Núi Dinh xứ Mô Xoài – tiềm năng du lịch tâm linh phật giáo của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu

(06/08/2014)
  1. Sơ lược về lịch sử Mô Xoài nơi người Việt định cư đầu tiên ở Nam Bộ

Từ thế kỷ I đến thế kỷ VI, vùng đất Mỗi Xuy hay xứ Mô Xoài xưa, là tiểu quốc nằm ở phía đông bắc, gần biển là nơi biên giới địa đầu trực thuộc Vương quốc cổ Phù Nam, chịu ảnh hưởng bởi nền văn minh cổ đại Ấn Độ. Sau thế kỷ thứ VI, người Khmer từ phía Bắc Campuchia xuống dần phía nam thôn tính đất đai các tiểu quốc lập thành nước Chân Lạp. Đến đầu thế kỷ VII sang thế kỷ VIII, Chân Lạp chiếm phần đất của vương quốc Phù Nam, đồng thời mở rộng lãnh thổ ra Biển Hồ và những điểm miền cao thuộc hạ lưu sông Mê kông. Sau đó do nội chiến Chân Lạp chia ra thành Lục Chân Lạp và Thủy Chân Lạp. Thủy Chân Lạp là vùng đất của Phù Nam, tương ứng với miền Nam Campuchia và khu vực đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam (trong đó có vùng đất Mỗi Xuy hay xứ Mô Xoài thuộc tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu ngày nay).

Đầu thế kỷ thứ IX, Thủy Chân Lạp và Lục Chân Lạp sáp nhập lại thành Vương Quốc Angkor hùng mạnh với nền văn hóa rực rỡ tại Campuchia tồn tại từ thế kỷ IX đến thế kỷ thứ XIII. Đây cũng là thời gian (năm Ất Mùi) sứ thần người Trung Hoa thời Nguyên Thành Tông là Châu Đạt Quan đến Chân Lạp bằng đường biển vào năm 1295, Trong “Chân Lạp phong thổ ký” ông có viết đã đến thị trấn Chân Bồ (Bà Rịa), là biên giới địa đầu của xứ Chân Lap. Rồi từ đó đến thăm kinh đô Angkor (1295 – 1297).

Từ cuối thế kỷ XIV, Chân Lạp suy yếu dần do phải đối phó với sự bành trướng của các vương triều Xiêm từ phía tây, đặc biệt là vương triều Ayuthaya của người Thái, có lúc kinh đô Angkor bị bao vây chiếm đóng.

Sang thế kỷ XVI và nhất là từ thế kỷ XVII, do sự can thiệp của Xiêm, triều đình Chân Lạp bị chia rẽ sâu sắc. Vương quốc này bước vào giai đoạn suy vong. Trong bối cảnh này, Chân Lạp hầu như không có khả năng kiểm soát và quản lý nổi vùng đất ngập nước, hoang hóa ở phía nam và là đất của vương quốc Phù Nam xưa kia do Chân Lạp xâm chiếm.

Cùng thời điểm đó: vào thế kỷ XVII, tại Việt nam tập đoàn phong kiến Trịnh (phía Bắc) – Nguyễn (phía Nam) gây nội chiến tương tàn, kéo dài chiến tranh (1627 – 1672) gây ra bảy (7) lần đại chiến, kéo dài gần nữa thế kỷ, sau đó là nhà Tây Sơn và họ Nguyễn nối tiếp chiến tranh đến năm 1802 mới chấm dứt, khiến lưu dân miền Bắc,miền Trung vô cùng cực khổ. Họ tự động bỏ xứ ra đi, chủ yếu vượt biển bằng tàu, thuyền vào phương Nam để tránh chiến tranh trong nước do phải bắt đi phu dịch, bị bắt lính, nộp tô thuế,…cho cả hai thế lực chính trị này.

Vùng đất Mô Xoài (Bà Rịa-Vũng Tàu) là địa bàn người Việt đến cư ngụ sớm hơn so với những nơi khác ở Nam Bộ. Tuy nhiên, thời điểm cụ thể cho đến nay chưa có tài liệu nào xác định được rõ, có lẽ là từ sau cuộc hôn nhân giữa công nữ Ngọc Vạn (con của Chúa Sãi-Nguyễn Phúc Nguyên (1563-1635) với quốc vương Chân Lạp Cheychettha II vào năm 1620 thì dân Việt xứ Đàng Trong và dân Chân Lạp được tự do đi lại và sinh sống dễ dàng.

