Những vấn đề cần làm rõ xung quanh các cuộc nổi dậy đầu tiên ở nhà tù Côn Đảo từ năm 1862 đến năm 1868
Chỉ hơn bốn tháng sau khi Đô đốc Bonard – Tổng chỉ huy lực lượng quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương ký quyết định thành lập nhà tù Côn Đảo và cử Félix Roussell làm quản đốc đầu tiên của nhà tù (ngày 1/2/1862)(1), cuộc nổi dậy đầu tiên của tù nhân Côn Đảo đã nổ ra vào tháng 6/1862.
Tiếp đó, trong hai năm 1864 và 1868, thêm hai cuộc bạo động nữa lại được xúc tiến. Có rất ít tài liệu đề cập đến 3 sự kiện này, và trong những tài liệu hiện có, vẫn còn một số chi tiết hoặc nhận định chưa đầy đủ và thoả đáng, cần được làm rõ hơn để tiếp cận đến sự thực lịch sử. Đặc biệt, nếu tìm được tài liệu lưu trữ đáng tin cậy liên quan đến nhân thân, lai lịch của những người tham gia các cuộc nổi dậy trong buổi đầu hình thành nhà tù Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ hoàn thiện hơn nữa danh sách những người “vì Tổ quốc quên mình” để ghi danh lên bia đá tại Đền thờ Côn Đảo.
1. Cuộc nổi dậy tháng 6 năm 1862.
Đây là cuộc bạo động sớm nhất và có quy mô tương đối lớn chống lại ách cai trị của thực dân Pháp ở Côn Đảo.
Theo tác giả Jean Claude Demariaux trong tác phẩm Những bí mật của quần đảo Côn Lôn (nhà tù lớn Đông Dương), lực lượng tham gia nổi dậy là toàn bộ binh lính người Việt có mặt trên đảo liên kết với số tù nhân đang bị giam cầm. Khởi xướng và lãnh đạo cuộc nổi dậy là người tù khổ sai tên Nguyệt, quê Chợ Quán (Sài Gòn). Kế hoạch của lực lượng nổi dậy là bí mật đóng một chiếc bè lớn; chờ thời cơ thuận lợi tấn công tiêu diệt binh lính và thuỷ thủ Pháp, sau đó dùng bè làm phương tiện vượt ngục trở về đất liền. Tuy nhiên, do “một người tù nhát gan” phát giác âm mưu đó và mật báo với bộ máy cai trị nhà tù, nên cuộc bạo động nhanh chóng bị dập tắt bằng lực lượng tại chỗ của Pháp. Thủ lĩnh Nguyệt bị treo cổ, hàng trăm tù nhân và binh lính tham gia nổi dậy bị giết[1].
Một tài liệu thuyết minh của Bảo tàng Côn Đảo nêu giả thuyết: “Có 107 chiếc sọ người, một đống xương trên đường ra Bưng Sắn. Phải chăng đó là xương cốt của hơn 100 nghĩa quân Côn Đảo nổi dập phá xiềng trong cuộc khởi nghĩa đầu tiên tháng 6/1862 tấn công dinh chúa đảo, đốt phá công sở, đốt cháy nhà tù khi nó vừa thành lập chưa đầy 5 tháng?”[2].
Trong khi đó, theo sách Nhà tù Côn Đảo 1862-1945, những người nổi dậy “đã quét sạch bọn Pháp ra khỏi Côn Đảo, đã phá tan nhà tù Côn Đảo ngay từ khi nó mới được thành lập. Cuộc khởi nghĩa đã thắng lợi vẻ vang”. Tuy nhiên, “sau khi đuổi được bọn Pháp, nghĩa quân không biết xây dựng tổ chức chính trị và phát triển lực lượng, cho nên bọn Pháp đã quay lại đàn áp dã man cuộc khởi nghĩa”[3].
Nhận định về tính chất và ý nghĩa của cuộc nổi dậy, tác phẩm này cho rằng đây là “một cuộc khởi nghĩa của toàn thể nhân dân trên đảo (…), đặt nền móng cho truyền thống chống ngoại xâm của nhân dân Côn Đảo anh hùng”[4].
