Vòng (tường) thành Long Điền xưa – dấu tích kiến trúc đồn lũy của người Việt

(07/08/2014)

Dẫn theo nhiều tài liệu về thành (lũy) vùng đất Mô Xoài, tháng 6 năm 2008, Bảo tàng Tổng hợp Bà Rịa – Vũng Tàu phối hợp Trung tâm Nghiên cứu Khảo cổ (Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ) tiến hành điều tra khảo sát khu vực di tích đình Thần Long Điền thuộc ấp Long Phượng, thị trấn Long Điền, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, phát hiện dấu vết một vòng tường thành cổ bao quanh, phía tây, nam và bắc ngôi đình.

Hiện tại trong khuôn viên đình Long Phượng tường thanh phía tây dài 54m, cao trung bình 3m, dày 0,80m xây bằng đá ong (laterit) lẫn gạch đinh còn khá nguyên về hình dánh. Giữa đoạn tường dài này là một cổng, phía trên trang trí hình án thư, cổng thành rộng hơn 2m cao 3,3m, trụ dày 0,6m, có vọng lâu (mái che hình nón lợp bằng ngói máng), mặt cổng quay về nam, mảng tường hai bên phía trong tô cát vữa khắc nổi hàng chữ Hán còn đọc được: Nam vọng thông quang các…Bắc quan thanh lãng tân thành môn…Trên đỉnh hai cột giả hình trụ tròn, là hai búp sen lớn. Quan sát mảng tường đá ong xây lẫn gạch đinh cho thấy hiện trạng bức tường cổ xưa còn khá nguyên kiểu dáng. Đối với án thư và búp sen, các chi tiết cấu kiện đã được sửa chữa tôn tạo nhiều lần khi xây mới ngôi đình này vào đầu thế kỷ XX.

Bức tường phía bắc, phần trên bị phá hủy hoàn toàn, còn lại chân móng dày 1 – 2 lớp đá ong nối từ trụ vuông góc hướng tây bắc của bức tường phía tây chạy về phía đông chiều dài 28m, tiếp theo về phía đông là một vỉa đá bị xáo trộn với những khối đá ong nằm lẫn những tảng hoa cương không thẳng hàng. Tường phía nam bị mất hết phần gạch đá trên một đoạn dài khoảng 22m. Đoạn khác còn lại dài 26m từ đó xác định tổng chiều dài của cạnh tường là 48m.

Ngoài dấu tích tường thành, khu vực đình Long điền còn hai giếng cổ xây đá ong. Giếng phía bắc nằm trong vòng tường (cách chân tường phía nam 2,40m) phần âm xây hình tròn đường kính rộng 1m, phần dương xây vuông cao 0,70m, dày 0,20m hiện đang sử dụng. Giếng phía nam nằm ngoài vòng tường, phần âm hình tròn xây đá ong, phần dương xây gạch tô xi măng cát vữa nay đang bỏ phế. Dựa vào vị trí hiện tại, giếng có thể được xây vào thời kỳ tái tạo đình.

Bên cạnh tường thành cổ Long Điền là Bàu Thành (có tên gọi là Bàu Tượng hay Bàu Voi) hình chữ nhật nằm theo hướng đông tây, xung quanh có bờ đất đắp lớn, chân rộng từ 20m – 25m, cao trung bình 5m bề mặt tạo đường rộng 5m – 6m, chiều ngang bàu 250m dài khoảng 450m, diện tích rộng gần 12ha, cách đình Long Điền 100m về phía đông, nối liền với gò cho thấy hai địa điểm này nằm trên cùng một trục, đây thuộc loại di tích Gò – Bàu, xuất hiện khoảng thế kỷ IX – XII như nhiều địa danh khác ở Nam bộ. Mặt khác những lưu dân người Việt đầu tiên tới khẩn hoang lập ấp tại vùng đất Mô Xoài từ trước những năm 1670 (khu vực Long Điền, Phước Lễ ngày nay) đã chứng kiến việc quân Chân Lạp thả đàn voi chiến tắm và uống nước dưới bàu, nên gọi tên là Bàu Tượng (Bàu Voi). Qua nghiên cứu dấu tích Bàu Thành cùng bức tường thành cổ đình Long Điền, đang có nhiều ý kiến nhận xét:

Ông Trần Minh Trí 86 tuổi cán bộ hưu trí qua nhiều năm nghiên cứu, ông nhận định, bức tường cổ nằm phía sau đình Long Phượng (Long Điền), phải chăng là Ô Quan Chưởng, hình ảnh của Thăng Long thành xa xưa còn tồn tại ở đây. Ông cho rằng giống như kinh đô Thăng Long thời chúa Trịnh Doanh cho xây đắp, gọi là thành Đại Đô vào năm 1749, thành mở 8 ô cửa. Ô Quan Chưởng là một trong nhiều cửa tòa thành đất bao bọc, mỗi cửa ô thường xuyên có lính gác. Tường thành đình Long Điền hiện còn nguyên một ô chính và 2 ô Phụ, trên nóc ô cửa chính là một vọng lâu, phải chăng dấu tích thành Bà Rịa còn sót lại đến nay tại Long Điền, hình dáng dấu tích còn lại của bức tường thành như gắn liền lịch sử ngàn năm Thăng Long Hà Nội. Ông kiến nghị với cơ quan chức năng cùng chính quyền các cấp quan tâm tới việc phục hồi bảo tồn toàn bộ kiến trúc đoạn tường thành này.

