Đấu tranh chống ly khai của tù chính trị qua tư liệu Nhà tù Côn Đảo

(06/08/2020)

Là một quần đảo phong cảnh hữu tình, thiên nhiên tươi đẹp nhưng Côn Đảo lại nổi tiếng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ với tên gọi “Địa ngục trần gian” đồng thời là “Trường học cách mạng”. Tại đây, trong hơn một thế kỷ, bọn thực dân đế quốc đã dùng mọi âm mưu, thủ đoạn tàn khốc, hèn hạ nhất nhằm tiêu diệt tinh thần, ý chí của các chiến sĩ cách mạng nhưng chúng đã phải chịu thất bại. Phong trào chống ly khai, bảo vệ khí tiết của các tù chính trị Côn Đảo thời Mỹ Ngụy (từ năm 1957-1961), được xem là cuộc đấu tranh cam go nhất, ác liệt nhất, thể hiện đầy đủ phẩm chất của người chiến sĩ Cách mạng. Đã có nhiều tài liệu viết về phong trào này, nhưng sâu sắc và sống động nhất vẫn là những bút tích của chính các chiến sĩ cách mạng đã từng trải qua thời kỳ oanh liệt đó ghi lại, hiện đang được lưu giữ tại kho tư liệu Bảo tàng Tổng hợp Bà Rịa-Vũng Tàu.

Từ năm 1957, với âm mưu “tố cộng, diệt cộng”, Mỹ Ngụy đã thanh lọc những tù chính trị được coi là nguy hiểm từ các nhà lao trên toàn miền Nam đày ra Côn Đảo. Với thủ đoạn thâm độc nhằm cưỡng bức tù chính trị phải ly khai cách mạng, ly khai Đảng, đi ngược lại lý tưởng mình đã chọn,  Mỹ Ngụy đã lập ra Lao I (Lao cộng sản) và Lao II ( Lao Quốc gia). Lao I có hai dãy 10 khám giam, chạy dài đối mặt nhau. Khám 11 thời Pháp gọi là Hầm xay lúa nơi từng giam giữ các đồng chí Tôn Đức Thắng, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng. Lao II có hai dãy với 12 khám. Về hình thức, Lao I hay Lao II cũng chỉ là một sản phẩm của đế quốc lập ra để đàn áp phong trào cách mạng với những phương tiện hiện đại, tinh vi nhất. Nhưng về thực chất, chúng đã thâm độc phân hóa các chiến sĩ cách mạng của ta thành hai trận tuyến: Trận tuyến thứ nhất gồm những tù nhân chính trị kiên quyết chống ly khai bị giam giữ tại Lao I; Trận tuyến thứ hai gồm những tù nhân không chịu được khủng bố tạm thời chấp nhận ly khai. Trên cơ sở đó, chúng đã sử dụng những phương thức đàn áp khác nhau.

Tại Lao II, trung tâm chiêu dụ của địch, tuy chúng có phần nới lỏng hơn so với Lao I  nhưng cuộc sống vẫn vô cùng cơ cực. Những quyền tự do tối thiểu của tù nhân bị tước đoạt hết Bọn địch dã tâm sử dụng mọi biện pháp nhằm triệt hạ tư tưởng, tinh thần, phẩm chất của người chiến sĩ cộng sản như: bắt chào cờ ba que, hát quốc ca, suy tôn Ngô Đình Diệm…Nhồi nhét những tư tưởng chống cộng. Lao I chống ly khai, bọn địch đã biến đây thành một “Địa ngục trần gian” đúng nghĩa, một địa ngục khủng khiếp nhất trong thế giới lao tù. Với những thủ đoạn đày đọa triền miên, dai dẳng, tàn ác như thời trung cổ về cả thể chất và tinh thần, chúng đã thẳng tay siết bóp, buộc các tù chính trị  phải chọn hai con đường hoặc ly khai Đảng, hoặc bị hành hạ cho đến chết.

