Tín ngưỡng dân gian của cư dân Mô Xoài

(08/08/2014)

Lưu dân người Việt từ các tỉnh Ngũ Quảng, Bình Định, Phú Yên vào xứ Mô Xoài khai phá, lập ấp, mở làng…cùng tiến hành song song với công việc tổ chức ổn định, an cư, lạc nghiệp. Điều vô cùng quan trọng đối với cư dân là dựng chùa, đình làng…ngay sau khi mới đặt chân đến.

Do chưa có điều kiện kinh tế những người có uy tín và lớn tuổi cùng bàn bạc và quyết định lựa chọn vị trí đất tối ưu nhất để cất chùa, dựng đình…Buổi đầu đình mới chỉ là một ngôi nhà tranh tre, vách lá…trải qua vài năm khi số dân phát triển, đất đai mở rộng, đời sống kinh tế dư dật, dễ chịu…bằng sự đồng thuận của bà con dân làng cùng nhau sửa sang, xây dựng thêm đình làng mỗi khi bước vào lễ kỳ yên. Những ngôi đình ra đời gắn liền với đời sống tâm linh của cộng đồng cư dân khi đến lập nghiệp tại vùng đất mới. Những ngôi đình trên vùng đất Bà Rịa – Vũng Tàu hiện nay do tác động của thiên nhiên, chiến tranh, biến đổi điều kiện kinh tế, lịch sử…tuy vẫn hiện diện trên vị trí nền móng cũ nhưng kiểu dáng, qui mô, chất liệu… đều thay đổi qua các đợt sửa chữa, trùng tu, tôn tạo của mỗi địa phương. Nhiều ngôi đình có điều kiện kinh tế được dân làng ủng hộ xây dựng bề thế vào những năm đầu thế kỷ XX: Thắng Nhất, Thắng Nhì, Thắng Tam, Long Sơn (Vũng Tàu), Đình Long Hương, Phước Lễ, (thành phố Bà Rịa), Long Điền, Hắc Lăng (Long Điền), Phước Hòa, Thạnh Mỹ, Phước Hải (Đất Đỏ), Mỹ Xuân (Tân Thành), Xuyên Mộc (hưyện Xuyên Mộc)…ngày nay vẫn được các thế hệ kế tiếp gìn giữ, bảo tồn trân trọng nguyên vẹn cùng với các nghi thức cúng tế truyền thống lâu đời. Điều quí giá nhất tại một số ngôi đình vẫn giữ được sắc phong, các bài văn tế trong lễ Tiền hiền, Đàn cả…Đình Thắng Tam, Hắc Lăng, Long Hương…đặc biệt nhất là các đối tượng phối thờ được bài trí trang nghiêm, theo đúng tiền lệ. Bài tham luận này trình bày bước đầu tìm hiểu về các đối tượng thờ tự trong các ngôi đình tiêu biểu ở Bà Rịa – Vũng Tàu. Quá trình khảo sát các đình thần ở trong tỉnh chúng tôi thấy những đối tượng được thờ: Thành Hoàng Bổn Cảnh, Thánh mẫu Thiên YANa, Cao Các, Thần Nông, ngoài ra còn thờ tự các đối tượng khác: Thần Hổ, Ngũ Nguyên thần tướng, Sơn Quân thần tướng.

Thần Thành Hoàng còn gọi là Thành Hoàng Bổn Cảnh thông thường đặt ở trung tâm chánh điện với chữ Thần bằng chữ Hán màu vàng, trên nền màu đỏ. Theo âm Hán – Việt, thành là thành lũy, hào là hào luỹ. Thần Thành Hoàng nói chung là vị phúc thần phù hộ độ trì cho cộng đồng dân cư khi đến khai hoang lập ấp ở vùng đất mới. Ở Trung Hoa Thành Hoàng là tín ngưỡng gắn liền với tầng lớp thị dân từ kinh đô xuống phủ, huyện, ở nông thôn chỉ thờ miếu Thổ Địa. Người Việt Nam thờ tín ngưỡng Thành Hoàng mang yếu tố nông nghiệp, các làng xã từ thành thị đến nông thôn đều cũng thờ Thành Hoàng tại trung tâm của đình làng. Vị thần với chức năng bảo hộ, phát triển cộng đồng. Khi di cư đến vùng đất mới người nông dân thường xuyên đối mặt với bao khó khăn, hiểm nguy. Để có chỗ dựa về tinh thần vượt qua mọi thử thách vì vậy họ đã thờ Thần Hoàng ngay ở vùng đất mới. Theo quan niệm tín ngưỡng của người Việt, đi cùng với Thần còn có nhiều ban bệ giúp việc khác. Gần sát với thần là Tả Ban, Hữu Ban gồm hai đội quân hộ tống bảo vệ cho Thần. Ngoài ra còn có Hội đồng Ngoại và Hội đồng Nội là hai bộ phận giúp việc cho Thần. Cho nên tại chánh điện đình làng ở Bà Rịa – Vũng Tàu ở phía trước bàn thờ trung tâm, hai bên tay trái và phải thường bài trí đặt các bàn thờ có ý nghĩa tượng trưng cho hệ thống đội quân bảo vệ và giúp việc cho Thần là: Tả Ban, Hữu Ban, Hội đồng Nội, Hội đồng Ngoại.

