Kiến trúc đình làng thời Mô Xoài trên vùng đất Bà Rịa – Vũng Tàu

(07/08/2014)

Ðình làng là hình ảnh quê hương tiêu biểu cho nét độc đáo của kiến trúc và điêu khắc tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Dân làng thường tự hào, hãnh diện khi có một ngôi đình nguy nga, cổ kính, chạm trổ công phu, hoặc đình đã được chọn đúng vị trí đắc địa, vùng đất thiêng liêng, thế đất đẹp nhất làng mong muốn, nơi Thành Hoàng phù hộ cho muôn đời con cháu luôn được hưởng phúc lành, dân làng học hành phát đạt, làm ăn thịnh vượng … Ðình cũng là nơi thờ phụng Thần Thành Hoàng, đấng linh thần chủ tọa cho cuộc sống cộng đồng và phù trợ cho dân làng được an cư lạc nghiệp.

Có nhiều học giả cho rằng đình làng Việt Nam là hình ảnh nhà sàn còn lại của nền vắn hoá Đông Sơn khắc trên trống đồng. Học giả Nguyễn Văn Huyên cũng từng so sánh đình làng của người Việt cũng có những nét tương đồng với ngôi nhà rông của đồng bào Tây nguyên, nhà tụ bạ của người Mường.

Ngày xưa ở Trung Hoa phương tiện vận tải còn thô sơ, muốn đi từ nơi này sang nơi khác, trước hết người ta đi bộ, rồi dùng cáng, võng, kiệu do người khiêng hoặc dùng ngựa, xe do người đẩy. Cách vận chuyển gây nhiều phiền phức, khó nhọc, đường xá lại gập gềnh khó đi. Trong xứ đầy núi rừng hiểm trở nên cuộc hành trình nào cũng thường phải ngủ đỗ lại dọc đường, do đó vua sai lập ở bên các con đường chính (gọi là quan lộ hay đường cái quan) những cái quán trú chân, phòng khi vua, quan đi tuần du, giữa đường trời tối có chỗ nghỉ ngơi. Việc lập quán dọc đường cứ năm dặm gọi là đoản đình, lập một quán nhỏ, mười dặm gọi là trường đình, lập một quán to. Các quán đình này hầu hết đều kiến thiết chắc chắn, tường gạch, mái ngói và làm theo hình vuông, nóc có bốn mái.

Tính đến năm 1938 trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có 36 đình làng, qua các cuộc chiến tranh nhất là trong đợt tiêu thổ kháng chiến 1945, thời kỳ chống Pháp, Mỹ (1945-1975) nhiều ngôi đình đã bị tàn phá không được trùng tu, bảo quản nên đã xuống cấp. Từ sau ngày miền Nam giải phóng (1975) đến nay khi có điều kiện kinh phí dồi dào nguồn do các hội viên đóng góp, nhân dân cúng vào các dịp kỳ yên…nhiều đình làng đã được tái thiết trùng tu, tôn tạo lại khoảng 20 ngôi đình. Đình làng trở thành một nơi đền thờ thiêng liêng để nhân dân tổ chức lễ hội truyền thống, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, tưởng nhớ công lao của tổ tiên, các bậc tiền nhân, ông cha nhiều thế hệ, các anh liệt sĩ đã hy sinh.