Với mục tiêu cưỡng bức tù chính trị ly khai sang Lao II và tiêu diệt hết những phần tử “cứng đầu”,  Mỹ Ngụy  đã đày đọa các chiến sỹ Cách mạng sống không nổi, chết không xong. Điều kiện sống hết sức khắc nghiệt: thiếu nước, thiếu khí thở, môi trường hôi thối, năm bảy tháng trời không cho tắm giặt, không cho dội khám, dội hầm cầu…Ăn toàn cặn bã độc hại, gạo mục , xác mắm…Đau bệnh không có thuốc men. Những tấm thân tàn tạ còn phải làm nhiều công việc khổ sai như: khiêng củi, đốn củi, dọn tàu…Bên cạnh đó, địch ngày đêm bắt người tra khảo, đánh đập cưỡng bức ly khai. Bị đày đọa đến cùng cực cả về tinh thần và thể chất, các chiến sĩ ta đã dần bị hủy hoại thể xác. Nhiều chứng bệnh bộc phát như bệnh chảy máu đen ở chân hành hạ, bệnh kiết lỵ, tiêu chảy, phù thũng, ngộp tim, lao, ghẻ lở…Chính trong hoàn cảnh đau thương đó, phẩm chất khí tiết người cộng sản đã bộc lộ sáng ngời. Thông qua tổ chức lãnh đạo đấu tranh ở từng khám (bí mật có, công khai có) và chi bộ Đảng gọi tắt là C do đồng chí Hoàng Duy Khương thành lập, anh chị em trong tù đã đùm bọc thưong yêu nhau, tăng cường sinh hoạt chính trị, củng cố lập trường tư tưởng,  đấu tranh chống lại mọi hình thức đánh phá của địch, nêu cao khí tiết người chiến sĩ cách mạng.

Cuộc sống vật chất thiếu thốn đến cùng cực, nhưng cuộc sống tinh thần được anh chị em trong tù tạo ra vô cùng phong phú. Ban ngày anh chị em được học văn hóa  đủ trình độ từ lớp năm đến trung học, bàn bạc trao đổi, thảo luận nghị quyết đấu tranh. Rồi các lớp học chuyên môn như: khoa học, y tế, điện, học máy, học may…Buổi tối nghe kể chuyện, học đàn, học hát, gò lon, gò gô, mài ốc làm vật kỷ niệm, khâu vá quần áo, đánh cờ. Chính trong hoàn cảnh tù đày cơ cực các chiến sĩ cách mạng đã trưởng thành và tiến bộ về mọi mặt như lập trường tư tưởng chính trị, kiến thức văn hóa, đời sống.

Cuộc đấu tranh chống ly khai ngày càng trở nên ác liệt hơn thì cuộc đấu tranh sinh tồn để sống và chiến đấu cũng ngày càng trở nên khó khăn. Tù chính trị Lao I đã phải bòn từng chút sự sống cho mình và cho các đồng đội. Từ một chút củ năng châu, cỏ xước, lá bàng…đến những sinh vật như: tắc kè, thằn lắn, rắn mối, con cóc, con nhái, thạch sùng, chuột, muỗi…đều là nguồn chất tươi quý giá được tận dụng để chống chọi với cái chết. Đến cuối năm 1957, tình trạng tù nhân ở Lao I đã trở nên báo động nghiêm trọng. Những tiếng kêu báo chết vang vọng ngày đêm. Số lượng người chết lên đến vài trăm người. Người còn sống cũng gầy guộc, xanh xao, tiều tụy trông không ra người. Tuy cuộc chiến đấu diễn ra không cân sức nhưng phần thắng lại không thuộc về kẻ mạnh. Số lượng tù chính trị ly khai rất ít.

Đến tháng 1/1958, địch thay đổi thủ đoạn đánh phá, vừa mua chuộc dụ dỗ, đi   đôi với khủng bố. Chúng đã phân hóa số lượng tù nhân để phân biệt đối xử, tranh thủ từng bộ phận, từng cá nhân để đánh tách, đánh tỉa nhằm làm mỏng dần lực lượng  đi đến xóa sổ Lao I. Chúng lập ra 2 phòng bệnh xá trong Lao, tập trung số bệnh nhân nặng về đây. Tiếng là bệnh xá, chữa trị bệnh nhân nặng, nhưng thuốc men chúng bố thí nhỏ giọt, kèm theo điều kiện ly khai. Số lượng người chết vẫn ngày một nhiều. Về thực chất, đây chính là chỗ tập trung xác chết để tránh phản ứng đấu tranh của dư luận và tù nhân toàn Lao. Bên cạnh đó, đây cũng là nơi thích hợp để chúng có điều kiện mua chuộc, dụ dỗ ly khai.

