Tập tục tế lễ trong tín ngưỡng thờ thần của người Việt ở BR-VT

(29/03/2019)

Người Việt rất sùng bái tế lễ. Thời phong kiến trên là nhà vua và triều  đình lập đàn xã tắc lễ tế trời đất, dưới là thứ dân, làng, xã tế lễ những vị anh hùng hào kiệt, minh quân lương tướng, những người có công mở làng lập ấp, tổ làng nghề, những vị thần linh có chứng tích phù hộ cho dân làng. Ngày nay ở Bà Rịa – Vũng Tàu tục thờ và tế lễ thần vẫn được bảo tồn duy trì.

Từ những thế kỷ trước người Việt đi mở đất phương Nam, theo cửa sông vào đất liền khai làng, lập ấp và người ta mang theo những tín ngưỡng, phong tục tập quán đến nơi đất lành lập nghiệp sinh sống, tín ngưỡng của người Việt giao thoa với văn hóa bản địa, văn hóa các tộc người anh em đã tạo lên Tín ngưỡng đa dạng và phong phú. Mỗi làng xưa ở BR-VT đều xây cất đình làng hay đền miếu để thờ cúng Thần hoàng, các trung thần nghĩa sỹ, những người có công với làng, với nước, các vị Thần linh bảo hộ cho dân làng được sống bình yên và những điều họ cầu mong được linh ứng. Người ta đã biên chép các điển tích về thần và trình lên Triều đình xin sắc phong thần cho Thành hoàng, Thần linh … tôn thờ ở đình, đền tại địa phương của họ. Ngày nay rất nhiều đình, đền còn lưu giữ truyền đời các thần tích, sắc phong thần.

Các vị Thần tôn thờ ở đình, đền, miếu được Triều Đình phong sắc Thần cũng chia làm ba loại: Thượng Đẳng Thần, Trung Đẳng Thần, Hạ Đẳng Thần. Trong đình làng có nội điện thâm nghiêm (chánh điện) là nơi đặt tượng, ngai vàng, bài vị của thần, thánh, kế đó là bái đường gọi (trung đình hay trung điện) nơi tế tự. Đồ thờ đều có các bộ long ngai hay long khám, rương đựng sắc phong và thần tích gọi là “Ngọc Phả”, ngoài ra còn có các đồ thờ khác, bộ ngũ sự, đài, rượu, quả, lỗ bộ, các đồ nghi trượng như: loan giá, long kiệu, long đình, cờ quạt, tàn lọng, bát bảo, gươm đao, chiêng trống, đèn thất tinh …

Việc tế, lễ tại đình, đền gồm có lễ sóc vọng (ngày mùng một, ngày rằm) và các tuần tiết gồm rằm tháng riêng (tết Thượng nguyên hay còn gọi là tết Nguyên tiêu), mùng 5 tháng 5 (tết Đoan dương hay còn gọi là tết Đoan ngọ), lễ rằm tháng 7 (tết Trung nguyên còn gọi là lễ Vu lan), ngày hạ điền (xuống ruộng), ngày thượng điền (ngày cơm mới), ngày thần húy, thần đản (ngày sinh, ngày hóa của thần)…, lễ kỳ yên.

            Tập tục tế lễ Kỳ yên: hàng năm đình làng tổ chức tế lễ Kỳ yên để cầu an chúc phúc lành cho dân làng, cầu cho quốc thái dân an, đây là đại lễ nên lễ vật tế thần mổ thịt cả heo, bò, gà…. (tam sinh). Chiều hôm trước ngày tế Kỳ yên, người ta làm lễ “cáo yết”, lễ thỉnh sanh, dắt bò hay heo ra (con vật toàn sắc) đổ ly rượu vào miệng và đầu chúng rồi làm thịt.