Vùng đất mà cư dân người Việt định cư đầu thế kỷ XVII là vùng Mỗi Xuy hay xứ Mô Xoài, ở các lưu vực cửa sông, ven biển,…Tức là vùng đất thuộc Bà Rịa, Long Điền, Đất Đỏ, Vũng Tàu ngày nay. Vùng đất này được coi là trạm dừng chân đầu tiên trong quá trình mở mang bờ cõi về phương Nam của cộng đồng cư dân người Việt. Sau đó, các chúa Nguyễn còn tiếp tục tiến hành những đợt di dân mới vào khai khẩn đất hoang mở mang bờ cõi thêm nữa. Nhờ vậy, mật độ người Việt ngày càng chiếm số đông trên miền đất mới. Với sự cần cù, siêng năng lao động, lưu dân Việt đã thích ứng và chinh phục thiên nhiên vùng đất mới,vốn là nơi hoang vu, rừng rậm thành một môi trường kinh tế trù phú đầy tiềm năng và là vùng văn hóa riêng của mình .

Tóm lại: lịch sử khẩn hoang vùng đất Mô Xoài nói riêng và vùng Nam Bộ nói chung của người Việt mới được hình thành bốn trăm năm (từ thế kỷ thứ XVII đến thế kỷ thứ XX) nhưng lịch sử vùng đất này đã có từ lâu đời, trải qua nhiều bước thăng trầm theo sự biến đổi của tự nhiên, xã hội và con người qua các triều đại cổ xưa. Đây là miền đất hoang vu,nhiều thú dữ, khí hậu miền nhiệt đới gió mùa, nóng ẩm (nhiều dịch bệnh, thiên tai); nhưng cũng là miền đất giàu tiềm năng nông nghiệp, kinh tế trù phú, đất đai màu mỡ, cảnh vật hữu tình, thơ mộng…Vì lẽ đó mà nó là vùng đất đầy hứa hẹn, đón tiếp nhiều thành phần dân cư khác nhau, từ nhiều hướng, trong nhiều thời kỳ để cùng nhau hợp cư sinh sống.

  1. Núi Dinh xứ Mô Xoài (Bà Rịa – Vũng Tàu)

– Sơ lược vùng đất đàng trong xứ Mô Xoài : Phong trào Tây Sơn bùng nổ (1771) đã nhanh chóng chiếm thế chủ động đàng trong . Năm 1775, dưới sức ép của quân Chúa Trịnh, Chúa Nguyễn Phúc Tần (1767-1777) phải rời Phú Xuân vào Gia Định. Sau khi điều đình với quân họ Trịnh để tạm yên mặt Bắc, quân Tây Sơn bắt đầu mở những cuộc tấn công đánh vào lực lượng quân chúa Nguyễn ở phía Nam. Từ năm1776-1783 , quân Tây Sơn năm (5) lần tấn công vào Gia Định, quân họ Nguyễn đều bị đánh bật ra khỏi đất liền, số quân sống sót phải trốn tránh trên các hải đảo xa bờ hẻo lánh, để khôi phục gầy dựng lại quân đội, trong đó có lúc Nguyễn Phúc Ánh (vua Gia Long) phải chạy ra Côn Đảo (thuộc Bà Rịa – Vũng Tàu ngày nay).

– Núi Mô Xoài xưa: trước kia, Núi Dinh là núi Mô Xoài, đến cuối thế kỷ XVIII, vùng đất Bà Rịa – Vũng Tàu đã trở thành vùng đất trù phú. Dưới thời chúa – Nguyễn Phúc Chu (1675-1725), sau khi chúa lên ngôi 1691, đã hai lần cử Cai cơ Nguyễn Hữu Cảnh vào vùng đất phía Nam để bình yên Chân Lạp và kinh lý vùng đất hoang hóa phương Nam. Ông đặt miền đất mới này là Đồng Nai – Gia Định (trong đó có xứ Mô Xoài, Bà Rịa – Vũng Tàu), đặt thành phủ Gia Định từ năm 1698 – 1774, lập thành ba Dinh (Trấn Biên, Phiên Trấn, Long Hồ). Từ năm 1802-1807, được đổi thành Gia Định Trấn, rồi Gia Định Thành (1807-1837) gồm 4 huyện (Phước Chánh, Bình An, Long Thành và Phước An). Từ năm 1834, đất Gia Định được gọi là Nam Kỳ, gồm sáu tỉnh, vì vậy người ta thường gọi ”Nam kỳ lục tỉnh”. Năm 1808, dưới thời Gia Long để quản lý chặt chẽ lãnh thổ, thiết lập, củng cố và tổ chức lại bộ máy chính quyền thì huyện Phước Long được thăng làm phủ,Phước An được thăng làm huyện.