Sau khi ổn định cuộc sống buổi đầu đến khai phá vùng đất mới ông cha ta dựa vào thuật phong thuỷ để chọn lựa vị trí tốt nhất để xây dựng đình làng. Vị thế này hội tụ những điều may mắn: “Tiền án hậu chẩm”, là thế đất có án che phía trước (gọi là tiền án, có khi là một quả đồi), chẩm làm chỗ dựa phía sau (gọi là hậu chẩm, có khi là một trái núi),“Thuỷ tụ sơn triều”(có hồ, ao, sông tụ, chảy phía trước, phía sau có núi non chầu về) “Tiền Tam Thai, hậu Thất Tinh” (Phía trước sao Tam Thai, phía sau sao Thất Tinh), “Tả thanh long, hữu bạch hổ” (rồng xanh bên trái, hổ trắng bên phải)… ngoài ra có những thế đất khác thường cũng được ông cha ta lựa chọn như vị trí đất là trán của các con vật thiêng long, ly, qui, phụng, hay trên gò đất cao ráo, trên doi đất trước mặt có dòng nước chảy thường xuyên lưu thông hay hồ nước. Ông cha ta thường có những kinh nghiệm quí báu khi tìm vị trí thích hợp để xây dựng đình làng:”Thè lè lưỡi trai chẳng sai được nó”, “ Khum khum gọng vó chẳng nó thì ai” là những vị trí tốt nhất để xây đình, nếu không được chọn cẩn thận sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ cộng đồng làng xã. Do vậy mà vị trí đình được chọn thường là những nơi có vị trí đẹp, linh thiêng, rộng rãi, thoáng đãng: đầu thôn, gần bờ sông, ngã ba, ngã tư đường lớn…thuận lợi cho lễ rước, cúng tế, mở hội…hàng năm của làng.

Trong quá trình chọn thế đất ông cha ta luôn kết hợp việc chọn hướng đình để phát huy quyền lực thiêng liêng của ngôi đình. Hướng của đình làng trở thành hướng qui hoạch cho các ngôi nhà trong làng. Các ngôi nhà của dân làng buộc phải làm song song theo hướng đình hay vuông góc tránh làm nhà hướng thẳng vào góc đao của đình làng. Hướng nam được chọn nhiều hơn cả, và trở thành hướng truyền thống, dễ thích ứng với môi trường tự nhiên khí hậu nhiệt đới gió mùa. Trước hết vì đó là hướng gió mát mẻ. Hướng nam biểu trưng của sự trong sáng, trí tuệ, hướng nam còn mang yếu tố dương tính, gắn liền với hạnh phúc, chân, thiện, mỹ… Đây cũng là nét phong thuỷ ảnh hưởng của Trung Hoa: “Thánh nhân nam diện nhi thính thiên hạ” (Thánh nhân ngồi quay hướng Nam để nghe lời tâu bày của thiên hạ), đó là hướng của thần linh khi các ngài thành vị vua vua tinh thần tối cao của quần chúng. Nếu đình làng nơi nào không chọn được hướng nam thì bố trí theo hướng đông nam – tây bắc để tránh gió mùa và mưa nắng hắt vào bên trong.

Bốn đầu mái đình thường uốn cong, vươn lên phía bầu trời ở các góc với hình chim phượng hoặc lá cách điệu. Sở dĩ những mái đình thường vượt lên ở nơi đầu đao vì sợ tránh ảnh hưởng xấu của những đường thẳng. Trong việc xây đình ông cha ta thận trọng để tránh những điều kiêng kỵ, nếu không sẽ đình sẽ động. Đình động là có gì phạm tới đình do hướng đình không thuận, đao nhà hoặc góc ao đâm thẳng vào mặt đình, hay đằng trước đình có vật gì án ngữ.

