Kiến trúc dân gian của cư dân xứ Mô Xoài
Gần 400 năm qua dấu ấn kiến trúc cổ dân gian của lưu dân người Việt thời xứ Mô Xoài vẫn còn hiện diện khá đậm nét ở vùng Long Điền, Đất Đỏ ( tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu). Đây là một loại hình di sản văn hóa vật thể vô cùng quý giá mà trong quá trình mở đất các bậc tiền nhân bằng sức lao động sáng tạo đã để lại cho con cháu hôm nay một hệ thống kiến trúc dân gian truyền thống lâu đời, đa dạng với nhiều kiểu dáng.
Với ván thưng xung quanh bằng các loại thiết mộc, các đòn bẩy, xà nhà…chạm khắc tinh xảo, mái dốc, lợp ngói âm dương phủ rêu phong cổ kính…thấp thoáng dưới vườn cây trái xanh tươi, ẩn hiện bóng dáng ngôi nhà rường hoặc nhà cột giữa kiểu cổ xưa của miền Trung (Ngũ – Quảng) đầy nắng, gió khắc nghiệt mà bằng trí tưởng tượng kỳ diệu, đôi tay tài hoa, khéo léo ông cha ta thời Mô Xoài đã dựng nên bằng tất cả tình yêu tha thiết quê hương cùng nỗi nhớ khắc khoải về xứ sở…những ngôi nhà cổ ở Bà Rịa – Vũng Tàu, giúp cho thế hệ hôm nay có dịp gợi nhớ về một thời ông cha mở đất, dựng làng với lòng tự hào, khâm phục, biết ơn sâu sắc…
Xứ Mô Xoài là vùng đất địa đầu dừng chân của đoàn lưu dân người Việt, đi về phương Nam khai hoang mở cõi khu vực Đông Nam Bộ và Nam Bộ. Xứ Mô Xoài vào thế kỷ XVI là một vùng đất phì nhiêu rộng lớn, cỏ dại mọc um tùm, hoang vu, chưa được đầu tư khai phá. Quá trình diễn biến của cuộc nội chiến giữa Trịnh – Nguyễn những người dân có tiềm lực đã rủ bà con, họ hàng…rời bỏ quê hương từ vùng Ngũ Quảng di cư vào xứ Mô Xoài lập nghiệp.
Năm Mậu Dần (1698) chúa Nguyễn Phúc Chu cử Chưởng cơ Nguyễn Hữu Cảnh (1650-1700) làm Thống suất vào Nam kinh lược và thiết lập bộ công quyền, đặt nền pháp trị và xác định cương thổ quốc gia. Sau đó Nguyễn Hũu Cảnh đặt hai đơn vị hành chính đầu tiên tại Nam bộ là huyện Phước Long với danh Trấn Biên là thủ phủ (nay TP. Biên Hòa) và huyện Tân Bình với dinh Phiên Trấn là thủ phủ (nay là TP. Hồ Chí Minh). Nguyễn Hữu Cảnh đặt các bộ phận trông coi mọi việc như ký lục (trông coi về hành chính, thuế khóa), lưu thủ (trông coi về quân sự) và cai bộ (trong coi về tư pháp). Giúp việc cho các quan là các xá ty và một số đơn vị vũ trang. Đối với người Hoa, Nguyễn Hữu Cảnh tập hợp họ thành những tổ chức hành chính riêng như xã Thành Hà (Trấn Biên), xã Minh Hương (Phiên Trấn). Ông cho chiêu mộ nhân dân đi khẩn hoang lập ấp. Ông “chiêu mộ dân phiêu tán từ châu Bố Chánh (nay là Quảng Bình) trở vào Nam vào vùng đất Trấn Biên và Phiên Trấn, rồi đặt xã thôn, phường ấp, định ngạch tô thuế và ghi tên vào sổ đinh”. Dân số của cư dân vùng Mô Xoài – Đồng Nai lên đến 40.000 hộ khoảng 200.000 người. Họ định cư tập trung theo từng nhóm ở những vùng đất cao ráo, ven trục đường thiên lý (tỉnh lộ 55 ngày nay) và cận các cửa biển, cửa sông…tạo điều kiện thuận lợi để cùng nhau bảo vệ chống thú dữ, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau khi ốm đau bệnh tật và đoàn kết đồng lòng chung sức tiến hành khai khẩn những vùng đất bằng phẳng gần nơi định cư, tận dụng sẵn nguồn nước tự nhiên vào đầu mùa mưa để trồng lúa nước.
