vùng khác ở Canada, cộng thêm các đảo ở Tây Ấn. Anh Quốc củng cố các vùng đất thuộc địa ở Ấn Độ và Bắc Mỹ, trở thành cường quốc thực dân hàng đầu thế giới. Với quy mô toàn cầu, một số nhà sử học gọi Chiến tranh Bảy năm là cuộc “Chiến tranh thế giới lần đầu tiên”. Từ 900.000 tới 1.400.000 người đã thiệt mạng trong cuộc chiến và nhiều thay đổi quan trọng với cán cân quyền lực cũng như phân bố lãnh thổ đã diễn ra.

[18]Charles B. Maybon, sđd, tr. 106.

[19] Charles B. Maybon, sđd, tr. 106.

[20]Charles B. Maybon, sđd, tr. 107.

[21]Charles B. Maybon, sđd, tr. 107.

[22]Charles B. Maybon, sđd, tr. 107.


Translate »
san xuat moc khoa may ao thun Kem sữa chua Kem sữa chua trân châu