Một số địa danh trong công cuộc khai phá xứ Mô Xoài

(07/08/2014)

Theo lược sử vùng đất Nam Bộ Việt Nam, từ đầu thế kỷ thứ XVII, đã có lưu dân ở vùng đất Thuận – Quảng của chúa Nguyễn đến Mô Xoài (Bà Rịa), Đồng Nai (Biên Hòa) khai khẩn đất hoang, lập ra những làng người Việt đầu tiên trên đất Nam Bộ.

Năm 1620, chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên gả con gái của mình là công chúa Ngọc Vạn cho Quốc vương Chey Chettha II làm Hoàng hậu của vương triều Chân Lạp. Dưới sự bảo trợ của bà Hoàng hậu người Việt của Vương triều Chey Chettha II (1619-1627) cư dân Việt từ vùng Thuận – Quảng vào sinh sống làm ăn ở khu vực sông Đồng Nai ngày một đông thêm.

Năm 1623, chúa Nguyễn đã cho đặt thương điếm ở Preinokor (tức Sài Gòn) để thu thuế. Từ đó, chúa Nguyễn có được sở Quan thuế Sài Côn (tức Sài Gòn) và khu dinh điền Mô Xoài (tức Bà Rịa). Nhưng không duy trì được bền lâu.

Năm 1658, chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần phải đưa 2.000 quân tiến đánh Mô Xoài của Chân Lạp (thuộc vùng đất Bà Rịa) lý do của cuộc chinh phạt này được chúa Nguyễn đưa ra là để bảo vệ những cư dân người Việt đã vào đây làm ăn sinh sống. Trận này, chúa Nguyễn bắt được vua Chân Lạp là Nặc Ong Chân. Chân Lạp xin được làm chư hầu và triều cống hàng năm.

Năm Giáp Tuất, Thái Tông thứ 27 (1674), chúa Hiền lại sai Nguyễn Dương Lâm và Nguyễn Diên đem quân đánh lũy Bô Tâm của Chân Lạp ở xứ Mô Xoài mà về sau người Việt gọi là lũy cũ Phước Tứ (vùng thị trấn Long Điền ngày nay).

Những sự kiện được sử sách nhà Nguyễn ghi lại trên đây chứng tỏ rằng vào thời điểm ấy vùng đất Bà Rịa – Vũng Tàu ngày nay đã có người Việt cư trú. Họ được chính quyền (các chúa Nguyễn) bảo hộ và đây vẫn còn là vùng đất tranh chấp giữa vua Chân Lạp và các chúa Nguyễn.

Một vài nét sơ lược về bước khai phá vùng đất Mô Xoài của các Chúa Nguyễn trước đây. Trong khuôn khổ bài tham luận này, tôi chỉ muốn đề cập đến một số địa danh có liên quan đến giai đoạn đầu công cuộc khai phá vùng đất Mô Xoài.

  1. Hưng Phúc – Hương Phước là xứ Mô Xoài

Năm 1755, vua Chân Lạp là Nặc Nguyên thua trận và phải nương nhờ Mạc Thiên Tứ tại Hà Tiên. Đến năm 1756, Nặc Nguyên xin hiến đất hai phủ Tầm Bôn, Lôi Lạp (vùng Tân An và Gò Công) và nạp bù lễ cống ba năm trước còn thiếu để chuộc tội. Chúa không chấp nhận, Nguyễn Cư Trinh liền tâu: “….Muốn mở mang đất đai cũng nên lấy hai phủ này, trước để cũng cố mặt sau của hai dinh. Nếu bỏ gần, mưu xa, e rằng hình thế cách trở, binh dân không liên tiếp, lấy được tuy dễ mà giữ thì thật là khó. Trước kia, mở mang đất Gia Định tất phải mở trước đất Hưng Phước, rồi đến Đồng Nai, khiến quân dân đông đủ, rồi sau mới mở đến Sài Côn. Đó là cái kế ‘tằm ăn lá dâu’ ”Đất Hưng Phước nêu trên đây chính xứ Mô Xoài là nơi khởi đầu lập nghiệp của người Việt ở vùng đất Nam Bộ.