Với thời gian gần 400 năm những kiến trúc cổ dân gian của cư dân xứ Mô Xoài hầu hết được con cháu thế hệ sau trùng tu và tôn tạo nhưng vẫn giữ được kiểu dáng, phong cách xây dựng nguyên gốc ban đầu. Kiến trúc cổ dân gian trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu hiện còn khoảng 177 ngôi nhà được phân bố như sau: huyện Long Điền 57 nhà, huyện Đất Đỏ 81 nhà, thành phố Bà Rịa 32 nhà, huyện Xuyên Mộc 4 nhà, thành phố Vũng Tàu (xã Long Sơn) 3 nhà.
Tổng thể những ngôi nhà này được xây dựng nằm quay mặt theo hướng trục giao thông chính hoặc kề bên đường ngõ xóm, có vườn cây hoa trái sum suê xung quanh gồm các cây lưu niên: xoài, vú sữa, nhãn, bưởi, mãng cầu, ổi, thanh long, đu đủ, hồng xiêm…Phía trước là hàng rào bằng cây kim quýt gai, râm bụt…được cặt tỉa công phu, rồi đến cổng, sân gạch, nhà chính, nhà phụ…ngoài ra còn có kho để chứa nông cụ, chuồng nuôi trâu, bò, heo, gà…Trong vườn nhiều gia đình hiện vẫn còn có phần mộ của ông bà, tổ tiên, được xây cất và luôn thờ phụng, chăm sóc cẩn thận.
Kiểu nhà kiến trúc dân gian xứ Mô Xoài gồm 3 loại chủ yếu: nhà chữ đinh (J), nhà sắp đọi còn gọi là nhà chữ nhị (=) và nhà chữ nhất (_). Kiểu nhà chữ đinh (J), gồm hai căn nhà chính và nhà phụ. Căn nhà chính đặt vuông góc với sân nhà phụ. Kiểu nhà sắp đọi (=) gồm hai căn nhà chính và phụ nằm song song với nhau. Nhà sắp đọi (theo tiếng Việt cổ đọi là bát, chén) có nghĩa là kiểu nhà hình hai chiếc chén úp lên nhau, ngoài ra còn gọi là nối đọi, sóc đọi… Kiểu nhà chữ nhất (_) gồm 1 gian hoặc 3 gian hai chái. Kết cấu cột ở mội ngôi nhà chính 3 gian, 2 chái được bố trí theo mặt bằng như sau: chính giữa là hàng cột chính kế tiếp la 2 hàng cột giữa, 2 hàng cột quân và 1 hàng cột hiên. Có 5 cửa mở ra phía hiên. Kiến trúc dân gian cổ được thiết kế và xây dựng phù hợp và thích ứng với khí hậu nhiệt đới, ẩm, gió mùa của miền Đông Nam bộ. Mặc dù không mở cửa nhưng nhà chính vẫn luôn thoáng mát nhờ sự lưu thông, điều hòa không khí và đón gió ở khoảng trống vừa phải dưới mặt tiếp xúc sàn nhà và mái hiên. Do cửa chính mở thông với cửa nhà phụ (đối với nhà chữ đinh) nên nhà phụ thường luôn luôn mát mẻ quanh năm.
Đối với ngôi nhà chính của người Việt được sử dụng với mục đích thờ cúng tổ tiên, chỉ được mở cửa trong trường hợp lễ tết, giỗ chạp, cưới hỏi, tiếp khách quí…Thông thường ngôi nhà được thưng bằng vách gỗ, chia thành hai phần, phía ngoài chiếm 1/2 hoặc 2/3 đặt 3 tủ thờ bằng gỗ quí (gõ, gụ, cẩm lai..) được cẩn xà cừ tỷ mỷ, công phu và mỹ thuật kê ở sát vách tường, tại trung tâm mỗi gian để thờ cúng tổ tiên.