Tiến thêm một bước trong mưu mô chiêu dụ, chúng cho tù Lao I sang thăm Lao II để anh em ta nhìn thấy cái “mảnh đất quốc gia” với đời sống được ưu đãi. Chủ trương dùng tù Lao II vận động, thuyết phục bạn bè, người thân về với “Quốc gia”. Nhưng sự thật diễn ra trái hẳn với ý muốn của chúng. Anh em ở hai lao tuy quan điểm đấu tranh không giống nhau, nhưng tình cảm thương yêu, gắn bó nhau thì tha thiết. Anh em tù Lao I dành dụm thuốc men, rau quả, cá thịt…gửi cho Lao II. Lãnh đạo Lao I tranh thủ những dịp gặp gỡ, bàn bạc tình hình nhiệm vụ, thống nhất phương pháp đấu tranh cho Lao II.

Do mưu mô của địch, phong trào đấu tranh chống ly khai ngày càng trở nên phức tạp hơn. Trong nội bộ tù nhân có nhiều quan điểm, nhận thức khác nhau nên đã xảy ra nhiều mâu thuẫn về phương pháp đấu tranh. Trước tình hình đó, lãnh đạo Lao I đã tổ chức học tập tài liệu Cách mạng Miền Nam  do số anh em mới bị đày ra đảo chuyển vào. Các khám thành lập ban hướng dẫn học tập, chia trình độ học nhóm, học tổ. Sau quá trình học tập có liên hệ đối chiếu lý luận với nhận thức, có thắc mắc, giải đáp, thu hoạch…Trên cơ sở được trang bị vũ khí lý luận, tổ chức Đảng tại Lao I đã thống nhất tinh thần chiến đấu với ba nội dung chủ đạo: Chống ly khai Đảng; chống chào cờ hô khẩu hiệu suy tôn Diệm và chống học tập tố cộng ký kiến nghị. Nhiều cuộc đấu tranh dân chủ, dân sinh liên tiếp diễn ra khiến địch phải chấp thuận một số điều kiện. Đến tháng 07/1958, địch tiến hành đợt đánh phá mới bằng thủ đoạn nguy hiểm, thâm độc là phân hóa kháng chiến và cộng sản. Anh em tù nhân đã phá thế chia rẽ kháng chiến, cộng sản, buộc địch chuốc thêm một thất bại nặng nề.

Trải qua hai năm đấu tranh (1957-1958), số lượng tù nhân tại Lao I đã hy sinh trên 300 người. Đến năm 1959, địch mở màn giai đoạn khủng bố tù chính trị với cấp độ dã man hơn. Tháng 2/1959, do nội bộ ta trao đổi thư công tác bị lộ, chúa đảo Bạch Văn Bốn đã nhốt toàn Lao I vào cấm cố và dùng những biện pháp đàn áp đẫm máu. Anh em tù nhân đã đấu tranh bằng những tiếng thét chống khủng bố vang rền “Phản đối đàn áp, phản đối đánh đập”. Đây là một bước trưởng thành về tinh thần, về mức độ đấu tranh, về ý chí kiên cường dũng cảm hy sinh của tù nhân chính trị.

Tháng 3/1959, địch đánh phá Lao I bằng chiến dịch chày vồ. Với biện pháp tra tấn dã man như thời trung cổ, chúng ngày đêm đem tù xuống hầm đá hành hình. Chày vồ, gậy cây quất ình ịch vào ngực, vào lưng làm đổ máu tươi, tiếng kêu la rên xiết. Bất chấp đòn roi, nhiều tấm gương sáng điển hình nổi lên trong đấu tranh như ông già Cao Văn Ngọc ở Bà Rịa. Bọn địch dùng chày vồ đánh liên tiếp mấy ngày đêm nhưng ông vẫn đanh thép “Tao là cộng sản, tao chết ở Lao I này chứ không đi đâu hết”. Tháng 10/1959, sau đợt đánh đập điên loạn, tàn bạo bằng đủ loại công cụ, địch liệt 400 tù vào hàng đầu sỏ quan trọng nhốt vào chuồng cọp, số còn lại chúng giam vào Lao III và Lao IV.

