Suy nghỉ về hình thức lưu giữ ký ức vùng đất Mô Xoài trong tiến trình khai phá đất phương Nam
- Khái quát những bước tiến mở đất phương Nam
Vùng đất phương Nam bây giời xưa kia là vùng đất sình lầy của hạ lưu sông Cửu Long, nơi hổn cư của nhiều tộc người đến đây khai phá, sinh cơ lập nghiệp, có người Khmer, người Việt và cả người Hoa, trong đó người Việt đang ở thế thượng phong, sau khi các chúa Nguyễn đã bằng nhiều hình thức, vũ lực có, quyền lực mềm có, đã chinh phục hầu hết toàn bộ cương vực của nước Chăm Pa xưa. Đương nhiên, hành trình mở đất phương Nam của ta vẫn tuân theo theo quy luật “ mạnh được yếu thua” khi chưa có luật quốc tế như thời hiện đại.
Một chút trở về quá khứ xa xưa. Từ thế kỷ thứ X trở về trước, nước ta mở đất theo hướng tây bắc – đông nam, đến biển đông là kịch, còn phía nam chỉ đến dãy Hoành Sơn có đèo Ngang chắn giữ mà bên kia là một nền văn minh khác – văn minh Chăm Pa. Như vậy, vùng đất Việt cổ chúng ta chỉ từ Hà Tĩnh trở ra. Bắt đầu từ thời Lý –Trần, cương vực lãnh thổ nước ta bắt đầu mở theo trục bắc nam, vượt đèo Ngang vào vùng Thuận Quảng. Đến thời Hậu Lê, theo gợi ý của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Hoàng vào trấn giữ vùng Thuận Quảng và trên nền tảng đó, các chúa Nguyễn mở dần cương vực về phương Nam. Trong quá trình mở đất về phương Nam có một sự kiện đáng lưu ý về cách thức mở đất mà các vương triều trước đã dùng là sử dụng “ quyền lực mềm” hay như dân gian thường nói là “ kế mỹ nhân”. Năm Canh Thân (1620), Chúa Nguyễn Phúc Chu gã Công chúa Ngọc Vạn cho vua Chey Chetta II. Đây là cuộc hôn nhân chính trị giữa chúa Nguyễn và vua Chân Lạp tạo ra những điều kiện thuận lợi cho việc mở đất về phương Nam với việc đặt trạm thu thuế ở Sài Gòn và thiết lập khu dinh điền đầu tiên của người Việt ở Mô Xoài (1) vào năm 1623 và đến đời chúa Nguyễn Phúc Tần, năm 1658, Trấn Biên của nước ta đã ở Phú Yên bây giờ. Lúc đó Chân Lạp đêm quân xâm phạm bờ cõi chúa Nguyễn Phúc Tần sai Nguyễn Phúc Yến đêm 3.000 quân từ Trấn biên hành quân suốt 2 tuần “ vào đến thành Mỗi Xuy (Mô Xoài), nước Cao Miêm, đánh phá kinh thành và bắt được vua nước ấy là Nặc Ong Chân giải về hành dinh Quảng Bình. Vua dụ cho tha tội, phong làm Cao Miên quốc vương, cho được giữ đạo phiên thần, lo bề triều cống, không được xâm nhiễu dân sự ở ngoài biên cương, rồi khiến quan binh hộ tống về nước. Khi ấy địa đầu của Gia Định là Mô Xòai và Đồng Nai ( tức là đất Biên Hòa trấn) đã có dân của nước ta đến cùng với dân Cao Miên khai khẩn ruộng đất” (2). Cũng theo cuốn sách trên, Trịnh Hoài Đức ghi nhận: “ Người Cao Miên rất khâm phục uy đức của triều đình, họ đêm nhận đất ấy rồi kéo nhau tránh đi nơi khác, chẳng dám tranh chấp điều gì”. Từ đó, người Việt mở rộng địa bàn trên toàn bộ lãnh thổ vùng đất miền Đông Nam Bộ. Trong quá trình mở đất mới của người Việt lúc đó, nội bộ triều đình Cao Miên diễn ra những cuộc tranh chấp quyền lực quyết liệt và phe được Vương quốc Tiêm La ủng hộ đang thắng thế. Vì thế, cương vực nước ta đang được đặt trong tình trạng báo động. Thế mới có cuộc hành binh vào Mô Xoài lần thứ hai của Diên Lộc hầu năm 1674 để xuất phát từ đây bình định đất Cao Miên.
