Điều Chỉnh Quy Hoạch Tổng Thể Hệ Thống Di Tích Lịch Sử Nhà Tù Côn Đảo

(06/08/2020)

Côn Đảo có hệ thống nhà tù lớn và được xây dưng sớm nhất ở nước ta (1862-1975), trong suốt 113 năm tồn tại thực dân Pháp, đế quốc Mỹ đã lần lượt giam cầm, đày đọa hàng chục vạn chiến sĩ cách mạng và những người yêu nước thuộc nhiều thế hệ.

Chúng biến Côn Đảo thành “địa ngục trần gian” bằng việc tra tấn dưới nhiều hình thức rất dã man, tàn bạo và tinh vi. Nhưng cũng chính nơi đây, hàng chục vạn chiến sĩ cách mạng và những người yêu nước đã thể hiện ý chí kiên trung “Thà hy sinh chứ nhất định không chịu đầu hàng”, giữ vững khí tiết của những người yêu nước, người cộng sản, biến ngục tù thành “trường học đấu tranh cách mạng”. Bất chấp chế độ lao tù hà khắc, tàn bạo và đàn áp dã man của địch, các chiến sĩ cộng sản và những người yêu nước Việt Nam liên tục đấu tranh bằng nhiều hình thức để tự giải phóng mình và góp phần vào sự nghiệp giải phóng dân tộc. Nhà tù Côn Đảo trở thành trường học lớn, nơi đào tạo, rèn luyện và thử thách nhiều chiến sĩ cộng sản. Họ đã trở thành lãnh tụ và cán bộ xuất sắc của Đảng ta như các đồng chí: Lê Hồng Phong, Ngô Gia Tự, Nguyễn Văn Cừ, Tôn Đức Thăng, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Văn Linh, Phạm Hùng và nhiều đồng chí khác được Nhà nước ta truy tặng anh hùng lực lượng vũ trang như: Võ Thị Sáu, Cao Văn Ngọc, Lê Văn Việt…

Với những giá trị văn hóa và ý nghĩa lịch sử vô cùng to lớn của hệ thống nhà tù Côn Đảo, ngày 29 tháng 4 năm 1979 Bộ VHTT đã ra quyết định số 54/VH.QĐ đặc cách công nhận, xếp hạng “Khu di tích lịch sử hệ thống Côn Đảo” và liệt ghi vào danh mục di tích đặc biệt quan trọng của Quốc gia. Kể từ khi được đặc cách công nhận là di tích đặc biệt quan trọng của Quốc gia, việc bảo tồn, tôn tạo khu di tích này tuy còn nhiều ý kiến khác nhau, nhưng hàng năm nhà nước vẩn dành một phần kinh phí đáng kể chống xuống cấp, tu bổ, tôn tạo và bổ sung hồ sơ khoa học cho từng di tích, trong đó có việc thực hiện khoanh vùng bảo vệ toàn bộ hệ thống di tích.

Theo biên bản số 13/BB.VHTT ngày 24 tháng 11 năm 1997 của Sở VHTT tỉnh BR-VT về việc quy định khu vực bảo vệ di tích lịch sử Côn Đảo. Trong đó đã xác định được ranh giới, diện tích quy hoạch khu vực I (được gọi là khu vực bất khả xâm phạm) bao gồm: Các di tích có tường rào bao quanh như nhà Chúa Đảo, trại 1, trại 2, trại 3, trại 4, trại 5, trại 6, trại 7, trại 8, chuồng cọp Pháp, chuồng Bò, phòng điều tra. Riêng nghĩa trang Hàng Dương giữ toàn bộ khuôn viên (tính từ chân móng ngoài của dãy tường rào bao quanh di tích). Đối với các di tích không có khuôn viên tường rào như: Cầu tàu lịch sử, nhà Công quán, Sở Lò Vôi, cầu Ma Thiên Lãnh, khu hầm phân bò, nền móng nhà của trại 9 thì được tính từ mép ngoài móng tường các kiến trúc có trong di tích kéo dài ra mỗi bên 20 mét hình thành khu vực bảo vệ di tích.

Đối với di tích nghĩa trang Hàng Keo được tạm thời quy định khu vực bảo vệ như sau: phía Tây-Bắc di tích giới hạn bởi con đường nhựa từ thị trấn đi sân bay Cỏ Ống, phía Nam giáp bờ biển; phía Đông giáp chân núi Mũi Lò Vôi (Giới hạn từ tim đường nhựa đi Cỏ Ống đoạn ngang qua Lò Vôi thẳng ra mép biển).

Khu vực II: (Thường gọi là khu vực điều chỉnh xây dựng) Đây là khu vực tiếp giáp với khu vực I nhưng lại có quan hệ chặt chẽ với di tích về nhiều mặt : lịch sử, môi trường, vẻ đẹp cảnh quan … Vì vậy bất cứ tổ chức, cá nhân nào phá vỡ hoặc xây dựng thêm một công trình nào tại đây đều phải xin phép các cơ quan chức năng cấp trên.