Những cư dân sống bằng chài lưới hay thương hồ đã đồng hóa Thánh Mẫu Thiên YAna và Thủy Long thần nữ thành vị thần bảo hộ và cai quản các bến bãi, ven sông ven biển dưới dạng Bà Chúa Xứ. Danh tánh Thánh mẫu Thiên Yana thường được nhắc đến trong lời văn khấn cúng Tiền Hiền ở ngôi vị Bà Chúa Xứ trong văn tế lễ Kỳ Yên hằng năm các đình làng ở Bà Rịa – Vũng Tàu. Thánh mẫu Thiên Yana trở thành vị nữ thần đóng vai trò quan trọng đối với tín ngưỡng truyền thống dân gian của cư dân người Việt. Tại đình Thắng Tam vị trí của nữ thần Thiên Yana được thờ phụng ở phía bàn thờ hàng đầu tiên bên tay trái, đối diện với bàn thờ Thần Nông. Đình Thắng Thần, Thắng Nhì nằm trong chánh điện, phía bên tay trái bàn thờ Thần. Tại đây còn gìn giữ một số sắc thần của Thiên Yana với tên mỹ tự đầy đủ là ”Hồng Huệ Phổ tế Linh Cảm Diệu Thông Thiên YA Na Diễn Ngọc phi thượng đẳng thần”. Tại đình Thắng Nhất, thờ Bà Thiên Yana (Bà Chúa Xứ Sở) có câu đối ca ngợi công đức như sau: “Chúa chiếu quang huy khai xã tắc Xứ lưu công đức hộ tí dân”(Chúa soi sáng ngời khai đất nước. Xứ để công đức giúp nhân dân). Theo nghĩa chữ Hán thiên là trời, YANA theo nghĩa phiên âm của chữ Chăm là mẹ. Thiên Yana nghĩa là thần Mẹ Trời, là vị thần trong thần thoại của cộng đồng dân tộc Chăm, thờ ở Tháp Bà, vốn một di tích cổ của dân tộc Chăm, xã Đại An gần cù lao Huân, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Thay vì bức tương nữ Thần Chăm nguyên mẫu đặt trên bệ đá hình Yoni, thể hiện dưới dạng UMa, vợ của thần Shiva (thần Hủy diệt), thì nay người Việt đã Việt hóa thành bức tượng với gương mặt, mũ mão giống một Thánh mẫu của người Việt. Ngôi tháp thờ Pô Inư Nưga, Bà mẹ Xứ Sở của người Chăm trở thành ngôi đền thờ thánh mẫu Thiên Ynana của người Việt. Quá trình này diễn ra từ thế kỷ XIII đến thế kỷ XVII, XVIII…

Tục thờ Tiền hiền, Hậu hiềnTiền hiền là những người có công qui dân lập làng. Trước đây muốn lập làng phải mộ dân đi khai hoang rồi nộp đơn chờ quan trên phê chuẩn đồng ý và đợi triều đình quyết định. Các bậc tiền hiền được thờ phụng ở đình làng là những người có gốc gác từ vùng Ngũ Quảng hay Bình Định đã dẫn đầu đoàn lưu dân vượt biển bằng thuyền buồm trải qua bao sóng gió bão bùng để đi tìm những vùng đất hoang dã để lập làng mở cõi. Những người tiên phong đi tìm miền đất mới với ý chí quyết tâm bền bỉ, đám nhận về mình khó khăn, hiểm nguy, có uy tín, có đạo cao, đức trọng, tính tình ngay thẳng, trong sạch, qui tụ được dân làng, sẵn sàng chia sẻ vật chất, tinh thần với mọi người…những người này qua đời được tôn vinh là Tiền hiền. Hậu hiền là lớp con cháu, nối tiếp Tiền hiền có nhiều đóng góp trong việc xây dựng những công trình phúc lợi phục vụ thiết thực cho cộng đồng làng, xã đình, chùa, miếu, bắc cầu đắp đường, làm chợ. mở mang ruộng đồng…

Thờ Tiên sư: Tiên sư là các bậc thầy đời trước có công lao rất lớn truyền nghề dạy nghề nghiệp, hay những bậc thầy dạy về đạo lý làm người hoặc những người tìm ra phương pháp mới thiết thực nhằm phát triển kinh tế cho dân làng.

