Tục ăn trầu
Theo sử sách thì tục ăn trầu của người Việt có từ thời Hùng Vương qua truyện “Sự tích trầu cau”. Chuyện kể là vào đời vua Hùng Vương thứ tư có hai anh em tên Tân và Lang rất thương yêu nhau, hai anh em giống nhau như hai giọt nước, khó mà phân biệt được ai là anh và ai là em. Tân sau khi có vợ thì không còn chăm sóc đến em như trước nữa. Lang lấy làm buồn rầu và bỏ nhà ra đi. Tới bên bờ suối thì Lang mệt quá, gục xuống chết và hóa thành tảng đá vôi. Tân, không thấy em về, vì thương em nên quyết đi tìm. Đi đến bờ suối thì Tân mệt lả và chết, biến thành cây cau bên tảng đá vôi. Vợ Tân không thấy chồng cũng bỏ đi tìm. Nàng tìm đến bờ suối, ngồi dựa vào thân cau mà chết, biến thành dây trầu không. Trầu, cau và vôi khi quện lại với nhau tạo ra sắc đỏ như máu, nên sau có vua Hùng Vương đi tuần qua, nghe thấy câu chuyện trên mà dạy cho dân Việt hãy dùng ba thứ vôi, cau và trầu làm biểu tượng tình nghĩa thắm thiết anh em, vợ chồng. Ngôi đền thờ ba người hiện nay là đền Tam Khương ở làng Nam Hoa, huyện Nam Đàn (Nghệ An) mà các triều đại phong kiến vẫn ban sắc phong.
Sách “Gia Định Thành Thông Chí” của Trịnh Hoài Đức chép về tục Tết Nguyên Đán ở Gia Định xưa như sau: khi khách đến nhà, đầu tiên gia chủ bày trầu cau, sau mới dọn tiếp cơm bánh, thết đãi chu đáo, không kể là người thân sơ, quen lạ, tất cả đều được tiếp đãi đàng hoàng.
Trong văn thơ xưa trầu cau cũng được nhắc đến rất nhiều, trong Nam Kỳ phong tục nhơn vật diễn ca của Nguyễn Liên Phong đầu thế kỷ XX, đã xếp cây cau là sản vật số 1 của Biên Hòa:
“Thổ sản thứ nhứt là cau
Cau khô xứ ấy ăn lâu đẹp tình”
Giáo sư, Tiến sĩ khoa học, Viện sĩ Trần Ngọc Thêm trong công trình Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam có nêu: “Cây trầu, cây cau đã có trên đất Việt Nam từ hàng mấy ngàn năm trước công nguyên, từng là cây vật tổ của nhiều vùng; một trong hai thị tộc lớn của người Chăm có tên là thị tộc Cau”.
Miếng trầu xuất hiện nhiều trong đời sống sinh hoạt của người dân Việt. Như người xưa đã nói “Miếng trầu là đầu câu chuyện”, trầu dùng để mời khách đến chơi nhà. Mâm cỗ cúng gia tiên cũng không thể thiếu được miếng trầu. Tiệc cưới có đĩa trầu để chia vui. Miếng trầu, còn là tượng trưng cho tình yêu lứa đôi; miếng trầu đi đầu, tác hợp cho lứa đôi và là sợi dây kết chặt mối lương duyên trai, gái thành vợ thành chồng. Để đưa mâm lễ sang thưa chuyện nhà gái, nhà trai không thể thiếu được lá trầu, quả cau.
Đối với người Việt Nam, trầu cau không chỉ dừng lại ở một phong tục lâu đời mà ẩn chứa trong đó là một câu chuyện về triết lý nhân sinh, văn hóa giao tiếp, ứng xử trong cộng đồng, là ngôn ngữ biểu đạt tình cảm giữa con người với nhau, thông qua miếng trầu gắn kết tình thân, tình cảm gia đình, bạn bè, làng xóm.
Ảnh: Bà Nguyễn Thị Thắm – Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ
cùng khách tham quan trong không gian tái hiện tục ăn trầu
Về triết lý nhân sinh, tục ăn trầu là sự tổng hợp biện chứng hài hòa của nhiều chất khác nhau, biểu trưng cho âm dương, tam tài. Cụ thể, cây cau là biểu tượng của dương khi luôn vươn lên cao, hướng lên trời; vôi là biểu tượng cho âm khi là một tảng đá, đất; còn dây trầu là biểu tượng của sự trung gian giữa âm – dương, kết hợp khi mọc lên từ đất, quấn quýt lấy thân cây cau, hướng lên trời. Trong văn hóa giao tiếp, ứng xử, trầu cau trở thành một biểu tượng văn hóa đặc biệt. Ông bà ta sử dụng trầu cau như một phương tiện mở đầu cuộc giao tiếp khi xưa nên mới có câu “Miếng trầu là đầu câu chuyện”.
Theo tục ăn trầu, khi khách đến nhà, trước tiên, chủ nhà phải mang một cái bát có đựng nước kèm theo một cái muỗng (môi) đặt trên một cái đài để khách súc miệng. Sau đó, chủ nhà mang khay trầu ra tiếp đãi. Trên khay có đĩa đựng trầu, đĩa dựng cau, hủ vôi, hộp thuốc xỉa, dao, đĩa đựng vỏ giấy, vỏ cau… dưới chân lúc nào cũng có một ống nhổ lớn để khách nhổ bả trầu, nước trầu. Nếu khách là người ở tuổi trung niên, có thể nhai miếng trầu trực tiếp và tận hưởng hương vị cay, thơm của miếng trầu. Nếu là người già, sẽ cho miếng trầu têm vào ống ngoáy để ngoáy cho mềm và sau đó mới nhai trầu.