Bố cục kiến trúc của một ngôi đình: gồm cổng đình, Bình phong, sân đình, tiền hiền, nhà đãi khách, đình trung, võ ca, miếu thần Nông. Cổng đình gồm có 3 cửa, hai cửa phụ, 1 cửa chính. Nối giữa cổng là các trụ tròn, phiá trên có mái che, lợp ngói âm dương, trên bờ nóc có trang trí lưỡng long chầu nguyệt. Đối với mặt bằng kiến trúc của đình làng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thường làm theo kiểu trùng thềm điệp ốc, gồm các dãy nhà Tiền hiển-Hội trường đãi khách- Đình trung, Võ ca (Đình Long Hương, Thắng Nhất, Thắng Tam, Long Lễ) hoặc chữ L đình thắng Nhì: Tiền hiền, nhà đãi khách, đình trung, toà võ ca, hoặc chữ đinh ở đình Long Điền. Nhưng đến bộ phận kiến trúc thì mỗi một toà kiến trúc lại có cấu trúc riêng. Toà tiền hiền có lẽ được dựng trước, gỗ đều còn giữ được làm theo kiểu xuyên trinh gồm 3 gian hai chái (Tiền hiền đình Thắng Nhì, Thắng Tam) còn kiến trúc của đình trung được làm theo kiểu nhà tứ trụ. Toà tiền hiền lúc đầu gồm 4 hàng cột mỗi hàng cột gồm 6 cột 2 cột cái (cột hàng nhất), 2 cột quân (cột hàng nhì), 2 cột hiên (cột hàng 3) nhưng vì sau xây tường bít lại vách hiên và vách hậu hàng cột này đã bị dỡ bỏ. Kết cấu bộ vì mái giữa hai cột cái là cây xuyên trinh, nối giữa tâm cây xuyên trinh là cánh dơi nối cây xuyên trinh và đòn dông, từ đòng dông toả xuống 2 mái là hệ thống đòn tay, rui và các cột quân đỡ trong lực toàn bộ mái nhà. Hầu hết các ngôi đình ở Bà Rịa Vũng Tàu đều làm theo kiểu nhà tứ trụ, Đình Thắng Nhất, Thắng Nhì, Thắng Tam, Mỹ Xuân…đều làm bằng bê tông cốt thép. Bốn cây trụ cột bố trí đều nhau ở 4 góc, các kèo quyết và kèo đấm đưa đều ra bốn hướng tạo thành ngôi nhà vuông vức. Tạo nên không gian thờ chính điện rộng thoáng.

Do nguồn kinh phí không dồi dào, việc huy động vật lực của dân làng có hạn mặc dầu ngôi đình làng ở Bà Rịa – Vũng Tàu tồn tại hàng mấy trăm năm nhưng dấu ấn lịch sử không để lại đậm nét. Trong quá trình tìm hiểu ở những vùng đất nơi có bà con ở vùng mới đến lập nghiệp xã Sông Xoài, xã Hắc Dịch huyện Tân Thành xã Quảng Thành huyện Châu Đức, bà con dựng nên ngôi miếu thờ Thành Hoàng nho nhỏ. Khi có nguồn kinh phí mới bắt đầu nghĩ đến việc xây dựng ngôi đình làng cho thật khang trang hơn. Để hình thành kiến trúc ngôi đình làng như hiện nay là cả một quá trình đóng góp công sức của nhiều thế hệ. Bằng sức huy động công sức của dân làng họ tận dụng tối đa nguyên liệu sẵn có, cây gỗ, cỏ tranh ở trên rừng. Khi cuộc sống khá lên dần dần những ngôi đình đựơc làm khang trang hơn kiên cố hơn. Do khí hậu, chiến tranh…nhiều ngôi đình không còn nguyên gốc phải trải qua rất nhiều lần trùng tu tôn tạo…quá trình ấy kết hợp sự pha trộn giữa kiến trúc bản địa và kiến trúc Pháp. Bên cạnh những ngôi đình cổ như đình Long Hương có ngôi đình ảnh hưởng phong cách kiến trúc Việt Pháp như đình Long Điền…Toà tiền hiền thường xây dựng theo ngôi nhà một gian hai trái, lúc đầu lợp ngói âm dương, các hàng cột đều bằng gỗ, xung quanh ván thưng. Dần dần ván thưng được thay thế bởi tường gạch, mái ngói âm dương được thay bằng ngói móc. Trên bờ nóc vẫn giữ được cặp rồng chầu mặt trời. Phần lớn các cấu trúc đều làm theo kiểu trùng thềm điệp ốc. Toàn cảnh kiến trúc nối dài chung vách tường theo trục nằm ngang. Nổi bật nhất trong kiến trúc là ngôi đình trung còn gọi là tòa chánh điện. Được thể hiện bằng bốn cột bê tông lớn theo kiểu long trụ, đắp hình rồng cuốn từ bệ lên tới nóc, sơn son thếp vàng hết sức lộng lẫy. Phong cách này đều rập khuôn ở các đình giống nhau: Thắng Nhất, Thắng Nhì,Thắng Tam, Phước Hòa, Mỹ Xuân, Phước Lễ…Đình Long Hương là một ngôi đình còn giữa được nhũng nét văn hóa độc đáo. Toàn bộ hệ thống chân cột đều làm bằng gỗ, tứ thiết, các mảng chạm khắc gỗ vẫn còn giữ nét độc đáo. Đình Long Điền trùng tu vào năm 1900, các cửa sổ đều ảnh hưởng kiến trúc của vòm uốn hình cánh cung nhưng về bề ngoài vẫn là kiểu trùng thềm điệp ốc…

