Những công thần mở đất

(07/08/2014)

Lịch sử khẩn hoang đi về phía Nam được ấn định vào khoảng thế kỷ XIV, mãi đến thế kỷ XVI trở đi mới trở thành một hiện tượng. Trải qua bao thế kỷ, nhưng dư âm một thời mở đất của cha ông ta vẫn còn vương mãi.

Kể từ khi Nguyễn Hoàng xin vào Nam lập lãnh địa cho riêng mình, cũng từ đó xuất hiện biết bao lớp người tài ra sức phụng sự cho nhà Nguyễn. Họ có mặt để viết tiếp câu chuyện đi về phương Nam của tổ tiên, để thỏa chí tang bồng ngao du sơn thủy, để định danh tên tuổi – quê hương. Chính xác họ là những ai? Ở thành phần nào? Vì lý do gì phải dấn thân vào cõi sơn cùng thủy tận, nơi cái chết luôn rình rập chỉ để cầu chút hư vinh? Đó là lý do vì sao bài viết này xin dành riêng để đề cập đến họ- những công thần mở đất Nam Bộ này.

Một vấn đề mang tính tất yếu lịch sử của bất kỳ một triều đại nào là xây dựng, ổn định và phát triển, tùy vào từng thời điểm cụ thể mà sự phát triển mạnh hay yếu. Và dưới thời Nguyễn, sự phát triển mang đúng nghĩa là bành trướng; bành trướng để cân bằng thế lực, để chứng tỏ sức mạnh nội tại, để đối đầu với ngoại bang, và để mở rộng lãnh thổ.

Năm 1533 sau khi đuổi xong loạn đảng nhà Mạc lên mạn Bắc, thì chính quyền của Hậu Lê cũng được dựng lên, nhưng lại nằm dưới quyền kiểm soát của tùy tướng Nguyễn Kim. Năm 1545, Kim bị một hàng tướng nhà Mạc hạ độc, vì vậy binh quyền tạm giao về tay con rễ là Trịnh Kiểm. Đây chính là dấu mốc cho mọi sự đấu đá về sau. Về danh nghĩa, Kiểm ra mặt trông coi thay em vợ, nhưng thực chất đã có dã tâm từ trước; lo sợ phải phân chia quyền lực với hai em, Kiểm đã cho hạ sát Uông nhằm loại bớt lực cản và theo sát Hoàng. Lo sợ sẽ có kết cục như anh, Hoàng dò la kẻ sĩ mong tìm mưu hay ứng phó. Được mưu thần Nguyễn Bỉnh Khiêm mở lối, Hoàng xin vua Lê vào trấn giữ vùng Thuận Hóa, một vùng đất vừa hiểm vừa xa kinh thành. Được Kiểm ưng thuận, bước đầu đã bảo toàn được mạng sống họ tộc; về lâu dài, một khi đã thoát khỏi sự kềm kẹp, tất yếu Đoan quốc công sẽ nghĩ đến lãnh địa cho riêng mình; đó là bước tiếp theo mà Chúa phải tính để đi sao cho thận trọng. Nhằm kéo dãn quyền lực họ Trịnh, vua Lê đồng ý để Chúa trấn giữ luôn phần đất còn lại ở biên giới với Chăm Pa là Quảng Nam; năm 1593, Đoan quốc công chính thức có lãnh địa của riêng mình là vùng Thuận-Quảng, cũng là mốc biên giới phía Bắc, từ giới hạn này chúa dần mở rộng pham vi ảnh hưởng sang lãnh thổ của Cham-Chân (toàn cõi Nam kỳ sau này). Nước cờ lánh nạn này xem ra lại là nước đi hay của họ Nguyễn; khi vừa thoát khỏi Trịnh Kiểm nhưng vẫn là thần tử nhà Lê, đồng thời qua đó đã tạo dựng giang sơn cho riêng mình. Đây là lý do đầu tiên cho công cuộc Nam tiến.