Sáng sớm ngày tế thần người ta làm lễ rước sắc, rước văn (văn tế giao cho người có học vấn uyên thâm biên soạn). Thần Sắc thường để trong ngọc phả, nhưng đề phòng bất trắc (sợ bị mất) nên để ở một nhà Kỳ lão có uy tín nhất làng. Lễ rước sắc, rước văn rất long trọng, đặt trên kiệu cờ quạt, chiêng trống, phường bát âm, về đến đình được kính cẩn để trên bàn thờ. Ban hành lễ bao gồm vị chủ tế và các viên chấp sự tiến hành tế thần. Chủ tế (chọn người có ngôi thứ cao nhất trong làng, người đó phải có đức độ và vợ chồng song toàn, có con trai, con gái đề huề…). Bồi tế (chọn hai người hoặc bốn người được lựa chọn trong hàng bô lão, bồi tế đứng dưới tế chủ mà làm theo). Đông xướng và tây xướng: hai người đứng bên hương án để xướng lễ và có hai người nội tán để hướng dẫn, trợ xướng tế chủ). Chấp sự  (khoảng mười đến mười hai người làm công việc dâng hương, trà, rượu, lễ vật…).

Nghi tiết tế thần: Tế chủ và chấp sự mặc áo dài thụng, đội mũ đi hia chỉnh tề đứng xếp hàng hai bên dãy chiếu. Người đánh trống (đồng văn) đánh 3 hồi trống tế, tiếp theo đông xướng hô “khởi chính cổ”  hai chấp sự đến giá trống, chiêng một người đánh ba hồi chiêng trước, người kia đánh ba hồi trống sau, vừa dứt thì hai người cùng đánh đồng thanh ba tiếng nữa, xong vái một vái rồi lui ra; tây xướng hô “nhạc sinh tựu vị” tức thời phường bát âm nổi lên, sau ba hồi chín chặp rồi đông xướng, tây xướng hô các hiệu lệnh tiếp theo:

            “Cử soái tế vật”: hai chấp sự cầm đèn, nhang cùng chủ tế vào nội điện xem đồ lễ đầy đủ chưa hay còn thiếu thứ gì, khi vào theo hướng tay trái, đi ra hướng tay phải.

            “Ế mao huyết” một người chấp sự cầm đĩa có chứa ít huyết và lông bò hay heo mang ra ngoài đổ đi.

“ Chấp sự giả các tư kỳ sự” nghĩa là ai chăm chú vào việc người nấy.

             “Tế chủ dư chấp sự giả các nghệ quán tẩy sớ ”: tế chủ và các chấp sự đến chỗ chậu nước bên hương án rửa tay.

             “Quán tẩy”: rửa tay.

            “Thuế cận“: lau tay.

            “Bồi tế viên tựu vị“:  các chấp sự đứng vào vị trí của mình.

            “Tế chủ viên tựu vị“: Tế chủ bước vào chiếu của mình.

“Thượng hương” hai chắp sự một người bưng lư hương, một người bưng hộp trầm đưa cho chủ tế cầm lấy bỏ trầm vào lư rồi đưa lên vái một vái, rồi đưa lại cho chấp sự đặt lên hương án thờ thần.

            “Nghinh thần cúc cung bái” chủ tế và bồi tế đều lạy phục xuống.

“Hưng” thì đều đứng dậy, cứ theo lời đông xướng, tây xướng “hưng, bái” mà làm hết bốn lạy, khi nghe xướng “bình thân” chủ tế và bồi tế đứng ngay cho nghiêm.

            “Hành sơ hiền lễ“: dâng rượu lần đầu.

            “Chước tửu”:  rót rượu.

            “Nghệ tôn thần vị tiên” hai người nội tán dẫn tế chủ lên chiếu nhất.

            “Quỵ” tế chủ và bồi tế đều quỳ.

             “Tiên tước” một người chấp sự đưa bầu rượu cho tế chủ vái một vái rồi đưa lại.

            “Hiến tửu” những người chấp sự bưng rượu đi hai bên nâng cao đài rượu đưa vào nội điện đặt trên án thờ Thần rồi đi ra.

            “Hưng bình thân phục vị” tế chủ bồi tế cùng đứng dậy, tế chủ lui ra chiếu ngoài.

            “Độc chúc” hai người chấp sự vào trong nội điện mang văn tế ra. Nội án xướng “nghệ đọc chúc vị” rồi dẫn tế chủ lên chiếu trên.

