Phạm Khánh Đức – người khai mở đất Mô Xoài
Vào năm Giáp Dần (1614) đời chúa Hy Tông Nguyễn Phúc Nguyên đã cho con trai trưởng của mình là Khánh Quận công Nguyễn Phúc Kỳ giữ chức Hữu Phủ chưởng Phủ sự, Trấn thủ Quảng Nam. Quảng Nam thời bấy giờ là vùng đất trù phú mang tính chiến lược nên các chúa Nguyễn thường cho các Thái tử ra trấn giữ để sau này có nhiều kinh nghiệm cai trị đất nước.
Do Khánh Quận công vắn số nên không được dịp lên ngôi chúa. Tuy nhiên suốt mười mấy năm tận tuỵ với vùng đất Quảng Nam, Khánh Quận công đã có nhiều suy nghĩ sâu rộng như: Vào năm 1620 đã đề nghị gả em gái thứ hai là công nữ Ngọc Vạn cho Quốc vương Chân Lạp là Chey Chaha II, và vào năm 1631 lại đề nghị gả em gái thứ ba là công nữ Ngọc Khoa cho Quốc vương Chiêm Thành Pôrôme. Nhờ hai cuộc hôn nhân này mà vùng biên giới phía Nam được tạm thời yên ổn và sau này cư dân Thuận Hóa – Quảng Nam được dịp tiến về phía Nam khai hoang lập nghiệp.
Vương quốc Chân Lạp chia hai vùng rõ rệt: Vùng cao là vùng Lục Chân Lạp cư dân tập trung, nghề nghiệp sở trường của họ là nghề làm ruộng cạn, Chính vương ngự trị tại kinh đô Long Úc (Oudong). Vùng đất thấp là vùng Thủy Chân Lạp (gốc của vương quốc Phù Nam) nhiều sình lầy, rừng bụi, thỉnh thoảng ở những giồng cát lớn có người cư trú, Phó vương đóng tại Sài Côn (Prêy Nôr). Mô Xoài và Nông Nại lúc bấy giờ có đường thủy đi ngang qua để đi lên vùng người Stiêng (sách sử Trung Hoa gọi là Xương Tinh thành) nên đã được người nước ngoài, nhất là tầng lớp thương buôn biết đến. Mặc dù Mô Xoài và Nông Nại tuy là là lãnh thổ của Chân Lạp nhưng là vùng biên giới khô cằn, tiếp giáp với Chiêm Thành nên cư dân thưa thớt.
Từ khi Ngọc Vạn về làm hoàng hậu Chân Lạp đã có nhiều kiều dân Đại Việt được nâng đỡ giữ các chức vụ trong vương triều Oudong, nên họ đã ủng hộ đồng bào của mình đến Chân Lạp lập nghiệp. Do đó vào năm 1623, chúa Nguyễn đã cử một sứ bộ đến Chân Lạp thương lượng xin lập một đồn thuế (trạm thầu thu thuế) tại Sài Côn. Lúc bấy giờ Chân Lạp vừa đẩy lùi một cuộc xâm lược của người Xiêm La nên họ nghiêng hẳn về phía Đại Việt.
Đến năm Mậu Tuất (1638), Chey Chetta II mất, lợi dụng lúc quân Trịnh đe dọa phía bắc, Quốc vương Nặc Ông Chân kéo quân xuống Mô Xoài tổ chức phòng ngự rồi cho quân vượt biển đánh Trấn Biên (lúc đó là Phú Yên) của ta. Chúa Thái tông Nguyễn Phúc Tần sai Phó tướng Trấn Biên là Yến Vũ hầu Nguyễn Phúc Yến, Cai đội Xuân Thắng hầu, Tham mưu Minh Lộc hầu cùng 3000 quân vào đánh chiếm thành Mô Xoài, bắt Nặc Ông Chân giải về Quảng Bình, nơi chúa Nguyễn đang thân chinh trú quân. Chúa Nguyễn ra lệnh xá tội cho Nặc Ông Chân, phong cho làm Quốc vương trở lại, khuyên giữ đạo phiên thần rồi cho quân hộ tống về nước. Nhờ đó Quốc vương Nặc Ông Chân cho nông dân Quảng Nam đến Mô Xoài làm ăn sinh sống mỗi ngày một đông. Đầu tiên, người Đại Việt và người Chân Lạp ở cạnh nhau, cùng khai khẩn đất đai: Người Chân Lạp ở trên đất giồng, làm ruộng cạn. Người Việt khai hoang làm ruộng sâu. Nhưng dần dần người Chân Lạp cảm thấy cộng đồng cư dân mới đến thiện nghệ văn minh hơn họ, sinh mặc cảm; Trong khi đất đai vùng Mỹ Tho, Trà Vinh còn quá rộng nên tự ý bỏ đi để tụ tập thành một cộng đồng lớn hơn, không tranh chấp (Gia Định thành thông chí gọi là “khâm phục uy đức của triều đình”).