Lịch sử luôn đi theo đúng chiều của nó, đó là qui luật tất yếu, vì muốn tồn tại phải cạnh tranh, muốn cạnh tranh phải tạo ra thế- lực, muốn có thế- lực bằng mọi cách phải phát triển, và tất nhiên phát triển phải thuận theo tự nhiên. Chúa Tiên- Nguyễn Hoàng khi đương đầu thế lực nhà Trịnh đã chọn Thuận-Quảng ắt hẳn đã biết cần phải phát triển như thế nào để tồn tại và cạnh tranh. Cuộc sống nơi đây ngày càng hạn hẹp, ngược lại hoàn toàn với Đàng Ngoài; muốn gia tăng về số lượng phải có nội lực về người, kinh tế và cả địa lợi; người đã có, kinh tế đang khởi sắc, vậy chỉ còn? Địa giới lúc bấy giờ bắc của Trịnh Kiểm, tây giáp Ai Lao, biển lại nằm phía đông; đó là những vùng không thể xâm phạm vì nhiều lý do khách quan khác nhau. Trong khi đó, triều đình Chiêm không ngừng gây hấn với những cuộc cướp bóc vô cớ của dân bản địa, buộc Chúa Nguyễn phải để ý; lại thêm một bộ phận dân Việt đã làm ăn và gây dựng cuộc sống ở nơi đó, khí hậu, đất đai lại có vẻ hợp thổ nhưỡng; và lực của người Chăm đã không còn là trở ngại sau những cuộc Nam tiến từ thời cha ông. Bắt đầu với Chiêm Thành là Phú Yên dài đến Bình Thuận nay; sau là Chân Lạp với mãnh đất dài từ Gia Định- Đồng Nai, Biên Hòa, Mỗi Xuy đến Mỹ Tho, Hà Tiên,…Bằng những bước đi chắc chắn, tộc Nguyễn dần thu về “chữ S” ngày nay. Đó là lý do vì sao các chúa không ngừng tiến hành mở mang cương vực cho triều đại của mình; và là nguyên nhân thứ hai.

Phân chia quyền lực, mở mang lãnh thổ đều xuất phát ở mục đích không ngoài sự bành trướng sức mạnh của mình. Chứng tỏ uy danh từ những cuộc chiến vào Nam ra Bắc. Gây chiến và chống chiến tranh là phương cách để đối phương nhận thấy uy lực nhà Nguyễn; “chống chiến” nhằm bảo vệ đất và thấy cần phải tạo thêm địa, “gây chiến” để mở rộng thổ, tăng thêm điền. Chính sự đối lập trong việc bành trướng là lý do tất yếu thứ ba cho ước muốn vào Đàng Trong.

Thứ tư, do nhu cầu cuộc sống tất nhiên phải Nam tiến. những cuộc nội- ngoại chiến đã làm suy kiệt cuộc sống của đông đảo tầng lớp nhân dân. Họ lo sợ phải đương đầu, phải chống trả, phải phục tùng,…chính vậy họ tìm đường vào Nam. Trước hết họ muốn tạo dựng cuộc sống mới không chiến tranh, thỏa sức tự do; kế đến họ không thể ngược ra Bắc khi đã biết rõ nơi từng là quê hương; và vì vùng đất mới hứa hẹn nhiều điều đảm bảo nhu cầu của họ.

Sau cùng, Nam tiến để làm tròn sứ mệnh thần tử đối với chính quyền phong kiến. Từ xưa lề thói Nho giáo đã ăn sâu trong tiềm thức của những kẻ sĩ: đó là sự phục tùng tuyệt đối. Lệnh chúa thần tử dám không tuân? Chính lề thói đó đã một phần giúp các Chúa thực hiện thành công mọi ước muốn của mình. Điều này minh chứng cho lập trường: lệnh vua là trên hết.

Công cuộc khẩn hoang Nam Bộ trải dài từ đất Trấn Biên đến cực Nam Tổ quốc qua các đời chúa sẽ không thành công nếu thiếu đi lực lượng tham gia; đó là lớp lưu dân đủ thành phần xuất thân, những vị tướng lừng lẫy trận mạc lẫn thi phú nho nhã, những người đứng đầu tập đoàn phong kiến, những lớp Hoa kiều tị nạn, hay gần hơn đó là lớp người bản xứ. Tất cả họ dù ít hay nhiều đều có những đóng góp đáng kể cho những đợt nam tiến của nhà Nguyễn, người góp công kẻ cung sức; trong họ dường như không còn sự phân chia địa giới, cấp bậc hay ngôn ngữ giao tiếp. Trải qua các đợt di dân khác nhau, đáng chú ý nhất có lẽ ở vào khoảng thế kỷ XVII- XVIII, đây là giai đoạn gây tiếng vang lớn nhất trong lịch sử khẩn hoang.