  1. Thành Hưng Phúc (Hương Phước) là thành mô Xoài

Thành Hưng Phúc chính là thành Hương Phước – lũy Mô Xoài mà Trịnh Hoài Đức đã đề cập về Luỹ Phước Tứ. Sự kiện này được Trịnh Hoài Đức mô tả kỹ hơn khi viết về Cương vực chí (Gia Định thành thông chí, NXB Tổng hợp Đồng Nai, 2006 – trang 108, 109): “Gia Định xưa nguyên là đất của Chân Lạp (Chenla), đây là vùng đất đai màu mỡ, địa lợi có đủ ruộng đồng, đầm phá, sông, biển, muối, lúa, đậu rất nhiều. Các tiên hoàng đế triều ta chưa rảnh để mưu tính việc xa nên tạm để đất này cho Cao Miên ở, đời đời xưng là Nam Phiên, lo việc triều cống không bao giờ dứt. Đến đời vua Thái Tông Hiếu Triết hoàng đế năm thứ 11 Mậu Tuất (1658), tháng 9 (tức Lê Thần Tông niên hiệu Vĩnh Thọ nguyên niên, Thanh Thuận trị năm thứ 14) vua nước Cao Miên là Nặc Ong Chân xâm phạm biên giới (người Cao Miên không có họ, con cháu nhà vua đều xưng là Nặc Ong, Chân là tên, khi đặt tên lấy chữ hay, ông cháu cùng tên mà không kiêng). Nước ta gửi thư xuống thì xưng là Cao Miên Quốc vương Nặc Ong Mỗ, ấy là lấy tên của vị vương tử mới được phong mà gọi. Lại như vương tước của nước ấy thì dung đến 11, 12 chữ đến 23, 24 chữ tùy theo cách gọi chứ không có định lệ). Khâm mệnh dinh Trấn Biên (thời mới khai thác, thì những chỗ đầu biên giới gọi là Trấn Biên, ở đây tức là trấn Phú Yên ngày nay), Phó tướng Yến Vũ hầu, Tham mưu Minh Lộc hầu và Tiên phong Cai đội Xuân Thắng hầu đem 3 ngàn quân đi trong 2 tuần đến thành Mô Xoài của nước Cao Miên, phá thành và bắt vua Nặc Ong Chân giải về Quảng Bình là nơi hành tại. Vua ra dụ xá, rồi phong làm Cao Miên quốc vương, luôn phải giữ đạo phiên thần, thường xuyên phải triều cống, không được xâm lấn cư dân ở ngoài biên cương, rồi sai quan binh hộ tống về nước. Lúc ấy địa đầu Gia Định là Mô Xoài và Đồng Nai (tức nay là trấn Biên Hòa) tại xứ ấy có dân của nước ta đến cúng với dân Cao Miên khai khẩn ruộng đất. Người Cao Miên rất khâm phục uy đức của triều đình, họ đem nhượng hết cả đất ấy kéo nhau đi nơi không dám tranh chấp chuyện gì”.

  1. Núi Dinh là núi Mô Xoài – sông Dinh là sông Mô Xoài

Núi Mô Xoàingày nay gọi là Núi Dinh, thuộc địa phận thành phố Bà Rịa. Từ thế kỷ XIX trở về trước, tên núi vẫn được gọi theo tên của vùng đất này là núi Mỗi Xuy, Mỏ Xoài, Mô Xoài, có khi gọi là núi Trấn Biên, hoặc Tấn Biên. Trong Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức (quyển II – Sơn Xuyên Chí, trang 26 – NXB Tổng Hợp, 2005) viết: “Trấn Biên Sơn (núi Trấn Biên): Tục gọi núi Mô Xoài ở phía đông cách trấn 145 dặm. Hình núi cao ngất xanh om, có những hang Nai, đồi Thông, mây phủ, thác suối, cảnh trí tịch mịch, chầu về thành Gia Định từ xa, cảnh núi trãi ra đẹp đẽ. Lưng chừng núi có động đá sâu quanh co chật hẹp chưa ai đi vào cho hết được. Có nhà sư tịch cốc tên là Ngộ Chân, dựng chùa Đức Vân nơi cửa động để tu hành, hàng ngày chỉ ăn rau quả để tụng niệm Phật, thuần phục được cả hùm beo; lại giỏi vẽ bùa chữa bệnh, thâu được lễ tạ thì đem cấp cho những người nghèo khổ, khốn cùng. Ấy cũng là một vị cao tăng đắc đạo vậy”.

Con sông lượn quanh chân ngọn núi này gọi là sông Mô Xoài, cũng được gọi là sông Hương Phước (theo tên làng). Theo Gia Định thành thông chí (trang 37) viết: “Hương Phước Giang (sông Hương Phước): Tức là sông Mô Xoài, là nơi 2 thôn Long Hương và Phước Lễ cùng đài thọ lính trạm).Ngược dòng lên phía bắc chuyển qua phí tây đến suối Châu Phên gặp suối Giao Kèo qua Thâm Tuyền (suối Sâu) đến đầu nguồn sông Mông – Giang tục gọi là sông Xoài, dài 15 dặm, chảy qua nam độ 4 dặm là cửa sông lớn Hương Phước rồi lưu cùng các sông khác”.