Trên gần nóc nhà nơi tiếp giáp xà ngang, cột chính, cột giữa…bài trí các tấm hoành phi bằng chữ Hán vừa hàm súc và có ý nghĩa triết lý sâu sắc: “Ẩm hà tư nguyên”(Uống nước nhớ nguồn), ”Đức phương lưu” (Dòng đức còn mãi hương thơm), “Vĩnh thế xương” (Con cháu đời đời phồn thịnh), “Tư tổ trạch” (Nhớ ơn tổ tiên), “Đức lưu quang” (Đức để lại đời sau còn sáng mãi), “Khắc xương quyết hậu” (Để lại sự tốt lành về sau)…câu đối sơn son thếp vàng: ”Sơn cao mạc trạng sinh thành đức, Hải khoát nan thù cúc dục ân” (Núi cao khó ví với đức sinh thành, Bể rộng khôn bì với công ơn dưỡng dục, nuôi nấng), ”Tổ tông tôn đức thiên niên thịnh Tử hiếu tôn hiền vạn đại xương” (Công đức của tổ tiên ngàn năm còn thịnh vượng. Con cháu thảo hiền muôn đời tốt đẹp), Tổ tích bồi cơ công dâng sơn cao thiên cổ ngưỡng, Vu kim diễn phái trạch đồng hải tuấn ức niên tư” (Nhớ xưa bồi đắp nền tảng, công tựa non cao ngửa trông muôn thưở. Đến nay nảy nở dòng giống, ơn tày biển rộng nhuần thấm ngàn năm)…Ở chính giữa là bàn thờ đặt trang trọng hình đức Phật Thích Ca Mầu Ni ngồi thiền dưới cội bồ đề, bên tay trái và phải là bàn thờ tổ tiên, ông bà nội, ngoại. Nhiều gia đình còn giữ được chân dung của người thân 3-5 đời. Trên mỗi bàn thờ tùy thuộc gia đình khá giả hay bình dân bài trí đồ thờ tự, ít hay nhiều. Mỗi bàn thờ thường có 1 đỉnh bằng đồng đốt hương trầm, 1 cặp chân đèn bằng đồng thắp đèn cầy, cặp độc bình bằng sứ men lam Trung Hoa cổ dùng để cắm bông, cặp trò bằng gỗ để bày hoa quả, phía trước đỉnh hương là bát hương bằng đồng hoặc bằng sứ men lam. Vào buổi sáng và chiều chủ nhà thường là đàn ông đứng trước bàn thờ thắp nhang, thỉnh chuông…tưởng nhớ đến ông bà, tổ tiên…Vào các ngày mồng 1, rằm trên bàn thờ có thêm mâm ngũ quả và hoa tươi…Ngày giỗ chạp, lễ tết chủ nhà bày thêm bánh trái, rượu trà, trầu cau…Ngày tất niên, sáng mồng một tết còn bày mâm cỗ mời tổ tiên, ông bà…về sum vầy ăn tết cùng con cháu. Ở hai gian đầu cạnh gian giữa thường đặt hai đến ba bộ ván ngựa bằng gỗ gõ, dầu đỏ…dành cho khách ngủ đến nhà ngủ lại qua đêm. Thông thường bộ ván ngựa dày từ 5-20cm, chiều dài 2,0m, gồm 2 tấm, mỗi tấm rộng 0,5-0,6m, có hai chân kê ở hai đầu. Chân ngựa đóng kiểu chân quỳ. Ở giữa đặt bộ bàn ghế để gia chủ mời khách ngồi dùng trà, nói chuyện. Phía sau bàn thờ là nơi ngủ của con cái…
Ngôi nhà phụ thường luôn mở cửa đón gió, nắng…nên thoáng mát, tiện lợi, hầu hết mọi sinh hoạt hằng ngày chủ yếu diễn ra ở đây: chuẩn bị cơm nước, nơi gia đình quần tụ ăn uống, thường ngày người đàn ông hay nằm nghỉ trưa trên ván ngựa nhà phụ, khi tiếp khách trong lối xóm, bà con, người nhà…cũng đều sử dụng ở nơi này.
Cùng với hệ thống kiến trúc cổ về tôn giáo, tín ngưỡng…nhà cổ dân gian của người Việt xứ Mô Xoài trở thành di sản văn hóa quý giá của ông cha ta rất cần được bảo tồn, phát huy…Hiện nay nhiều công trình kiến trúc nhà cổ trong tỉnh có nguy cơ phá hủy hoàn toàn nhưng gia đình lại không đủ kinh phí để trùng tu, tôn tạo…không ít doanh nghiệp đã mua mang về phục dựng làm nhà hàng, nhà nghỉ… để kinh doanh du lịch. Tình trạng như vậy, nhiều nhà cổ dân gian tiêu biểu, điển hình trên địa bàn của tỉnh sẽ ngày một vắng bóng, và, điều đó đã và đang diễn ra.
LÊ XUÂN BÁCH
Bảo Tàng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu
______________
Tài liệu tham khảo:
– Báo cáo điều tra khảo sát bảo tồn kiến trúc cổ dân gian tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, 2005.
– Địa chí tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Nguyễn Trọng Minh, Thạch Phương (chủ biên).