Để trình bày diễn biến, kết quả và đánh giá ý nghĩa của cuộc đấu tranh, nhất thiết phải dựa trên cơ sở tài liệu cụ thể. Rất tiếc, các tác giả của tác phẩm Nhà tù Côn Đảo 1862-1945 không cho biết xuất xứ tài liệu tham khảo để thẩm định độ tin cậy của diễn biến sự kiện và nhận định vừa trình bày trên. Căn cứ vào những tài liệu có được, có thể thấy rằng :
– Vào thời điểm thực dân Pháp chiếm đóng quần đảo Côn Lôn (28/11/1861), dân số của làng đảo An Hải (Côn Đảo) có khoảng 1.000 người, gồm 3 thành phần: dân thường, binh lính đồn trú và tù nhân bị phát vãng[5]. Sau khi thành lập nhà tù (1/2/1862), đợt tù nhân đầu tiên mà thực dân Pháp đưa ra Côn Đảo có khoảng 50 người, cùng với 129 phạm nhân bị lưu đày dưới thời nhà Nguyễn[6]. Cũng theo quyết định thành lập nhà tù ngày 1/2/1862, lực lượng đầu tiên làm nhiệm vụ giữ gìn an ninh và giám thị trại giam chính là quan lại và binh lính người Việt đang có mặt trên đảo được lưu dụng lại có khoảng 1 đại đội.
Đối chiếu với số lượng tham gia cuộc nổi dậy và bị thực dân Pháp giết hại sau đó (hơn 100 người), có thể thấy lực lượng nổi dậy chỉ bao gồm phần lớn tù nhân và binh lính người Việt có mặt tại Côn Đảo lúc bấy giờ. Như vậy, đây không phải là “một cuộc khởi nghĩa của toàn thể nhân dân trên đảo”.
– Diễn biến cuộc nổi dậy – theo ghi chép của J.C. Demariaux – cho thấy binh lính và tù nhân đã phá được các trại tù (vừa mới được xây dựng một cách đơn sơ, tạm bợ [7]).Nhưng không thấy có tài liệu nào phản ánh chi tiết lực lượng nổi dậy “đã quét sạch bọn Pháp ra khỏi Côn Đảo” và “đã thắng lợi vẻ vang” như sách Nhà tù Côn Đảo 1862-1945 viết. Ngược lại, vẫn theo J.C. Demariaux, do thực dân Pháp nắm được kế hoạch nổi dậy (bởi “người tù nhát gan” mật báo), nên cuộc nổi dậy đã bị lực lượng tại chỗ của Pháp dập tắt ngay. Chi tiết này cần được làm rõ thêm để bảo đảm tính xác thực của sự kiện lịch sử.
– Về ý nghĩa của cuộc nổi dậy, tuy không phủ nhận lòng yêu nước vốn có của mỗi người dân Việt Nam, nhưng sẽ vội vã và chưa đủ cơ sở khi nhận định đây là sự kiện “đặt nền móng cho truyền thống chống ngoại xâm của nhân dân Côn Đảo anh hùng”- bởi đây không phải là “cuộc khởi nghĩa của toàn thể nhân dân trên đảo”, mà là của thường phạm dưới thời Nguyễn và quản tù (cũng là thường phạm mãn hạn được giữ lại) – nên cần phải làm rõ thêm : (1) động cơ của cuộc nổi dậy: ngoài mục tiêu giết hại lính Pháp và phá huỷ nhà tù để vượt ngục, còn có động cơ nào khác thể hiện lòng yêu nước của lực lượng nổi dậy? (2) thân thế của thủ lĩnh Nguyệt. Có như vậy, việc khẳng định tính chất và ý nghĩa của sự kiện này mới tiếp cận được hiện thực lịch sử.
Trong điều kiện tài liệu còn ít ỏi như đã trình bày, nên tạm kết luận : Cuộc nổi dậy tháng 8/1862 là một cuộc bạo động của tù nhân phối hợp cùng binh lính người Việt, nhằm mục tiêu tấn công bộ máy cai quản nhà tù của thực dân Pháp để vượt ngục trở về đất liền. Mặc dù tương quan lực lượng chênh lệch, vũ khí hầu như không có, nhưng lực lượng nổi dậy đã dũng cảm chiến đấu và ngã xuống vì khát vọng giành lại quyền tự do, thoát khỏi cảnh cá chậu chim lồng. Với ý nghĩa đó, cuộc nổi dậy này rất đáng được quan tâm nghiên cứu một cách thấu đáo.