Năm 1837, nhà Nguyễn lập phủ Phước Tuy, địa bàn gần như tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu ngày nay. Huyện Phước An là xứ Mô Xoài,có hai tổng là An Phú và Phước Hưng. Hai làng Long Hương và Phước Lễ thuộc tổng An Phú. Năm 1838, hai tổng An Phú và Phước Hưng phân chia thành bốn tổng là An Phú Thượng, An Phú Hạ, Phước Hưng Thượng và Phước Hưng Hạ. Hai làng Long Hương và Phước Lễ trực thuộc tổng An Phú Hạ. Đây là những ngôi làng đầu tiên mà người Việt đến lập nghiệp ở vùng đất này. Hai ngôi làng Long Hương và Phước Lễ nằm ở dưới chân núi mang tên núi Mô Xoài, chính là núi Dinh ngày nay. Trên cụm Núi Dinh – xứ Mô Xoài, có núi Thị Vải. Trong Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức và Đại Nam nhất thống chí đều ghi tên núi Thị Vải hay còn gọi núi Nữ Tăng. Nhiều tài liệu còn lưu giữ tại chùa núi Thị Vải có ghi chúa Nguyễn Phúc Ánh từng thoát nạn truy lùng của quân Tây Sơn và về sau khi lên ngôi(1802-1819) Nguyễn Phúc Ánh (vua Gia Long) đã sắc phong chùa núi Thị Vải là ”Sắc Tứ Linh Sơn Bửu Thiền Tự“. Quá trình khẩn hoang lập ấp, phần đông cư dân Việt mang theo các phong tục tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo từ quê nhà, đã dung nạp thích nghi với tín ngưỡng dân gian của cư dân bản địa. Họ tiếp tục thờ cúng ông bà, tổ tiên, các đạo Phật, Nho, Lão nơi quê hương mới. Khi thôn làng được thành lập, thì chùa làng cũng được tạo dựng như một trong những thành tố của thiết chế văn hóa tín ngưỡng tôn giáo của thôn làng: đền – chùa – miếu – võ – đình làng – nhà hội đồng,…Nhờ vậy mà chúng cũng được xây cất trên các khoảng đất được lựa chọn là “Địa linh” thuận lợi. Đặc biệt Phật giáo được truyền vào xứ Đồng Nai, Bà Rịa -Vũng Tàu từ rất sớm. Nói chung đạo Phật suốt từ đầu đến thế kỷ XIX chiếm một vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa cộng đồng Việt; nên không ít chùa cũng được triều đình nhà Nguyễn phong “Sắc Tứ”. Nơi đây từng là cái nôi của Phật Giáo xứ Đàng Trong, là cơ sở để phát triển Phật giáo Việt Nam trong vùng và khu vực miền Đông- Tây Nam Bộ sau này.

– Địa hình Bà Rịa-Vũng Tàu: bao gồm núi đồi, đồng bằng nhỏ và các đồi cát, dải cát chạy vòng theo bờ biển. Khu vực đồi núi của Bà Rịa – Vũng Tàu là những ngọn núi và dãy núi nằm rải rác từ phía Bắc tính ra sát dọc bờ biển. Trong đó,phải kể đến núi Mây Tào (700m), núi Minh Đạm với đỉnh Chóp Mao (323m), núi Dinh, núi Tóc Tiên (433m), núi Thị Vải (470m)…Độ cao trung bình từ 200m-700m. Đây là vùng căn cứ kháng chiến lâu đời của nhân dân Bà Rịa – Vũng Tàu xây dựng sau ngày thực dân Pháp nã pháo hạm tấn công đánh chiếm Bà Rịa-Vũng Tàu (10-2-1859) và là đầu não của hai cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược và chống Mỹ cứu nước của lực lượng cách mạng miền Đông Nam Bộ.