Qua khảo sát quần thể các kiến trúc Tiền sỹ Đào Linh Côn chuyên gia khảo cổ học nhận thấy đình tọa lạc trên một gò, tên gọi dân gian của lưu dân Việt dùng để chỉ những địa điểm trong vùng họ đang sinh sống là cái đồn trên cái gò, tượng tự tên gọi như Gò Cây Me, Gò Cây Cám, Gò Tháp, Gò Đình ở nhiều địa phương khác thuộc Nam bộ…từ đó cho thấy trước khi xây dựng đình Long Điền, trên gò cát này đã có một kiến trúc (dạng tường thành, đồn) có qui mô nhỏ (nên dân trong vùng gọi Gò Đồn). Tuy nhiên trong một số tài liệu ghi chép sự kiện lịch sử chỉ nói tới những thành, đồn lũy đắp đất mà không thấy nhắc tới những thành, lũy hoặc đồn xây bằng gạch hoặc đá. So sánh dấu vết vòng tường thành này với những tư liệu về thành, đồn lũy cho thấy tại đây không chỉ biểu hiện của đồn trại, (qui mô nhỏ), hai bên tường vách thẳng đứng, bên ngoài không thấy dấu vết lũy đắp đất nên vòng thành này có thể là một chức năng khác quan trọng hơn.

Dựa vào đặc diểm cấu trúc vòng tường, tài liệu lịch sử và những lưu truyền trong dân gian như ông Phan Văn Mão (98 tuổi) cố vấn Đình Thần Long Điền nhận định, vòng tường thành này có thể là dấu vết của một “đồn kho”, chính xác hơn là một “đồn thu thuế” hay “trường khố”, nơi thâu trữ thuế khóa, cấp lương bổng trong thời kỳ mà nhà Nguyễn chưa có sự phân thiết hành chánh rõ ràng và chưa lập sở, nha cai trị vững chắc. Ngoài ra cũng không loại trừ khả năng dấu di của một “đồn dinh”- nơi dành cho quan tổng trấn trong vùng (?). Niên đại của vòng tường thành vào khoảng nửa cuối thế kỷ XVIII (sau năm 1780, khi Nguyễn Ánh làm chủ hoàn toàn vùng đất Nam Bộ).

Trong cuốn Địa chí Bà Rịa – Vũng Tàu. Nhà xuất bản khoa hoc xã hội, Hà nội 2005 viết: “Cuối thế kỷ XIX, làng Long Điền đứng đầu sổ của tỉnh Bà Rịa về số dân đông tới 5.726 người. Từ thế kỷ thứ XVI đây là vùng đất hoang chưa được khai phá. Đến thế kỷ thứ XVII, là nơi đóng quân của Bô Tâm, mà dấu vết còn lại đến hôm nay là “Bàu Thành” một ao nước nhân tạo chu vi 600 m, dành cho voi tắm. Trịnh Hoài Đức trong sách “Gia Định thành thông chí” gọi tên “Dục tượng trì” (ao tắm voi). Sau này người Pháp đến đặt tấm bảng bằng bê tông đề chữ: “Mare Aux ÉléphanTS”, còn dân gian thì gọi Bàu Thành (một cái bàu nước nằm bên cạnh một thành cổ của người Khơme) Hiện nay trên gò đất cao (bên cạnh) vẫn còn lưu dấu một đoạn thành lũy xưa xây bằng đá ong”.

Việc phát hiện chân móng tường đá ong gần như nằm ngay trên mặt lớp đất, mặt bằng địa tầng có nhiều ngói, mảnh gốm sành sứ, các loại đồ đựng như lu, vại, vò của người Việt thời nhà Nguyễn, là bằng chứng xác định vòng tường này được xây dựng vào thời kỳ đầu nhà Nguyễn.