Tháng 2 năm Giáp Dần (1674), Nặc Đài (còn gọi là Pô Tâm), đánh đuổi vua nước ấy là Nặc Nộn (Nặc Ong Non). Nặc Nộn phải chạy sang nước ta cầu cứu. Chúa Thái tông Nguyễn Phúc Tần sai tướng Nguyễn Dương Lâm làm Thống Suất, Tướng Thần lại Thủ hợp Diên phái hầu Nguyễn Diên làm tham mưu cùng dẫn quân chinh phạt. Đầu tiên quân Việt dùng kế tung tin làm Pô Tâm hoảng sợ rút vào thành Mô Xoài. Lương thực thiếu thốn quân Pô Tâm phải ra ngoài nên chểnh mảng việc phòng bị. Bất ngờ khoảng tháng 3 năm Giáp Dần (1674) quân Nguyễn Diên xông vào chiếm thành không tốn một giọt máu. Quân Chân Lạp bao vây bên ngoài. Nguyễn Diên đóng cửa thành cố thủ, chờ đại quân của Dương Lâm hầu Nguyễn Dương Lâm kéo đến ngoại kích nội công làm quân Chân Lạp đại bại. Pô Tâm chạy vào rừng bị em vợ người Bồ Đà giết chết. Chúa Nguyễn đổi tên thành Mô Xoài là Phước Tứ (có nghĩa phước của trời ban cho). Nặc Thu trở lại Oudong làm vua, hiệu Chey Choetha IV, được phong Chính vương, Nặc Nộn được phong Phó vương. Dương Lâm hầu được thăng Trấn thủ dinh Thái Khang (Khánh Hòa) lo việc phòng ngự ngoài biên. Riêng Tham mưu Nguyễn Diên bị bệnh (có lẽ là bệnh dịch) mất bất ngờ, khiến người Chân Lạp ở Mỹ Tho, Trà Vinh cảm thấy linh ứng lập đền thờ. Đến đời Minh Mạng, Nguyễn Diên được phong Trung đẳng thần. Như thế sau năm 1674, Mô Xoài – Đồng Nai đã bỏ ngỏ để lực lượng dinh điền đến khai khẩn lập nghiệp.
Đến khoảng đầu năm Kỷ Mùi (1679) có khoảng 3 ngàn người “bài Mãn phục Minh” thất bại, chạy sang nước ta tỵ nạn. Chúa Thái Tông thấy đất Đồng Nai màu mỡ có đến ngàn dặm mà triều đình chưa rỗi để lo liệu, chi bằng tận dụng sức lực của họ, giao cho họ khai khẩn đất đai để ở – một cách làm được ba điều lớn. Rồi triều đình hạ chỉ cho Quốc vương Chân Lạp biết để không xảy ra chuyện ngoài ý muốn. Nhóm Dương Ngạn Địch đến Mỹ Tho lập Mỹ Tho đại phố. Nhóm Trần Thượng Xuyên đến Nông Nại lập Nông Nại đại phố. Họ qui tụ thương thuyền Trung Hoa, Tây Phương, Nhật Bản, Bồ Đà…tới lui mua bán tấp nập. Tất nhiên lúc bấy giờ phải có lực lượng nông dân và thợ thủ công Đại Việt cung cấp hàng hóa cho họ. Chúa Nguyễn cũng thấy sự phức tạp sẽ xảy ra ở vùng đất mới nên cho Xá Sai Văn Trinh (phụ trách luật pháp) và Tướng Thần lại Văn Chiêu (phụ trách tài chánh và thuế khóa) hộ tống đám người Hoa này.