Năm 1960, chế độ ngục tù Mỹ Diệm chất chồng thêm tội ác bằng giai đoạn khủng bố trắng man rợ. Số anh em tù chính trị  tại chuồng cọp, Lao III và Lao IV bị nhục hình đày đọa khủng khiếp. Con người bị coi không bằng súc vật, thức ăn toàn gạo hẩm, mắm thối, tương chua. Thức uống toàn nước thừa, nước dơ. Tiêu tiểu tràn ra ngoài, ruồi nhặng như ong bay lượn. Các thứ bệnh như kiết lỵ, tiêu chảy cướp đi sinh mạng của nhiều đồng chí. Song song với chế độ lao tù khắc nghiệt, bọn địch ngày đêm lấy cớ lôi tù ra hành hạ, đánh đập dã man.

Đầu tháng 4/1960, giai đoạn khủng bố trắng tàn bạo nhằm xóa sổ Lao I bắt đầu bằng chiến dịch đánh phá đợt 1. Trên 1200 tù chính trị Lao I và 150 tù chống học tập tố cộng Lao II bị địch lôi ra Bãi Dương, Chợ và Lò Vôi. Tại đây, trong ba ngày chúng đã tiến hành đợt khủng bố vô cùng man rợ, chưa từng có trên thế gian. Đày ải tù nhân dưới nắng gắt, dưới mưa lạnh. Địch vừa đánh đập, tra khảo dã man vừa rêu rao chính sách nhân đạo, chính nghĩa quốc gia. Do bị phân tán lực lượng, thiếu sự lãnh đạo của tổ chức nên kết thúc chiến dịch đánh phá đợt 1, Lao I chỉ còn 59 chiến sĩ kiên cường không chịu khuất phục ly khai bị địch giam vào chuồng cọp.

Tiếp theo chiến dịch đánh phá đợt 1, địch tổ chức chiến dịch đánh phá đợt 2 khá công phu tỉ mỉ, với tên gọi “Chiến dịch Bác Ái”. Chiến dịch này chủ yếu dùng chiêu bài tâm lý chiến, tình cảm quê hương, gia đình, cha mẹ, vợ con… nhằm làm lung lạc ý chí, tinh thần của các chiến sĩ Cách mạng. Chúng còn sử dụng những độc tố kích thích làm thần kinh căng thẳng…Một số anh em không chịu đựng được đã phải dời vị trí chiến đấu.

Đến tháng 3/1961, phong trào đấu tranh chống ly khai cộng sản tại Lao I chỉ còn trụ lại 18 chiến sĩ. Ngày 11/3/1961, tỉnh trưởng Côn Đảo Lê Văn Thể ký Sự vụ lệnh số 042/SVL tiến hành cuộc khủng bố đẫm máu hòng xóa sổ bằng được những phần tử ngoan cố chống ly khai, tiêu diệt tận gốc tư tưởng cộng sản, dập tắt ngọn cờ đấu tranh của tù chính trị Côn Đảo. Cũng với chiêu bài cũ rích như truy bức tinh thần, dụ dỗ đường mật kết hợp đánh đập dã man nhưng mức độ tàn bạo đã vượt xa những đợt khủng bố trước. Đồng chí Nguyễn Văn Vạn (tức Vinh) quê ở Bình Định do không đủ sức chịu đựng đã dùng mảnh thiếc cắt cổ tự sát để giữ trọn khí tiết. Việc không thành, anh thẫn thờ như người mất trí và ở lại Lao II. Cuộc đấu tranh bảo vệ lý tưởng cộng sản bước vào giai đoạn ác liệt nhất với 17 đồng chí.