Năm 1698, đời chúa Nguyễn Phúc Chu, bắt đầu đặt phủ Gia Định và sai “ Thống suất Nguyễn Hữu Kính ( Cảnh) kinh lược đất Chân Lạp, chia đất Đông Phố, lấy xứ Đồng Nai làm huyện Phúc Long, dựng Dinh Trấn Biên, lấy xứ Gài Gòn làm huyên Tân Bình, dựng dinh Phiên Trấn, mỗi dinh đều đặt các chức lưu thủ, cai bạ, ký lục và các cơ đội thuyền thủy bộ tinh binh và thuộc binh, mở rộng đất được nghìn dặm, được hơn 4 vạn hộ, bèn chiêu mộ dân xiêu dạt từ Bố Chính trở về Nam cho đến ở cho đông. Thiết lập xã thôn phường ấp, chia cắt giới phận, khai khẩn ruộng nương, định thuế tô dung, làm sổ đinh điền” (3). Đến đây lãnh thổ nước ta đã mở rộng gần như vùng Nam Bộ ngày nay, chỉ trừ vùng đất Hà Tiên.
Tháng 8 Mậu Tý (1708), Mạc Cửu, người vùng Quảng Đông, không khuất phục nhà Thanh, sang vùng đất Sài Mạt chiêu mộ người Việt từ Phú Quốc, Lũng Kè, Cần Bột, Vũng Thơm, Rạch Giá, Cà Mau khai khẩn đất đai và lập thành 7 làng, rồi tự nguyện dâng nộp cho chúa Nguyễn và được chúa chấp thuận, đặt trấn Hà Tiên, phong cho chức Tổng binh, tước Cửu Ngọc Hầu. Con ông là Mạc Thiên Tứ, nối chí cha, khai phá thêm các vùng đất bây giờ là Long Xuyên, Cà Mau, Rạch Giá, Cần Thơ, Bạc Liêu. Với sự nghiệp khẩn hoang lập làng của dòng họ Mạc thuộc chúa Nguyễn, lãnh thỗ, cương vực nước ta trên đất liền căn bản như ngày nay.
Rồi các cuộc chinh phạt của Nguyễn Cư Trinh năm Ất Hợi (1755), năm Đinh Sửu (1757) thắng lợị và sau đó bằng những hoạt động khôn khéo về chính tri-ngoại giao và hành chính nên vùng biên cương rộng lớn được duy trì sự ổn định.
Như vậy, từ khi người Việt khai phá vùng đất Mô Xoài – Đồng Nai – Gia Định đến khi đất Hà Tiên về với chúa Nguyễn, đại nghiệp mở đất phương Nam đã hoàn thành trong hành trình ròng rã suốt 34 năm có lẻ. Từ đó mà nước ta có hình dáng chữ S trên bản đồ chính trị thế giới như ngày nay.
- Suy nghĩ về hình thức lưu giữ ký ức xứ Mô Xoài trong tâm thức người Việt chúng ta
Hiện nay trên đất nước ta có nhiều mô hình lưu giữ ký ức, có thể là mô hình lưu giữ ký ức một danh nhân, có thể là một sự kiện lịch sử, để chúng ta có thể lựa chọn một hình thức trang trọng, xứng đáng nhất để lưu giữ ký ức cha ông ta một thời tới đây mở đất và tỏa đi cả phương Nam đất nước. Ta có thể đưa ra 3 mô hình lưu giữ ký ức xưa và nay của ba miền để chúng ta tham khảo và lựa chọn. Đó là khu tưởng niệm Bến Dược thuộc vùng đất Củ Chi (miền Nam), Côn Sơn Nguyễn Trãi, Hải Dương (miền Bắc) và Không gian văn hóa Nguyễn Du, Hà Tĩnh (miền Trung). Các mô hình có những nét chung, nhưng đồng thời lại có những nét đặc sắc, riêng biệt của nó, tùy thuộc vào sự kiện lịch sử và nét văn hóa của từng vùng miền. Nhưng theo tôi, chúng ta cần xây dựng Khu lưu giữ ký ức Mô Xoài theo nguyên tắc hay tinh thần cũng được: Công trình hôm nay, di sản mai sau. Nói như vây là chúng ta đề cao sự hoành tráng của Khu lưu giữ này phù hợp với điều kiện tài chính và tầm nhìn về tương lai, để nó mãi mãi trường tồn trong ký ức, trong tâm linh của người Việt chúng ta về tổ tiên ta đã dũng cảm, mưu trí trong công cuộc mở nước trên vùng đất phương Nam hoang dã về thiên nhiên và xung đột về văn hóa của các cộng đồng người từng chung sống nơi đây.