– Vị trí và địa thế Núi Dinh: hệ thống núi Dinh bao gồm: núi Dinh (504m), núi Tóc Tiên (433m) và núi Thị Vải (470m),…chạy dài hình cánh cung theo hướng đông bắc – tây nam, thoải dần về hai phía: với tổng diện tích toàn khu vực là 60 km2 , cách thị xã Bà Rịa gần 6km về phía bắc, thuộc địa bàn huyện Tân Thành tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Đặc biệt đây là quần thể núi non và cây xanh ngút ngàn, với mật độ che phủ rừng dày đặc. Đường rừng trên núi có nhiều chùa, am, cốc, miếu độc đáo nằm ven các con suối; có nhiều hang động tự nhiên, kiên cố. Nhiều ngôi chùa có từ thời Pháp thuộc, do tăng ni phật tử thuộc dòng Thiền Tông dựng lên, mang đậm dấu ấn Phật giáo Việt Nam.

Núi Dinh có độ cao trên 500m, được xem là ngọn núi cao và đẹp của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Trong đó có các đỉnh: Bao Quan thuộc đỉnh núi Ông Trịnh (504m), Ông Dinh (491m), Ông Hựu (444m), Thị Vải (470m),…thuộc địa bàn các xã Châu Pha, Tân Hải (huyện Tân Thành) và phường Long Hương (thành phố Bà Rịa). Trên núi có nhiều suối, nước chảy quanh năm, nhiều hang động thiên nhiên như: Hang Mai, Hang Tổ,…vững chắc và kín đáo. Do đó Núi Dinh trước đây còn có dinh lũy triều Nguyễn. Quần thể khu di tích cách mạng Núi Dinh còn là căn cứ địa kháng chiến của Thành đoàn Sài Gòn – Gia Định và Tỉnh ủy Bà Rịa- Thị ủy Vũng Tàu; cơ quan đầu não trong sự nghiệp chống Mỹ của quân dân du kích miền Đông Nam Bộ. Núi Dinh đã được Bộ Văn Hóa công nhận là di tích lịch sử quốc gia vào ngày 16-01-1995.

  1. Môi trường sinh thái tự nhiên núi Dinh – điều kiện phát triển du lịch tâm linh Phật giáo của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu

– Núi Dinh – môi trường sinh thái- cảnh quan thiên nhiên

Đầu thế kỷ XX, khu vực núi Dinh còn là rừng nguyên sinh: rậm rạp cây cối, nhiều loài động thực vật đa dạng, phong phú và đặc trưng quý hiếm của miền nhiệt đới gió mùa châu Á. Với các loài hổ, gấu, heo rừng, hươu, nai, khỉ, vọoc, chồn, hoẵng, sóc, thỏ, cùng nhiều loài chim rừng đẹp đặc chủng, và các loại cây lấy gỗ cao cấp như: sao, cẩm lai, sến, gỗ đỏ,…Đây là vùng khí hậu mát mẻ, không khí trong lành, cảnh sắc tuyệt đẹp. Núi Dinh được xem là ngọn núi cao và độc đáo của khu vực. Nơi từng được chọn để xây cất các dinh thự làm nơi nghỉ dưỡng cũa thực dân Pháp xưa kia. Dưới chân Núi Dinh có nhiều chùa và thiền viện nằm rải chung quanh. Từ quốc lộ 51, có nhiều đường dẫn vào chân Núi Dinh. Đường lên núi Dinh đã dễ dàng thuận lợi hơn do được tráng nhựa, rộng rãi đủ cho các xe tránh nhau. Con đường đèo uốn lượn quanh co khá đẹp, chạy giữa rừng cây xanh mới phục hồi mát rượi. Trên cao, cây mọc bao phủ quanh các sườn đồi xa xa, rễ cây bám lan tỏa vào các thân cây cổ thụ to lớn, các tảng đá to nhỏ nhiều hình thù, nhiều hòn nhấp nhô, kỳ thú…Từ lưng chừng đèo, có thể thấy toàn cảnh thành phố Bà Rịa và huyện Tân Thành. Chùa Phật Quang, chùa Hang Suối Tiên, chùa Diệu Linh gần cuối đoạn đường núi -nơi khách thập phương thường đến hành hương từ nhiều năm qua. Tại đây, có những ngôi chùa rất đẹp nằm ẩn khuất trên triền núi, một vài am thảo bình dị, yện lặng gần bên dòng suối. Du khách dừng chân ngồi dưới bóng mát cây rừng ven suối, nghe tiếng róc rách của nước chảy, tiếng chim rừng líu lo quyện trong tiếng kinh tụng, hòa cùng tiếng chuông mõ ngân nga văng vẳng từ xa vọng lại; làm tâm hồn ta dâng tràn một cảm giác thư thái, bình an kỳ lạ. Tản bộ trong rừng cũng là thú vui khó tả được đắm mình vào thiên nhiên trong lành. Nhìn sang sườn đồi xa xa, ẩn hiện những ngôi chùa khác. Đa số đều có giá trị về kiến trúc tôn giáo và nghệ thuật đặc sắc như: chùa Hang, chùa Tây Phương, chùa Linh Sơn Bửu Thiền Tự (chùa núi Thị Vải),…Đặc biệt nếu du khách dừng chân nghỉ lại qua đêm ở một ngôi chùa nào đó vào dịp trăng rằm sáng tỏ, ban ngày chúng ta sẽ có thời gian để đi xuyên rừng, vượt suối với gậy trong tay, lúc lên cao, lúc xuống trũng, đến đỉnh Ngọc Đảnh Nam Giao (cao 492m) là đã được đứng trên đỉnh núi Ông Dinh: ngắm bao quát phong cảnh biển, nối từ Long Hải đến Vũng Tàu, qua bán đảo Long Sơn đến cảng Phú Mỹ một cách tường tận.