Ngày 27/3/1961, địch bày trò bắt các anh viết bản cam kết xác định lập trường không ly khai hàng ngũ cộng sản, để chúng rộng đường thanh toán tiêu diệt hết các anh theo luật 10/1959. 17 chiến sĩ ưu tú nhất, trung kiên nhất của phong trào đấu tranh buộc phải lựa chọn hai con đường cuối cùng: chết hoặc ly khai cộng sản. Phong trào đấu tranh chống ly khai cộng sản gian khổ, mất mát trong vòng gần 6 năm với trên 500 chiến sĩ đã ngã xuống, 1200 đồng chí phải rời khỏi vị trí, thành hay bại phụ thuộc vào ý chí của 17 con người. Hơn ai hết các anh là người ý thức rõ trách nhiệm của mình trước cuộc chiến đấu không cân sức này. 17 người đã hạ bút viết những dòng xác định lập trường  kiên quyết không ly khai cộng sản. Các anh cũng bày tỏ mục tiêu lý tưởng đấu tranh cho sự nghiệp hòa bình, độc lập tự do thống nhất đất nước do Đảng và Bác lãnh đạo. 17 bản xác định lập trường chính là 17 bản tuyên bố đanh thép: kẻ thù không thể nào khuất phục được những chiến sĩ cộng sản. Và những lời tuyên bố bất hủ đó đã phải trả giá bằng chính mạng sống. Điên loạn vì không khuất phục được các anh, ngay trong đêm 27 và rạng sáng 28/3/1961, địch đã mở cuộc thảm sát đẫm máu giết chết 6 người: ông già Cao Văn Ngọc, Phạm Thành Chung, Ngô Đến, Hoàng Chất, Nguyễn Công Tộc, Nguyễn Văn Mười. Trong những đợt truy bức tiếp theo Nguyễn Văn Định, Trần Trung Tín lần lượt ngã xuống. Người cuối cùng hy sinh anh dũng tại Chuồng Cọp vào đêm 24/12/1961 là Lưu Chí Hiếu. Tấm gương hy sinh anh dũng của các chiến sĩ Cách mạng tại Lao I đã làm kẻ thù khiếp phục. Tên Tám, phó tỉnh trưởng Côn Sơn, đại diện cho chế độ Mỹ Diệm bạo tàn đã phải thốt lên: “Đến hôm nay chúng tôi mới thấy rõ bạo lực không thể thắng nổi trái tim người cộng sản, chúng tôi hứa sẽ trả lại sinh hoạt bình thường cho các anh”. Cuộc đấu tranh chống ly khai của tù chính trị Lao I toàn thắng với 5 ngôi sao sáng còn lại: Nguyễn Đức Thuận, Phan Trọng Bình, Phạm Quốc Sắc, Lê Văn Một, Nguyễn Minh.

Noi gương Lao I anh hùng, bất khuất, các chiến sĩ  Lao II đã vùng lên đấu tranh trả thù cho đồng chí, đồng đội. Phong trào đấu tranh chống địch như có hồi kèn thúc quân xung trận, phát triển mạnh như vũ bão với hàng trăm, hàng nghìn hình thức đấu tranh: Chống âm mưu tố cộng, diệt cộng, chiêu hồi, chiêu hàng, chống chào cờ, chống hô khẩu hiệu, Chống học tố cộng, chống các hình thức lao dịch, chống đánh đập…Tháng 2/1962, tổ chức lãnh đạo phong trào Lao II đã đề ra nghị quyết “Vươn lên khôi phục khí tiết”. Anh em tù chính trị tiếp tục đoàn kết chiến đấu, khôi phục và giữ vững ngọn cờ chống ly khai. Đồng chí Nguyễn Văn Hai, một tù chính trị ly khai sang Lao II đã viết trong bản tự kiểm điểm thái độ học tập tố cộng: “Tôi luôn đeo đuổi ý nghĩ bảo vệ những điều còn lại của lập trường khí tiết mà Đảng Cộng sản đã nhào nặn cho tôi từ khi kết nạp vào Đảng, để rồi xa hơn nữa, chờ có cơ hội thuận tiện sẽ giành lại lập trường khí tiết của mình.” Vậy là, Lao II miếng đất “ Quốc gia”của giặc đã trở thành lò lửa đấu tranh Cách mạng nóng bỏng buộc chúng phải ngày đêm đối phó, khủng bố gắt gao. Âm mưu  của Mỹ Diệm tiêu diệt tận gốc mầm mống Cộng sản, biến những Đảng viên cộng sản và quần chúng Cách mạng thành phản động tay sai cho chúng đã bị phá sản hoàn toàn.

Nửa thế kỷ đã trôi qua, trong số các chiến sĩ Côn Đảo ngày ấy vinh quang trở về, nay người còn sống, nhiều người đã chết. Nhưng thời gian đã khẳng định chân lý các anh đã chọn đi theo con đường của Đảng, của Bác là hoàn toàn đúng đắn. Đất nước hòa bình thống nhất, tinh thần đấu tranh kiên cường, bất khuất của các chiến sĩ Cách mạng Côn Đảo đã góp phần viết nên trang sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm hào hùng của dân tộc. Các anh mãi mãi là tấm gương sáng để thế hệ trẻ noi theo. Con đường chân lý các anh đã chọn mãi mãi là con đường sáng để  chúng ta tiếp bước.

LAN HƯƠNG (Bảo tàng BRVT)


Translate »
san xuat moc khoa may ao thun Kem sữa chua Kem sữa chua trân châu