Đình làng Bà Rịa – Vũng Tàu được hình thành và phát triển cùng với quá trình khai phá vùng đất Mô Xoài, những ngôi đình hiện còn tồn tại với những giá trị kiến trúc, điêu khắc, lễ hội…đã được bảo lưu, gìn giữ từ thế hệ này đến thế hệ khác trở thành di sản văn hoá độc đáo. Di sản văn hóa dình làng không đơn thuần chỉ giới hạn trong một làng, một xã, của một địa phương mà gắn liền với thời kỳ lịch sử khai phá của cha ông ta đã để lại hôm nay.

Đình làng là công trình kiến trúc nghệ thuật, thể hiện sự hóa thân của tâm thức xã hội Việt Nam truyền thống mà tổ tiên ta đã tổ chức được cuộc sống an sinh thịnh vượng, cùng nhau viết nên những trang sử vẻ vang, trở thành một tác phẩm nghệ thuật văn hóa đầy ắp chủ nghĩa nhân văn, nhân bản cao cả.

Đình làng là biểu trưng văn hoá cho mỗi một vùng đất, “đất có thổ công sông có hà bá”, “uống nước nhớ nguồn” mỗi một làng mới lập đều phải có đình làng trước là nơi thờ Thành Hoàng, các vị thần linh, sau là thờ các bậc tiền hiền, hậu hiền…

Ông cha ta khi dời miền quê hương cũ đến nơi khai phá vùng đất mới việc quan trọng là tìm vị trí đất, chọn hướng tốt nhất để làm đình. Ngôi đình là nơi gửi gắm niềm tin cõi thần linh thiêng liêng để dân làng yên ổn để làm ăn, các kỳ lễ hội là nơi bà con trong làng xóm bày tỏ niềm biết ơn công lao các vị thần đã phù hộ độ trì cho dân làng bình an, khoẻ mạnh, làm ăn gặp nhiều may mắn, ngày càng thịnh vượng.

Cứ mỗi năm theo định kỳ đến hẹn lại lên dân làng tổ chức lễ hội cúng đình. Những năm gần đây nhất là thời kỳ đổi mới nhiều thành phần kinh tế ra đời đẩy mạnh tốc độ phát triển kinh tế, đời sống lao động của nhân dân ngày càng được cải thiện. Mỗi dịp cúng đình làng bà con cộng đồng làng xã đều nô nức đến dự. Họ nghĩ rằng sự làm ăn thịnh vượng hay chưa gặp may mắn đều có sự phù hộ hay bị ngài quở trách, nếu người nào thành đạt đến cúng đình là sự bày tỏ sự biết ơn Thầnh Hoàng đã giúp đỡ che chở cho công việc làm ăn thuận lợi, người nào gặp khó khăn là dịp để sửa sai xem mình đã làm gì Thành Hoàng không vừa ý, nên bị phạt ảnh hưởng đến công việc làm ăn, họ đinh linh rằng những gì mình làm đều có Thành Hoàng hay các vị tham mưu của thần theo dõi hiểu biết tường tận, vì thế mọi việc đều phải quang minh chính đại.

Lễ kỳ yên thể hiện tình đoàn kết trong cộng đồng, họ động viên con cháu chăm lo học hành, hiếu thảo với ông bà, kính trọng và ơn công lao dưỡng dục với cha mẹ, tôn sư trọng đạo, xây dựng đời sống văn hóa mới.

Kiến trúc đình làng thời Mô Xoài trên vùng đất Bà Rịa – Vũng Tàu hiện nay thể hiện văn hóa làng xã gắn liền với quá trình lịch sử khai phá vùng đất mới hàng trăm năm, có vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế, vật chất, xã hội, tinh thần và tâm linh của nhân dân./.

NGUYỄN TÂM

Bảo Tàng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu


Translate »
san xuat moc khoa may ao thun Kem sữa chua Kem sữa chua trân châu