Trước tiên, chúng ta cần bàn tới địa điểm xây dựng Khu lưu giữ ký ức Mô Xoài. Trong một số các công trình nghiên cứu của giới sử học có chỉ ra những địa danh gắn với vùng đất Mô Xoài xưa như Long Hiệp, Long Hương, Phước Lễ, Long Kiên, Long Xuyên trong Tổng An Phú Hạ, lũy Phước Tứ. Bốn thôn đó cùng với lũy Phước Tứ đã được định vị trong Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức: “Lũy ấy trải mấy đời sau cũng nhân theo đó nhận làm yếu địa đồn trú cho đạo Mô Xoài.” (4)như là những vùng đất để chúng ta lựa cho đặt Khu lưu giữ ký ức. Nhưng theo tôi, lũy Phước Tứ hội đủ điều kiện lịch sử hơn cả như đã được Trinh Hoài Đức xác nhận trong công trình khảo cứu của mình.
Thứ đến là hình thức Khu lưu giữ ký ức Mô Xoài. Như trên tôi đã nói, về hình thức là phải hoành tráng: Công trình hôm nay, di sản mai sau. Trên một khu đất rộng, công trình gồm 4 hạng mục chủ yếu: 1) Tam quan; 2) Nhà bia; 3) Hồ nước hình chữ nhật cùng với tả vu, hữu vu hai bên hồ nước và 4) Tượng đài.
Xin được ghi chú rõ thêm về 4 hạng mục của công trình tầm cỡ đó. Tam quan có thể xây dựng theo 4 cột trụ dàn hàng ngang; 2 cột trụ giữa to và cao, khoảng cách giữa hai cột này rộng hơn khoảng cách giữa cột trụ chính và cột trụ nhỏ. Đó chính là vạch phân chia “ không gian thiêng” và không gian trần thế, nơi ngày xưa thường hay dựng tấm bia ghi chữ “hạ mã” (xuống ngựa). Nhà bia được xây dựng theo kiểu thông dụng trong lịch sử như bia Côn Sơn, nhà bia Bến Dược, trong đó dựng một bia đá với chất liệu đá tốt nhất khắc ghi công trạng của những người Việt đến đây khai hoang, lập làng, mở đất, rồi từ đây tỏa đi khắp miền Lục tỉnh. Phải mời các nhà Hán học hiểu biết lịch sử vùng đất này hoặc tổ chức một cuộc thi để có được bài văn bia gọn gàng, sắc nét lột tả được vị trí đắc địa và lòng quả cảm, mưu lược của những người Việt đầu tiên xông pha đến vùng đất này. Hồ nước hình chữ nhật và nhà hữu vu, tả vu hai bên, Hồ nước hình chữ nhật theo nghia là bàu ( bàu Thành xưa) của người Chăm mà chiều dài của nó kéo dài từ Nhà bia đến Tượng đài, làm thế nào để hai quần thể đó soi bong xuống hồ nước trong xanh ( tựa như kiểu lăng Tajomahan của Ấn Độ). Hai bên hồ nước hình chữ nhật là hai nhà hữu vu và tả vu được xây dựng mái công kiểu đình làng người Việt, trong đó trưng bày những hiện vật liên quan tới con người và vùng đất này ngày xưa. Tượng đài như kết thúc và điểm nhấn quan trong nhất (quy mô, chất liệu và hình dáng các hình tượng) của toàn bộ quần thể Khu Lưu giữ Ký ức. Phải tổ chức một cuộc thi sáng tác về cụm tượng đài này để có thể chọn được một bản thiết kế chứa đựng đầy đủ nội dung cũng như hình thức của điểm nhấn quan trọng này.
PGS.TS PHẠM XANH
Đại học KHXH – NV Đại học Quốc gia Hà Nội
______________
Chú thích:
- Tên làng năm dưới chân núi Mô Xoài, ven sông cùng tên mà bây gời có địa danh là núi Dinh và sông Dinh thuộc địa phận thành phố Bà Rịa hiện nay. Mãnh đất đó, Trịnh Hoài Đức trong công trình dẫn ra dưới đây, đã miêu tả: “ Núi Trấn Biên, tục danh núi Mũi Xuy (Mô Xoài) cách phía Đông trấn 154 dặm. Hình núi cao ngất xanh om, có những hang Nai, núi thong, mây phủ suối reo, cảnh trí u tịch, chầu về Gia Định, hình dung thanh tú, bài liệt thênh thang. Lưng chừng núi có có động đá thâm u khuất khúc chật hẹp, đi vào không cùng tận. Có thầy tăng tịch cố tên là Ngộ Chân, cất chùa Đức Vân nơi cửa động để trụ trì…”
2. Trịnh Hoài Đức. Gia Định thành thông chí.. Tập Trung, quyển 3. Nha Văn hóa, Phủ Quốc vụ khanh đặc trách văn hóa, xuất bản 1972, tr, 6.
3. Đại Nam thực lục. Tập1. Nxb Giáo dục. Hà Nội, 2002, tr, 111.
4. Trịnh Hoài Đức. Gia Định thành thông chí. Tập Hạ. Sdd, tr., 104-105.