  1. Lũy Phước Tứ là lũy Mô Xoài

Theo Gia Định Thành thông chí (quyển VI, Thành trì chí, trang 231, 232) viết: “LŨY PHƯỚC TỨ: Ở phía đông trạm Hương Phước, ngay giữa đường cái quan. Trước đây chánh Vương Cao Miên là Sô đóng ở thành Vũng Long, Phó vương là Non đóng ở thành Sài Gòn. Con trưởng của Sô là Bô Tâm không được làm vua, bèn giết cha mà tự lập vua, rồi sợ Non không phục sẽ báo cáo lên triều đình để xin binh hỏi tội mình nên đắp đồn đất Gò Vách, Nam Vang, kết bè nổi giăng dây sắt để tự vệ, lại xin Xiêm La ứng viện, mưu đánh giết Non. Thế Non lúc bây giờ rất nguy phải chạy qua nương tựa dinh Thái Khang, nên Bô Tâm bèn chiếm cứ Sài Gòn, mà quân Xiêm không đến như đã hứa, Bô Tâm đắp lũy đất ở vùng địa đầu Mô Xoài, phía ngoài trồng tre gai, tăng thêm quân và voi để phòng thủ, thế rất vững. Trải hơn một năm thấy quân ta không hề động tĩnh quân lính, Bô Tâm trễ nải việc phòng bị, quân lính tứ tán ra đồng xa làm ruộng. Tháng Giêng năm Giáp Dần (1674) đời Thái Tông thứ 27 (chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần), Trấn thủ dinh Thái Khang là Nguyễn Triều Ðắc đem việc trình lên, tháng 2 vua sai tướng của dinh Thái Khang là Nguyễn Dương xuất chinh, cử thêm Nguyễn Diên làm Cai cơ thống lãnh tiên phong và dụ rằng: dùng binh quý là thần tốc, phải mau chóng đi suốt ngày đêm. Tháng 3 Diên Lộc hầu đến trước tại lũy Mô Xoài, nhân khi chúng không phòng bị xông vào đánh úp, chiếm lấy, binh sĩ giáo không hề dính máu; qua 3 ngày chúng tụ họp lại vây đánh rất gắt, Diên Lộc hầu đóng cửa lũy không đánh trả, rồi đại quân Dương Lâm hầu đến hiệp lực ra đánh, quân Cao Miên thua to, chết và bị thương rất đông. Nhân vậy mới gọi tên là lũy Phước Tứ. Sau đại quân tiến đến Sài Gòn, qua tháng 4 hai đạo binh thủy lục tiếp phá hai đồn Gò Vách và Nam Vang, đốt phá cả bè nổi và dây sắt của quân địch, nghe uy danh của Diên hầu, quân Cao Miên đều run sợ. Bô Tâm trốn vào trong rừng sâu, bị đồ đảng bên vợ là bọn Chà Và giết chết, con thứ 2 của Sô là Thu ra đầu hàng, từ ấy Cao Miên mới yên.

Sau đó Diên Lộc hầu vì leo rừng lội suối, trải đủ gian nan hiểm trở, nên bị trọng bịnh rồi mất, khi ấy báo tiệp và đem hết mọi việc tâu lên. Vua sắc phong cho Thu làm Chánh Vương, Non làm Phó Vương như cũ, tặng cho Diên Lộc hầu chức Chưởng cơ, thụy là Trung võ, ra lệnh lập đền thờ, có cầu khẩn việc đều được linh ứng, người Cao Miên qua lại chổ này đều lo bước vội không dám ngó thẳng vào đền.

Lũy ấy trải mấy đời đều thế và dùng làm đồn trọng cho đạo Mô Xoài. Nay loạn lạc đã yên, bốn bề không còn thành lũy, tuy thành vách đá đã ra ruộng vườn, mà bờ tre xưa vẫn xanh tốt, còn nhìn ra dấu tích của lũy xưa”.

Trên đây, lược qua vài địa danh liên quan đến vùng đất xứ Mô Xoài trong việc khai phá vùng đất Đông Nam Bộ từ thế kỷ thứ XVII qua một số tài liệu lịch sử từ đó thấy rằng cha ông chúng ta đã mưu trí, dũng cảm, đổ nhiều xương máu cho công cuộc khai phá và mở rộng bờ cõi của Tổ quốc. Ngày nay, với những ưu thế của vùng đất Bà Rịa – Vũng Tàu, trong chiều hướng phát triển của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Bà Rịa – Vũng Tàu vẫn giữ một vị trí quan trọng, trong đó có những ngành kinh tế mũi nhọn hàng đầu của đất nước, một địa danh du lịch nổi tiếng trên cả nước và thế giới, chúng ta vẫn thầm cảm ơn các bậc tiền nhân đã khai phá vùng đất này, từ gần 400 năm trước, để mỗi bước đi và niềm vui, hạnh phúc hôm nay, chúng ta đều có niềm tự hào và biết ơn những giọt mồ hôi và xương máu của cha ông.

LÊ THÁI ĐỊNH

Sở KH&CN An Giang

___________________

Tài liệu tham khảo:

– Lược sử vùng đất Nam bộ – Hội sử học Việt Nam – NXB Thế Giới

– Gia Định Thành Thông Chí – NXB Tổng Hợp Đồng Nai, 2006.

– Địa Chí Vũng Tàu.


Translate »
san xuat moc khoa may ao thun Kem sữa chua Kem sữa chua trân châu