Thờ thần Hổ: xưa kia vùng đất xứ Mô Xoài còn rừng rậm, hoang vu có nhiều thú dự đặc biệt là cọp, thường xuyên xâm phạm đến con người và phá hoại vật nuôi của cư dân trong xóm làng. Do vậy tín ngưỡng thờ thần Hổ nhằm mục đích taọ niềm tin bình an, yên ổn cho cư dân buổi dầu khai hoang lậo ấp. Theo truyền thuyết xưa để lại trong làng xã hội đồng kỳ mục chỉ được cử đến chức Hương Chủ, còn chức Hương cả là chức vụ cao nhất đứng đầu của làng phải dành cho Cọp. Nhiều đình làng hiện nay ở Bà Rịa – Vũng Tàu vẫn còn miếu thờ ông Cả Cọp. Hằng năm đều phải cúng vật phẩm cúng Thần Hổ gồm trà, rượu, nhang đèn, thịt heo sống và trứng gà, vịt sống. Cứ ba năm một lần, nếu ai trái lệ tục này thì bị cọp về móc họng. Hằng năm dân làng phải làm lễ Bầu Ông cúng cho ông Cả Cọp một cái thủ vĩ và dâng tờ cử chức Hương Cả. Miếu thờ Cả cọp thường ở gần đình, có đặt bài vị ”Sơn Quân chi thần”,”Lý Nhi đại tuớng quân”, Sơn Lâm Hổ Lang chi thần”, “ Hộ đồng hương chi thần”, “Mãnh hổ đạ tướng quân”, “Ngũ Hổ đại tướng quân”Hiện nay ở đình Thắng Nhát, Thắng Nhì, Long Hương, Long Điền thờ ông Hổ với nhiều câu đối ở đình Thắng Nhất: “Bạch trạch đạt tình trạng thần thánh, hổ đam hùng thị trấn yêu tà” (Trán trắng nhìn tình trạng nghiêm thắng, mắt nhìn uy mãnh trấn yêu tà), đình Thắng Nhì: “Sơn quân uy thế tại,thần tuớng vạn cổ tồn” (Uy thế Sơn Quân đó, ngàn xưa thần tường còn), ở đình Long Hương, phường Long Hương, thành phố Bà Rịa: ”Uy linh kiến đình tự, chủ tướng nơi rừng núi” (Oai linh ở miếu đình, chủ tương nơi rừng núi). Thờ thần Hổ trong đình làng thời xứ Mô Xoài là một dạng tín ngưỡng hình thành từ thời khai hoang còn lại đến ngày nay. Theo truyền thuyết dân gian ở mỗi cụm rừng đều có một vị Sơn lâm chúa tể. Vị thần hổ này chống lại thú dữ, giúp đỡ, bảo vệ mùa màng cho dân làng. Hình ảnh long hổ hội, hay chúa sơn lâm tượng trưng cho âm dương ngũ hành hoà hợp, cầu mong mưa thuận gió hoà, hoặc là vị thần hộ vệ cho Thành Hoàng Bổn Cảnh, bảo vệ cuộc sống bình an cho cộng đồng dân cư. Đây là dạng tín ngưỡng dân gian của người xưa được hình thành và củng cố tinh thần của cư dân khai hoang mở đất ở những nơi ven rừng núi, thể hiện dâu tích của một thời tung hoành gây biết bao nỗi kinh hoàng cho bao người.

Lang Lại Nhị đại Tướng quân còn gọi là Lang Thát Nhị Đại tướng quân hay Đông Hải Nhị Đại tướng quân tức là hai vị thần Rái cá, thần phù hộ người đánh cá trên sông, biển theo quan niệm đi khai hoang lập nghiệp hễ nơi nào có rái cá là có thể lập nghiệp được. Hiện nay đình Thắng Tam, thành phố Vũng Tàu vân còn thờ hai vị thần này.

Người Việt xứ Mô Xoài trong buổi đầu khai hoang mở đất nhưng từ trong sâu thẳm của tâm thức luôn luôn hướng về cội nguồn quê hương xứ sở để có thêm ý chí, nghị lực, sức mạnh cùng nhau đoàn kết, động viên, nỗ lực vượt qua, chiến thắng mọi gian nan, thử thách trên vùng đất mới. Quá trình lịch sử đó ông cha ta đã kế thừa và du nhập thêm những vị thần mới để thờ tự trong đình làng phù hợp từng địa phưong, khu vực tạo thành bản sắc tín ngưỡng dân gian độc đáo của cư dân xứ Mô Xoài nhưng lại gần gũi, gắn bó mật thiết với truyền thống văn hóa cội nguồn của dân tộc Việt Nam nói chung và Nam Bộ nói riêng.

TRƯƠNG VĂN KHÔI

Trưởng BQL Di Tích Đình Thắng Tam – Vũng Tàu

________________

Tài liệu tham khảo:

– Hồ Tường, Nguyễn Hữu Thế, Đình ở thành phố Hồ Chí Minh, NXB Trẻ, 2005.

– Nguyễn Duy Hinh, Tín ngưỡng Thành Hoàng Việt Nam, NXB khoa học Xã hội , Hà Nội 1996.

– Hà Văn Tấn, Nguyễn Văn Cự, Đình Việt Nam, NXB TP Hồ Chí Minh, 1998.

– Huỳnh Ngọc Trảng, Trương Ngọc Tường, Đình Nam Bộ xưa nay. NXB Đồng Nai, 1999.


Translate »
san xuat moc khoa may ao thun Kem sữa chua Kem sữa chua trân châu