Từ khoảng trống khác trên núi Dinh, có thể nhìn toàn cảnh thoáng đãng, xa xa là cánh đồng lúa bạt ngàn xanh tốt, các khu công nghiệp cùng các điểm dân cư mới hình thành. Không gì vui hơn khi ta thăm viếng các chùa cổ và tịnh thất trên núi. Vì muốn đến được nơi đây, trước tiên mọi người phải vượt qua bao nhiêu vất vả, khám phá vẻ đẹp hoang sơ kỳ vĩ của các hang động, thác nước, sông suối từ đỉnh núi Dinh trên cao chảy xuống. Suối Đá và Suối Tiên do những dòng chảy trên cao hợp thành, tạo ra dòng nước trong mát, đổ xuống hai bên bờ núi đá quanh năm. Tiếng suối chảy, tiếng chim hót, cảnh vật yên tĩnh khi dừng chân trên bờ đá bằng phẳng, càng làm khách hành hương thêm phần hoan lạc. Cảnh vật ban mai hay chiều tối, núi Dinh còn bao phủ một màn khói sương mờ mờ lan tỏa. Thường nhật nơi đây, vào những thời kinh nhất định, tiếng chuông mõ hòa điệu cùng câu kinh niệm phật, làm cho lòng người thêm an lạc – tin yêu vào cuộc sống trần tục.

– Điều kiện phát triển du lịch tâm linh Phật giáo của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu

Khái niệm về du lịch tâm linh Phật giáo có thể hiểu là hành hương đi và đến để chiêm bái, tham quan những nơi thắng tích Phật Giáo cổ xưa, những vùng đất tâm linh, có những ngôi chùa linh thiêng, những nơi di tích Phật giáo tôn nghiêm nổi tiếng về kiến trúc, nghệ thuật và lịch sử truyền thống cách mạng của tự viện. Những năm qua phật tử và du khách thập phương trong cả nước đã chọn núi Dinh nói riêng và tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nói chung trong khu vực miền Đông Nam Bộ làm nơi hành hương chiêm bái Phật giáo tương đối đông đảo. Theo Ban Trị Sự Phật giáo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, đến năm 2005 toàn tỉnh có 730 ngôi tự viện, bao gồm các hệ phái và loại hình Phật giáo như: chùa Bắc Tông, chùa Nam Tông, Tịnh Xá, Tịnh Thất, Tu Viện, Thiền Viện, Niệm Phật Đường…Đây là cơ sở để Phật giáo Bà Rịa – Vũng Tàu từng bước phát triển. Trong đó chùa khu vực núi Dinh có hơn 100 ngôi chùa lớn nhỏ nằm rải rác quanh chân núi và trên núi cao; có những ngôi chùa được xây dựng cách đây hơn 300 năm như Tổ Đình Linh Sơn Cổ Tự, chùa Đại Tùng Lâm, chùa Tây Phương, chùa núi Thị Vải,…với nhiều tượng Phật đặc sắc, có giá trị nghệ thuật cao. Nơi đây được đánh giá là trung tâm Phật giáo lâu đời của khu vực miền Đông Nam Bộ; thu hút đông đảo phật tử và du khách thập phương về nơi linh thiêng Phật Giáo của tỉnh. Núi Dinh còn là bản địa của “Liên Tông Tịnh Độ”. Được phật tử chọn làm “chốn bồng lai tu tập”, là một môi trường tu hành lý tưởng của tăng ni Phật giáo Việt Nam tìm về chánh niệm ,tăng trưởng đạo hạnh,…Điểm qua các loại hình phát triển du lịch của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, chúng ta thấy tỉ lệ du lịch tâm linh Phật giáo của tỉnh không nhỏ; với điều kiện sinh thái lý tưởng của vùng đồi núi, biển đảo đầy tiềm năng. Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu không chỉ là du lịch biển đảo, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa-lịch sử, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch về nguồn, du lịch khám phá,…mà còn có một loại hình du lịch đang hình thành trong tương lai. Đó là du lịch tâm linh Phật giáo, với điểm du lịch sinh thái trong lành, phong cảnh đẹp tại khu vực núi Dinh tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, nơi ngày càng thu hút mọi người tìm đến vùng thánh địa “anh linh, hùng kiệt” quy tụ khí thiêng của núi rừng trời đất nơi đây.