Ngày 28 tháng 12 năm 2001 Thủ Tướng Chính Phủ ra quyết định số 200/2001/QĐ-TTg về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích lịch sử Côn Đảo, trong quyết định này đã xác định lại vành đai bảo vệ bao gồm khu vực I và khu vực II đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh BR-VT cùng với các ban ngành của địa phương phê duyệt (theo biên bản số 13/BB.VHTT ngày 24 tháng 11 năm 1997 của Sở VHTT tỉnh BR-VTvà bản đồ khoanh vùng bảo vệ di tích lịch sử Côn Đảo). Gồm có 20 hạng mục di tích được khoanh vùng bảo vệ, với tổng diện tích là 230,00 ha. Trong đó diện tích của khu vực I là 106,93 ha, khu vực II là 74,07 ha, khu vực III là 49,00 ha.

Ngày 25 tháng 10 năm 2005 Thủ Tướng Chính Phủ ra quyết định số 264/2005/QĐ/TTg về việc phê duyệt đề án phát triển kinh tế-xã hội huyện Côn Đảo tỉnh BR-VT đến năm 2020 : “Giao cho Bộ Văn hóa-Thông tin chủ trì, tổ chức lập lại quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích lịch sử cách mạng Côn Đảo ; cho phép mời chuyên gia và tổ chức tư vấn nước ngoài tham gia lập quy hoạch”.

Với mục tiêu bảo tồn di tích lịch sử Côn Đảo như một di sản của dân tộc nhằm giáo dục truyền thống đấu tranh cách mạng của nhân dân ta cho các thế hệ mai sau, đồng thời để hòa vào xu hướng thế giới, tiến tới xây dựng chiến lược bảo tồn di sản văn hóa nhân loại thế kỷ 21. Xây dựng trung tâm dịch vụ du lịch gắn kết với các di tích lịch sử-văn hóa trên cơ sở thiết lập môi trường di tích với việc tôn tạo và phát huy tác dụng.

Nâng cấp hạ tầng, phát triển kinh tế-xã hội và cải thiện môi trường dân sinh, đồng thời có nguồn thu ngân sách; góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân huyện Côn Đảo.

Theo định hướng phát triển kinh tế-xã hội Côn Đảo đòi hỏi quỹ đất mở rộng, trên cơ sở luật Di sản văn hóa, mới xác định lại quy mô-giới hạn khu vực quy hoạch cho phù hợp. Bộ Văn hóa Thông tin đã giao cho công ty Cổ phần tu bổ di tích và kiến trúc cảnh quan, là đơn vị tư vấn thực hiện điều chỉnh quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích lịch sử Côn Đảo để trình cấp trên phê duyệt. Trong việc điều chỉnh quy hoạch tổng thể lần này phạm vi quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích lịch sử Côn Đảo có tổng diện tích là 166,85 ha (tức là đã giảm đi 64 ha so với quy hoạch hệ thống di tích trước đây), trong đó khu vực I có diện tích là 48,94 ha, khu vực II có diện tích là 117,91 ha.

Với việc điều chỉnh quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử Côn Đảo lần này sẽ rất thuận lợi trong việc quản lý, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, làm căn cứ cho việc xây dựng các phương án bảo tồn, tôn tạo và phát huy hợp lý có hiệu quả khu di tích. Đây cũng là cơ sở để tiến hành lập, thẩm định, phê duyệt các dự án đầu tư, kế hoạch thực hiện cũng như kêu gọi đầu tư, huy động nguồn vốn và có sự quản lý, đầu tư thống nhất trong công tác bảo tồn, giữa các yếu tố gốc của di tích và khu vực bao quanh tạo môi trường không gian di tích hợp lý với sự phát triển văn hóa, du lịch.

Tuy nhiên tình trạng hiện nay của tổng thể di tích- khu vực II và di tích loại II không những không được bảo tồn theo quy hoạch đã được phê duyệt của Thủ Tướng Chính Phủ mà còn bị xâm phạm trầm trọng gây phương hại đến di tích: việc xây dựng khách sạn, nhà hàng, đường giao thông, tình trạng lấm chiếm sử dụng đất… ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường cảnh quan di tích trên phạm vi rộng nên đòi hỏi phải lập lại quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích lịch sử Côn Đảo theo quy mô tương xứng với di tích đồng thời đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của Côn Đảo.

Lưu Văn Nhi
(Phó Ban QLDT Nhà Tù Côn Đảo)


Translate »
san xuat moc khoa may ao thun Kem sữa chua Kem sữa chua trân châu