Thành phần có công lớn nhất lại thuộc những lưu dân, những người “bất hảo”. Những cuộc chiến tranh liên miên giữa hai thế lực Ngoài- Trong càng làm gia tăng hạng này. Họ là những dân nghèo bị mất mùa liên miên, không đất canh tác lại phải đóng sưu cao thuế nặng, là những trụ cột gia đình lại bị bắt sung quân chỉ để “nuôi” chiến tranh. Họ là những người bị tù tội lưu đày; theo lệ triều đình, phàm những tội chịu án đày đều bị đẩy đi xa kinh thành, vô sâu trong nam, vừa tránh hiểm nguy cho giai cấp thống trị vừa có nhân lực để khẩn đất lại góp phần tăng thêm vật lực cho Nhà nước. Họ là những dân binh; sau mỗi đợt vào kinh lý của các đoàn quân đặt hệ thống trạm phí, vỗ yên dân, dẹp loạn tặc; vì lý do sức khỏe họ không thể theo về, hay được đặt cử lại trông coi, hoặc tình nguyện trú quán, và một bộ phận trốn lính khi không hòa nhập được với những gian khó,…do vô tình hay hữu ý đã trở thành lực lượng tiên phong tham gia mở đất. Họ là một bộ phận quý tộc nhỏ; do điều kiện đất đai không đủ cung phụng cho giấc mơ làm giàu buộc phải tìm nơi mới để mở mang canh tác, theo họ tất nhiên có đội ngũ nô tì hay những đoàn người làm thuê “gián tiếp” phụng ý triều đình. Trong số họ, có người là thế lực của triều đình, có người lại là tội đồ của chúa; nhưng với hậu thế họ trở thành những anh hùng áo vải, sự có mặt của họ ở những vùng đất Trấn Biên đã khẳng định chủ quyền lãnh thổ tạo bước đà thuận lợi cho việc xác lập địa giới về sau. Họ xuất hiện tuy không tuổi, không tên, nhưng sự có mặt của họ thì mãi lưu truyền về sau.