Nguyễn Phúc Tộc thế phả cho biết, khi công nữ Ngọc Vạn về làm hoàng hậu Chân Lạp đã tạo điều kiện cho lực lượng dinh điền đến khai thác vùng đất Mô Xoài. Dinh điền hay đồn điền là lực lượng bán quân sự đi khai khẩn đất đai nhưng cũng thường xuyên luyện tập võ nghệ đề phòng giặc cướp. Chúa Nguyễn thường chiêu mộ dân nghèo, có khi là tù binh hoặc tù nhân được biên chế thành đội ngũ, được cấp một phần lương tiền…Do đó ngoài nhiệm vụ chính, họ cũng có thể khai khẩn ruộng đất cho tập thể hoặc cho cá nhân. Nếu thiếu thốn có thể vay mượn. Triều đình có chính sách khuyến khích hào phú cho vay nhẹ lãi. Như thế lực lượng quân sự của Dương Lâm hầu Nguyễn Dương Lâm rút về Thái Khang (Khánh Hòa). Vùng mô Xoài bị bỏ ngỏ nên lực lượng bán quân sự mới có thể đến làm nhiệm vụ. Lúc bấy giờ quốc vương Chân Lạp thọ ơn chúa Nguyễn nên việc thương lượng không khó khăn. Sử chép năm Giáp Ngọ (1690), Huỳnh Tấn làm phản giết Dương Ngạn Địch rồi cầu cứu Chân Lạp, chuẩn bị lực lượng chống Đại Việt. Chúa Nguyễn sai nhiều tướng tài đánh dẹp, trong đó có Cai đội Nguyễn Hữu Hào, nhưng bị nữ sứ giả Chiêm Dao Luật mê hoặc, Hào tự động rút quân về Bà Rịa rồi rút về Phú Yên. Ba năm sau, tức năm Quí Dậu (1693) có tên A Ban (tức Ngô lãng) lợi dụng tà thuật nổi loạn tại Phú Yên, chúa Nguyễn đã sai lực lượng bán quân sự ở Bà Rịa tham gia đánh dẹp. Loạn A Ban bị dẹp tan (nhưng lực lượng bán quân sự ở Ba Rịa bị thiệt hại nặng: Cai đội Dực và Văn Chức Mai hy sinh).
Đại Nam nhất thống chí và các tài liệu địa phương cho biết chúa Nguyễn đã cho một Cai cơ họ Phạm (Phạm Quới Công) dẫn một lực lượng đồn điền khoảng một cơ, chia ra mười đội, khoảng 500 quân, đến khai phá vùng đất Mô Xoài và sau khi thành khoảnh đã chuyển thành các đơn vị hành chánh. Theo qui chế thời bấy giờ, cứ 12 hoặc 20 dân đinh có thể xin phép lập một xã hoặc một thôn. Như thế Cai cơ Phạm Quới Công đã lập khoảng 20 làng ở vùng Mô Xoài như: Phước Trinh, Phước Liễu, Phước Hưng Đông, Phước Lễ….Long Điền, Long Hương, Long Nhung, Long Thạnh, Long Hưng…; Gia Thạnh, An Nhứt, An Thới, An Ngãi…Sau này lập thành hai tổng An Phú và Phước Hưng.
Mùa xuân năm Giáp Dần (1698) chúa Hiển Tông Nguyễn Phúc Chu sai Thống suất Chưởng cơ Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam kinh lược, lập dinh Trấn Biên (có huyện Phước Long) và dinh Phiên Trấn (có huyện Tân Bình). Mỗi dinh đặt ba chức quan cai trị: Lưu thủ, Cai bạ và Ký lục. Thống suất Chưởng cơ Nguyễn Hữu Cảnh thấy Cai cơ Phạm Quới Công có tài kinh bang tế thế, nên đề nghị chúa Nguyễn thăng chuyển qua làm Ký lục dinh Trấn Biên.
Lúc mới đặt chân đến Bà Rịa, Phạm Quới Công đã có kế hoạch lập đền miếu chùa chiền để dân đồn điền có nơi lễ bái. Một trong hai ngôi chùa của Phạm Quới Công xây dựng là chùa Vạn An ở thôn Phước Trinh. Vào năm Vĩnh Thịnh thứ sáu (tức năm Canh Dần, 1710) được chúa Hiển Tông Nguyễn Phúc Chu ban biển hiệu ngự bút. Biển hiệu ngự bút của quốc chúa ban tặng là ân sủng lớn đối với một công thần, đồng thời quốc chúa cũng muốn xác nhận chủ quyền của mình ở vùng đất mới.