Nghiên cứu về một số thành lũy ở Nam bộ. Tập san Xưa và nay số 52B tháng 6/1998 tác giả Đỗ Văn Anh viết: Olivier De Puymanel có xây thành Biên Hòa, Mỹ Tho? cho biết vùng đất Nam Bộ xưa có 6 thành là: Vĩnh Long, Hà Tiên, Mỹ Tho, Biên Hoà, Châu Đốc và Bà Rịa. Thời gian xây dựng: “Trong số 6 thành này, chúng ta biết rõ các thành này xây trước khi Bá Đa Lộc bỏ Hà Tiên về ở bên cạnh Nguyễn Ánh ở miền hạ Nam Kỳ (1789). Trước khi Olivier về với Nguyễn Ánh (1788) và Trần Văn Học, phụ trách việc phiên dịch tiếng nước ngoài, đo vẽ bản đồ xây đắp đồn bảo (1787). Đó là thành Hà Tiên xây năm 1718, Thành Châu Đốc (1816) và thành Bà Rịa mà chúng tôi chưa tìm ra ngày tháng xây dựng chính xác. Tuy nhiên cứ theo những sự kiện sau đây, thành này phải được xây trong thời kỳ chiến tranh giữa Nguyễn Ánh với Tây Sơn.

Như vậy thành là đồn binh cấu trúc kiên cố giúp quân lính canh canh phòng kiểm soát chặt chẽ, để thực hiện các hoạt động quân sự bảo vệ chính quyền trong vùng. Từ những gì còn sót lại của bức tường cổ qua khảo sát có thể khẳng định đây không phải là một thành quách quân sự như đã nêu, rất có thể dấu tích này là nơi làm việc phủ Phứơc Tuy trước đây. Theo sách “Đại Nam nhất thống chí” thì xưa phủ lỵ nằm tại thôn Long Điền đến năm 1839 được chuyển lên làng Phước Lễ. Sau khi phủ lỵ chuyển đi nơi đây có thể trở thành mộ đồn binh hay như ý kiến của ông Phan Văn Mão cố vấn đình Thần Long Điền đưa ra giả định: Vòng tường này là dấu vết của một “đồn kho”, “đồn thu thuế” hoặc “trường khố” nơi thâu trữ thuế khóa, chi cấp lương bổng trong thời nhà Nguyễn. Sau khi hết chức năng hoặc chuyển các họat động đi nơi khác vùng đất Long Điền phát triển thành khu dân cư trù phú, theo đó đình được xây dựng lên và tồn tại cho tới ngày nay. Diện tích vòng tường bao quanh đình Long Điền cho thấy rộng khoảng 2.700m2. Thời gian xây dựng của vòng tường, vào khoảng nửa cuối thế kỷ XVIII là hoàn toàn có cơ sở. Còn thành Bà Rịa có hay không và nằm ở đâu là vấn đề đang bỏ ngỏ, rất cần có sự nghiên cứu của các nhà khoa học.

Mô Xoài là tên xưa của vùng đất thuộc làng Long Hương, Phước Lễ, Long Kiên, Long Xuyên (nay thuộc thành phố Bà Rịa), nơi địa đầu của lớp cư dân người Việt đặt chân vào khai phá vùng đất Nam bộ. Mô Xoài còn được đặt tên cho các công trình quân sự: Lũy Mô Xoài, luỹ Hưng Phước, cũng gọi là luỹ Phước Tứ, lũy Bô Tâm, nằm ở khu vực Bàu Thành, nay thuộc thị trấn Long Điền, huyện Long Điền. Luỹ Mô Xoài (lũy Phước Tứ) – Bàu Thành chính là di tích xưa nhất của người Việt ở Nam bộ, thời khai hoang, mở cõi đất phương Nam. Các ngôi đình Long Hương, Phước Lễ, Long Kiên, Long Xuyên, Long Điền xem là xưa nhất của người Việt tại vùng đất này… Những dấu ấn lịch sử thời khai phá Mô Xoài còn lại trong tại vùng đất địa đầu này không chỉ là di tích khảo cổ, thành lũy, công trình hiến trúc đền đài, các mối quan hệ địa lý nhân văn, dân cư, ruộng đất, đời sống vật chất và tinh thần, hệ thống giao thông, cung trạm, đường thiên lý, mà còn là mối quan hệ giao lưu kinh tế văn hoá, các nhân vật lịch sử liên quan đến quá trình khai đất mở đất từ xứ Mô Xoài đến Nam kỳ lục tỉnh cần được giới sử học các nhà nghiên cứu quan tâm, góp phần làm sáng tỏ hơn./.

ĐỨC THỊNH

Bảo Tàng Bà Rịa – Vũng Tàu

_________________

Tài liệu tham khảo:

– Báo cáo điều tra khảo sát khảo cổ đìnhh long Điền, Trung tâm khảo cổ, Viện khoa học xã hội vùng Nam Bộ, TS Đào Linh Côn.

– Hồ sơ di tích đình Long Điền, Bảo tàng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

– Kiến nghị bảo tồn Ô Quan Chưởng. ông Trần Minh Trí


Translate »
san xuat moc khoa may ao thun Kem sữa chua Kem sữa chua trân châu