Thành phần thứ hai đó là những danh tướng đầu triều; họ tuy tài mưu thao lược, thi phú bất tận, đối với lịch sử họ là những khai quốc công thần, với chúa là trung thần, và với nhân dân là những tấm bình phong có thể nương tựa được. Trải qua non hai thế kỷ XVII- XVIII, cùng với làn sóng di dân khẩn đất, các vị ấy cũng đã hoàn thành sứ mệnh trên giao: đi ổn định cuộc sống cho bá tánh, đặt tiền trạm bảo vệ dân, ngăn ngoại xâm giữ cương thổ; ở mỗi mốc thời gian họ làm những công việc khác nhau, để ngày nay khi chung quy lại họ được ca tụng là “danh thần”. Với công cuộc khai hóa có rất nhiều danh tướng, nhưng với những mốc thời gian lịch sử thì số ấy không nhiều. Năm 1611 đánh dấu bước tiến đầu tiên khi vượt qua ranh giới nước Chiêm Thành- đèo Cù Mông, lấy đất đặt phủ Phú Yên đến 1629 đổi làm dinh Trấn Biên; công lấy đất phải kể tướng Văn Phong (không rõ họ) nhưng trạng khai thác, chiêu tập lưu dân, chia lập thôn ấp lại thuộc Lương Văn Chính- thuộc tướng nhà Lê sau theo chúa Tiên vào Thuận Hóa. Năm 1653, nhân vua Chiêm lấn đất, hai tướng Cai cơ Hùng Lộc và Xá sai Minh Võ đem quân trấn áp thu đất đến sông Phan Rang, đặt làm dinh Thái Khương (Khánh Hòa nay). Năm 1692 cuộc chiến Nguyễn- Chiêm lại xảy ra, ta lấy được vùng đất từ phía tây sông Phan Rang trở vào được đặt làm trấn Thuận Thành, sau đặt làm phủ Bình Thuận. Như vậy đến năm Quý Dậu 1693, các tướng triều Nguyễn đã lấy được hết đất, Chiêm Thành bị xóa hẳn tên trên bản đồ. Giai đoạn này công trạng các tướng không được sử gia nhắc đến rõ ràng. Song hành với Chiêm Thành, ta cũng đặt quan hệ với Chân Lạp thông qua những cuộc hôn nhân triều đình, và cũng từ đây chính thức xác nhận sự có mặt của người Việt trên lãnh thổ Cao Miên, đặt nền móng cho chính quyền đến sau. Năm 1658, nội tình Chân Lạp có biến đã cấu cứu chúa Nguyễn, các tướng Nguyễn Phước Yến, Cai đội Xuân Thắng, Tham mưu Minh Lộc đem quân đến thành Hưng Phước (bấy giờ gọi là Mỗi Xuy, tức Bà Rịa nay) trấn áp. Từ đây dân Việt đến Gia Định, Mỗi Xuy (Bà Rịa), Đồng Nai (Biên Hòa) càng đông. Năm 1698, lại có nội loạn, vua Cao Mên cầu cứu Chúa nhờ giúp và hứa dâng các tỉnh Prey Kôr (Sài Gòn), Kâmpeâp Srêkatrey (Biên Hòa), Bà Rịa đáp lễ. Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh được lệnh kinh lý đất, diệt giặc Êm, đã cho lập đất mở rộng xứ này. Ông chia đất Đông Phố, lấy xứ Đồng Nai đặt huyện Phước Long lập dinh Trấn Biên (Biên Hòa); lấy Sài Côn đặt huyện Tân Bình, lập dinh Phiên Trấn (Gia Định); mỗi dinh đều cắt cử người trông coi, có hậu thuẫn lưu dân yên ổn làm ăn, cuộc sống ngày càng trù phú, và sau trở thành trung tâm sầm uất nhất Nam kỳ, công này được nhân dân ghi nhớ nên đã lập đền thờ tướng quân khắp nơi ở Nam Bộ. Năm 1732, Điều khiển Trương Phước Vĩnh cùng Thống binh Trần Đại Định, Nguyễn Cửu Triêm dụng binh đánh Sá Tốt gây loạn ở Gia Định, đồng thời buộc Nặc Tha công nhận chủ quyền hai vùng đất Me Sa và Long Hôr (tức Mỹ Tho, Vĩnh Long) thuộc triều đình, cho đặt châu Định Viễn và lập dinh Long Hồ. Năm 1754, Cai đội Thiện Chính cùng Ký lục Nguyễn Cư Trinh điều khiển quân các dinh tiến đánh Chân Lạp; với hai kế sách “tàm thực” và “dĩ Man côn Man”, Nghi Biểu Hầu Nguyễn Cư Trinh đã góp phần gia tăng thêm đất cho nhà Nguyễn; năm 1755, khuyên chúa nhận đất hai phủ Tầm Bôn và Lôi Lạp (Gò Công, Tân An nay) do Nặc Nguyên hiến, “cho đặt lũy đóng binh, cấp điền sản cho quân- dân để vạch rõ địa giới, cho lệ thuộc châu Định Viễn để thu lấy toàn thể vùng ấy”. Năm 1757, triều đình nhận thêm hai phủ Trà Vinh, Ba Thắc, Tầm Phong Long (An Giang), hai quận Tầm Độn, Xuy Lạp (Vĩnh Long), Phsar Đek (Sa Đéc), hai quận tỉnh Long Hôr, tỉnh Meât Chrouk (Châu Đốc); rồi cho Cư Trinh đặt các đạo Đông Khẩu ở Sa Đéc, Tân Châu ở Tiền Giang, Châu Đốc ở Hậu Giang, cùng Kiên Giang ở Rạch Giá, Long Xuyên ở Cà Mau của Mạc Thiên Tứ làm tiền trạm trấn giữ vùng biên cương đồng thời tổ chức dân chúng đến làm ăn sinh sống lập thêm xóm làng quần cư. Như vậy, cuộc Nam tiến đã hoàn tất với điểm cuối ở Cà Mau.