Bộ dụng cụ ăn trầu được làm bằng nhiều nguyên liệu da dạng từ chất liệu kim loại như: đồng, bạc cho đến gốm, bao gồm cơi đựng trầu hoặc khay trầu, bình vôi, chìa vôi, dao bổ cau, ống ngoáy, chìa ngoáy, hộp thuốc xỉa, dĩa đựng trầu cau và ống nhổ. Hoa văn trang trí dụng cụ ăn trầu thường là những nét hoa văn, chạm trổ về phong cảnh quê hương đất nước, hoa lá hay động vật.
Ảnh: Bộ sưu tập dụng cụ ăn trầu của Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ
Nguyên liệu ăn trầu cau sẽ gồm lá trầu (loại lá có màu xanh sẫm bóng và có các gân nổi rõ ở mặt bên dưới), quả cau (có màu xanh ánh vàng, hình nón, kích thước xấp xỉ cỡ quả trứng gà, bên trong lốm đốm) và ít vôi (loại vôi tôi để lâu, nhão, màu trắng hoặc màu hồng, thường bán chung ở nơi mua trầu cau). Lá trầu và cau sẽ được cất trong cơi trầu làm bằng đồng, vôi thì đặt trong bình vôi. Đầu tiên, người ta sẽ bổ cau ra làm sáu miếng nhỏ. Cau được chọn phải là cau tươi hoặc cau khô. Nếu là cau khô thì cần ngâm nước trước khi ăn khoảng 20 phút cho cau mềm ra. Tiếp đến, người ta sẽ dùng chìa vôi để quét vôi lên lá trầu, gấp lại rồi lấy một miếng cau vào miệng nhai nát hỗn hợp 3 món này. Nếu những người lớn tuổi hoặc những người răng yếu thì sẽ cho hỗn hợp trầu cau và vôi vào ống giã trầu. Đây là dụng cụ có hình dáng tương tự như chum uống rượu với kích thước to nhỏ khác nhau tùy vào nhu cầu người dùng. Tiếp đến, người ta sẽ dùng một cái que bằng kim loại (gọi là ống ngoáy trầu) để nghiền nhỏ lá trầu và quả cau ra rồi mới nhai hỗn hợp này.
Trong đời sống hằng ngày, người ta ăn trầu theo một cách đơn giản. Thế nhưng, vào những dịp quan trọng như đám cưới, đám hỏi, lễ hội thì miếng trầu sẽ được xếp cầu kỳ hơn và cách têm đó gọi là têm trầu cánh phượng. Để têm được miếng trầu đẹp, gồm: cau, lá trầu, thuốc xỉa và vôi, đòi hỏi người tiêm trầu phải khéo tay, gấp nếp miếng trầu vuông vắn. Têm trầu cánh phượng của người Việt: “Quả cau nho nhỏ, lá trầu xanh.” Người Việt xưa coi việc têm trầu là một nghệ thuật. Nói đến trầu têm cánh phượng là nói đến miếng trầu vùng Kinh Bắc. Cũng vẫn nguyên liệu ấy, nhưng cách têm đẹp, kiểu cách, đã thể hiện sự khéo léo của những liền chị, người gái quê Kinh Bắc. Vì thế, miếng trầu có sức hấp dẫn đặc biệt và để lại ấn tượng sâu sắc cho bất cứ ai, dù chỉ một lần được mời. Nhìn miếng trầu têm có thể phán đoán được tính cách, nết người têm trầu. Miếng trầu têm vụng về là người không khéo tay; miếng trầu nhỏ miếng cau to là người không biết tính toán làm ăn; miếng trầu quệt nhiều vôi là người hoang phí không biết lo xa.
Cho đến ngày nay, tuy tục ăn trầu ít phổ biến như xưa lá trầu vẫn mang một ý nghĩa sâu xa nhất định trên nhiều lĩnh vực như y học, tâm lý xã hội, bản sắc truyền thống dân tộc,… Trầu cau chỉ là một thứ nhai chơi, tuy đơn sơ nhưng vẫn là thứ không thể thiếu trong việc giao hiếu, kết thân, lễ tế, cưới hỏi, bởi miếng trầu đã mang đậm dấu ấn văn hóa Việt Nam.Những vật dụng dùng trong tục ăn trầu giờ đây đã trở thành di sản của một phong tục tập quán tốt đẹp được lưu giữ mãi trong mỗi người Việt chúng ta.
Hiện tại Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ đang lưu giữ bộ sưu tập hiện vật về tục ăn trầu, đa dạng về chủng loại, kiểu dáng, chất liệu và kích thước. Trong những năm qua, với mục đích giới thiệu đến khách tham quan tục ăn trầu thông qua những bộ sưu tập về dụng cụ ăn trầu, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ đã phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh, Bảo tàng Thành Phố Hồ Chí Minh, Bảo tàng Mỹ Thuật TP.HCM, Bảo tàng Cần Thơ, Bảo tàng An Giang, Bảo tàng Vĩnh Long,… thực hiện trưng bày chuyên đề “Tục ăn trầu”. Chuyên đề đã thu hút được một lượng lớn khách tham quan và nhận được sự đánh giá cao của các nhà nghiên cứu, bạn bè đồng nghiệp. Tiếp nối sự thành công của chuyên đề, vào ngày 30/08/2023 Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ sẽ tiếp tục phối hợp với Bảo tàng Bà Rịa – Vũng Tàu khai mạc trưng bày chuyên đề “Tục ăn trầu” tại Bảo tàng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nhân kỷ niệm 78 năm Ngày Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 – 2/9/2023). Chuyên đề đón khách tham quan từ ngày 30/8/2023 đến hết ngày 31/10/2023. Trân trọng kính mời quý khách đến thưởng lãm.
Võ Cư – Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