2. Vụ đầu độc binh lính và thủy thủ Pháp năm 1864.
Những ghi chép về sự kiện này còn ít hơn so với cuộc nổi dậy năm 1862, nhưng cũng hé lộ một số điểm mấu chốt. Theo J.C. Demariaux, khi biết được tàu Donai (Đồng Nai) của hãng tàu L’Empire – một chiếc tàu chạy bằng hơi nước – trên hành trình đi Bangkok sẽ tạm dừng tại Côn Đảo, tù nhân đã chuẩn bị chất độc arsenic để hoà vào các tủ đựng thức ăn, các thùng gỗ lớn và các bể chứa nước nhằm đầu độc binh lính và thuỷ thủ Pháp trên tàu, sau đó chiếm tàu vượt ngục. Tuy nhiên, kế hoạch này bị Pháp phát hiện, do quản đốc nhà tù Bizot “nhận được một lá thư của lãnh sự Pháp, báo tin lính Pháp sẽ bị đầu độc và tàu Donai sẽ bị tù nhân tấn công chiếm lĩnh”. Lập tức, bộ máy điều hành nhà tù cho lục soát và phát hiện được chất độc. Bizot ra lệnh bắt viên y sĩ phụ tá người Việt và bốn tù nhân khổ sai giam giữ để điều tra. Ngay trong đêm đầu tiên bị giam cầm, cả năm người đều tự sát bằng cách cắt cổ hoặc nuốt mảnh chai vào bụng[8].
Những thông tin ngắn ngủi trên đây gợi lên một số vấn đề phải đi sâu tìm hiểu. Vì sao lại có lá thư của lãnh sự Pháp gửi cho Bizot – phải chăng kế hoạch đầu độc này đã có từ lâu, và ai đó đã biết được để báo cáo với lãnh sự Pháp? Thời điểm xảy ra sự việc, tên tuổi của những người bị bắt và anh dũng tự sát cũng rất cần được xác định cụ thể, rõ ràng.
Dù vậy, lôgic của diễn tiến sự kiện cho phép chúng ta có thể đưa ra một số nhận định bước đầu. Rõ ràng, vụ đầu độc thủy thủ Pháp năm 1864 không phải là một cuộc bạo động bột phát của tù nhân, mà là một kế hoạch được chuẩn bị lâu dài, nhằm mục tiêu cướp tù vượt ngục. 5 nhân vật tham gia kế hoạch này (gồm “viên y sĩ phụ tá người Việt và 4 tù nhân khổ sai”), tuy chưa xác định được danh tính và lai lịch, nhưng xứng đáng được tôn vinh bởi lòng quả cảm của họ trong quá trình xúc tiến vụ đầu độc và đã hy sinh một cách hào hùng, lẫm liệt.
3. Kế hoạch bạo động đầu năm 1868.
Đây là một cuộc chuẩn bị nổi dậy của tù nhân Côn Đảo cũng nhằm mục tiêu vượt ngục. Theo dự tính, vào lúc 4 giờ rưỡi sáng – thời điểm công việc canh gác sơ hở nhất – của ngày 2/1/1868, lực lượng nổi dậy sẽ tiêu diệt bộ máy cai trị nhà tù, rồi sử dụng 2 chiếc thuyền của cư dân trên đảo vượt biển về đất liền. Điểm đặc biệt của kế hoạch này là người khởi xướng, tổ chức nổi dậy không phải là tù nhân đang bị giam cầm đày đoạ, mà là một giám thị người tagal (tức người Philippines) tên Anatolio, cùng với sự hỗ trợ của hai “thường phạm” người Việt là Đoàn Văn Đang và Lê Văn Phương. Theo J.C. Demariaux, Đoàn Văn Đang tuyên bố “muốn xây một biệt thự bằng da người Âu và sơn bằng máu của họ”, còn Lê Văn Phương khẳng định “tự tay mình sẽ giết 50 tên Pháp”[9]. Riêng sách Nhà tù Côn Đảo 1862-1945 cho rằng Đoàn Văn Đang “từng tuyên bố sẽ lột da bọn xâm lược Pháp làm cờ, lấy máu chúng nhuộm đỏ lá cờ”[10].
Tuy nhiên, kế hoạch của những người nổi dậy đã bị hai tù nhân khác biết được và đem báo cáo với y sĩ Jean Maria Antoine de Lanessan – một phụ tá đắc lực của quản đốc nhà tù Boubé – trong giờ nghỉ trưa ngày 1/1/1868. Ngay lập tức, Boubé hạ lệnh bắt giam và xiềng ba người cầm đầu cuộc bạo động (Anatolio, Đoàn Văn Đang và Lê Văn Phương), đồng thời cho lùng bắt thêm 17 tù nhân khác có liên quan. Rạng sáng ngày 3/1/1868, 19 người tù – trong đó có Đoàn Văn Đang và Lê Văn Phương – bị xử treo cổ, giám thị tagal Anatolio bị lưu đày chung thân sang đảo Bourbon (Réunion).