Cách thành phố Hồ Chí Minh hơn 90km, thành phố Vũng Tàu gần 30km và thành phố Bà Rịa 6km, trong tương lai di tích lịch sử núi Dinh sẽ trở thành một quần thể du lịch tâm linh Phật giáo của miền Đông Nam Bộ và Bà Rịa – Vũng Tàu. Tiêu biểu cho sự phát triển Phật giáo xứ Đàng Trong từ thế kỷ XVII đến nay, với một hệ thống chùa chiền hoàn chỉnh, trong một không gian sinh thái trong lành, dễ dàng kết nối với các vùng miền khác trong cả nước để phát triển tiềm năng du lịch nước nhà. Mặc dù nơi đây không phải là điểm được các công ty du lịch, lữ hành mở tour đưa khách tới tham quan, nhưng lượng người hành hương chiêm bái tại các ngôi chùa trên Núi Dinh thường xuyên rất đông đảo, nhất là vào ngày xuân những người theo đạo Phật từ các tỉnh miền Đông Nam Bộ đổ về tham quan các kiểng chùa tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

 Ngày nay núi Dinh không chỉ là sự cuốn hút về thiên nhiên, lịch sử của vùng đất xa xưa, nơi mà cộng đồng người Việt bước đầu khai hoang lập ấp xứ Mô Xoài, là căn cứ cách mạng của quân dân Bà Rịa – Vũng Tàu qua hai cuộc kháng chiến mà còn có cả nét cổ kính của không gian Phật giáo – vùng đất đã trở thành thánh địa tâm linh của người Việt tiên phong mở đất về phương Nam với bao gian nan, khó nhọc để chinh phục vùng đất Bà Rịa – Vũng Tàu đầy tiềm năng ngày nay. Tác động của du lịch tâm linh Phật giáo vào đời sống con người thật là ý nghĩa, là những chuyến hành hương hữu ích và tích cực, là sự lựa chọn của mọi người để tìm lại chính mình trong nhịp sống hối hả của thời đại, để có được những giây phút an lạc thư thái và được sống trong đời sống tâm linh có ý nghĩa trọn vẹn. Đồng thời góp phần cho sự bình ổn của xã hội, mong cho Tổ quốc yên vui no ấm.

NGUYỄN VĂN QUÝ

Hội KHLS TP.Hồ Chí Minh

 __________________

Tài liệu tham khảo :

– Văn hóa và cư dân ĐBSCL.Nxb KHXH.1990.

– Biên Hòa-Đồng Nai 300 năm hình thành và phát triển.Nxb Đồng Nai.1998.

– Non nước Việt Nam.Nxb Hà Nội.2004.

– Nam Bộ Đất và Người.Nxb Trẻ.2006.

– Lược sử vùng đất Nam Bộ Việt Nam.Nxb Thế giới.2008.

– Hội thảo khoa học 300 năm Phật giáo Gia Định – Sài Gòn – TP Hồ Chí Minh.

– Hội thảo khoa học:Chúa Bồ Tát Nguyễn Phúc Chu (1675 – 1725) và sự nghiệp mở mang bờ cõi, phát triển đất nước.

– Cổng thông tin điện tử Bà Rịa – Vũng Tàu.

– Bảo tàng Bà Rịa – Vũng Tàu.

– Phật Giáo Bà Rịa-Vũng Tàu.

– Tổng hợp tư liệu từ internet.


Translate »
san xuat moc khoa may ao thun Kem sữa chua Kem sữa chua trân châu