Khi Ký lục kiêm Cai cơ Phạm Quới Công qua đời, chúa Nguyễn thương tiếc, truy tặng An Biên công thần, Ký lục kiêm Cai cơ, Giáp Lĩnh hầu. Quan tài đưa về an táng bên cạnh chùa Sắc tứ Vạn An tự. Có lẽ về sau không có người thừa tự, toàn bộ ruộng đất của Giáp Lĩnh hầu ở các thôn Phước Trinh, Phước Liễu, Phước An Đông và Gia Thạnh tổng cộng 39 mẫu, 7 sào, 2 thước, 8 tấc đều sung vào ruộng đất hương hỏa (gọi là công điền Cựu quan đồn điền). Tư dinh của ngài được xây dựng lại thành từ đường ở phía sau Sắc tứ Vạn An tự. Năm 1835 (Minh Mạng thứ 16) chùa bị cháy, biển hiệu được phép gởi tại chùa Long Hưng. Từ đường Phạm Quới Công sách Đại Nam nhất thống chí gọi là Giáp công từ – đền thờ Giáp Lĩnh hầu (dân địa phương gọi là Phạm Quới Công từ – đền thờ Phạm Quới Công). Đại Nam thực lục chép, khi trở lại Gia Định, vào năm Tân Hợi 1791, chúa Nguyễn Phúc Ánh đã xếp Giáp công từ vào “điển thờ” (tự điển) cấp dân phu quét dọn và qui định nghi thức tế lễ hàng năm. Thế nhưng các tài liệu cũ đều không ghi danh tánh cụ thể.
An Biên công thần, Ký lục kiêm Cai cơ chính là Ký lục Trấn Biên Phạm Khánh Đức, người cùng với Trấn Thủ Nguyễn Phan Long xây dựng Văn miếu Trấn Biên, Văn miếu thứ hai ở xứ Đàng Trong, Văn miếu đầu tiên ở Đồng Nai-Gia Định vào năm Ất Mùi 1715.
Phạm Khánh Đức được nhân dân Mô Xoài tôn xưng là Phạm Quới Công. Ông được chúa Nguyễn truy tặng danh hiệu An Biên Công thần vì xứng đáng là một công thần làm “biên cảnh bình an”. Đầu tiên ông đã cùng lực lượng bán quân sự dưới quyền ông đã khai hoang mở ruộng, tạo nguồn lợi cho ngàn đời sau. Song song, Ký lục Phạm Quới Công còn chú ý chăm sóc đến đời sống tinh thần của người dân ở vùng đất mới: Xây dựng nhiều đền miếu, chùa chiền, duy trì đạo đức cá nhân, nề nếp gia đình. Ký lục kiêm Cai cơ Phạm Khánh Đức là một người văn võ song toàn, một danh danh vùng đất Trấn Biên.
TRƯƠNG NGỌC TƯỜNG
Hội KHLS tỉnh Tiền Giang
________________
Tài liệu tham khảo:
1. Nguyễn Phúc tộc thế phả: Hội đồng trị sự Nguyễn Phúc tộc. NXB Thuận Hóa-Huế 1995.
2. Gia Định thành thông chí – Trịnh Hoài Đức. Lý Việt Dũng dịch và chú thích. NXB Tổng hợp Nồng Nai 2005.
3. Đại Nam nhất thống chí – Lục tỉnh – tỉnh Biên Hòa. Quốc sử quán triều Nguyễn. Viện KHXH Việt Nam, Viện Sử học Việt Nam. NXB Thuận Hóa 2006.
4. Nghiên cứu Địa bạ triều Nguyễn- Biên Hòa- Nguyễn Đình Đầu. NXB TP.HCM 1994.
5. Le Khemers của André Migot (dẫn lại theo Việt sử xứ Đàng Trong 1558-1777- Phan Khoang-Nhà sách Khai Trí Sài Gòn -1969.
6. Tài liệu địa phương: các bài văn tế của các ngôi đình vùng Bà Rịa-Vùng Tàu.