            “Giai quỵ” tế chủ, bồi tế, hai người phụng chúc đều quỳ xuống.

            “Chuyển chúc” người phụng chúc đưa văn tế cho tề chủ vái một vái rồi đưa lại cho người đọc chúc.

“Độc chúc” người độc chúc đọc bài Văn tế thần, đọc vừa xong chủ tế lạy hai lạy rồi lui ra chiếu ngoài. Kế tiếp dâng hai tuần rượu nữa “á hiến lễ, chung hiền lễ” hết 3 tuần rượu thì nghe xướng.

            “Ẩm phúc” hai chấp sự vào Nội điện mang ra một ly rượu và khay trầu đưa cho chủ tế, tế chủ đưa ly rượu lên vái một vái rồi uống hết.

           “Thụ lộ” tế chủ cầm khay trầu vái một vái rồi lấy một miếng trầu ăn (ý là thần ban lộc), xong rồi lễ hai lạy lui ra chiếu ngoài.

            “Phần chúc” người đọc chúc mang văn tế đốt đi.

            “ Tạ lễ cúc cung bái” tất cả ban hành tế đều quỳ lạy 4 lạy.

            “Lễ tất” tức là việc nghi lễ tế đã xong. (lúc dâng nhang, rượu, đốt văn tế phường bát âm cử nhạc) sau lễ tất dân làng và bá tánh theo thứ tự vào lễ bái thần.

            Tế thần xong mọi người hạ lễ phẩm, một phần biếu các quan viên, còn lại thì làm cỗ đãi dân làng bá tánh đến thụ lộc của thần.

            Đại lễ Kỳ yên người ta còn tổ chức các trò vui chơi giải trí như cờ người, kéo co, múa lân sư, hát bội … để cho dân làng, bá tánh tham dự để hưởng phần phúc, lộc của thần ban cho.

            Tín ngưỡng thờ tế thần là thể loại di sản văn hóa phi vật thể, có tính nhân văn rất cao, nó có tính kết cấu cộng đồng và thể hiện sự tôn kính trong đạo lý làm người, thể hiện truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam “uống nước nhớ nguồn”. Ngày nay đất nước trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế cùng với sự phát triển kinh tế thịnh vượng, người dân có điều kiện phụng sự và duy trì tín ngưỡng thờ và tế lễ thần, thánh ở các đình, đền, miếu mạo tại các địa phương, không những bảo tồn sắc thái văn hóa truyền thống mà còn mang lại lợi ích kinh tế phát triển ngành Du lịch văn hóa, có những lễ hội tầm cỡ Quốc gia như lễ Nghinh Ông ở Đình Thắng Tam – TP. Vũng Tàu, lễ Vía Cô ở thị trấn Long Hải, đền Ông Trần ở xã đảo Long Sơn…

Đình, đền, miếu mạo là các địa chỉ tín ngưỡng cho du khách hành hương, khách du lịch trong và ngoài nước đến tìm hiểu, nghiên cứu, chiêm ngưỡng những kiến trúc cổ và hưởng thụ văn hóa dân gian của dân tộc Việt Nam nói chung, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu nói riêng, đó chính là bản sắc văn hóa dân tộc mãi mãi được bảo tồn và phát huy giá trị trong kho tàng di sản văn hóa Việt Nam.

      Tài liệu tham khảo:

  1. Sắc Thần ở Đình Thắng Tam / Phạm Chí Thân / DSVHBR-VT : 2002.- 74-76.
  2. Đình Miếu Nam Bộ và lễ hội dân gian / Sơn Nam / BNV- TP.HCM: 1992.
  3. Đình Thần Hòa Hiệp / Trương Thị  Yến / DSVHBR-VT : 2002.- 79-80.
  4. Đình Thần Long Điền / Võ Mai Hoa / DSVHBR-VT : 2004.- 41-44.

Nguyễn Thị Tươi


Translate »
san xuat moc khoa may ao thun Kem sữa chua Kem sữa chua trân châu