Ý đồ nổi dậy bị dập tắt ngay từ lúc chưa kịp khởi sự, nhưng đã cho thấy đây không phải là một kế hoạch bạo động chỉ đơn thuần nhằm mục tiêu vượt ngục, mà thực sự là cuộc đấu tranh một mất một còn, xuất phát từ lòng căm thù sâu sắc của tù nhân đối với chế độ lao tù và bộ máy cai trị thực dân tàn bạo. Cuộc bạo động cũng đồng thời phản ánh rõ một thực tế không thể chối cãi ở nhà tù Côn Đảo, đó là sự căm phẫn, bất bình của một số viên chức nhà tù người châu Á, châu Phi, luôn bị thực dân Pháp coi thường, phân biệt đối xử. Quy mô của kế hoạch nổi dậy – với ít nhất 20 người tham dự – còn cho thấy tù nhân đã thiết lập được mối liên kết, phối hợp cùng nhau, hơn thế nữa còn liên kết được với giám thị nhà tù hướng tới mục tiêu chung là thoát khỏi ách thống trị bạo tàn và cảnh ngục tù đày đoạ.
***
Cả ba cuộc nổi dậy đầu tiên ở nhà tù Côn Đảo đều không tranh khỏi một kết cục đau lòng : đều bị đàn áp, dập tắt một cách dã man bằng những hình phạt vô cùng khắc nghiệt và man rợ (treo cổ, xử bắn, lưu đày…). Nhưng những người ngã xuống trong những năm đầu của lịch sử nhà tù Côn Đảo đã nêu cao tấm gương hiên ngang, bất khuất. Không một ai trong số tù nhân bị địch hành hình tỏ ra hoang mang, khiếp sợ; hơn thế nữa nhiều người còn chọn cho mình cái chết lẫm liệt bằng cách tự cắt cổ hoặc nuốt mảnh chai vào bụng. Họ xứng đáng được hậu thế quan tâm tìm hiểu để tôn vinh, ghi nhận đầy đủ và thoả đáng hơn.
TS. LÊ HỮU PHƯỚC
ĐHKHXH-NV ĐHQG TP.HCM
[1] Xem Jean Claude Demariaux – Les secrets de Iles de Poulo Condore (le grand bagne indochinois), J. Pyonnet et Cie, Paris, 1956, tr. 123-125.
[2] Tài liệu thuyết minh này được tác giả bài viết thu thập trong đợt khảo sát thực địa tại Côn Đảo vào cuối năm 1991 (L.H.P.).
[3] Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng đặc khu Vũng Tàu – Côn Đảo – Nhà tù Côn Đảo 1862-1945, NXB Sự Thật, Hà Nội, 1987, tr. 59.
[4] Nhà tù Côn Đảo 1862-1945, sách đã dẫn, tr. 59.
[5] Theo Phạm Xanh – Tìm hiểu quá trình hình thành một làng đảo: làng An Hải (Côn Đảo), Nghiên cứu lịch sử, số 1-2(1987), tr. 106-107.
[6] Nhà tù Côn Đảo 1862-1945, sách đã dẫn, tr. 23.
[7] Theo Nhà tù Côn Đảo 1862-1945 (sách đã dẫn, tr. 27), trong khoảng hai tháng sau khi chiếm đóng Côn Đảo, Félix Roussell – quản đốc đầu tiên của nhà tù – cho xây dựng một vài dãy nhà bằng tre nứa tô đất, mái lợp lá hoặc tranh để chuẩn bị tiếp nhận tù nhân từ đất liền đưa ra, dự kiến khoảng 200 người.
[8] Jean Claude Demariaux – sách đã dẫn, tr. 198 -199.
[9] Jean Claude Demariaux – sách đã dẫn, tr. 199-200. Trong tác phẩm của mình, Jean Claude Demariaux (sách đã dẫn, tr. 199-200) gọi Đoàn Văn Đang và Lê Văn Phương là “hai tên cướp”. Tuy nhiên, cần lưu ý là nhiều nghĩa quân và thủ lĩnh các phong trào yêu nước khi lọt vào tay Pháp trong những năm cuối thế kỷ XIX cũng bị xếp vào loại “thường phạm” với các tội danh như ăn cướp, làm loạn, phù thuỷ…
[10] Nhà tù Côn Đảo 1862-1945, sách đã dẫn, tr. 40.