Thứ ba, công lao thuộc các đời chúa Nguyễn. Từ chúa Tiên Nguyễn Hoàng vào trấn giữ Thuận- Quảng, lấy đất Chiêm lập phủ Phú Yên; đến Quốc Chúa Nguyễn Phúc Chu ba lần mở rộng lãnh thổ, lấy hết đất người Côn Man, nhận đất Cao Mên sáp nhập vào bản đồ Việt Nam; và Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát được toàn cõi Nam kỳ. Ba chúa nắm giữ ba cột mốc lớn của Nam tiến, ba người ở những khoảng thời gian khác nhau đã từng bước đặt nền móng khiến con đường xuôi nam được thuận lợi; sáu chúa tiếp tục ổn định, củng cố vững chắc và ra sức bảo vệ thành quả của tổ tiên để lại. Tất cả là một tập thể thống nhất, đồng lòng cho mục tiêu chung, và kết quả đưa lại là việc góp phần hoàn thiện chữ S trên bản đồ ngày nay.

Thành phần thứ tư thuộc về lớp người Hoa tị nạn. Họ đến với vùng đất phía nam trước hết chỉ để trú ẩn, lâu dài họ muốn ổn định và phát triển cuộc sống, họ gia nhập đội quân thần tử nhà Nguyễn; và đương nhiên những thành quả đã đạt được đều quy về Nhà nước, họ cũng được phong tước, cấp lãnh địa là vùng đất nơi họ ở, và quay ra tiếp tục hoàn thành sứ mệnh khai đất lập làng cho nhà chúa.

Thành phần sau cùng phải kể đến những người bản xứ. Họ là lực lượng gián tiếp dâng đất cho triều đình. Những lưu dân Việt rời quê hương đến sống cộng cư cùng người Man, người Cao Mên, bản tính cần cù siêng năng đã giúp họ phát triển lên rất nhiều; trong khi cư dân bản xứ do khác văn hóa, tập tục, ngôn ngữ nên không thể hòa đồng; nên thường người Việt đi đến đâu, dân bản xứ bỏ đi đến đấy, họ đi sâu về phía nam tiếp tục vỡ đất khai hoang chờ dân Việt đến, cứ thế mà tiến dần hết đất Chiêm Thành rồi đến Chân Lạp; đến cuối cùng họ buộc sống chung và trở thành cư dân của chúa, ra sức phụng sự chúa, làm giàu cho chúa.

Trải qua nhiều thế kỷ, vết tích Nam tiến dần phai mờ (điều này thể hiện rõ khi một số địa danh đã ít nhiều thay đổi hoặc không dùng nữa), nhưng những thành quả mà lớp người đi trước tạo dựng nên vẫn trường tồn cùng thời gian. Tất cả, dù được nhắc đến hoặc không đều chung tay viết nên trang sử hào hùng của một thời mở đất, họ xứng đáng được gọi là công thần, công thần của đất nước, của hậu thế và trên hết là công thần của lịch sử Việt Nam./.

PHẠM HOÀNG YẾN
Bảo Tàng tỉnh An Giang

________________

Tài liệu tham khảo:

– Thế thứ các triều vua Việt Nam, Nguyễn Khắc Thuần, NXBGD.

– Việt sử xứ Đàng Trong, Phạm Khoang, NXB Văn Học.

– Góp phần tìm hiểu vùng đất Nam bộ các thế kỷ XVII,XVIII,XIX, Huỳnh Lứa, NXBKHXH, 2000.

– Tổng kết nghiên cứu địa bạ Nam kỳ lục tỉnh, Nguyễn Đình Đầu, NXB TP.HCM, 1994.

– Gia Định thành thông chí, Trịnh Hoài Đức, NXBGD.


Translate »
san xuat moc khoa may ao thun Kem sữa chua Kem sữa chua trân châu